Friday, February 18, 2011

NGHĨA TRANG BÌNH HƯNG HÒA ĐÓNG CỬA : MỘ PHẦN ĐI VỀ ĐÂU ?

Đỗ Bá
Thứ sáu, 18/02/2011, 15:44(GMT+7)

GiadinhNet - Nghĩa trang Bình Hưng Hòa tại TPHCM với khoảng 100.000 ngôi mộ đã được lệnh đóng cửa từ ngày 15/2/2011.
Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết về việc di dời số mộ khổng lồ này để biến khu đất rộng khoảng 60ha thành khu dân cư phức hợp, công viên… chưa được công bố rộng rãi khiến nhiều người lo lắng.

Vẫn chờ thông tin chính thức

Thông tin đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã có từ năm 2008. Vào thời điểm này, Bình Hưng Hòa có khoảng 70.000 ngôi mộ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chính quyền TPHCM vẫn không thực hiện được kế hoạch và vẫn để “quần thể” nghĩa trang Bình Hưng Hòa hoạt động đến nay. Trong 2 năm qua, người dân sống lân cận nghĩa trang và người thân của những người quá cố an táng tại đây phải “kẻ vui người buồn” lẫn lộn do thông tin “lúc đóng lúc không” của chính quyền. “Tương lai” của người sống và người quá cố tại Bình Hưng Hòa có được giải quyết dứt điểm sau ngày 15/2 hay không?

Chiều 15/2, PV Báo GĐ&XH đến Văn phòng quản trang trên đường Tân Kỳ-Tân Quý, nơi tiếp xúc giải quyết nhu cầu chôn cất của người dân, một nhân viên tên Hồng cho hay hiện không thể thông tin gì vì chưa có thông báo chính thức việc đóng cửa nghĩa trang? Tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa gần Văn phòng quản trang tình trạng cũng tương tự. Tuy nhiên, khi hỏi “Từ sáng đến giờ Trung tâm vẫn hoạt động bình thường?”, chúng tôi nhận được cái gật đầu từ một nhân viên Trung tâm!

Trong khi đó, người dân sống quanh khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa thì tỏ ra hồ hởi phấn khởi. “Đóng cửa rồi. Báo đài đưa tin rồi mà. Kỳ này chắc đóng cửa thiệt rồi đó”, ông Lợi, người dân sống gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa nói chắc. Ông Lợi cũng nói thêm nếu khu vực nghĩa trang được đóng cửa, di dời giải tỏa thì cả khu vực Bình Hưng Hòa này sẽ mừng lắm. “Có điều cũng khó lắm đó. Mộ nhiều quá mà. Đóng cửa thì tui nghĩ đơn giản nhưng di dời là phức tạp à chú à. Thiệt cũng chưa biết chắc thế nào!”.

Cũng trong chiều 15/2, chúng tôi gặp vợ chồng anh Lê Thành Danh (quận 10) vào thăm mộ bố tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Anh chị Danh cho biết cũng đã nghe thông tin đóng cửa và di dời nghĩa trang. Anh Danh nói: “Hồi năm 2008 chúng tôi lo lắng việc di dời mộ ông cụ sau thông tin thành phố đóng cửa di dời nghĩa trang.

Sau đó lại thôi. Bây giờ chúng tôi lại lo lắng tiếp nhưng cũng chưa biết chắc chuyện di dời thế nào. Hồi đó di dời còn dễ, bây giờ đất đai khan hiếm đắt đỏ hơn nữa nên nỗi lo của gia đình chúng tôi cũng tăng theo”. Tâm lý của vợ chồng anh Danh cũng là tâm lý chung của hàng trăm ngàn gia đình có người thân đang được táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Một kế hoạch chi tiết việc di dời là điều họ đang quan tâm muốn biết.

TPHCM hết nghĩa trang?

Theo thống kê từ Cục Thống kê TPHCM, mỗi năm địa phương này sẽ có khoảng 40.000 người chết. Với khoảng 80% số người chết có nguyện vọng được táng tại TPHCM, nếu tính bình quân một ngôi mộ là 1,5m2, thì mỗi năm thành phố cần khoảng 48ha đất dùng để làm nghĩa trang. Theo đó, đến năm 2020 nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang của thành phố là khoảng 480ha.

Trên thực tế, các nghĩa trang Gò Dưa (Q.Thủ Đức), Đa Phước (H.Bình Chánh), Bình Khánh (H. Cần Giờ) đến thời điểm này đã hết đất. Nay đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa đóng cửa, có thể nói TPHCM đã hết... nghĩa trang! Thực trạng này khiến thời gian qua TPHCM xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu cơ, “lướt sóng” đất nghĩa trang.

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó giám đốc chi nhánh công ty Chánh Phú Hoà tại TPHCM, chủ đầu tư nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng (Bình Dương) cho hay, khu I tại nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng dành cho người có thu nhập thấp có giá từ 15 - 20 triệu đồng/mộ diện tích 5,3m². Khu B dành cho người có thu nhập cao giá hơn 188 triệu đồng/mộ diện tích 12,6m². Một trong những khu vực “sang” nhất là khu vườn tâm linh (khu K), giá lên đến 350 triệu đồng/lô diện tích 81m². “Sau 2 năm hoạt động, đến nay có hơn 500 ngôi mộ có người táng và hơn 2.000 ngôi mộ khác được giới đầu tư mua kinh doanh và người dân mua để dành”, ông Linh tiết lộ.

Với thực trạng trên, để có nghĩa trang cho người “mới” đã là vấn đề của TPHCM, huống chi phải tìm nghĩa trang cho người “cũ” nhằm di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Trong quyết định đóng cửa nghĩa trang Bình Hưng Hòa theo đề xuất của chính quyền quận Bình Tân, UBND TPHCM đã giao chính quyền quận Bình Tân phối hợp cùng các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng phương án di dời hợp lý. Chỉ khi nào phương án này “lộ hình”, số phận nghĩa trang Bình Hưng Hòa mới có câu trả lời cuối cùng.

Đỗ Bá
.
.
.

No comments: