Saturday, February 12, 2011

CUỘC CÁCH MẠNG CỦA TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI (Yahoo News)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sun, 02/13/2011 - 00:3

Khi người dân Ai Cập đang ăn mừng trên đường phố Cairo hôm thứ Sáu, bình luận viên Wolf Blitzer của CNN đã đưa ra câu hỏi cho nhà hoạt động Wael Ghnonim: "Trước tiên là Tunisia, giờ đây là Ai Cập, kế tiếp là ai?"

Ghonim, một giám đốc địa phương 30 tuổi của Google, người đã trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy dân chủ chống lại chính quyền độc tài Hosni Mubarak, trả lời với hai từ: "Hỏi Facebook."
"Một ngày nào đấy tôi muốn gặp [người sáng lập Facebook] Mark Zuckerberg để cám ơn anh ta, thật vậy," Ghonim nói.

Những kẻ độc tài thường bị nhân dân lật đổ chứ không vì những phương tiện truyền thông. Nhưng các nhà hoạt động Ai Cập, đặc biệt là những người trẻ tuổi, rõ ràng là đã nắm bắt được quyền lực và tiềm năng của truyền thông xã hội, dẫn đến những cuộc vận động vĩ đại tại Quảng trường Tahrir và trên toàn Ai Cập. Chính quyền Mubarak đã sớm nhận ra rằng truyền thông xã hội có thể làm suy yếu việc nắm vững quyền lực của họ. Chính quyền đã bắt đầu làm gián đoạn Facebook và Twitter khi những người biểu tình đổ ra đường vào ngày 25 tháng Giêng trước khi cắt đứt hoàn toàn Internet hai ngày sau đó.

Bên cạnh việc tổ chức, các nhà hoạt động Ai Cập đã sử dụng Facebook, YouTube và Twitter để chia sẻ thông tin và hình ảnh. Nhiều phương tiện kỹ thuật số đã lưu chuyển trên mạng và sau này được thổi bùng bởi đài Al Jazeera và các hãng truyền thông khác trên toàn thế giới. "Cuộc các mạng này đã bắt đầu trên mạng," Ghonim nói với Blitzer. "Cuộc cách mạng này khởi đầu từ Facebook."

Cuộc nổi dậy ở Ai Cập đã nối bước cuộc cách mạng ở Tunisia. Trong mỗi trường hợp, những người biểu tình đã sử dụng truyền thông xã hội để giúp loại bỏ một chính quyền độc tài -- một vai trò mà các nhà bình luận phương Tây đã trông đợi Twitter nắm giữ trong cuộc biểu tình chống bầu cử tại Iran vào năm 2009.

Nhưng cách mạng đã không diễn ra ở Iran, khi Tổng thống Ahmadinejad đàn áp dã man những người chống đối. Trong khi cuộc "Cách mạng Twitter" có thể tạo ra những tiêu đề giật gân trên báo chí, một mình truyền thông xã hội không đủ để lật đổ một nhà độc tài. Để truyền thông xã hội có hiệu quả, nó vẫn cần một cuộc vận động đáng kể của các nhà hoạt động ngoài đời.
Vì thế cuộc "Cách mạng Twitter" trước đây đã chứng minh là quá sớm và dẫn đến những phản ứng ngược.

Evgeny Morozov đã viết trong cuốn sách mới ra "Ảo tưởng Mạng: Mặt tối của Tự do Internet," rằng chỉ có một giới nhỏ dân Iran thật sự là những người sử dụng Twitter. Giả định rằng hiện đã có thêm nhiều người đang viết tweet về cách mạng trên đường phố Tehran.
"Cuộc Cách mạng Twitter ở Iran cho thấy phương Tây đang nóng lòng ngóng chờ một thế giới mà công nghệ thông tin là một nhà giải phóng hơn là một nhà độc tài," Morozov viết. Trong cuốn sách của mình, Morozov viết về việc các chính quyền độc tài đã có thể sử dụng Internet và truyền thông xã hội để đàn áp người dân hơn là các phương tiện này hoạt động với ảnh hưởng ngược lại.

Malcolm Gladwell của tờ The New Yorker, trong một bài báo được nhiều người bàn luận, đã viết về việc "cuộc cách mạng không được tweet" ra sao.

Đúng là chỉ riêng việc tweet -- đặc biệt là từ những môi trườn an toàn ở phương Tây -- sẽ không tạo ra được một cuộc cách mạng ở Trung Đông. Nhưng Ai Cập và Tunisia đã chứng minh rằng các phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng vai trò quan trọng khi các nhà hoạt động đấu tranh chống lại những chính phủ độc tài, đặc biệt là khi những nhà độc tài thường siết chặt quyền kiểm soát ngành truyền thông chính thống. Cuộc cách mạng của ngày mai, như Ghonim chắc hẳn sẽ chứng thực, có thể hình thành từ Facebook của hôm nay.
.
.
.

No comments: