Monday, February 21, 2011

HỘI LUẬN : VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU TRONG TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA & PHẢI LÀM GÌ ?

Dân Luận
Thứ Năm, 24/02/2011

Trong thời gian gần đây, trên Dân Luận đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh các chủ đề như: điểm mạnh và điểm yếu của đối lập dân chủ, vai trò của tổ chức trong sự thành công của tiến trình dân chủ hóa, và trí thức Việt Nam cần làm gì trong tình hình hiện nay v.v..., mà phần lớn các cuộc thảo luận này xuất phát từ bài viết của các tác giả thuộc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN). Vì thế, chúng tôi đã ngỏ lời mời Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tới trao đổi trực tiếp cùng độc giả Dân Luận, và dẫn đến việc hai bên đã thống nhất tổ chức một cuộc hội luận mang chủ đề: "Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và cuộc vận động dân chủ: Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình dân chủ hóa và phải làm gì?". Chúng tôi tin rằng, trong tình hình các cuộc cách mạng dân chủ đang diễn ra dồn dập tại Trung Đông, kèm theo các biến động kinh tế - xã hội liên tiếp diễn ra tại Việt Nam, chủ đề của cuộc hội luận lần này sẽ thu hút được nhiều độc giả quan tâm.

Cuộc hội luận lần này, bắt đầu từ ngày 21/2/2011, vẫn sẽ theo hình thức hỏi đáp 2 vòng như đối với cuộc hội luận cùng đại diện Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân) trước đây. Trước hết, xin mời độc giả Dân Luận tham khảo bài viết tự giới thiệu của THDCĐN phía dưới đây, và sau đó mời mọi người đặt các câu hỏi vòng Một tới THDCĐN. Ban Biên Tập Dân Luận sẽ lựa chọn 10 câu hỏi trong đó để chuyển tới đại diện của THDCĐN vào ngày Thứ Ba 01/03/2011.

Xin gửi tới độc giả Dân Luận danh sách những người bên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ tham gia hội luận lần này:
1. Nguyễn Gia Kiểng, 68 tuổi, Thường Trực Ban lãnh Đạo THDCĐN
2. Đoàn Xuân Kiên, 62 tuổi, phụ tá Thường Trực BLD THDCĐN
3. Việt Hoàng, 41 tuổi, doanh nhân tại Nga
4. Nguyễn Gia Dương, 42 tuổi, chuyên viên kinh tế tài chính, thành viên BLD THDCĐN
5. Sơn Dương, 58 tuổi, cựu sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến quân lực VNCH, nhà báo, thành viên BLD THDCĐN
6, Hoàng An Việt, 40 tuổi, Kỹ sư Công Chánh, Biên Tập Viên – Khối Truyền Thông THDCĐN
______________________________

SƠ LƯỢC VỀ TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN

Quá trình thành lập và hoạt động
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ra đời tháng 11 năm 1982 tại Paris, do một nhóm trí thức xuất phát từ miền Nam. Nhóm khởi đầu gồm mười người trong đó có ba cựu bộ trưởng Việt Nam Cộng Hoà, một cựu thứ trưởng, ba tổng giám đốc hoặc cao hơn, một giáo sư đại học và hai chuyên gia. Đặc điểm của nhóm là, khác với các tổ chức chống cộng lúc đó, đa số các thành viên của nhóm đã ở lại Việt Nam sau ngày 30/4/1975 và đã qua các trại tập trung cải tạo dưới chế độ cộng sản trước khi được trả tự do và ra nước ngoài sau một thời gian được sử dụng làm chuyên gia dưới chế độ cộng sản. Thời gian sống và làm việc dưới chế độ cộng sản cũng đã khiến họ kết bạn với nhiều nhân vật của chế độ cộng sản mà sau này sẽ trở thành chí hữu hoặc thân hữu của THDCĐN, như trường hợp giáo sư Nguyễn Bá Hào, vào Nam để tiếp quản hệ thống tin học của miền Nam, hay ông La Văn Liếm, tức Tám Lâm, tiếp quản hệ thống ngân hàng, hay ông Nguyễn Hộ, phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc và Công Đoàn phụ trách khu vực phía Nam. Kinh nghiệm trực tiếp dưới cả hai chế độ đã khiến họ cùng chia sẻ một nhận định là phải thay đổi hẳn quan niệm hoạt động chính trị. Cuộc đấu tranh mới không thể là sự tiếp nối cuộc xung đột trước 1975 mà phải nhắm mục đích duy nhất là dân chủ hoá đất nước và, do đó, đòi hỏi một dự án chính trị mới, một thái độ mới, một cách suy nghĩ mới và những phương thức đấu tranh mới.

Nhóm này đã quyết định dành trọn hai năm để chỉ mổ xẻ mọi vấn đề của đất nước hầu đi đến những kết luận chung được đúc kết thành văn bản trước khi bắt đầu hoạt động thực sự. Năm 1984, họ hoàn tất tài liệu đó, được đặt tên là Cơ Sở Tư Tưởng. Lập trường căn bản của tổ chức là đấu tranh thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên trong tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc bằng những phương thức bất bạo động. Sau thời gian này nhóm tiếp nhận thêm một số thành viên mới trong đó có ông Ngô Đình Luyện cựu đại sứ và cố vấn chính trị VNCH, ông Lê Văn Đồng tức Tùng Phong, cựu bộ trưởng VNCH và tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam, một cựu đại tá không quân VNCH, hai cựu giáo sư đại học Sài Gòn trong đó có một người đến từ hàng ngũ cộng sản ly khai sau 1975, và một số cựu sĩ quan Quân Lực VNCH. Ngược lại một số thành viên ban đầu rời tổ chức và trở thành thân hữu sau khi tổ chức nhận định là cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ rất dài và khó khăn. Một sự kiện quan trọng trong thời gian này là Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do, một tổ chức rất đông đảo và được nhiều cảm tình lúc đó sau một thời gian tiếp xúc đã quyết định tự giải thể để gia nhập vào nhóm. Sau đó nhóm đã lập ra một cơ cấu tổ chức với hai ban tổ chức và chính trị. Tổ chức đã có mặt tại khắp Tây Âu và tại Bắc Mỹ, một số cơ sở tại Việt Nam cũng đã hình thành. Từ năm 2000 có thêm phân bộ Đông Âu.

Năm 1988 tổ chức cho phát hành nguyệt san Thông Luận. Tờ báo đã lập tức gây thảo luận sôi nổi và từ đó tổ chức được công luận gọi là "nhóm Thông Luận", mặc dù trên thực tế nó chưa có danh xưng chính thức. Nhờ lập trường hoà giải và hoà hợp dân tộc tổ chức đã được sự ủng hộ nồng nhiệt của các trí thức tiến bộ trong nước, nhiều người còn đang có mặt trong guồng máy nhà nước cộng sản. Tờ báo vẫn phát hành đều đặn cho tới nay, sau 23 năm.

Từ 1996 THDCĐN có thêm một cơ quan ngôn luận mới: báo điện tử Thông Luận. Trang báo điện tử này liên tục bị công an đánh phá. Trong năm 2010 gần một triệu người đã thăm viếng trang Web này. Nhiều bài của báo điện tử Thông Luận cũng đã được các báo điện tử khác tiếp tay phổ biến.

Năm 1993 một chi bộ thanh niên trong nước cho phát hành tờ báo nhỏ Thao Thức nói lên nguyện vọng của sinh viên và học sinh. Sau vài tháng có dấu hiệu công an bắt đầu tỏ ra có khả năng phát hiện những người chủ xướng, tổ chức quyết định đình bản tờ Thao Thức để bảo toàn lực lượng.

Trước ngưỡng cửa năm 2000, ngày 19-12-1999, một đại hội thành viên đã biểu quyết chọn danh xưng chính thức là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, danh xưng tiếng Anh là Rally for Democracy and Pluralism, tiếng Pháp là Rassemblement pour la Démocratie Pluraliste. Cả hai danh xưng tiếng Pháp và tiếng Anh đều viết tắt là RDP. Sự ra mắt công khai với danh xưng chính thức này tiếp theo và là hậu quả của một cố gắng không thành. Từ giữa năm 1999 tổ chức kết hợp các thành phần dân chủ Việt Nam dự định công bố Kết Ước 2000 như là tuyên cáo của lực lương dân chủ Việt Nam. Dự án này bị đình chỉ sau khi không đạt được đồng thuận giữa những người dân chủ, dù được một đa số tương đối ủng hộ. Một số thân hữu và thành viên THDCĐN vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng nên công bố Kết Ước 2000 vào thời điểm đó.

Trong đợt đàn áp năm 2002 sau đại hội 9 những người dân chủ bị bắt và kết án tù phần lớn là thân hữu của THDCĐN và bị cáo buộc là hợp tác với Tập Hợp.

Từ tháng 9-2007 THDCĐN hợp tác với một số anh em dân chủ trong nước phát hành bán nguyệt san Tổ Quốc, mặc dù bị sách nhiễu và đàn áp liên tục tờ báo ra đều đặn cho tới nay và là kết hợp dân chủ công khai duy nhất vẫn còn tiếp tục hoạt động trong nước. Tập san Tổ Quốc được sự hợp tác của nhiều đảng viên cộng sản từng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Ngoài hoạt động chính trị Tập Hợp tiếp tay cho nhiều tổ chức văn hoá và thiện nguyện và cũng đã thành lập, từ năm 1993, Nghĩa Hội Tự Do Việt Nam với mục đích hỗ trợ tinh thần và vật chất cho những tù nhân chính trị và, một cách rộng hơn, cho mọi người đang mắc nạn vì dân chủ tại Việt Nam.

Lập trường, nhân sự và phong cách sinh hoạt

Là một kết hợp hoàn toàn hướng về tương lai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên qui tụ những người Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi, mọi quá khứ chính trị và mọi cương vị, trong cũng như ngoài nước. Trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hiện nay, có những người từng là viên chức, sĩ quan của miền Nam và cũng có những người đã có hàng chục tuổi đảng cộng sản và đã giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ cộng sản. Tập Hợp cũng đã tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của nhiều thân hữu đang giữ những chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước cộng sản. Các thân hữu này giúp Tập Hợp có cái nhìn chính xác về hiện tình đất nước đồng thời cũng là một bảo đảm cho một chuyển hoá hoà bình và liên tục của đất nước về dân chủ sau này.

Lập trường chính trị của Tập Hợp được trình bày đầy đủ trong Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên được liên tiếp tu chỉnh. Văn bản hiện nay của dự án là Thành Công Thế Kỳ 21 (http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=Content&pa=showpage&pid=7) phổ biến năm 2001. Một văn bản mới sẽ được phổ biến trong năm 2011.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tiêu biểu cho một khuynh hướng chính trị. Đây là kích thước quan trọng nhất của Tập Hợp. Lập trường của Tập Hợp đã gặp nhiều chống đối lúc ban đầu nhưng dần dần đã đi vào lòng người. Hiện nay, ngoài một số đảng viên cộng sản bảo thủ không còn người Việt Nam nào phản bác thể chế dân chủ đa nguyên.
Tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc mà Tập Hợp đơn độc bảo vệ trong nhiều năm, nói chung, cũng đã được chấp nhận, dù là đôi khi qua những thuật ngữ khác. Chủ trương đấu tranh cho dân chủ bằng phương thức bất bạo động cũng đã trở thành một đồng thuận của mọi người dân chủ Việt Nam. Phần lớn các tổ chức chính trị đã đi đến một lập trường rất gần với lập trường của Tập Hợp. Điều đặc sắc là do những đóng góp về tư tưởng chính trị của nó Tập Hợp được nhìn như là những người chủ xướng dân chủ đa nguyên, được đồng hoá với tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc và được coi là những người chủ trương bất bạo động thành thực nhất. Tập Hợp vừa là một tổ chức chính trị vừa là một khuynh hướng chính trị. Chính vì thế mà Tập Hợp có sự tỏa rộng mà một tổ chức bình thường không có. Tập Hợp là một tổ chức chính trị mà số thân hữu và cảm tình viên đông gấp bội số thành viên. Nhiều người tuy không tiếp xúc với Tập Hợp vẫn ủng hộ Tập Hợp chỉ vì ủng hộ khuynh hướng chính trị mà Tập Hợp là hiện thân. Ngược lại, một số người tuy không biết Tập Hợp cũng chống Tập Hợp vì chống khuynh hướng đó. Trong đấu tranh chính trị, sự kiện được coi là tiêu biểu cho một khuynh hướng chính trị được hàng triệu người chia sẻ là một ưu thế lớn, bởi vì khi thời cơ đến ưu thế đó sẽ là một sức mạnh quyết định.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đề ra một phong cách sinh hoạt chính trị khác. Tập Hợp không coi trọng cơ chế, thứ bậc, không có những tài liệu pháp qui phức tạp. Tập Hợp được xây dựng trên tình anh em, tình chí hữu. Nó là một kết nghĩa vì lý tưởng và vì lòng yêu nước. Sức mạnh và sự gắn bó của THDCĐN là ở chỗ nó có một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị cho đất nước. Chính vì vậy mà tuy đã hình thành từ hơn 28 năm, nó vẫn cởi mở như một tổ chức đang ở trong giai đoạn thành lập. Phong cách sinh hoạt này không ngăn cản Tập Hợp sinh hoạt một cách đồng bộ và kỷ luật. Ý thức rằng sự thiếu vắng của một tư tưởng chính trị và một nhân sự chính trị đã là hai nguyên nhân chính của những thảm kịch trong quá khứ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho tới nay hoạt động như một môi trường đào tạo cán bộ và một phòng thí nghiệm tư tưởng. Chọn lựa này không ngăn cản Tập Hợp có những hoạt động cụ thể.

THDCĐN hiện có phân bộ ở mọi nước Tây Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc và một phân bộ Đông Âu. Mỗi phân bộ có một Ban Thường Trực đứng đầu là một chủ tịch đại diện tổ chức tại nước sở tại. Ở cấp trung ương Ban Lãnh Đạo là cơ quan có mọi thẩm quyền. Văn Phòng Ban Lãnh Đạo có vai trò của một ban chấp hành dưới sự điều khiển của một Ủy Viên Thường Trực Ban Lãnh Đạo do Ban Lãnh Đạo đề cử và được toàn thể thành viên bầu qua đầu phiếu phổ thông. Thường Trực hiện nay là Nguyễn Gia Kiểng, một trong những sáng lập viên của tổ chức.
.
.

.

No comments: