Saturday, February 12, 2011

HỦY THIÊU SỢ HÃI (Thomas L. Friedman)


Nguồn: Thomas L. Friedman, Speakers’ Corner on the Nile (New York Times, Feb. 07, 2011).

Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
11.02.2011

Một cậu bé Ai cập phất cờ quốc gia trước nhóm người biểu tình chống chính quyền Mubarak tại Quảng trường Tahrir, Cairo, Ai cập, thứ Ba, ngày 8 tháng 2 năm 2011. (AP Photo/Tara Todras-Whitehill)

Từ Cairo, Ai Cập. – Tôi đang ở Quảng trường Tahrir và trong tất cả mọi sự kinh hoàng người ta có thể nhìn thấy ở đây, điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là một ông già rậm râu chạy lên chạy xuống, la đến khản cổ: “Tôi tự do! Tôi tự do!” Bu quanh ông là những người Ai Cập thuộc đủ lứa tuổi, kể cả một bà mặc y phục kín mít chỉ hở hai con mắt, và tất cả đều cầm điện thoại di động chụp hình hay quay phim ông già này, quyết ghi lại những gì có thể không bao giờ xẩy ra nữa.

Trong bốn mươi năm viết về Trung Đông, tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy những gì như đang xẩy ra tại Quảng Trường Tahrir. Tại một vùng mà sự thật và những người nói sự thật từ lâu vẫn bị ngộp thở bởi sức đè của dầu hỏa, chế độ chuyên quyền và chính sách ngu dân, bỗng nhiên thế giới Ả Rập có một không gian tự do thực sự — một không gian không do quân đội nước ngoài, mà do chính người Ai Cập giải phóng – và bây giờ sự thật tuôn ra từ nơi đây giống như dòng chảy từ một ống nước bị bể.

Những gì người ta có thể nghe được trong khi đi quanh đây đều là những hy vọng hằng bị dồn nén, những khao khát và bực bội của người dân Ai Cập trong 50 năm qua. Tôi biết là các chuyên viên ngành “thực tế” tin rằng tất cả những điều này sẽ sớm bị dẹp. Có thể sẽ như vậy. Nhưng trong khoảnh khắc sáng ngời, hãy quên các chuyên viên và chỉ nghe. Trước đây các bạn chưa từng được nghe như thế. Nó là âm thanh của một dân tộc đã bị bịt miệng quá lâu, cuối cùng đã tìm thấy, thử giọng và vui mừng giọng nói của chính mình.

Hosam Khalaf, một kỹ sư 50 tuổi chận tôi lại và nói: “Tôi nhận được một thông điệp từ Tunis. Và thông điệp đó là: “Đừng đốt cháy bản thân anh (1); hãy đốt cháy sự sợ hãi trong người anh. Đó là điều xẩy ra ở đây. Đây từng là một xã hội sợ hãi, và sự sợ hãi đã bị thiêu hủy”. Khalaf thêm rằng anh đến đây với vợ và con gái anh vì một lý do: “Khi gặp Thượng Đế, ít nhất chúng tôi có thể nói: ‘Chúng tôi đã cố làm một cái gì’”.

Toàn thể những gia đình Ai Cập vui mừng xử dụng quyền tự do phát biểu tại Quảng trường Tahrir, thứ Năm, ngày 10 tháng 2, năm 2011. Họ tin rằng họ đang tạo dựng một chương sử mới (Nguồn: CBS/Erin Lyall George)

Đây không phải là một biến cố tôn giáo, và nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo không đứng ra tổ chức. Đây là một biến cố của người Ai Cập. Đây là thế mạnh và cũng là thế yếu – không có ai chỉ huy và mọi người trong xã hội có mặt ở đây. Bạn nhìn thấy những cô gái trong y phục hợp thời trang ngồi với những bà trùm khăn kín. Bạn nhìn thấy những cha mẹ đẩy xe con nhỏ mang biểu ngữ “Mubarak phải ra đi”. Bạn nhìn thấy những sinh viên mặc quần bò và những nông dân mặc áo thụng. Ý muốn mãnh liệt được quyền định đoạt tương lai của họ là điều đã đoàn kết họ.

Remon Shenoda, một kỹ sư nhu liệu nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có thể công khai nói ra điều tôi nghĩ. Và điều phổ biến ở đây là người nào cũng muốn nói một cái gì”.

Thật vậy, có một cảm nhận mạnh mẽ về sự tước đoạt ở đây, đó là chế độ này và những tay chân của nó, không phải chỉ tước đoạt của cải, mà còn tước đoạt điều quý báu hơn nhiều: đó là tương lai của cả một thế hệ người Ai Cập, những người đã không được bồi dưỡng hay cung ứng bất cứ một viễn kiến hào hùng nào để xứng đáng với nền văn minh vĩ đại này.

Mohamed Serag, một giáo sư tại Đại học Cairo nói rằng: “Toàn dân Ai Cập tin rằng đất nước họ là một xứ sở vĩ đại với nguồn gốc lịch sử sâu xa, nhưng chế độ Mubarak đã phá tan phẩm giá của chúng tôi trong thế giới Ả Rập và trên toàn thế giới”. Cũng xin nói thêm, tất cả mọi người ở đây đều muốn cho bạn biết tên của họ, và nhắc bạn phải đánh vần cho đúng. Vâng, sự sợ hãi không còn nữa.

Lưu tâm về chế độ giáo dục công lập lạc hậu của Ai Cập tùy thuộc quá nhiều vào sự lập lại, một cô gái mang một biểu ngữ hối thúc Mubarak ra đi sớm. Biểu ngữ viết: “Rút ngắn lại. Đây là lịch sử, và chúng tôi sẽ phải học thuộc lòng tại trường”.

Có đầy than vãn. Một bà già bịt khăn la lớn rằng ba con gái của bà tốt nghiệp đại học thương mại, mà chẳng cô nào kiếm được việc. Khắp nơi có biểu ngữ chất vấn Mubarak, vốn là tư lệnh Không Quân, với những câu hỏi như: “Này, ông Phi công, kiếm được 17 tỷ đô la ở đâu vậy?”

Hầu như bạn không bao giờ thấy chữ “Do Thái”, và hình ảnh những “tử đạo” dán đầy chung quan quảng trường là những gì rất ít thấy trong thế giới Ả Rập – những người Ai Cập hy sinh trong khi chiến đấu cho tự do của chính họ, không phải chống Do Thái.

Khi bạn vào quảng trường bây giờ, một hàng người tình nguyện xét căn cước của bạn, một người khác khám xem bạn có võ khí không, rồi bạn bước qua một hàng dài người đeo găng vỗ tay và hát những bài chào mừng của Ai Cập.

Thú thật, trong khi đi qua, có một trận đấu diễn ra trong đầu tôi. Lý trí bảo tôi: “Hãy tỉnh táo – nên nhớ, đây không phải là nơi có hậu vận tốt. Chỉ có kẻ xấu thắng ở đây”. Nhưng hai mắt bảo tôi: “Hãy nhìn và ghi chép. Đây là chuyện hoàn toàn mới”.

Đây là một trận đấu và cũng là cuộc thương lượng vĩ đại giữa một bên đã thấm mệt nhưng hãy còn quyền lực, là cuộc cách mạng Ai Cập do Quân đội lãnh đạo năm 1952 từ trên xuống và một bên là cuộc cách mạng vang động, mới, nhưng xáo trộn, năm 2011, do nhân dân lãnh đạo từ dưới lên – không có súng nhưng đầy chính nghĩa.

Tôi hy vọng những người chống đối tại Quảng trường Tahrir có thể tổ chức đủ để thương lượng với quân đội cho một hiến pháp mới. Sẽ có những trì trệ và thất bại. Nhưng dù chuyện gì xẩy ra, họ cũng đã thay đổi Ai Cập.

Sau khi chúng tôi đi từ Quảng trường Tahrir qua cầu sông Nile, Giáo sư Mamoun nói có một bài thơ cổ Ai Cập, rằng: “’Sông Nile có thể uốn và rẽ, nhưng điều không thể là nó không bao giờ cạn’. Dòng sông tự do cũng như vậy, hiện đang vỡ bờ ở đây. Tuy bạn có thể uốn hay rẽ nó trong một lúc, nhưng nó sẽ không cạn”.

 (1). Cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Ben Ali tại Tunisia bắt đầu ngày 17 tháng 12, 2010 bằng vụ tự thiêu của anh bán rong trái cây Mohamed Bouazizi.
.
.
.

No comments: