Tuesday, February 22, 2011

CÔNG NHÂN VIỆT Ở MALAYSIA : MÔI GIỚI MÃ XỬ TỆ, MÔI GIỚI VIỆT BỎ MẶC (RFA)

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2011-02-22

Malaysia là nước nhập khẩu công nhân Việt Nam nhiều nhất so với các quốc gia khác ở Châu Á. Khi có vấn đề khúc mắc với công ty môi giới nội địa, lao động Việt không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ công ty môi giới bên Việt Nam.
Đó là lý do khiến người lao động nghĩ là công ty môi giới bên nhà đã bán khoán họ cho công ty môi giới bên Malaysia, và có người  đã  nhờ đến các tổ chức bênh vực quyền lao động ở bên ngoài giúp đỡ.

Đa số lao động Việt từ trong nước qua Malaysia kiếm việc làm đều là người ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi những thông tin về xuất khẩu lao động mà các công ty môi giới  đưa ra chỉ đơn giản là xoá đói giảm nghèo, có tiền cải thiện cuộc sống cho gia đình.  

Môi giới Malaysia bóc lột, môi giới Việt Nam lặng thinh

Những trường hợp công nhân  Việt gặp khó khăn ở Malaysia, được trình bày trước đây, thường là do chủ sử dụng lao động  vi phạm hợp đồng, bắt làm việc quá tải và không trả đủ lương như cam kết.
Tuy nhiên lần này thì không phải giới chủ nhân  mà là công ty môi giới,  cơ sở tại Malaysia tiếp nhận lao động trong nước sang rồi phân  phối họ đến các hãng xưởng đang cần người.  

Anh Lực, quê ở Ninh Bình, sang bang Johor của Malaysia lao động theo trung gian của công ty môi giới Bảo Việt, bị công ty môi giới Malaysia là Vital Manpower trừ lương :
Em đi thì em vay vốn của  công Ty Bảo Việt, trả hết khoảng bốn nghìn ringgit, khoảng hai chục triệu tiền Việt Nam. Sang năm 2008 thì đầu tiên  làm công ty cơ khí, giờ thì qua làm công ty điện tử, cứ chuyển quanh quẩn như vậy đến bây  giờ là tám công ty.

Công ty môi giới Vital Manpower còn nhiều lần khấu trừ đầu lương mà họ lãnh từ chủ sử dụng lao động để trả cho anh Lực:  Công ty trả cho tụi em tiền nhưng lại đưa cho môi giới rồi môi giới trả cho bọn em. Họ trả một tháng hai mươi sáu ngày công nhưng mà môi giới chỉ trả cho những ngày đi làm, còn những ngày lễ công ty cho nghỉ nhưng môi giới chỉ trả những ngày đi làm thôi. Nghỉ họ cũng không cho tiền, ốm đau bọn em cũng phải lo hết.
Em làm một ngày mười hai tiếng thì công ty trả cho môi giới 60 ringgit một ngày, nhưng môi giới trả em chưa đến 30 ringgit, chỉ 29 ringgit thôi. Em đang nhờ luật sư giúp  đỡ  đòi  tăng lương, đòi tiền thuốc khám sức khỏe mà môi giới họ phải trả.

Anh Lực đã nhiều lần  gọi về cho công ty Bảo Việt để nhờ giúp đỡ nhưng không được:
Thì công ty đấy là công ty ty tư nhân, bây giờ  hỏi ra mới biết kiểu như là công ty bị phá sản, em gọi về không thấy gì cả, số của giám đốc các thứ không biết là thay số hay sao đó.
Gọi về số của ông Khánh, phó giám đốc công ty Bảo Việt,  cũng không ai nhấc máy.

Môi giới Malaysia ăn chặn tiền tới hai phần ba lương công nhân

Nhờ quen biết một số người Việt sinh sống ở bang Johor, anh Lực được giới thiệu đến văn phòng của CAMSA Liên Minh Bài Trừ Nạn Nô Lệ Mới Ở Á Châu, trực thuộc CAMSA với trụ sở chính ở bang Virginia, Hoa Kỳ.

Luật sư Daniel Lo, giám đốc văn phòng CAMSA ở Kuala Lumpur, cho biết:
Trường hợp anh Lực cho thấy anh ta bị công ty môi giới khấu trừ tiền lương một cách vô tội vạ từ những ngày đầu, chuyển đi chuyển lại từ công ty này đến công ty khác, căn bản là đối xử với anh như một nô lệ. Nhưng trên tất cả những chuyện đó thì cái chính là giấy tờ của anh Lực bị môi giới  cất giữ khiến anh không thể đi đâu cũng không thể ra  khỏi Malaysia để trở về Việt Nam.

Luật sư Phan Quốc Cường, giám đốc về truyền thông và vận động quần chúng tại trụ sở  CAMSA ở Virginia, trình bày  kết quả sau một thời gian làm việc phối hợp với văn phòng CAMSA ở Malaysia:
Trong vụ việc liên quan đến anh công nhân  Đinh Thế Lực, qua Malaysia làm việc thì  trong một khoảng thòi gian từ sáu đến tám tháng  tiền lương của anh bị trừ rất nhiều, có tháng một phần ba và có tháng là trên hai phần ba. Những câu trả lời phía Manager hay phía đại diện cho công ty môi giới lao động không rõ ràng.
Khi nhân viên của CAMSA bên Malaysia xem xét những cùi check mà anh ta nhận được mỗi tháng thì thấy rõ ràng anh bị trừ những khoản tiền rất lớn mà không  giải thích  rõ ràng. Chúng tôi  thu thập những bằng chứng cụ thể để từ đó xúc tiến vụ kiện ra trước toà lao động tại tiểu bang của Malaysia.
Toà lao động đã phán là công ty môi giới vi phạm quyền lao động cũng như lấy tiền của công nhân một cách bất công và họ phải bồi thường lại hoàn toàn số tiền đó. Thêm vào đó, nếu người công nhân này muốn hồi hương thì công ty  phải chịu trách nhiệm đài thọ cho chuyến hồi hương đó.

Malaysia khẳng định công ty môi giới bên họ chịu trách nhiệm pháp lý

Đây là lần đầu tiên, luật sư Phan Quốc Cường nói tiếp, một toà án lao động ở Malaysia, quốc gia nhận nhiều công nhân Việt nhất vùng Châu Á, khẳng định một công ty môi giới nước họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về những sự việc bất công đối với công  nhân Việt Nam:
Còn trước kia những vụ truy tố hay trừng phạt chỉ là đối với những cá nhân trong những vụ buôn bán về tình dục hay phạm pháp nhỏ nhoi mà thôi. Điều này có ảnh hưởng pháp lý lâu dài để những người công nhân khác có điều kiện dành lại quyền lợi cho họ.

Ngoài anh Lực, nhiều công nhân Việt khác khi đến Johor của Malaysia cũng được công ty môi giới Vital Manpower tiếp nhận. Chị Long, quê ở Thanh Hoá, sang Malaysia qua trung gian Hasuco trong nước, cho hay không bị Vital Manpower trừ lương như anh Lực nhưng cũng bị chuyển nơi làm việc đến bốn lần:
Em qua ba năm rồi, môi giới Việt Nam cho vay trước, sang bên này trả hai mươi tám triệu. Công ty của bọn em thì không bị sao cả, nhưng công ty của anh Lực thì hỏi công ty công ty bảo hỏi môi giới hỏi môi giới thì môi giới bảo hỏi công ty.
Bảo sang bên này cải thiện được đời sống thì thà rằng em ở Việt Nam chẳng phải mất đồng vốn mà chẳng  phải bất đồng ngôn ngữ gì cả. Biết sang Malaysia vất vả thế này thì thà rằng em ở Việt Nam kiếm đồng tiền ít ỏi của Việt Nam vẫn hơn.
Ở thành phố thì nói thật ít người sang lắm, chỉ có nông thôn vùng sâu vùng xa với người dân tộc thiểu số chưa có hiểu biết về thông tin  bảo là sang Malaysia kiếm sống làm giàu và xoá đói giảm nghèo, chỉ có những người vùng sâu vùng xa mới sang thôi.

Cũng là dân Thanh Hoá, đi Malaysia theo công ty Traximexco chi nhánh Hà Nội, anh công nhân tên Hà than thở là môi giới Malaysia đối đãi với công nhân Việt không tốt, còn môi giới bên Việt Nam thì bất biết:
Sang thì nó chuyển nhiều công ty lắm, anh em bên này than với nhau là đều bị môi giới ép buộc cả, chuyển công ty rồi trừ tiền này tiền nọ, nghỉ ốm một ngày mà báo nó vẫn cắt không báo nó cũng cắt. Môi giới bên này không có trách nhiệm gì đâu, mình phải bỏ tiền túi đi khám. Còn công ty bên nhà tụi em gọi điện về thì họ cũng thay số hết, không có thì họ đóng cửa đâu rồi ấy…

Đây là tình trạng mà công nhân Việt ở Malaysia gọi là mang con bỏ chợ hoặc gọi là môi giới bên nhà bán đứng công nhân của mình cho môi giới bên này.
Theo qui định của  Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội, công ty  môi  giới xuất khẩu lao động, còn gọi là doanh nghiệp dịch vụ, phải có sự chấp thuận của Bộ. Một công ty môi giới có giấy phép hoạt động, tức công ty mẹ, có thể lập thêm tối đa là ba công ty chi nhánh hay ba công ty con để giúp công nhân làm giấy tờ đi xuất khẩu lao động. 
Hậu quả là vì có nhiều vấn đề tiêu cực chồng chéo trong việc xuất khẩu lao động, các công ty con thường bị công ty mẹ đóng cửa, do đó khi công nhân ở nước ngoài gặp vấn đề thì không kiếm ra đường liên hệ với cơ sở môi giới đã đưa họ đi xuất khẩu.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: