Tuesday, February 15, 2011

CHÍN BÀI HỌC CHO VIỆT NAM TỪ AI CẬP (Đối Thoại)

Đối Thoại
Posted on 13/02/2011 by Doi Thoai

  “Học thầy không tày học bạn.”
                  Tục ngữ Việt nam 

 Chỉ sau 18 ngày nổ ra các cuộc biểu tình, kẻ độc tài, Hosni Mubarak, cầm quyền trong suốt 30 năm qua tại Ai Cập đã phải rời bỏ quyền lực. Kết quả này được coi là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử Ai Cập. Ngày ra đi của Hosni Mubarak được coi là ngày lớn nhất trong cuộc đời của nhiều người Ai Cập đương đại. Người Việt Nam chúng ta có thể học được gì từ sự kiện thành công này của người Ai Cập? Đây chắc chắn đang là trăn trở của hết thảy người Việt yêu nước.

Chúng tôi xin được chia sẻ 9 bài học sau đây:

1.
Ai Cập là một đất nước đã từng có một lịch sử vĩ đại làm kinh ngạc loài người. Cách đây hơn 6000 năm, người Ai Cập đã biết đào kênh, chế lưỡi cày, đúc thủy tinh, xây kim tự tháp, nghĩ ra số Pi (π) và xã hội đã có các đẳng cấp với tôn ti trật tự rõ ràng. Thế mà dân tộc (đã từng) vĩ đại như thế đã phải chịu sống dưới ách chuyên chế của một cá nhân (độc tài) là Hosni Mubarak trong suốt 30 năm qua. Do đó dân tộc Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ của nhân loại. Chúng ta không nên than vãn hay bi quan với hiện tại. Hãy tập trung để biến hiện tại đau khổ thành lịch sử huy hoàng. Đừng nuối tiếc quá khứ hay khóc than hiện tại.

2.
Hosni Mubarak đã từng được coi là vị anh hùng dân tộc, nhưng cuối cùng đã trở thành một tên độc tài khét tiếng, xảo quyệt và lỳ lợm (định giao quyền lại cho con trai Gamal Mubarak) chỉ vì nhân dân Ai Cập đã quá tin tưởng vào cá nhân mà không biết xây dựng một chế độ chính trị có khả năng kiểm soát kẻ nắm quyền. Việt Nam chúng ta cũng thế, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS VN ) đã bội ước nhân dân một cách tráo trở và tàn nhẫn sau khi lên nắm quyền. Do đó Việt Nam chúng ta, và cả nhân dân Ai Cập hiện nay, cần phải xác định mục tiêu tối hậu của cách mạng dân chủ không phải là dựng lên các thần tượng để ca ngợi, chiêm ngưỡng mà phải là xây dựng được các thiết chế dân chủ như báo chí tự do, hội đoàn dân sự, một nhà nước có tam quyền phân lập,…

3. 
Dưới sự độc đoán của chỉ một cá nhân (Hosni Mubarak) mà chính thể độc tài tại Ai Cập trong nền văn hóa Hồi Giáo đã khống chế hoàn toàn xã hội Ai Cập trong 30 năm và tỏ ra hết sức lỳ lợm, hung bạo với nhân dân Ai Cập. Do đó với một nền văn hóa còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo và dưới sự thống trị của một tập đoàn quyền lực độc tài có hệ thống (ĐCS VN), cùng với sự chi phối hiện nay của Trung quốc, người Việt Nam chúng ta phải xác định cuộc đấu tranh giữa nhân dân với chế độ độc tài hiện nay sẽ cam go và gian khó hơn nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Ai Cập với Hosni Mubarak vừa qua. Người Việt Nam cần phải nhận diện được đúng thực tại để sẵn sàng tinh thần trong đấu tranh, tránh mọi chủ quan, ảo tưởng.

4.
Trong sự đầu hàng khá êm thấm của Hosni Mubarak vừa qua có vai trò quan trọng của sự tác động, vận động từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Do đó, người Việt Nam chúng ta nên thúc đẩy sự phát triển bang giao giữa Việt Nam với Mỹ và các quốc gia dân chủ khác cho dù về ngắn hạn mối bang giao đó có thể mang lại nhiều lợi ích cho nhà nước độc tài.

5. 
Truyền thông độc lập trên mạng và không dây (blog, websites, facebook, twitter, cellphone, radio,…) đã đóng một vai trò tối quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của dân chúng, khởi phát, huy động và điều phối lực lượng biểu tình đưa đến thắng lợi quan trọng bước đầu cho nhân dân Ai Cập. Vì vậy người Việt Nam yêu nước ta cần tiếp tục nỗ lực để duy trì, phát triển rộng hơn nữa mạng lưới báo chí độc lập, nâng cao chất lượng các nội dung truyền bá tư tưởng dân chủ, nhân quyền, trang bị các kiến thức, hiểu biết về internet, mạng không dây cho giới trẻ và dân chúng.

6.
Thắng lợi bước đầu và nhanh chóng của nhân dân Ai Cập vừa qua đã có sự ủng hộ quan trọng của quân đội. Vì vậy các cá nhân, tổ chức vận động dân chủ của Việt Nam cần có một ý thức rõ, khéo léo, xuyên suốt trong việc khai thông tư tưởng, vận động các tướng lãnh, binh sỹ của Quân đội Nhân dân Việt Nam về vai trò lịch sử, thiêng liêng của họ trong việc bảo vệ đất nước, ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ. Sự vận động này cũng cần phải mở rộng sang cả lực lượng công an.

7.     
Các lực lượng Ai Cập chống nhà nước độc tài của Mubarak vừa qua đã thể hiện một sự linh hoạt, sáng suốt và kỷ luật trước các phản ứng từ nhà nước từ sự hăm dọa, khiêu khích cho tới những lời hứa và nhượng bộ có tính chiến thuật của Mubarak. Ví dụ: Những người biểu tình đã biết kìm chế, né tránh và chịu đựng để không bị rơi vào bẫy khiêu khích vũ lực của lực lượng an ninh chìm hoặc ban đầu đa số các lực lượng đối lập (kể cả lực lượng lớn nhất là Muslim Brotherhood) đều bác bỏ đối thoại với chính quyền, nhưng sau đó họ đã thay đổi quan điểm nhưng vẫn giữ vững những nguyên tắc cơ bản là Mubarak phải từ chức ngay, bãi bỏ Luật tình trạng khẩn cấp,…Các lực lượng và cá nhân đấu tranh dân chủ của Việt Nam chúng ta cũng cần phải học tập và rèn luyện cho cho bản thân hay tổ chức của mình một tinh thần linh hoạt nhưng tỉnh táo và kỷ luật trước các diễn biến của tình hình (có thể rất gấp gáp) để tránh những xô xát hay bế tắc không cần thiết, không bỏ lỡ cơ hội mà vẫn không bị lừa gạt hay để tuột mất mục tiêu cơ bản.

8.
Các cá nhân và lực lượng tham gia biểu tình tại Ai Cập vừa qua luôn thể hiện một tinh thần đoàn kết tuyệt đối không phân biệt tổ chức, đảng phái, địa vị, nguồn gốc xã hội. Tất cả đều sát cánh và vận động mọi cá nhân và tổ chức khác tham gia để nhắm vào một mục tiêu chung trước mắt là buộc Mubarak phải rời bỏ quyền lực. Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhoood) – tổ chức có lực lượng lớn nhất, tổ chức chặt chẽ nhất và ảnh hưởng nhất so với các lực lượng đối lập khác – đã có một thái độ đúng mực, khiêm nhường nhưng quyết đoán và trách nhiệm, tạo ra được một tinh thần đoàn kết rộng lớn trong dân chúng trước kẻ thù chung là chế độ độc tài. Các cá nhân và tổ chức vận động dân chủ của Việt Nam cũng cần học tập tinh thần đoàn kết, thái độ ứng xử đúng mực của Muslim Brotherhood để tránh cho phong trào dân chủ khi gặp được cơ hội lớn nhưng lại chia rẽ, lục đục chỉ vì cá nhân hay tổ chức nào đó có ảnh hưởng hay thực lực nhưng lại có những thái độ kiểu bè phái, trịch thượng hay kênh kiệu.

9.     
Theo nhiều ước đoán khả tín, kể từ ngày 25/01/2011 cho tới ngày Mubarak ra đi (12/02/2011) đã có hơn 300 người biểu tình Ai Cập bị chết, hàng ngàn người khác bị thương ở nhiều mức độ do tai nạn, va chạm với cảnh sát hay bị lực lượng an ninh chìm của nhà nước đánh đập, sát hại. Nhưng thanh niên Ai Cập và người dân vẫn không sợ hãi, có những người còn rất trẻ và đang có cuộc sống vật chất tốt đẹp vẫn sẵn sàng “hy sinh vì Tổ quốc (Ai Cập)”. Người Việt Nam chúng ta cũng phải xác định cuộc đấu tranh dân chủ – giành lại quyền tự do, quyền làm người từ tay ĐCS VN – cũng sẽ phải đối mặt với những mất mát về người và của. Nhưng những mất mát và hy sinh đó là cần thiết, là niềm tự hào cho cá nhân, gia đình và dân tộc Việt Nam.
.
.
.

No comments: