Thursday, February 10, 2011

CÔNG DOÀN CỦA CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ (Minh Đức)

Minh Đức
Friday, February 4, 2011

Công đoàn của chế độ độc tài toàn trị không phải là để tranh đấu cho quyền lợi của công nhân mà để quản lý công nhân, để ngăn cản đừng cho các công nhân đoàn kết lại mà chống lại chế độ. Đừng nên bao giờ mơ hồ về điều này.

Chế độ độc tài toàn trị đầu tiên ở một nước công nghiệp được thiết lập tại Ý do lãnh tụ phát xít Benito Mussolini lãnh đạo . Ngay từ lúc thành lập đảng Phát Xít Quốc Gia năm 1921, Mussolini đã thành lập luôn công đoàn cho đảng của mình. Mussolini muốn nắm phong trào công nhân vì không để những người cộng sản thao túng phong trào công nhân để chống lại đảng mình. Vào thời đó, những người cộng sản sử dụng công đoàn để gây ra các cuộc đình công, làm áp lực với chính quyền để chính quyền phải nhượng bộ yêu sách của phe cộng sản. Khi Mussolini trở thành lãnh tụ với toàn quyền uy thì đương nhiên chỉ có công đoàn của đảng Phát Xít là công đoàn hợp pháp mà thôi các công đoàn do những người cộng sản hay những người công nhân khác thành lập bị coi là bất hợp pháp và bị đàn áp.

Adolf Hitler, lãnh tụ đảng Đức Quốc Xã thấy cách tổ chức của chế độ Phát Xít đem lại uy quyền tuyệt đối cho lãnh tụ và đảng nên bắt chước rập khuôn Mussolini. Và công đoàn của chế độ Đức Quốc Xã cũng nhằm mục đích quản lý lực lượng công nhân, không để cho phe cộng sản dùng công nhân để lật đổ mình.

Joseph Stalin cũng bắt chước cách tổ chức của chế độ Phát Xít Ý và Đức Quốc Xã là bắt công đoàn phải nằm dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước Liên Xô để không có lực lượng nào có thể dùng công nhân mà chống lại mình. Đảng Cộng Sản Việt Nam thì cũng là người học trò ngoan ngoãn của Stalin mà thôi, nghĩa là công đoàn của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng là để quản lý giai cấp công nhân, bắt công nhân phải phục tùng đảng, không để các thế lực khác sử dụng công nhân mà chống lại đảng Cộng Sản Việt Nam .

Dĩ nhiên là các chế độ độc tài toàn trị đều nhân danh lợi ích của công nhân mà bắt công đoàn phải nằm dưới sự kiểm soát của đảng chứ chẳng có ai ngây thơ mà nói toạc ra là “tao nắm công đoàn là để nắm công nhân” cả. Đảng Phát Xít và đảng Đức Quốc Xã bị những người Mác xít cho là tay sai của giai cấp tư sản. Đó là những người Mác Xít nói thế chứ bản thân các chế độ này họ cũng nhân danh lợi ích của xã hội mà nắm tất cả mọi mặt sinh hoạt của xã hội, trong đó bao gồm luôn cả công đoàn. Ai chống lại việc họ nắm mọi thứ thì bị họ gán là vì lợi ích cá nhân mà chống lại xã hội. Nên nhớ đảng Đức Quốc Xã cũng cho mình là một đảng xã hội đấy nhá. Cái từ Đức Quốc Xã là chữ viết tắt của đảng Quốc Gia Xã Hội Đức. Có cái chữ “xã hội” trong tên đảng Đức Quốc Xã đấy.

Qua lời nói của các viên chức chính quyền tại Việt Nam hiện nay người ta cũng có thể thấy lấp ló cái đuôi muốn dùng công đoàn để nắm công nhân . Chẳng hạn có viên chức nói: “Công đoàn hiện không kiểm soát nổi tư tưởng họ nên khó vận động chỉ bằng lý lẽ”, hay có người nói là: “nhiệm vụ của công đoàn là giải thích cho công nhân về tiên lương chứ không phải là đòi tăng lương “ . Giải thích cho công nhân có nghĩa là thuyết phục công nhân nên chấp nhận mức lương hiện tại đi chứ đừng đình công làm gì. Công đoàn mà thuyết phục cho công nhân chấp nhận mức lương hiện tại thì công đoàn đó phục vụ cho ai? Cho công nhân hay chủ nhân? Chủ nhân nào mà chẳng muốn công nhân chấp nhận mức lương mình trả, đừng yêu sách thêm .

Các cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân tại các xí nghiệp chắc chắn làm cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam rúng động.  Những người lãnh đạo tại VN lúc này có lẽ nghĩ rằng hàng chục ngàn công  nhân làm tại nhiều xí nghiệp khác nhau có thể đình công cùng một lúc có nghĩa là các công nhân này có tổ chức ở một mức nào đó thì họ mớ có thể liên lạc với nhau để cùng nhau hành động.

Ý tưởng đầu tiên đến trong đầu các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam chắc chắc là họ liên tưởng đến phong trào Công Đòan Đoàn Kết ở Ba Lan . Phong trào Công Đoàn Đoàn Kết khởi đầu cũng là do các công nhân . Họ thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân rồi đình công đòi tăng lương rồi sau nó lan tràn và lớn mạnh để đòi được quyền thành lập công đoàn riêng . Và cuối cùng là làm đảng CS Ba Lan bị mất quyền. Ở trường hơp Ba Lan chúng tra cũng thấy nếu công đoàn do nhà nước lãnh đạo của chế độ CS Ba Lan bảo vệ cho quyền lợi của giới công nhân thì các công nhân Ba Lan đâu cần phải thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân và rồi đòi thành lập công đoàn Đoàn Kết làm gì. Điều này chứng tỏ công đoàn của đảng CS Ba Lan chẳng hề phục vụ cho quyền lợi của giai cấp công nhân Ba Lan.

Những lời lẽ đọc thấy trong một bản tin của báo Nhân Dân chúng ta có thể là nhà nước có ý đồ bóp chết phong trào công nhân tại Việt Nam từ trong trứng nước.

Với lời lẽ như “phần lớn lao động là tốt, chí thú làm ăn” hay là “nhưng cũng không ít người đình công do bị lôi kéo, kích động” cho thấy là những người lãnh đạo hiện nay muốn ám chỉ là có một số người kích động công nhân. Cái từ “những kẻ kích động” chính là nhằm vào những công nhân có khả năng tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công.
Chắc chắn sau những vụ đình công lớn nhà nước sẽ điều tra xem trong các công nhân ai là người có khả năng lãnh đạo và tổ chức để triệt những người này đi. Biện pháp triệt đi dễ nhất là nói với chủ doanh nghiệp sa thải các công nhân năng nổ hoạt động đi để tập thể các công nhân trở thành rắn mất đầu. Trong trường hợp này thì quyền lợi của chủ doanh nghiệp và quyền lợi của nhà nước cùng đi song song với nhau. Chủ doanh nghiệp được cái lợi về kinh tế vì loại ra các công nhân có khả năng tổ chức đình công đòi tăng lương, còn nhà nước có cái lợi về chính trị là bóp chết từ trong trứng nước một phong trào công nhân có thể lớn mạnh thành một thế lực mà đảng Cộng Sản Việt Nam không điều khiển nổi. Còn nếu dùng biện pháp sa thải mà vẫn không trị nổi phong trào công nhân tiếp tục lớn mạnh thì đã có nhà tù, công an, quân đội.
.
.
.

No comments: