Wednesday, February 16, 2011

CÓ HAY KHÔNG, THỰC PHẨM ĐỘC HẠI ?

Phóng sự
Phụng Linh/Viễn Đông

Nỗi lo của các bà nội trợ: Nhập cảng hàng Á Châu vào Mỹ, dán nhãn “Made in USA”

(Lời tòa soạn: Những năm gần đây, người Việt hải ngoại liên tục gửi email cho nhau rất nhiều thông tin nói về sự độc hại của thực phẩm nhập cảng từ Trung Cộng và Việt Nam. Lời cảnh cáo này chỉ dừng lại ở tình trạng “nhắc nhở, nhắn nhủ” nhau, xem như ai “cảm thấy sợ thì tự nguyện không dùng; ai không sợ thì ăn xài thoải mái”. Trong khi đó, các chợ – đặc biệt là chợ Việt ở vùng Orange County, Nam California, bày bán tràn lan thực phẩm “Made in China” và “Product of Việt Nam”.
Loạt bài sau đây của chúng tôi đặt ra vấn đề nóng hổi của mọi gia đình: liệu thực phẩm độc hại đã có mặt ở trên bàn ăn của chúng ta hay chưa; ai chịu trách nhiệm về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ và ý kiến của các nhà khoa học môi sinh về vấn đề này.
Sau loạt bài này, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của quý bạn độc để rộng đường dư luận).

Mười một giờ sáng Thứ Bảy 26 tháng 6, 2010, chúng tôi có mặt tại chợ MT ở góc đường Westminster và Magnolia, thành phố Westminster, Nam California. Người mua sắm không tấp nập như mọi ngày cuối tuần hồi tháng trước có lẽ vì trận túc cầu đáng chú ý nhất của người dân Mỹ diễn ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ nữa.

Không ai bảo ai, tôi và một phụ nữ đứng cạnh cùng bốc lên một gói nấm mèo khô, lật tới lật lui, chăm chú nhìn hàng chữ phía dưới. “Made in China”, người phụ nữ kia – chị Mai, cư dân thành phố Westminster, chợt la lên rồi bỏ cái gói xuống cái phạch. Thấy tôi nhìn chăm chú, chị phân bua: “Chúng tôi ở Sacramento mới dọn về đây chưa đầy 5 năm nên không rành chợ búa vùng này. Hôm qua tôi mua một hộp 6 trứng vịt muối Made in China về luộc cho mấy đứa nhỏ ăn, đứa nào cũng kêu đắng”.

Vị đắng của cái trứng vịt muối “Made in China” ngày hôm qua làm chị thay đổi hẳn thái độ khi mua thực phẩm ở chợ: coi kỹ xuất xứ của món hàng và hễ thấy “Made in China” thì bỏ đi ngay. Cũng như chị Mai, không ít chị em nội trợ hải ngoại đã tẩy chay thực phẩm “Made in China”, kể cả sản phẩm nhập cảng từ trong nước khá lâu.

Bà Thúy Khanh Nguyễn, cư dân thành phố Garden Grove cho biết: “Thực phẩm của Trung Hoa và Việt Nam  chẳng khác nhau mấy vì mục đích của họ chỉ để kiếm lời càng nhiều càng tốt, không cần biết đến ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ của người sử dụng. Mình đã đọc rất nhiều thông tin trên internet, trên báo về thực phẩm Trung Hoa và Việt Nam nên mình rất kinh khiếp, bởi vậy bây giờ đi chợ phải chịu khó “banh mắt” ra mà nhìn xem nó sản xuất ở đâu làm mình mất nhiều thì giờ hơn lúc trước. Khổ một điều là món bún khô và bánh tráng toàn của China và Việt Nam không hè! Đành...nhịn thôi”.

Sống giữa vùng có khu kỹ nghệ lớn nhất nhì thế giới mà bà Thúy Khanh phải kêu lên: “Bà con nào biết bún và bánh tráng làm tại Mỹ hay Nhật, Đại Hàn thì làm ơn chỉ cho tôi, xin đa tạ”.

Bà chủ tiệm bún bò Mỹ Linh McDonald tâm sự: “Đối với tôi, mỗi lần bốc lên một món ăn “Made in Việt Nam” hay “Made in China” thì cảm thấy ngán ngại. Phải suy nghĩ dữ lắm, xem liệu nó có hại cho sức khỏe hay không. Tôi chỉ mua những sản phẩm đã được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ hoặc Cơ quan kiểm soát Thực Phẩm và Thuốc của Hoa Kỳ (FDA) kiểm chứng mới an lòng”.

Bà Đẹp Lương, cư dân thành phố Montreal, Canada cũng cho biết: “Tôi cố gắng tới mức tối đa không dùng thực phẩm của Trung Hoa và Việt Nam sản xuất, nhưng thỉnh thoảng cũng phải dùng bún khô, loại bánh vuông hiệu Donguan của Trung Hoa vì sự tiện lợi của nó, và loại bánh tráng hiệu Cây Dừa của Việt Nam vì dẻo và không được tẩy trắng. Mặc dù biết rằng nguồn nước được sử dụng để làm ra các sản phẩm này ở Trung Hoa và Việt Nam không bảo đảm an toàn chắc chắc nhưng đành chịu vì tôi không mua được của quốc gia khác. Tôi không dám mua loại bún tàu được tẩy trắng tinh đến phát sợ và những thức ăn chế biến sẵn của Việt Nam như mứt tết, bánh ngọt (cookies), chuối nếp đã được đông lạnh vì ngại vấn đề vệ sinh thực phẩm và sử dụng nhiều loại hóa chất như hàn the, muối diêm v.v.. Tuy vậy, gia đình tôi ăn chay hết cả nhà 4 người nên thỉnh thoảng cũng phải mua hột điều, hột sen, tiêu là đồ khô của Việt Nam. Tôi tuyệt đối không dám dùng trái cây của Trung Hoa nhưng thỉnh thoảng vẫn dùng trái cây Việt Nam nhập cảng sang Montreal như thanh long, nhãn, chôm chôm, và thỉnh thoảng vẫn mua đậu phọng, hột sen, hột điều, táo tàu (các loại đồ khô) và một vài món thuốc bắc của Trung Hoa”.

Trong khi đó, theo bà Phương Dung Ngô, ngụ tại Montreal, Canada, người tiêu thụ thỉnh thoảng vẫn phải xài các loại thực phẩm chế biến nhập cảng từ Trung Hoa và Việt Nam như nước mắm, bánh tráng, bún, bánh phở hoặc tôm đông lạnh. Bà tuyệt đối không mua các loại đồ hộp khác, nhất là các loại cá.

Bà Phạm Thanh Mai, cư dân Nam California cho biết: “Gia đình tôi hiện không dám ăn các loại bánh mứt, bánh trung thu nhập cảng của Việt Nam và Trung Hoa”.

Bà Nguyệt Minh, cư dân Nam California, một trong những người sử dụng internet thành thạo cho biết đã đọc rất kỹ các email truyền tay nói về tính chất độc hại của thực phẩm Trung Hoa, Việt Nam. Từ lâu, bà tránh xa sản phẩm “Made in China”. Theo bà, điều đáng băn khoăn hiện nay là sản phẩm mà người cao niên được lãnh theo chương trình trợ cấp của chính phủ có cả các loại đồ hộp của Trung Hoa và Việt Nam.

Lan Nguyễn, một bà nội trợ cư ngụ tại Orange County, Nam California cũng khẳng định rằng từ lâu bà không dám tiêu thụ thực phẩm “Made in China” và “Made in Việt Nam” mà chỉ dám xài các loại món ăn Á Đông “Made in USA” nhờ đọc được nhiều tin tức trên mạng đầy dẫy những lời cảnh cáo về độ độc hại chết người của các loại thực phẩm của Trung Hoa và Việt Nam nhập vào Mỹ. Bà Lan Nguyễn cũng gióng lên tiếng chuông: “Chúng tôi không biết tin ai vì nghe đâu lúc này có một số thương gia nhập cảng vật liệu từ các nước Á Châu vào Mỹ rồi dán nhãn Made in USA”.

Bà Huỳnh Thanh Nhàn, ngụ tại thành phố Santa Ana, Orange County, Nam California cũng đồng tình với lời cảnh tỉnh trên của bà Lân Nguyễn. Theo bà Nhàn, người nội trợ “tuyệt đối không nên dùng hàng Trung Quốc”.
Bà nói: “Tôi vẫn mua hàng Việt Nam chút chút nhưng tránh các sản phẩm mới lạ mà mình chưa biết tới và không dùng các loại thực phẩm chế biến như bánh mứt, khô bò, khô nai, bột gia vị v. v.. vì không thể kiểm chứng được các loại hóa chất được sử dụng kèm. Theo bà, các nhà nhập cảng thực phẩm châu Á ở Hoa Kỳ nên tăng thêm loại bún khô của Thái Lan và Việt Nam, thay vì chỉ có hàng Trung Quốc để giới tiêu thụ có nhiều cơ hội lựa chọn. Bà Huỳnh Thanh Nhàn cũng cho rằng Trung Hoa Đại Lục bây giờ “chơi trò giấu nhẹm tung tích đáng sợ của mình bằng cách lột bỏ nhãn “Made in China” mà thay vào đó là nhãn “Packed in XYZ Company”...

Bà Becky Vũ, cư dân Paramount, Nam California cho biết: “Trước kia thỉnh thoảng mình có dùng thực phẩm “Made in China” hoặc “Made in Việt Nam”. Nhưng mấy năm gần đây thì tôi không bao giờ mua thực phẩm của China và Việt Nam, ngoại trừ món bún khô, nhắm mắt mà mua vì không biết mua ở đâu. Tôi nghĩ, nếu có cơ sở nào đó ở Mỹ sản xuất bún khô có kiểm chứng thực phẩm của FDA thì sẽ thành công lắm”.

Còn theo bà Trần Thị Cần, cư dân Orange County, hội trưởng Hội cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt thì “càng tránh xa thực phẩm Made in China và Việt Nam càng tốt” và gia đình bà từ lâu không xài thực phẩm China và Việt Nam nữa vì đọc trên báo và internet “thấy sợ lắm”.



Phóng sự
Phụng Linh/Viễn Đông

Lang thang ở chợ: Hàng “Made in China” đầy dẫy

 (Lời tòa soạn: Những năm gần đây, người Việt hải ngoại liên tục gửi email cho nhau rất nhiều thông tin nói về sự độc hại của thực phẩm nhập cảng từ Trung Cộng và Việt Nam. Lời cảnh cáo này chỉ dừng lại ở tình trạng “nhắc nhở, nhắn nhủ” nhau, xem như ai “cảm thấy sợ thì tự nguyện không dùng; ai không sợ thì ăn xài thoải mái”. Trong khi đó, các chợ – đặc biệt là chợ Việt ở vùng Orange County, Nam California, bày bán tràn lan thực phẩm “Made in China” và “Product of Việt Nam”.
Loạt bài sau đây của chúng tôi đặt ra vấn đề nóng hổi của mọi gia đình: liệu thực phẩm độc hại đã có mặt ở trên bàn ăn của chúng ta hay chưa; ai chịu trách nhiệm về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ và ý kiến của các nhà khoa học môi sinh về vấn đề này.
Sau loạt bài này, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của quý bạn đọc để rộng đường dư luận).

Nỗi lo “biến tướng” của hàng Trung Quốc

Đi một vòng các chợ ở khu vực Little Saigon, trong phạm vi thành phố Garden Grove, Westminster và xa hơn một chút là Costa Mesa, gồm khoảng 5 chợ Việt Nam, một chợ Nhật, một chợ Mexico, một chợ Đại Hàn và khá nhiều chợ Mỹ, điều chúng ta nhận ra được ngay là chợ Việt bán thực phẩm nhập cảng từ Trung Quốc và Việt Nam nhiều hơn các chợ Đại Hàn, chợ Mễ trong khi rất hiếm hoi ở các chợ Mỹ.

Thực phẩm Trung Quốc và Việt Nam được bày bán phần lớn là đồ khô như bánh tráng, bún tàu, nấm mèo, đậu; thức uống giải khát; đồ hộp; bánh kẹo v.v.. Có chợ bày thực phẩm Trung Quốc ở cạnh lối ra vào hoặc ở quầy tính tiền.
Bánh kẹo Trung Quốc trưng bày rất bắt mắt vì nhiều màu sắc, đủ loại, giá lại rẻ như loại thức uống Jelly Brown lố 4 lọ chỉ có $1.29, loại 400ml; kẹo ổi … Có nơi bán La Hán Quả – sản phẩm “độc quyền” của Trung Quốc loại 189g với giá $1.19. Còn thực phẩm Việt Nam được bày bán phần lớn là hột điều (khoảng 540g/lọ, giá $7.99), bánh đậu xanh nướng (hộp 150g, giá $1.79). Có thể nói, tỉ trọng thực phẩm có ghi rõ “Made in China” hoặc “Product of Vietnam” để người tiêu thụ nhìn thấy hiện chỉ còn khoảng 20 – 30% ở một số chợ.

Bên cạnh đó, có khá nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Malaysia với nước trái cây Yame Mix Fruit Pudding bán với giá $1.59/6 hủ đủ loại xoài, dâu, đủ màu hồng, vàng, trắng; bánh bơ ngọt Danisa, Biskut Beraneka Orchestra nhập của Indonesia, Malaysia; bánh Kitty Pie Chocolate l2 miếng, loại 336g giá $2.99 của Nam Hàn; Guava Flavor loại 28g giá $1.79/bịch của Thái Lan…
Ở nhiều quầy bánh kẹo, người ta thấy lẫn lộn có những thương hiệu nổi tiếng  như Bahlsen, Leibniz của Đức, loại 200g/hộp giá $2.59, loại 150g/hộp giá $2.09…
Riêng súp gà, bột gia vị, một trong những loại thực phẩm đóng hộp cần dùng cho hầu hết mọi gia đình,  có nhiều loại nhâp cảng từ Thái Lan với giá 99 xu, cạnh tranh với Trung Quốc và Việt Nam.
Đây đó người ta vẫn còn thấy thực phẩm Hồng Kông – nay đã thuộc lãnh địa Trung Quốc, cũng đầy màu sắc rực rỡ, nhiều loại như bánh kem Wafers chocolate, dâu, dừa, sầu riêng, chanh, giá $1.19/hộp.

Không biết dựa vào ai

Một trong những loại thực phẩm mới xuất hiện giành chỗ đứng của hàng Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian gần đây là các loại “đóng gói tại Hoa Kỳ”, gồm các loại đậu, thức uống, nước gia vị, súp gà v.v.. Chúng tôi thấy có loại trà xanh Jeh 25 túi/50g/hộp bán với giá $1.99 không ghi xuất xứ nhưmg ghi công ty nhập cảng là Empire Inter, Ontario, CA 19761 hoặc loại trà sâm 20 gói/hộp/60g của FEC Coinseng & Marin Product, LA, CA 90012 “Made in USA”…
Cũng có một số loại thực phẩm được đóng hộp cẩn thận tại Hoa Kỳ của Sunny Code Inc. N.Y; hoặc loại tiêu đen Spring field loại 113g/hộp bán với giá $2.29 được ghi là “Distributed by Unified Western Grocers, INC, Commerce, CA 90040”; loại súp gà loại 396g “Distributed by Tay Ho Food Co., Santa Ana, CA 92703”; bột tỏi, tiêu đen, bột cá của Chef Merito Inc, Van Nuys, CA 91405 v.v..
Số sản phẩm đóng gói tại một công ty Hoa Kỳ hiện nay khá nhiều, thay dần chỗ đứng của hàng Trung Quốc khiến người tiêu thụ “bán tín bán nghi” về độ tin cậy của các loại sản phẩm mới này.

Trong khi đó, loại thực phẩm tươi như thịt, cá sống… không ghi rõ xuất xứ vẫn còn khá nhiều. Ở chợ Mỹ như Food 4 Less, hoặc chợ Fiesta Mexicana, thực phẩm tươi được đóng gói và ghi cẩn thận xuất xứ từ các quốc gia xuất cảng đặt trên cao để người mua hàng dễ nhìn thấy, như Guatemala, Peru, hoặc Thailand, Philippines, USA, Ecuado, Honduras, Chile, Costa Rica v.v.. Họ ghi rõ xuất xứ các loại thịt bò, thịt heo, thịt gà, nhập cảng từ Canada hay từ trang trại của Hoa Kỳ…

Có thể nói, các công ty “packed tại Hoa Kỳ” còn quá ít thông tin giới thiệu về mình, hay ít ra là không chịu để địa chỉ cơ xưởng rõ ràng để người tiêu thụ góp phần kiểm soát. Các nhà nhập cảng cũng còn quá dễ dãi khi đưa vào thị trường Hoa Kỳ một vài loại sản phẩm không ghi địa chỉ của nhà sản xuất làm tăng thêm mối hoài nghi ở giới tiêu thụ. Có người e sợ mua nhầm sản phẩm “biến tướng” của hàng Trung Quốc. Đa số người Việt đến chợ chọn thái độ “nhắm mắt đưa chân”, cho rằng “thỉnh thoảng mới ăn một lần chắc không đến nổi nào, cứ mua đại mà không cần suy nghĩ”.

Tại một chợ Việt ở thành phố Westminster đầu tuần qua, chúng tôi hỏi một “ông nội trợ” vì sao lại chọn mua bún tàu “Made in China” thay vì bún tàu “Made in Taiwan”. Ông cho rằng thực phẩm các nước châu Á “không có gì khác nhau”. Ông không tin các nhà nhập cảng không kiểm soát nổi phẩm chất hàng hóa, kể cả xuất xứ vì hàng đóng trong container vào cảng Hoa Kỳ nườm nượp. Ông nói: “Bún tàu China hay Taiwan không khác nhau bao nhiêu. Hơn nữa mình ăn ít thì không sao”. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng “tốt nhất là ăn thực phẩm nhập cảng từ các nước Nam Mỹ, nhất là các loại thịt cá”.

Nhận định của “ông nội trợ” cư dân thành phố Westminster, Nam California xin được giấu tên cho chúng tôi thay lời kết luận: “Run sợ trước thực phẩm Made in China hay Product of Vietnam thì không dám mua, đã đành. Nhưng đứng giữa một rừng sản phẩm đủ loại của một thị trường tự do cạnh tranh, người tiêu thụ Việt Nam đành nhắm mắt đưa chân khi chọn lấy món ăn chứ không biết dựa vào ai”.
.
.
.

No comments: