Friday, February 11, 2011

CÂU CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO BỊ TRỤC XUẤT KHỎI NƯỚC NGA (Foreign Policy)

JULIA IOFFE | FEBRUARY 7, 2011, Foreignpolicy (FP)

Hiếu Tân dịch
11.2.2011

MOSCOW — Luke Harding đáp xuống sân bay Domodedovo mới bị đánh bom của Moscow vào lúc 4 giờ 10 phút chiều, ngày thứ Bảy vừa qua, 5 tháng 2. Tay phóng viên Guardian thường trú tại Nga này đã ở London hai tháng qua, làm việc trong bộ phận đưa tin về WikiLeaks của tờ báo và viết vội một quyển sách về chủ đề này (ra mắt cuối tháng 1). Khi anh đến quầy kiểm tra hộ chiếu, một người phụ nữ ngồi sau quầy scan hộ chiếu của anh hai lần; Harding biết có chuyện chẳng lành. Quả thật, sự việc đã đi ra ngoài tầm kiểm soát..
 
Người sĩ quan hải quan trẻ gọi cho cấp trên của chị ta, người này nhìn vào màn hình và cũng quét hai lần. “Liên bang Nga đóng cửa đối với ông,” Harding nhớ lại người đàn ông nói như thế khi ông ta đóng dấu “hủy bỏ” màu xanh lên trang visa hoàn toàn hợp lệ của anh. “Đơn giản bởi vì ông có visa Nga hợp lệ không có nghĩa là ông có thể vào nước này,” người sĩ quan đó nói.

Hộ chiếu của Harding bị tịch thu ngay lậo tức và anh bị nhốt trong buồng trục xuất. Là một nhà báo, anh đã đếm tất cả những người có mặt ở đó. “Có bốn người Tajiks, một người Kyrgyz, và một phụ nữ từ Congo”, Harding nói với tôi qua điện thoại từ London. “Chị ta đã ở đây bẩy ngày rồi, và đang gà gật trên một chiếc ghế sắt dài.” Nửa giờ sau, Harding đã ở trên máy bay trong một chuyến bay thẳng về London, hộ chiếu của anh được trả lại với một mẩu giấy ghi Trục xuất”. Vợ anh và hai đứa con tuổi thiếu niên còn bị kẹt lại ở Moscow.

Tôi không quen Harding lắm, nhưng hai chúng tôi có chung một người bạn và chơi với nhau trong cùng giới thân thiết các phóng viên nước ngoài ở Moscow. Mọi người đều biết rằng trong tất cả chúng tôi, Harding là người có quan hệ căng thẳng nhất với Kremlin và Bộ Ngoại giao, (là cơ quan kiểm soát quyền ra vào nước này của chúng tôi).

“Tôi đã nói rằng họ có quan hệ căng thẳng với tôi!”, anh nói. Ngay từ khi đến Nga cách đây bốn năm, anh và gia đình anh đã bị quấy rầy bởi cái mà mọi người cho là Cục An ninh Liên bang (FSB). Gia đình Harding về nhà thấy cửa sổ phòng ngủ của trẻ con mở toang, đồ chơi bị sắp xếp lại. Đồng hồ báo thức reo vào những giờ kỳ lạ. Nhưng ở Moscow không có cái gì là hoàn toàn rõ ràng. Sự quấy rầy này, một bí mật mở trong số dân làm báo chúng tôi, bản thân nó là vấn đề khó nắm bắt, gần như không thể nào làm sáng tỏ. Đấy là những việc mơ hồ, cũng có thể là do Harding tưởng tượng ra – mà cũng có thể là mối đe dọa thật sự từ cục an ninh. (dù sao mặc lòng, cuối cùng đại sứ Anh đã phải can thiệp, và sự quấy nhiễu ấy dừng lại một cách cũng bí ẩn như khi nó bắt đầu).

Và sau đó Harding được tiếng là tay chơi với lửa - có lẽ là dại dột - bằng cách theo dõi những chuyện cấm kỵ, thí dụ như về những quan hệ của những tên khủng bố Dagestani hoặc điều tra tài sản riêng [1] của Thủ tướng Vladimir Putin. Ngay cả Harding cũng phải thừa nhận rằng hành động này, đưa ra con số 40 tỉ đô la, là một loại thách đấu. “Đó có thể là câu chuyện can đảm nhất - và ngu xuẩn nhất - mà tôi đã làm,” anh nói. Anh nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của chính quyền như một kẻ nổi loạn, những người không được Kremlin ưa thích cho lắm.

Và đấy là những chuyện trước khi anh làm về những tài liệu WikiLeaks Nga - theo cách mà hầu hết phóng viên nước ngoài ở Moscow không làm. (Thí dụ như Harding đã mô tả Nga là một nước “tham nhũng, độc tài, do bọn lưu manh cai trị” [2])

Những chiến thuật mà Harding chọn đã trở thành đề tài tranh luận lớn. Một số người thậm chí còn xun xoe trước quyết định của anh để gây ra một vụ ồn ào về việc anh bị trục xuất. “Đó không phải là một việc nên làm.” Một phóng viên cao tuổi của Moscow nói. “Một khi động đến quan chức, một khi động đến chính quyền, người ta sẽ cho anh biết tay (họ sẽ chơi rắn) và quyết định càng trở nên khó đảo ngược hơn.”

Câu chuyện về giới thống trị và sự chọc tức của báo chí là con đường đầy chông gai. Lẽ ra không nên có những chuyện như thế, nhưng bất hạnh là ở nước Nga lại có những chuyện ấy. Và, bất hạnh hơn nữa, bất kỳ nhà báo nào - đặc biệt là các đồng nghiệp Nga của chúng tôi - làm việc trong nước Nga của ngày hôm nay phải tự hỏi liệu câu chuyện này hay câu chuyện tiếp theo sẽ biến anh thành kẻ tử vì đạo, và như thế có đáng không. Khi tôi đến Moscow lần đầu, cách đây một năm rưỡi, tôi bỏ qua những lời gợi ý về chuyện gì có thể viết và chuyện gì không thể. Tôi thấy nó kỳ quặc, thậm chí khó chịu. Nó sỉ nhục những giá trị vĩ đại của nghề báo và cảm giác vô địch của người Mỹ chúng tôi. Chỉ có những nhà báo Nga, tôi nghĩ, mới phải tự kiểm duyệt và sợ, còn chúng tôi chỉ phục vụ chân lý, và chúng tôi làm thế không hề sợ hãi. Thế rồi tôi gặp đe dọa đầu tiên (hết sức mập mờ) từ một doanh nhân Nga, khi tôi đang làm một phóng sự về ông ta...

Có nhiều luật lệ khác đối với các nhà báo Nga. Những người ngoại quốc chúng tôi rất dễ bị tống cổ ra - như trường hợp Harding - (cực kỳ khó chịu và căng thẳng đối với những ai xây dựng cuộc sống ở đây) hơn là bị đánh hoặc bị giết, nhưng đối với chúng tôi cũng có những quy tắc vừa khắc nghiệt vừa khó lường. Chúng tôi cũng đã học cách đi đứng cho dè dặt, thận trọng, dù hậu quả có như thế nào.

Năm 2005 đài ABC phát một cuộc phỏng vấn với lãnh tụ phiến quân Chechnya Shamin Basaev (Osama bin Laden của Nga vào thời gian ấy), trưởng văn phòng bị hủy visa, và văn phòng thực tế bị đóng cửa trong hai năm. (Bây giờ ông vẫn chưa được phép trở lại nước này). Một việc tương tự cũng xảy ra với Thomas de Waal, một nhà báo Anh không được cấp chiếu khác vào năm 2006, có lẽ vì ông đã đưa tin về bạo lực ở Caucasus. Và Natalia Morar, quốc tịch Mondovia, cũng không được cấp chiếu khác vì những tin tức mà chị đã đưa, mặc dầu chị kết hôn với một người Nga. Vân vân và vân vân.

Mặc dầu chúng tôi chưa bao giờ có thể biết chính xác ai là người bị tổn thương vì những bài báo cụ thể nào (không phải chỉ có Putin điều khiển chuyện này), thông điệp cuối cùng luôn luôn là thế này: các anh là khách, các anh phải chơi theo luật chơi của chúng tôi, và các anh phải chơi sao cho chúng tôi hài lòng.

Harding chọn con đường đấu tranh với chế độ này và bây giờ anh ngồi ở London, anh đã trả lời hai hay ba cuộc điện thoại từ các đồng nghiệp của anh ở Moscow - những người đang lúng túng tường thuật về tình huống khó chịu của anh.

Điều đó nói lên rằng, Harding thừa nhận việc trục xuất này không làm anh ngạc nhiên. Vào tháng 11, anh đã bị gọi đến Bộ Ngoại giao và anh được người ta bảo cho biết visa của anh không được tiếp tục gia hạn nữa. “Họ nói cách rõ ràng họ không thích mình”, anh nhớ lại. Rồi, một ngày trước khi visa hết hạn - sau khi anh đã đóng gói hành lý và các con anh đã từ biệt bạn bè của chúng ở trường - Bộ Ngoại giao cấp cho Harding visa thêm sáu tháng nữa để bọn trẻ có thể kết thúc năm học. Đó chính là visa Harding dùng để vào lại nước Nga.

Điều đáng sợ nhất trong câu chuyện về Harding là nó xác nhận nỗi sợ mà tất cả chúng tôi đều có mỗi khi trở lại nước Nga. Đó là nỗi sợ, trống ngực đập thình thình, không hề dịu đi cho đến khi anh qua được vòng kiểm tra hộ chiếu và nhìn thấy băng chuyền hành lý chạy êm ái trước mắt. Hóa ra Harding cũng có sợ như thế. “Tôi luôn luôn có thói quen là nhìn bảng tên của sĩ quan kiểm tra hộ chiếu, bụng nghĩ, có phải bây giờ đã đến lúc rồi không?”, anh kể với tôi. “Và người làm việc đó là Lilia. Đó là cái tên rất dễ thương.”./.
--------------------

[1]. Putin, the Kremlin power struggle and the $40bn fortune (Putin, cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Kremlin và gia sản 40 tỉ đôla) . Xem tại đây .
[2] Kleptocracy (một từ gốc Hy Lạp) có nghĩa là chính quyền tham nhũng, trộm cắp, làm lợi cho một thiểu số và thiệt hại cho đa số người dân
.
.

No comments: