Sunday, February 6, 2011

NGÀNH NÀO SẼ LÀ "VẬT TẾ THẦN" ĐỂ "ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ"? (Nguyễn Hữu Quý)

Nguyễn Hữu Quý
Thứ hai, ngày 07 tháng hai năm 2011

Ngay từ những ngày cuối năm dương lịch, tức là chưa đến tết Nguyên Đán Tân Mão, báo chí đã nói đến “ổn định kinh tế vĩ mô” như là một trong những mục tiêu số 1 của Chính phủ trong năm 2011.

Chẳng cần phải đến chuyên gia kinh tế, hay là những nhà hoạch định chính sách… nhưng nhìn lại năm 2010 vừa qua, “Với mức lãi suất hiện nay 17-18%, thậm chí 20-21%, dù là về lý thuyết lãi suất rất hợp lý…
”[1]; và kết quả là, vào những ngày tết Tân Mão báo đưa tin “Hàng loạt ngân hàng ăn tết lớn” [2], mà theo thống kê, lợi nhuận trước thuế của một số ngân hàng Vietinbank lên tới 4.500 tỷ đồng, Vietcombank thu về 5.400 tỉ đồng tiền lời (sau trích lập dự  phòng) và một loạt kết quả kinh doanh của các ngân hàng như: Techcombank lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.750 tỷ đồng; Eximbank hơn 2.300 tỉ đồng; Sacombank 1.796 tỉ đồng; Đại Dương 691 tỉ đồng; An Bình lãi trước thuế 638 tỷ đồng (kế hoạch 580 tỷ); SHB lãi hơn 600 tỷ đồng; HDBank vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 300 tỷ đồng...

Chỉ cần làm phép cộng của 9 ngân hàng nêu trên, ta đã thấy con số lợi nhuận trước thuế là 18.975 tỷ đồng; đấy là chưa kể con số của hơn 30 Ngân hàng còn lại chưa có số liệu nêu ra; quả thật, nếu nói rằng, doanh nghiệp Việt Nam làm kinh doanh chỉ để nuôi hệ thống ngân hàng có lẽ cũng không phải “chột dạ” cho lắm (?!).

Than ôi, một đất nước mà lãi suất ngân hàng 20-21% là “rất hợp lý”, và chỉ có ngành kinh doanh tiền tệ  (nói t
heo dân đen là cho vay lấy lãi) mới “ăn tết lớn”; thì có lẽ, chỉ có “dân ngu khu đen” mới có giấc ngủ ngon sau một ngày lên rừng kiếm củi (?!).

Với một nền kinh tế, mà chủ yếu là khai thác và bán tháo tài nguyên thô, bỏ quên giới trí thức đã thành bệnh mãn tính (khai thác và bán tháo tài nguyên thô thì cần gì đến trí thức?!), vậy đâu là giải pháp để thực hiện Năm 2011, ổn định kinh tế vĩ mô cần là mục tiêu số 1”?[3]

Điểm lại các “anh tài” trong nước, qua đó để Chính phủ “chọn mặt gửi vàng” ta thấy có mấy ngành sau:

1. Đối với các “con” của Chính phủ, chính là các Doanh nghiệp Nhà nước.

Trong số này, xem ra, chỉ có ngành Dầu khí là anh cả; sau nữa là Viễn thông; còn với ngành điện, nghe đâu còn nợ 24.000 tỷ đồng thì chắc là thua rồi.

2. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Trong số các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, “đáng mặt anh hào” chỉ có mấy ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, bao gồm: May mặc; xuât khẩu thuỷ - hải sản; (nhưng nguyên liệu chủ yếu lại nhập nước ngoài; hoặc đầu vào là từ sản phẩm của nông dân, lợi nhuận qua khâu gia công, chế biến thấp;

Mang tiếng là kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng đời sống công nhân vào những ngày giáp tết Tân Mão, được Việt Báo [4] tường thuật tại một khu công nghiệp (nói chung) tại huyện Đông Anh Hà nội, với những đoạn như sau:

"Thường bữa ăn của bọn em chỉ có rau đậu là chính, một tuần tằn tiện cũng cố cải thiện được 2 – 3 bữa có thêm miếng thịt ngon. Nhưng so với ở quê nhà thì bố mẹ bọn em còn khổ hơn nhiều, mình như thế là hạnh phúc rồi chỉ có tiết kiệm thì cuối tháng mới dư được một hai trăm nghìn gửi về nhà”.
“… cả tuần đậu, rau anh chị ạ! Hiếm hoi lắm mới dám cải thiện bữa thịt.” Mới 19 tuổi đầu sức Hoa không nói ra ai cũng biết cần bổ sung protein để duy trì sức khoẻ làm việc với mức thế nào”.
"… Tạm bợ mãi rồi cũng thành quen, bữa cơm của chúng em chỉ có thế. Sáng mở mắt là vội đi làm, tối xẩm mặt người mới về được đến nhà. Nhiều khi mệt quá nên bọn em chỉ ăn mỳ tôm hay bát cháo rồi đi ngủ cho… lại sức"; Cô lí nhí nói thêm: "Vả lại thu nhập như bọn em nếu không chi tiêu như vậy thì chỉ riêng chuyện tồn tại ở đây đã khó rồi chứ nói gì đến chuyện gửi tiền về quê".

Ta có thể dựa vào những nơi như thế để cứu cánh hoặc trợ giúp cho nền kinh tế?!

Và, đây rồi, chỉ có đám nông dân thấp cổ bé họng là có thể làm cứu cánh như mọi năm; “bài ca không quên” là đây, he he!... XUẤT KHẨU GẠO!

Quả đúng như vậy; nếu ai đã từng đọc những bài đăng trên Bauxite Việt Nam vào tháng 9/2010, mà tác giả Hoàng Kim đề cấp đến sự bất hợp lý, bất công… đối với gần 20 triệu nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu long; thì ta lại thấy, thấp thoáng đâu đây, một lần nữa bà con nông dân nói chung và vùng trũng về văn hoá, giáo dục và đời sống… tại nơi này lại chuẩn bị sẽ là “vật tế thần” cho chính sách “ổn định kinh tế vĩ mô” của Chính phủ.


Tôi viết ra những dòng này là bởi, hôm nay 04 tết Tân Mão, trong mục điểm báo của BA SÀM, có bài viết “Cấp bách ci cách chính sách lúa gạo[5], của tác giả Nam Nguyên, đăng trên RFA; đọc xong bài báo mà không khỏi phẫn nộ đối với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).

Thực lòng, phải đến hơn mười năm nay tôi không mấy khi biết đến giá cả thị trường (trừ một vài loại thuốc lá vì dùng hàng ngày nên tôi biết giá); vừa rồi giáp tết tôi mới hỏi vợ tôi là giá gạo hiện nay là bao nhiêu; và được vợ trả lời là tuỳ loại có giá từ 9.000 đến 22.000 đồng/ kg; để chắc ăn, viết đến đây tôi còn điện thoại tổng đài 1080 hỏi giá, được cô nhân viên trả lời, gạo có ăn được cũng phải từ 13.000 đồng/ kg trở lên; thịt lợn (heo), thịt bò từ 80-130.000 đồng/ kg v.v…

Với giá cả như trên; nghĩ lại, những bữa ăn của công nhân trong các khu công nghiệp chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng; tôi không tưởng tượng được cuộc sống của họ.

Liệu những người này có giúp Chính phủ “ổn định kinh tế vĩ mô”?

Tôi tự hỏi, không biết VFA đã hối lộ các vị cấp trên tới mức nào, mà tiếng kêu của gần 20 triệu nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu long, nơi chủ yếu làm ra hạt gạo xuất khẩu của nước nhà, đưa Việt Nam trở thành “cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”, như đang chìm ngập trong tội ác đâu đây?

Cũng trong này 04 tết, mục điểm báo của BA SÀM đưa bạn đọc đến với Blog của Nguyễn Văn Tuấn; và trong bài “Ghi chép cuối năm 8: Bức tranh ảm đạm của nông thôn miền Tây [6], tác giả cho người đọc các số liệu:
- Gần 7% người trên 15 tuổi (tức gần 1 triệu người) chưa đi học;
- 27% (4.5 triệu người) chưa tốt nghiệp tiểu học;
- Tỉ lệ sinh viên trên 10,000 dân là 71.5, thấp nhất nước. Như vậy toàn vùng ĐBSCL chỉ có 121,500 sinh viên.

Và ở cuối bài, tác giả viết:

Chả thế mà vùng đất vốn mang tiếng "thừa gạo", nhưng lại bị thiệt thòi hầu như trên mọi mặt, thua kém các vùng khác trên hầu hết mọi chỉ số về kinh tế và xã hội.  Thực ra, đối với phần đông bà con vùng ĐBSCL, hai chữ "thừa gạo" là một sỉ nhục. Theo một nghiên cứu gần đây của trường đại học Cần Thơ, khoảng 60% dân số thiếu gạo ăn từ 4 tới 5 tháng.  Hơn ba phần tư dân chúng vẫn còn ở nhà tranh vách lá.  Thu nhập quân bình của bà con trong vùng cũng thấp hơn cả nước và không theo đuổi kịp lạm phát. (phần tô đậm là tôi nhấn mạnh).

Đọc lại các thông tin trên 247.com [7] từ những năm 2007, với các dòng:
- 27/12, 68 cô gái bị phát hiện đang xếp hàng chờ ra mắt 5 người đàn ông Hàn Quốc, trong đó 1 người chọn vợ, 4 người tư vấn.
- 5/10, cơ quan chức năng đã ngăn chặn khoảng 20 cô gái đang được "xem mặt" để lấy 1 ông chồng Hàn bị liệt. (phần tô đậm là tôi nhấn mạnh)
- 16/10, lực lượng phòng 7, C14B đã bắt quả tang 2 môi giới đang đưa hơn 50 cô gái trẻ (từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ) để 2 người đàn ông Hàn Quốc xem mặt chọn vợ.(phần tô đậm là tôi nhấn mạnh)
- 161 cô gái Việt xếp hàng cho 6 người Hàn tuyển… vợ (Hầu hết các cô gái trẻ có mặt tại ngôi nhà trên để các đàn ông Hàn Quốc tuyển vợ, đều đến từ các tỉnh miền Tây. Nếu được chọn là vợ, mỗi cô gái sẽ được trả… 3 triệu đồng, sau đó được làm thủ tục sang Hàn Quốc làm dâu).

Vậy, đâu là nước mắt, đâu là nỗi nhục, và đâu là tội ác?

Để kết thúc, xin mượn một tựa đề một bài báo trên vietnamnet: VIỆT NAM ƠI, TẠI SAO?

Khuya 04 tết Tân Mão (06.02.2011)

----------------------------------------------------------------

Bài tham khảo:

1. Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm: DN không chịu nổi lãi suất

2. Hàng loạt ngân hàng “ăn tết lớn”

3. “Năm 2011, ổn định kinh tế vĩ mô cần là mục tiêu số 1”

4. Bữa ăn thời bão giá

5. Cấp bách cải cách chính sách lúa gạo

6. Ghi chép cuối năm 8: Bức tranh ảm đạm của nông thôn miền Tây

[7] Gái Việt xếp hàng cho chồng Hàn tuyển vợ


------------------

.
.
.

No comments: