Monday, February 7, 2011

HIỆN TẠI LÀ NĂM 1989 CỦA THẾ GIỚI Ả RẬP ? (Japan Times Online)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Mon, 02/07/2011 - 12:44

Chính thông báo của Quân đội Ai Cập đã giúp hồi tưởng lại mọi việc: "Hỡi nhân dân Ai Cập vĩ đại, quân đội của các bạn công nhận quyền chính đáng của người dân... đã và sẽ không dùng vũ lực chống lại nhân dân Ai Cập." Nói một cách khác, cứ tự nhiên lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Điều này cũng tốt với chúng tôi thôi.

Điều này làm tôi nhớ đến cái ngày của cuộc biểu tình lớn chống cộng sản đầu tiên ở Moscow vào giữa năm 1989. Đã có những cuộc biểu tình bất bạo động tại những quốc gia cộng sản khác như Ba Lan và Hungary, nhưng đây là Nga. Đám đông khổng lồ tràn ngập con đường Garden Ring rộng lớn rõ ràng là đang hồi hộp, và tôi đang đứng gần rìa đám đông để có thể chạy trốn vào nhà nếu súng bắt đầu nổ.

Và rồi tôi để ý thấy những sĩ quan quân đội Sô Viết cũng ở trong đám người biểu tình. Mọi việc sẽ tốt đẹp: quân đội cũng muốn thay đổi như mọi người khác. Quảng trường Tahrir ở Cairo hôm nay cũng thế: quân đội đứng về phía nhân dân.

Thông báo của quân đội tại Cai ro đã gióng hồi chuông báo tử cho chính thể Mubarak, ngay cả khi ông vẫn nhấn mạnh rằng ông sẽ vẫn ở trong phủ tổng thống cho đến khi bầu cử được dự định tiến hành vào tháng Chín. Điều này sẽ không xảy ra. Một chính phủ lâm thời do những người khác lãnh đạo sẽ tổ chức bầu cử. Nhưng âm vọng của một cuộc cách mạng trước đấy đã làm tôi tự hỏi: đây có phải là "1989" của thế giới A Rập?

Trong năm 1989, sự sụp đổ của trật tự cũ bắt đầu tại những quốc gia "vệ tinh", không phải tại Nga, trái tim của đế chế, cũng như cuộc nổi dậy hiện nay chống lại hiện tình của khối A Rập đã bắt đầu từ Tunisia, một quốc gia A Rập bên lề tương đối nhỏ. Cơn lũ ở Đông Âu cũng chỉ bắt đầu quét sạch mọi thứ trên đường đi của mình vào tháng Mười một 1989 với sự sụp đổ của bức Tường Berlin. Thế liệu Mubarak có phải là bức Tường Berlin của thế giới A Rập?

Chắc chắn là có thể, vì Ai Cập là quốc gia A Rập đông dân nhất, và chiến thuật cùng mục đích của người dân Tunisia và Ai Cập cũng gần giống như của những nhà cách mạng Đông Âu trong năm 1989. Những người A Rập cũng đã rất thành công trong việc sử dụng những chiến thuật bất bạo động để mang lại áp lực đạo đức không cưỡng nỗi đối với những chính thể chuyên quyền, và họ cũng đang đòi hỏi những điều tương tự: dân chủ, công lý và thịnh vượng.

Công thức bất bạo động đem lại kết quả chỉ trong hai đến ba tuần tại Tunisia, và có vẻ nó cũng chiếm ngần ấy thời gian tại Ai Cập. Ban đầu tổng thống đã ngoan cố và đưa cảnh sát côn đồ ra đường để tấn công những người biểu tình, nhưng ông không thể dùng bạo lực toàn khắp vì ông biết rằng quân đội sẽ không tuân theo mệnh lệnh bắn bỏ. Cũng chẳng khác gì Đông Âu vào năm 1989.

Sau đó là việc thoái bộ. Trước tiên tổng thống hứa hẹn thay đổi. Rồi khi điều này không hiệu quả, ông đã cách chức toàn bộ chính phủ và thiết lập một Nội các mới (nhưng vẫn đầy những kẻ phe cánh bị dân ghét bỏ). Sau đó ông hứa hẹn sẽ từ bỏ quyền lực vào kỳ bầu cử tới, nhưng lại lập luận rằng ông phải ở lại trong giai đoạn chuyển tiếp để bảo đảm "ổn định." Và cuối cùng, ông lên máy bay và rời khỏi nước.

Tunisia đã đi qua toàn bộ quãng đường này từ giữa tháng Mười hai, và Ai Cập đi qua giai đoạn gần đến đích. Những quốc gia A Rập khác có thể đang trên cùng con đường: các cuộc biểu tình đã bắt đầu tại Algeria và Yemen vào tháng Mười hai. Chỉ mới trong ba tuần lễ ở Jordan, nhưng nhà vua đã phải cách chức toàn bộ chính quyền và lập ra Nội các mới để thực hiện "cải cách chính trị thật sự."

Có những quốc gia ngoan cố như Syria, nơi tổng thống Bashar Assad đã khoác lác vào tuần trước rằng chính quyền của ông sẽ yên ổn vì nó có một "mục đích": đối đầu với Israel. Nói thẳng ra là Quân đội Syrian có thể sẽ bắn vào người biểu tình, vì nó bị thống lĩnh bởi nhóm dân tộc thiểu số của Assad.

Iraq cũng đã bị tê liệt vì những chia rẽ sắc tộc sau cuộc chiếm đóng của Hoa Kỳ đến nỗi không thể có được phong trào quần chúng rộng rãi nào. A Rập Saudi và những nước nhỏ trong vùng Vịnh khác hầu như chắc chắn sẽ không bị đe doạ bởi một cuộc cách mạng nhân dân, vì người dân của họ đang thụ hưởng sự giàu sang do dầu hoả đem lại. Tuy nhiên, áp lực phải thay đổi cũng đang hiện hữu tại hầu hết những quốc gia A Rập.

Hầu như phân nửa dân số thuộc thế giới A Rập có thể sẽ sống dưới những chính thể khác dân chủ hơn trong vòng một hay hai năm tới. Châu Âu 1989 đã đem lại đúng điều này chỉ trong vòng hai năm; thế thì tại sao những người A Rập lại không làm được như thế?

Dĩ nhiên là họ có thể, nhưng thời điểm sau năm 1989 tại Đông Âu thì không hoàn toàn là hạnh phúc. Kết quả tức thời tại đa số các quốc gia là điều kiện sống giảm chứ không tăng. Một quốc gia lớn, trước đây là Nam Tư, đã bị chiến tranh giành xé tả tơi. Đã có những cuộc chiến tranh nhỏ khác nhau giữa những thành phần sắc tộc ở phía nam biên gìới của Liên Xô cũ, và Nga cuối cùng đang quay lại một chế độ chuyên quyền nhẹ nhàng hơn.

Những nguy cơ đối với thế giới A Rập cũng tương tự: suy giảm kinh tế ngắn hạn, nội chiến, và sự đi lên của những chế độ độc tài mới, có thể được tiếp liệu bởi tư tưởng Hồi giáo. Không điều gì là toàn vẹn cả. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến tại Tunisia và Ai Cập, và có thể tại những nơi khác, là cuộc giải phóng vĩ đại không những từ chế độ độc tài mà còn từ nhiều thập niên của tham nhũng và tuyệt vọng. Điều này rất có giá trị.
.
.
.

No comments: