Sunday, February 20, 2011

DỊ HƯƠNG dưới NHÃN QUAN CÁC NHÀ PHÊ BÌNH (RFA)

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-02-19

Với kết quả được xem là tuyệt đối 9/9 phiếu, tập truyện ngắn có tên Dị Hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã nhận Giải thưởng Văn học 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Đây là tập truyện ngắn thứ 6 của nhà văn Sương Nguyệt Minh gồm 9 truyện ngắn: Đêm thánh vô cùng, Đêm mùa Hạ tuyết rơi, Bên dòng Tonle Sap, Đồi con gái, Cha tôi, Cái nón mê thủng chop, Đàn bà, Mùa trâu ăn sương, và Dị hương.

Tự khẳng định mình?

Theo một bài viết trên tờ Văn hóa Thể thao của tác giả Huy Thông thì Sương Nguyệt Minh tự nhận Dị Hương là một bước ngoặt trong đổi mới bút pháp nghệ thuật của mình, “là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực, lãng mạn và huyền ảo”.
Hơn thế tác giả của tập truyện “khoe” với phóng viên tờ báo:
 “Dị Hương in năm 2009 khác biệt với những ấn phẩm văn chương tả thực khác ở chỗ bút pháp huyền ảo luôn trộn lẫn với hiện thực và được cộng hưởng lãng mạn đã làm nên sinh động, phong phú, cuốn hút.
Yếu tố tính dục trong tập truyện ngắn Dị hương dày đặc, nhưng không trần trụi, tự nhiên chủ nghĩa mà là các chi tiết nghệ thuật phục vụ ý đồ tư tưởng tác phẩm, được viết bằng sự tinh tế, gợi cảm, đẹp và sang trọng.”

Tỉnh táo mà nói, khó mà đồng ý với Sương Nguyệt Minh trước những lời tự nhận của ông, mặc dù đây là một thái độ thẳng thắn hiếm có khi một tác giả tự soi xét lấy mình trước khi để cho người khác soi xét. Tuy nhiên, nhìn dưới góc cạnh của một nhà phê bình thì khó mà nói Sương Nguyệt Minh thành công trong điều mà ông gọi là hiện thực lãng mạn và huyền ảo.

Nhìn từ nhà phê bình

Dị Hương được viết với văn phong kể chuyện hư cấu lịch sử pha trộn màu sắc huyền bí và đặc biệt quá nhiều gia vị của những cảnh động tình lẫn thỏa mãn nhục tính của hai nhân vật lịch sử là vua Gia Long Nguyễn Ánh và chánh phi của ông là bà Lê Ngọc Bình đã khiến truyện ngắn Dị Hương trở nên đáng nói trong mắt nhiều nhà phê bình văn học trong đó có nhà văn Trần Mạnh Hảo, nhận xét đầu tiên của ông:
“Trong tập truyện Dị Hương nó có 9 truyện ngắn nhưng mà truyện Dị Hương là linh hồn của cả tập cho nên tác giả mới lấy Dị Hương là tên tập sách, theo tôi chỉ phê bình cái truyện ngắn Dị Hương thôi chứ còn những chuyện kia tôi thấy chỉ tầm tầm chứ không có gì đáng nói.
Cái truyện Dị Hương mà được trong nước ca ngợi, nhất là ông Hữu Thỉnh chủ tịch hội nhà văn, khi trao giải thưởng đánh giá đó là bước tiến của văn học. Rồi truyện này được báo chí trong nước tức là các mạng lề phải ca ngợi.
Truyện Dị Hương về mặt nghệ thuật nó cũng hơi sao chép cách viết của Nguyễn Huy Thiệp nhưng về nội dung thì nó là một truyện ngắn rất nhảm nhí, rất bậy bạ. Nó bôi xấu lịch sử, xúc phạm đến những nhân vật lịch sử.”

Nhìn ở một hướng tích cực hơn thì Dị Hương đã cố gắng để mong thoát ra cái không khí ù lì của nền văn học Việt Nam bấy lâu nay. Từ những thập niên 90 khi Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Bảo Ninh vì cớ này cớ khác phải gác bút thì nhà văn Việt Nam gần như chấp chới. Đề tài cạn, ý tưởng hết, nhiều tác phẩm chỉ dựa trên hư cấu mà thiếu sức sống nội tại đã dẫn đến tình trạng bốc hơi sáng tạo và bình quân chi tiết chủ nghĩa…

Tác giả Đặng Văn Sinh trong một bài viết khá gay go cho biết nhận thức của ông về tác phẩm này:
“‘Dị Hương’ thực chất chỉ là một đoản thiên nặng mùi tình dục câu khách rẻ tiền, đánh lừa độc giả vốn đã quá ngán ngẩm với thứ văn chương “quốc doanh” được dán nhãn ‘định hướng’, ‘đổi mới’ giả cầy. Đọc ‘Dị Hương’, người bàng quan nhất với nền văn học ‘lề phải’ cũng lập tức liên tưởng ngay đến ‘Kiếm Sắc’ của Nguyễn Huy Thiệp mà so sánh cái tầm của hai cây bút cùng những vấn đề mà người viết đặt ra.”

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét Dị Hương:
“Dị Hương vừa được giải thưởng chính thức của hội Nhà văn Việt Nam. Hội Thề thì được giải A của cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam. Nó dấy lên cái chuyện là viết lịch sử. Thật ra cả hai tác phẩm này đều đang theo một khuynh hướng muốn ‘người’ hóa các nhân vật lịch sử, muốn đi về những vấn đề nhân bản của con người hơn.
Nhưng mà sau khi trao giải thì người ta lại tranh luận về tính xác thực lịch sử. Vấn đề là mức độ hư cấu cũng như sự thật lịch sử. Theo tôi nghĩ, đây cũng là phản ảnh quan điểm của người viết họ vẫn có thể đang bị mắc trong một định kiến hay có thể gọi như là một khuôn mẫu cho một cách tư duy là Nguyễn Ánh như thế này,
Nguyễn Huệ như thế kia. Nhưng ví dụ nói Nguyễn Ánh với mối tình với Lê Ngọc Bình. Rồi trong Hội Thề nói Nguyễn Trãi quan hệ với Lê Lợi trong các quan hệ với các tướng nhà Minh thì họ muốn khai thác hơn về mặt nhân bản, mặt con người. Nhưng từ đó có thể khi họ hướng về phía này thì mặt lịch sử họ vẫn có thể vẫn là nói về những định kiến và cái mô thức khuôn sáo tư duy của một thời.
Đó là một phía nhưng họ lại muốn tháo gỡ những điều này thì họ lại bị lệch, cho nên tôi nghĩ cái mà hai tác phẩm của hai tác giả này đều bị lúng túng giữa ba bề như vậy.”

Làm mới hay làm dáng?

Nói về nỗ lực làm bật lên chất “người” của nhà văn trong miêu tả nhân vật thì nhận xét của Đặng Văn Sinh sắc sảo và đủ thuyết phục người xem trên cả hai tác giả Nguyễn Huy Thiệp và Sương Nguyệt Minh:
“Dưới ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Gia Long hiện lên như một bậc anh hùng cái thế, nhưng lại rất “Người”với những biểu hiện cụ thể qua những chi tiết đắt giá như đánh rơi kiếm khi nhìn thấy người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, nóng lòng muốn trả thù Nguyễn Huệ nhưng cũng biết nghe lời Đặng Phú Lân nhẫn nhịn đợi thời cơ. Tuy nhiên, cái cao cả hơn hết ở bậc vĩ nhân này là biết được mình đang mang gánh nặng lịch sử trên vai, biết tầm quan trọng của việc mở mang bờ cõi cùng với sự nghiệp quyết tâm tiêu diệt nhà Tây Sơn, thống nhất lãnh thổ.
Gia Long trong “Kiếm Sắc” là nhà độc tài nhưng không hề là bạo chúa. Ông là hậu duệ đảm lược làm vẻ vang cho mười ba dòng Chúa Nguyễn vốn có nguy cơ tuyệt diệt bởi bàn tay tàn ác của Quang Trung Nguyễn Huệ. Viết về Gia Long, Nguyễn Huy Thiệp không bôi nhọ chính sử mà chỉ phản biện ngụy sử, một loại sử chép lấy được bất chấp hiện thực khách quan của những kẻ nắm sức mạnh trong tay, thao túng ngọn bút…”

Thật ra thì điều mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho là tác giả Dị Hương do mãi mê tìm cách làm nổi bật chất “người” của hai nhân vật Gia Long và Lê Ngọc Bình nhưng bị trệch ra ngoài khiến ngòi bút mất tự chủ chỉ là một cách nói. Nhiều người nhận thấy lý do chính khiến cho cả 9 vị trong ban giám khảo đặt bút phê “tốt” cho tác phẩm này hoàn toàn không dựa trên phong cách văn chương của nó mà người ta nghi ngờ tính bầy đàn của ban giám khảo, thông qua định kiến mà rất nhiều quan chức vẫn còn giữ trong tư duy của họ về tính khách quan lịch sử.
Năm 2008, Giáo sư Phan Huy Lê trong một cuộc hội thảo về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam phát biểu rằng, các nhà sử học trước đây đã từng phê phán, lên án đến mức gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn là quá bất công, thiếu khách quan.

Câu hỏi có lẽ nhiều người đang muốn biết là từ tiêu chí nào mà cả 9 vị giám khảo của Hội Nhà Văn Việt Nam đồng lòng chấm cho Dị Hương là tác phẩm trúng giải của năm 2010? Có phải định kiến về triều đại Nguyễn Ánh đã khiến họ dễ dàng đồng cảm cho tác phẩm, và dưới văn phong hạ nhục vua Gia Long đã phần nào làm cho cả 9 vị hả hê chăng?

Lịch sử, có cần phải bôi bẩn như thế?

Việc đưa cả một vương triều nổi tiếng thời cận đại vào danh sách của những hôn quân bạo chúa đã gây tranh luận nhiều năm và trong thời gian gần đây, mọi giá trị thật sự của nhà Nguyễn đều đã được xem xét lại với cặp mắt tỉnh táo và khoa học. Nhãn quan chính trị một thời được sử dụng như thước đo lịch sử đã không còn được xem là chuẩn mực cho triều Nguyễn đặc biệt là vua Gia Long, người được xem là có công lớn thống nhất giang sơn về một mối sau 300 năm đất nước chìm đắm trong phân hóa.

Nhà văn, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo cho biết nhận xét của ông về góc cạnh lịch sử qua cách diễn tả của Dị Hương:
“Tôi thấy trước nhất nó rất nhảm nhí, toàn chuyện tình dục tào lao. Những chuyện chăn gối bậy bạ bịa ra để nói xấu vua Gia Long với bà vợ của vua Gia Long là bà Lê Ngọc Bình, là những nhân vật lịch sử. Tả ông Gia Long như là một hôn quân bạo chúa. Cái cặp Nguyễn Ánh - Lê Ngọc Bình giống như là Trụ Vương - Đắc Kỷ tôi thấy nó sai hoàn toàn. Lịch sử nó bậy bạ và bôi nhọ vua Gia Long bởi vì thế này ông Gia Long là một người có công lớn với dân tộc với đất nước, thống nhất đất nước sau ba trăm năm nội chiến. Một đất nước mà ba trăm năm đánh nhau tùm lum hết thì làm sao mà tồn tại được?
Nếu cứ đánh nhau như thế thì dân chết hết. Cho nên sau ba trăm năm ông Gia Long ông ấy thống nhất thì là một công lớn. Và vua Gia Long lập nên một triều đình rất vĩ đại, đó là triều Nguyễn. Chưa kể công của các Chúa Nguyễn, tổ tiên của vua Gia Long đã mở cho Đại Việt một nửa đất nước. Không có triều đại nào có thể làm được cái kỳ tích như vậy cho dân tộc chúng ta. Phải nói rằng công của người ta rất là lớn vậy tại sao lại bôi nhọ như vậy? Mô tả vua Gia Long như một tên hôn quân bạo chúa, như một thổ phỉ thì đó là xúc phạm lịch sử. Không chỉ xúc phạm vua Gia Long, vợ vua Gia long là Lê Ngọc Bình mà còn xúc phạm cả dân tộc Việt Nam.
Bởi vì một người như vua Gia Long nếu đúng là hôn quân bạo chúa thì khi bị truy sát vào lúc 13 tuổi phải một thân một mình chạy ra biển thì tại sao dân lại ủng hộ ổng để ổng trở về lấy lại đất nước? Cho nên tôi thấy cái chuyện bôi xấu vua Gia Long như thế là sai lịch sử và viết bằng cái giọng văn rất là nhảm nhí bậy bạ.
Nếu tôi là biên tập thì dứt khoát sẽ không cho in chứ đừng nói là phát giải thưởng cho nó, thật là không hiểu được.”

Làm sao so với “Kiếm Sắc”?

Trong một bài báo của tác giả Trần Đình Thu người đọc nhận thấy nhiều khía cạnh mà ông này chỉ ra thật đáng suy gẫm. Trần Đình Thu không đồng tình với nhận xét cho là Sương Nguyệt Minh bắt chước Nguyễn Huy Thiệp vì theo ông tác giả Dị Hương không đủ tài và không đủ tâm để hư cấu nhân vật lịch sử, ông nhấn mạnh:
“Với Dị Hương, Sương Nguyệt Minh dù viết sau Nguyễn Huy Thiệp đến hai mươi năm nhưng lại có cách nhìn “cũ” hơn Nguyễn Huy Thiệp. Sương Nguyệt Minh vẫn nhìn Nguyễn Ánh theo góc nhìn của các nhà sử học miền Bắc cách đây nửa thế kỷ, trong khi Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn đi trước thời đại.”

Phân tích sâu hơn về cái tâm của người viết ông Trần Đình Thu chỉ ra những điều khác nhau của hai tác giả trên cùng một chủ đề:
“Ở đây nổi lên vấn đề thái độ của nhà văn đối với sự công bằng lịch sử. Cùng viết về Nguyễn Ánh như nhau, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không hề có chút phỉ báng vua Gia Long, dù ông viết Kiếm Sắc vào cái thời kỳ mà xã hội còn thành kiến nặng nề với Vương triều Nguyễn. Ngược lại, Sương Nguyệt Minh cầm bút khi mà xã hội đã rất cởi mở, thế nhưng nhà văn này vẫn còn xem vua Gia Long như là một nhân vật quái gở của lịch sử.
Vì thế Sương Nguyệt Minh đã vẽ ra hình ảnh ông vua khai sáng triều Nguyễn quá thê thảm. Thê thảm hơn nhiều lần so với hình ảnh mà các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975 đã vẽ ra. Xấu thì cho xấu luôn. Xấu hết chỗ chê luôn. Đó phải chăng là ý định của Sương Nguyệt Minh khi bắt tay vào viết Dị Hương? Hay là trong lúc mãi mê tả những pha hấp dẫn, Sương Nguyệt Minh đã quá đà? Dù cách nào đi chăng nữa, thì ý thức “dậu đổ bìm leo” cũng hiện ra rất rõ.”

Để kết luận chúng tôi thiết nghĩ Dị Hương có lẽ sẽ đạt được cái tiếng vang của những độc giả dễ tính, nhưng rõ ràng nhìn trên khía cạnh sử học thì một tác phẩm mượn giọng văn tự gọi là hư cấu lịch sử, huyền ảo, lãng mạn để triệt hạ một nhân vật lịch sử theo thị hiếu tầm thường của quan chức văn nghệ thì thật là sai lầm. Sai lầm của cả người viết và người duyệt cho nó trúng giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam - một giải thưởng mà lâu nay luôn gây ra những luồng ý kiến bất đồng trong giới viết văn và làm xôn xao dư luận.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: