Wednesday, February 23, 2011

CHẾ ĐỘ LIBYA ĐANG BỊ LUNG LAY TẬN GỐC RỄ

Tú Anh

VRNs (23.02.2011) – New York, USA – Chế độ Libya đang bị lung lay tận gốc rễ.

Bất bình với việc chế độ huy động lính đánh thuê đàn áp biểu tình và dùng máy bay chiến đấu oanh kích thường dân, Bộ trưởng Tư pháp Lybia từ chức. Cùng lúc đó, hàng loạt sĩ quan và đại sứ đào nhiệm đứng về phía biểu tình và kêu gọi lật đổ nhà độc tài Kadhafi.

Sau 41 năm cầm quyền với bàn tay sắt, đại tá Kadhafi cô độc hơn bao giờ hết. Hôm qua, nhà thần học Hồi giáo có ảnh hưởng là giáo sĩ Yussef Al-Qardaoui ra thánh lệnh và, qua đài truyền hình Al-Jazira, kêu gọi quân đội Libya « hạ sát » lãnh đạo Kadhafi, kẻ đã « ra lệnh cho binh sĩ bắn vào dân của mình ».

Nhiều nhà lãnh đạo Libya đã đào nhiệm, bỏ rơi chế độ, như trường hợp của Bộ trưởng Tư pháp Moustapha Abdel Jalil, vừa từ chức phản đối chính quyền đàn áp dân chúng.

Đây cũng là trường hợp của hai phi công lái hai chiến đấu cơ Mirage F1, võ trang tên lửa, bay qua đảo Malta vào chiều hôm qua, xin tỵ nạn chính trị.

Hàng loạt đại sứ và nhân viên ngoại giao cao cấp ở Ấn Độ, Trung Quốc, tại Liên Đoàn Ả Rập, đã từ chức.
Hôm qua, đến lượt phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc, cùng với 6 nhà ngoại giao trong phái bộ, đã công khai kêu gọi quân đội « đứng dậy lật đổ tên bạo chúa ».

Từ New York, thông tín viên Karim Lebhour tường thuật:
« Chính phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ông Ibrahim Dabbashi, cùng nhiều nhà ngoại giao khác của Libya tại Liên Hiệp Quốc, thông báo : từ nay họ đứng vào hàng ngũ của phong trào biểu tình và kêu gọi lật đổ chế Kahdafi, mà họ gọi là « tên bạo chúa ».
Ngoài phái bộ ngoại giao Libya tại NewYork, cho đến nay đã có ít nhất 6 đại sứ Libya ở nhiều nước trên thế giới đã đào thoát. Sự kiện này cho thấy mức độ rạn nứt nghiêm trọng trong chế độ Tripoli.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon cũng tuyên bố là ông « kinh hoàng » trước hành động bạo lực của chính quyền Kadhafi, đã đem trực thăng võ trang và máy bay quân sự oanh kích thường dân.
Hội đồng Bảo An có thẩm quyền đưa ra những biện pháp cụ thể để bảo vệ dân lành. Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao Libya kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để cho thường dân Libya có thể chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Họ cũng đề nghị thành lập « vùng cấm bay » trên toàn bộ không phận của Libya, để chính quyền không thể dùng máy bay chiến đấu đàn áp biểu tình ».

Phong trào phản kháng trong thế giới Ả Rập quyết liệt hơn

Tại Yemen, khoảng 4.000 sinh viên biểu tình ngồi trước đại học Sanaa đã đụng độ với phe thân chế độ vào sáng nay. Cuộc đụng độ khiến 5 người bị thương.
Theo AFP, phe theo chế độ đã dùng dùi cui và dao găm tấn công vào sinh viên đối lập, trước khi cảnh sát can thiệp.
Biểu tình cũng dâng cao tại vương quốc Bahrain, nơi Hoa Kỳ đặt Tổng hành dinh hạm đội 5. Người dân địa phương từ chối các nhượng bộ của chính quyền và cương quyết đòi thành lập chế độ quân chủ lập hiến với một thủ tướng phải do dân trực tiếp bầu lên.

Tại Algeria, nhiều vụ xung đột đã xảy ra giữa cảnh sát chống biểu tình và khoảng 4.000 sinh viên tìm cách tập họp trước trụ sở Bộ Giáo dục đại học chiều hôm qua, thứ Hai (21/02).

Chính quyền Tunisia hôm 20/02/2011 đã yêu cầu Ả Rập Xê Út cho dẫn độ Tổng thống bị lật đổ Ben Ali, do có liên can đến “nhiều tội ác nghiêm trọng”, xúi giục người Tunisia “giết hại lẫn nhau”. Tunis cũng đòi hỏi chính phủ Ryad cho biết các thông tin về tình trạng sức khỏe của ông này, hoặc về trường hợp tử vong nếu ông Ben Ali đã chết.
Trong thông cáo được hãng thông tấn nhà nước TAP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Tunisia loan báo đã chính thức nêu ra yêu cầu trên bằng con đường ngoại giao. Thông báo cũng nêu rõ, bên cạnh các cáo giác mới đối với ông Ben Ali về mặt hình sự, còn có các tố cáo về việc rửa tiền qua các tài khoản ngân hàng và bất động sản tại nhiều nước, cũng như việc tồn trữ và chuyển ngân ngoại tệ bất hợp pháp.
Cựu Tổng thống Ben Ali năm nay 74 tuổi, vốn bị ung thư tuyến tiền liệt, dưới áp lực của các cuộc biểu tình đã phải đi tị nạn tại Ả Rập Xê Út từ ngày 14/1. Thân nhân của ông Ben Ali cho AFP biết ông đã nhập viện tại Jeddad trong tình trạng hôn mê do tai biến mạch máu não.
Từ khi ông Ben Ali chạy trốn, tài sản của ông đã bị nhiều nước cho phong tỏa, nhiều người thân trong gia đình đã bị bắt giữ, bản thân ông và bà vợ Leila Trabelsi đang bị truy nã quốc tế.
Chính phủ chuyển tiếp do cựu Thủ tướng Mohamed Ghannouchi đứng đầu đã hứa hẹn chính sách đa phương và dân chủ. Hôm nay ông Mouldi Kefi, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã phục vụ hai đời Tổng thống cũ đã được trao chức Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia.
Về phía chính phủ Pháp sẽ gởi hai bộ trưởng phụ trách Kinh tế và các vấn đề châu Âu đến Tunis ngày mai, nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với tân chính phủ Tunisia. Đây là chuyến viếng thăm Tunisia cấp bộ trưởng đầu tiên của Pháp từ sau khi ông Ben Ali bị lật đổ, sau các đại diện của Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, trong khi Pháp xưa nay là đồng minh thân thiết hàng đầu của Tunisia.
Tú Anh

--------------------------------

.
.
.

No comments: