Saturday, February 5, 2011

HOAN HÔ CHẾ ĐỘ APARTHEID (Hoàng Việt)

Hoàng Việt
Đăng ngày 05/02/2011 lúc 07:33:38 EST

Chắc quý vị không khỏi ngạc nhiên khi tôi nói “Hoan hô chế độ Apartheid”. Tôi không điên và cũng chưa lẩm cẩm. Tôi thường hay đọc các sách về chính trị, về con đường đi tìm tự do của các dân tôc khác và từ đó liên hệ với đất nước mình. Với tất cả lòng nhiệt thành của mình tôi cố gắng giãi bầy trên một vài trang giấy hòng đóng góp một phần rất nhỏ bé của mình vào công cuộc đi tìm tự do của dân tộc ta. Một thí dụ hùng hồn nhất, một mẫu mực nhất của sự hòa giải dân tộc trên trái đất này chính là trường hợp Nam Phi. Nam phi cũng là một thí dụ hay nhất của lòng quả cảm, của cuộc đấu tranh bền bỉ nhất vì tự do và dân chủ. Tôi đọc rất nhiều sách báo của người Việt trong ngoài nước, nhưng có rất ít bài nói về Nam Phi. Thật là một thiếu sót, trong khi chúng ta đang cần có một bài học tương tự.

Tôi không định làm một luận án về Apartheid ở đây, nhưng để hiểu rõ về Chủ nghĩa Apartheid, tôi cần phải nói qua về thành phần dân số của Nam phi khi Chủ nghĩa Apartheid được áp dụng ở Nam phi từ năm 1948.

1. Người da trắng gốc châu Âu nhập cư từ 1652 chiếm khoảng 21% dân số.
2. Người Ấn khoản 3 %
3. Nguời lai da mầu khoảng 9 %
4. Người da đen khoảng 67 %.

Chủ nghĩa Apartheid xoay quanh việc phân biệt đối xử trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, địa lý theo thứ tự ưu tiên phân chia dân số nêu trên. Thực ra khi chủ nghĩa Apartheid được áp dụng triệt để thì các thành phần dân số 2, 3, 4 đều có chung một số phận. Từ Apartheid là một từ mới thể hiện một ý nghĩa cũ có từ gần 3 thế kỷ ở Nam phi. Nói tóm tắt là sự phân biệt đối sử, phân biệt chủng tộc. Từ đó có nghĩa đen là “riêng ra” (A part, separation: tiếng Pháp). Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Apartheid là người da trắng thuộc giống người cao cấp hơn người Ấn, người da mầu, người da đen. Chính Nhà thờ Tin lành Cải cách Hà Lan đã ủng hộ và cung cấp nền tảng tôn giáo cho Chủ nghĩa Apartheid dựa trên thuyết Tiền định của Calvin, theo đó con người đã được Chúa cho trước một định mệnh, một số kẻ xuất chúng sẽ được lãnh đạo thế giới, những kẻ còn lại phải phục tùng. Do vậy đa số người da trắng (vô tình hay hữu ý) đã tin rằng Chúa đã giao cho họ định mệnh lãnh đạo đất nước Nam phi. Thực chất Chủ nghĩa Apartheid không có dính líu gì đến chủ nghĩa Phát- xít hay Nazi. Nhưng nó chính là cái nôi của chủ nghĩa Phát xít sau chiến tranh thế giới thứ hai. Có nhiều câu hỏi mà sau khi đọc và nghiên cứu nhiều tài liệu tôi mới rút ra được câu trả lời. Chẳng hạn như câu hỏi: Tại sao Chủ nghĩa Apartheid kinh tởm như vậy? Cả loài ngừoi phỉ nhổ mà nó lại có thể tồn tại lâu như thế? Nó chỉ chết hẳn vào năm 1994 (Xin xem hồi sau sẽ rõ ).

Trở lại với Nam phi sau Đại chiến thế giới thư II. Để tránh nhầm lẫn, khi tôi nói đến bầu cử ở đọan này là nói đến bầu cử mà chỉ có người da trắng đuợc tham gia. Năm 1948, trong cuộc bầu cử ở Nam phi, có 2 đảng chính đối lập nhau tranh cử:

1. Đảng Liên hiệp (United Party, đảng đang nắm quyền) do tướng Smuts đứng đầu. Đảng này đã đứng về phe đồng minh chống phát xít trong đại chiến thế giới thứ II;
2. Đảng quốc gia (National party), một thứ đảng phản động đã công khai đứng về phía Phát xít Đức. Đứng đầu đảng là Daniel Malan, một cựu cha cố của Nhà thờ tin lành cải cách Hà Lan. Chúng ta có thể tham khảo một số khẩu hiệu của đảng này khi tranh cử: “Swart Gevaar” (Hiểm họa đen), “Die kaffer op sy plek” (Bọn đen về chỗ của chúng), “Die Koelies vit die land” (Tống cổ bọn Ấn đi).

Trớ trêu thay đảng Quốc gia lại thắng cử và từ đó trở đi, trong thế giới hiện đại, Nam phi trở thành nổi tiếng với chủ nghĩa Apartheid, chìm đắm trong bạo loạn, hận thù, khủng bố, đàn áp. Một cơn ác mộng của loài người. Sự phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc theo mầu da đã có từ gần 3 thế kỷ, nay đựoc nhân lên gấp bội với những đạo luật, chính sách nhiều khi ra khỏi sức tưởng tượng của con người. Chủ nghĩa Apartheid là một thứ chủ nghĩa vô cùng tệ hại, bất công, phi lý. Người da trắng (thiểu số) có tất cả: quyền lực và tài sản … trong khi đó người da mầu không có gì hết, bị đàn áp, bị miệt thị ngay trên chính đất nước của họ. Có lẽ tôi không cần phải nói đến mức độ tàn bạo hay tội ác của chủ nghĩa Apartheid đã từng được liệt vào tội ác chống nhân loại. Các bạn cũng có thể biết nhiều rồi. Tôi chỉ muốn nêu trong bài viết này một số “ưu việt” của Chế độ Apartheid mà có thể các bạn chưa biết. Đây chỉ là một số chi tiết mà tôi lượm lặt được trong cuốn Long road to freedom (Con đường dài dẫn đến tự do)” của Nelson Mandela. Các bạn có thể kiểm chứng. Tôi hoàn toàn không bịa đặt. Hơn nữa đây là cuốn sách mà ông viết để lên án chế độ Apartheid.
Nói là “ưu việt” là để so sánh với cái chế độ ưu việt mà chúng ta đang được “hưởng”, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại.
Từ khi chủ nghĩa Apartheid được áp dụng triệt để ở Nam phi (1948), tổ chức chống chủ nghĩa Apartheid mạnh mẽ nhất, lâu đời nhất và có hiệu quả nhất là ANC (African National Congres) được thành lập từ năm 1912. Năm 1950 đảng Cộng sản bị cấm, rất nhiều đảng viên cộng sản đã gia nhập ANC hoặc hoạt động trong ANC nhưng vẫn giữ tư cách là đảng viên cộng sản. Có rất nhiều người đã giữ những chức vụ cao cấp trong ANC. Năm 1960 đến lượt ANC và nhiều tổ chức chống chủ nghĩa Apartheid cũng bị cấm triệt để và bị đàn áp mạnh mẽ. Ấy vậy mà ANC vẫn phát triển và phát động được nhiều phong trào quần chúng, tổ chức được nhiều cuộc meeting, biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người. Các thành viên của ANC trong đó có Nelson Mandela nhiều lần bị bắt, nhưng lần nào cũng có tòa án để xét xử với tất cả các thủ tục tố tụng. Có những vụ án mà quá trình xét xử kéo dài hàng năm….
Trong tác phẩm của mình, Nelson Mandela đã mô tả sự đồng cảm, cảm thông của một số thẩm phán khi bắt đầu xét xử ông khi ông bị bắt vào năm 1962. Các thẩm phán đó nhìn nhận ông như là một luật sư bị bắt vì chính kiến của mình, chứ không phải như một tên tội phạm. Ở trang 395 ông còn nói rõ là kiểm sát trưởng nói với ông: “ Hôm nay, tôi không muốn đến tòa án nữa. Lần đầu tiên trong đời tôi khinh bỉ những gì tôi phải làm. Tôi thật khó xử khi phải yêu cầu tòa án bỏ tù ông”.
Trong các phiên xử, hàng ngàn người cảm tình viên ANC vẫn được đến dự, thậm chí còn dương cao các biểu ngữ “Chúng tôi ủng hộ các vị lãnh đạo của chúng tôi”. Các phạm nhân khi được đưa vào phòng xử án còn giơ tay và nói lời chào quần chúng theo kiểu riêng của tổ chức ANC. Với tội trạng theo cách nhìn của chế độ Apartheid, thì Nelson Mandela và các đồng chí của ông đáng bị tử hình, nhưng cuối cùng họ chỉ bị xử tù chung thân. Đó cũng là một thành công của các luật sư bào chữa. Cũng xin lưu ý các bạn là Nelson Mandela là một trong những người thành lập và lãnh đạo tổ chức MK (Umkhonto we Sizwe), một tổ chức ngoại vi của ANC, chuyên dùng bạo lực để đấu tranh bằng các hình thức như phá hoại, gửi người ra nước ngoài tập huấn quân sự rồi trở về nước đấu tranh. Nelson Mandela bị bắt sau khi đi tập huấn quân sự đi xin viện trợ của nước ngoài về.

Chỉ vài tháng sau khi Nelson Mandela và các đồng chí của ông vào tù Robben Island (một dạng Côn đảo ở Việt Nam), nhà chức trách chế độ Apartheid đã cho phép các tù nhân được học hành (học qua thư tín ) và bản thân Nelson Mandela còn học tiếp đại học
. Ở ta có thế không? Có, có đấy. Các bạn đừng có nói xấu chế độ ưu việt của chúng ta. Ở ta tù nhân chả được học là gì. Học gì biết không? Học…… học…..Học tập. Học về chủ nghĩa Mác Lê Nin mà trong đa số các trường hợp thì các giảng viên đều có hiểu biết rất kém về chủ nghĩa Mác và về triết học. Mấy ông nông dân ít học lại giảng về triết học thì thật là triết lý. Tôi đã từng được học tập rồi. Hay lắm. Một thế giới đảo lộn.
Trở lại với Nam phi. Các tù nhân cũng được đặt mua sách để học. Trong chính phủ Nam phi lúc bấy giờ cũng có đối lập (xin nhắc lại là đối lập trong chính phủ của người da trắng). Đối lập có quyền đi xuống các nhà tù để thăm tù nhân và giúp đỡ các tù nhân, lấy kiến nghị của họ … Khi tù nhân bị đánh đập họ có quyền kiện và yêu cầu các thẩm phán đến để điều tra. Họ được gặp Hội Hồng Thập tự quốc tế… Đây là tôi nói giai đoạn ông Nelson Mandela chưa nổi tiếng thế giới.

Sau nhiều năm đấu tranh, cuối cùng các tù nhân cũng được bãi miễn lao động chân tay. Năm 1979, Nelson Mandela bị đau chân, chính quyền phải đưa ông vào đất liền để mổ. Tất nhiên là ông bị 5 người súng ống đầy người áp tải. Mỗi lần gia đình ông có tin dữ, ông yêu cầu được gặp luật sư và bạn thân của ông để có thêm thông tin về gia đình.
Ở ta, mày đau giò, tao đập cho mày què nốt giò kia. Mày muốn gặp luật sư? Tao đập cho mày tẹt mỏ, hết nói.
Báo chí cũng đóng góp một vai trò đáng kể. Tất nhiên là chính quyền cũng có nhiều biện pháp để bịt miệng báo chí, nhưng báo chí vẫn luồn lách được để ủng hộ ANC. Nhiều khi họ còn nói quá lên để gây chấn động dư luận. Thí dụ như khi Nelson Mandela phàn nàn là bị đau chân do giầy của nhà tù bé quá thì báo chí lại nói là ông bị cắt cụt ngón chân ….. (Ở ta thì báo chí chỉ nói để được ăn theo, thậm chí còn toàn nói sai sự thật làm hại đến tù nhân chính trị). Năm 1985 Nelson Mandela còn trao cho vợ ông, lúc vào thăm ông, một bài diễn văn mà con gái ông đã long trọng đọc trong một cuộc meeting tại một sân vận động khổng lồ ngày 10/02/1985.

Năm 1987, tuy bị công kích rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, nhưng chế độ Apartheid vẫn còn rất mạnh, họ vẫn có cả một bộ máy đàn áp, quân đội, cảnh sát, tòa án, nhưng họ bắt đầu đàm phán với ANC, đàm phán một cách bí mật với một người tù nhân. Một điều không thể tưởng tượng nổi là một người tù chung thân, từng bị coi là một tù nhân nguy hiểm, một kẻ khủng bố lại được đi gặp tướng cai ngục, rồi bộ trưởng tư pháp, rồi đến tổng thống để đàm đạo và đàm phán. Tổng thống De Klerk còn làm một cuộc trưng cầu dân ý (chỉ có người da trắng tham gia) để hỏi ý dân da trắng xem có nên đàm phán với ANC không. Kết quả thật bất ngờ: 69 % người da trắng đồng ý đàm phán với ANC.

Tôi nêu ra chuyện này ở đây để nói đến sự phát triển tư tưởng của người da trắng. Nó có những đột biến ngoạn mục. Cuộc đàm phán này kéo dài nhiều năm với rất nhiều thăng trầm mà tôi không muốn đi vào chi tiết ở đây, chỉ biết rằng những kẻ cầm quyền chế độ Apartheid và những người da trắng chấp nhận hy sinh toàn bộ đặc quyền của họ kéo dài gần 3 thế kỷ để đưa Nam Phi đến Dân chủ qua con đường tổng tuyển cử với nguyên tắc 1 người = 1 phiếu, bất kể mầu da, một cuộc bầu cử dân chủ mà họ biết thừa là họ sẽ thua vì họ chỉ chiếm có 21 % dân số. Ngày 02/02/1990, Tổng thống De Klerk đã đọc một bài diễn văn để tháo gỡ Chủ nghĩa Apartheid và bỏ điều luật cấm ANC. Chính De Klerk đã phóng thích Nelson Mandela, để Nelson Mandela trở thành đối thủ “nguy hiểm” nhất của mình trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thật không thể tưởng tượng nổi là ngày 27/04/1994, trong chiến dịch tranh cử, Nelson Mandela vừa ra tù sau gần 30 năm lại lên vô tuyến truyền hình để tranh luận với tổng thống đương nhiệm De Klerk. Tôi xin lược dịch một đọan trong tác phẩm của Nelson Mandela:

- Những trao đổi mà chúng ta nói với nhau hôm nay thể hiện một việc trọng đại. Chúng ta là một thí dụ điển hình cho thế giới về việc 2 nhóm chủng tộc khác nhau nhưng đều có cùng một lòng trung thành và cùng một tình yêu với đất nước của họ. Mặc dù tôi đã đưa ra nhiều lời chỉ trích tổng thống De Klerk, cuối cùng tôi cũng nói với ông ta: “Thưa Ngài, Ngài là một trong những người mà tôi tin cậy. Chúng ta sẽ cùng nhau gánh vác non song. Tôi rất tự hào được nắm tay ngài để chúng ta cùng nhau tiến lên”. Sau đó Nelson Mandela đã đi thực hiện quyền công dân của mình lần đầu tiên trong đời khi đã hơn 70 tuổi và lại bầu cho chính mình. Hàng triệu người đã xếp hàng đi bỏ phiếu với tâm trạng lần đầu tiên được làm người (Bao giờ tôi mới được làm người đây?).

Kết quả bầu cử không có gì ngạc nhiên. ANC được 62,6 % phiếu bầu. Nelson Mandela lên làm Tổng thống, Phó Tổng thống thứ I là Thabo Mbeki, phó tổng thống thứ II là De Klerk.

Chủ nghĩa Apartheid đã bị đánh đổ một phần cũng nhờ có những người cộng sản và chủ nghĩa Apartheid kéo dài một cách lê thê và thê thảm cũng tại chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của những người cộng sản Nam Phi và của các nước cộng sản trong cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa Apartheid. ANC đã được các nước cộng sản giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Trong ANC có rất nhiều đảng viên cộng sản và nhiều người nắm những chức vụ quan trọng trong ANC. Ngay Nelson Mandela cũng không bao giờ che giấu sự thân thiện sát cánh của ANC với cộng sản. Khi Chủ nghĩa cộng sản mới xuất hiện, nó có biểu hiện của sự tiến bộ (trên lý thuyết), nhưng thực tế của các nước cộng sản lại cho thấy chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa cho tự do và dân chủ. Vì vậy nhân dân của các nước lúc đó đang nằm dưới ách cộng sản (chính xác là xã hội chủ nghĩa) thì tìm cách đấu tranh để thoát ra, còn các nước khác thì tìm cách để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản. ANC trong một thời gian dài bị coi như một tổ chức cộng sản mà người da trắng Nam phi rất sợ cộng sản. Ban đầu, họ không muốn đàm phán với ANC cũng vì lý do đó. Và khi bắt đầu đàm phán, một trong những điều kiện tiên quyết của họ là ANC phải ly khai với cộng sản. Nelson Mandela không bao giờ chấp nhận điều kiện này. Ông chấp nhận bỏ đàm phán, quay trở lại nhà tù chứ không bỏ những đồng chí của mình. Ông là một con người nhân nghĩa. Ông cũng thích và bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa Cộng sản. Ông đã học và giảng bài về chủ nghĩa Cộng sản cho các bạn tù. Nhưng cũng rất may là ông không bao giờ là người cộng sản vì nếu vậy thì cuộc đời và sự nghiệp của ông như thế là đi đứt. Khi chế độ Apartheid hiểu rõ hơn về ANC, khi chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ và không còn là mối đe dọa cho thế giới nữa thì “tự nhiên” quá trình đàm phán và hậu thuẫn quốc tế tăng tốc dữ dội, chủ nghĩa Apartheid cáo chung.

Ngày 10/05/1994, Nelson Mandela tổ chức lễ nhậm chức, có hầu hết tất cả các hàng lãnh đạo cao cấp của thế giới đến tham dự. Trong buổi lễ trang trong này các hàng tướng tá quân đội, công an đến chào tổng thống Nelson Mandela và thề trung thành với tổng thống. Trong tác phẩm của mình, Nelson Mandela có nói là lúc đó ông chưa quên là chính những hàng lãnh đạo này đã hành hạ bỏ tù ông gần hết cả cuộc đời. Nhưng không vì vậy mà ông trả thù họ, ông đã thành lập một chính phủ hòa giải. Ở ta có thế không? Đời nào: “Ông thì ông đào mả tổ chúng mày lên và cho chúng mày đi cải tạo ráo”. Đấy đất nước con người ta thế đấy. Người ta đánh nhau hành hạ nhau gần 3 thế kỷ mà chỉ thoáng chốc người ta đã hòa giải được với nhau trong mầu quốc kỳ chung phối hợp các mầu của ANC (đen, xanh, vàng) và mầu cờ của nền cộng hòa cũ (đỏ, vàng, trắng, xanh da trời) Trong bài quốc ca mới phối hợp bài Nkosi Sikelel iafrika của ANC và bài Die Stem Van Suid Afrika của ngừoi da trắng.

Viết đến đây tôi lại rởn tóc gáy. Sao cái dân chủ Apartheid này nó giống cái dân chủ cộng sản thế nhỉ, giống quá cơ. Đó là một thứ dân chủ của một thiểu số với nhau. Họ bầu bán nội bộ với nhau (mà chắc chắn là giữa họ với nhau cũng chẳng có bầu bán gì đâu, quyết định trước hết cả rồi), dân chỉ được đứng xem vở tuồng cũ mấy chục năm và lại còn buộc phải vỗ tay. Ít ra dân đen Nam phi không bị buộc phải vỗ tay. Xem ra cái dân chủ cộng sản còn tồi tệ hơn nhiều. Người da trắng ở Nam phi còn chiếm 21 % dân số. Cộng sản ở Việt nam chiếm bao nhiêu phần trăm dân số? Để chống lại cái này Cộng sản hay có cái trò bịp bợm là đảng là từ nhân dân mà ra. Xin thưa mấy người ăn cướp, giết người cũng là từ nhân dân mà ra. Nếu bạn đọc kỹ những gì tôi viết rồi rọi vào thực tế ở Việt Nam hiện nay thì thấy cộng sản còn gian ác và tồi tệ hơn chế độ Apartheid nhiều. Không phải ngẫu nhiên tôi nói hoan hô chủ nghĩa Apartheid. Cộng sản còn nói rằng giai cấp công nhân với đảng tiền phong (cộng sản) là lực lượng lãnh đạo cách mạng cho đến thắng lợi cuối cùng. Tức là cho đến khi có chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Bao giờ mới có chủ nghĩa cộng sản đây để cho hết vai trò lãnh đạo của cộng sản? Nói một cách nghiêm túc cái này chẳng khác gì cái thuyết Tiền định của Calvin, cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa Apartheid.
Người Việt Nam nói chung hay có tư tưởng miệt thị, khinh bạc người da đen, coi họ là mọi. Viết đến đây tự nhiên tôi muốn hét lên: Ai là mọi đây? Chính chúng ta là một lũ mọi, thậm chí không bằng mọi. Thôi từ nay đừng nói “con rồng cháu tiên nữa”, nghe ngượng chết đi được.
Cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ cho Việt nam hiện nay không nên hiểu là cuộc chiến Quốc -Cộng. Tất cả người Việt nam phải hiểu rằng đây là một cuộc chiến chống lại một hệ thống điều hành xã hội mà trong đó tất cả mọi người, kể cả đảng viên cộng sản cũng có thể trở thành nạn nhân. Tôi xin nêu một thí dụ rất có tính thời sự. Hiện nay ở trong nước tình trạng chính quyền hoặc tư nhân cộng tác với chính quyền đi cướp đất của dân diễn ra triền miên. Có rất nhiều hình thức ăn cướp mà đơn giản nhất là đuổi dân đi với giá đền bù mạt hạng. Tôi biết một gia đình nông dân kia có con cháu làm cán bộ đảng viên, tương đối cao cấp ở huyện và cả tỉnh nữa, nhưng cũng không thể nào cứu được gia đình mình khi tự nhiên mảnh đất của nhà mình trở nên có giá rất cao và rơi vào con mắt của bọn lưu manh, có quyền thế cao hơn. Khi mà chính quyền từ trên xuống đã thông đồng với nhau thì người dân biết trông vào ai? Thậm chí chúng còn cho bọn lưu manh xã hội đen quấy phá…. Giống hệt như chuyện cụ Hoàng Minh Chính bi lưu manh đánh và quấy phá, vứt cả cứt vào nhà. Nhân chuyện này tôi lại muốn nói một chuyện rất đơn giản là phải biết là mình không có tự do, nước mình không có dân chủ thì mới đi đấu tranh cho dân chủ tự do. Gia đình nông dân kia, trước khi bị mất đất không ý thức được điều dó. Đảng viên trên huyện, tỉnh, gia đình cách mạng… là cái đinh. Xã hội bây giờ theo kiểu này chỉ có tiền. Khi những kẻ cướp ngày (quan) đã muốn thì trong cơ chế này không có gì có thể kìm hãm được nó.

Tôi thấy là trong vài chục năm cuối này của nhân loại, những người áp dụng các chủ nghĩa tồi tệ trên thế giới này đều có ít nhiều có những biến chuyển tiến bộ, nhiều khi rất ngọan mục. Chỉ có những người cộng sản của một vài nước trong đó có Việt nam là không có biến chuyển. Chả nhẽ cứ để cái tình trạng như vậy cho muôn đời con cháu mai sau?

So sánh những biến chuyển của chế độ A Pác Thai (theo cách đọc của người Việt Nam) và của chủ nghĩa Cộng Sản trong vài thập niên vừa qua, ta có thể kết luận:
Hoan hô chế độ A Pác Thai,
Đả đảo cộng sản quái thai.

Hoàng Việt
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: