Sunday, February 6, 2011

CẤP BÁCH CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH LÚA GẠO (RFA)

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-02-05

Bước vào năm Tân Mão, nông dân hy vọng một năm mới được mùa được giá, tuy nhiên để bảo đảm lợi nhuận ổn định cho nông dân, chính phủ Việt Nam cần cải cách chính sách lúa gạo.

Công bằng lợi nhuận cho nông dân

Việt Nam hướng tới nền kinh tế thị trường từ hơn hai thập niên vừa qua, gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO được 4 năm nhưng trên thực tế đã thực hiện rất ít cải cách trong nông nghiệp, đặc biệt về ngành lúa gạo. Mặc dù đang đứng ở vị trí thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, lượng gạo bán ra thị trường thế giới đạt kỷ lục 6,8 triệu tấn trong năm 2010 trị giá hơn 3 tỷ USD, nhưng theo báo Saigon Tiếp Thị điện tử thì chính sách lúa gạo của Việt Nam đẩy nông dân xuống vị trí cuối bảng về lợi ích.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long kêu gọi phải có chính sách cho người trồng lúa và thực hiện đứng đắn để có thể phân chia lợi nhuận công bằng cho nông dân:
 “Theo qui định mới diện tích đất lúa không thể chuyển đổi làm chuyện khác, như vậy người trồng lúa là phải tiếp tục mãi, trong khi lúa gạo là mặt hàng chính trị hơn là kinh tế, muốn làm giàu từ lúa rất khó. Do vậy cần có chính sách riêng cho người trồng lúa, để công việc của họ có hiệu quả tốt hơn.
Điều cần thiết là hỗ trợ cách thức thế nào đó để liên kết vùng, liên kết 4 nhà để bà con nông dân có sự phối hợp chặt chẽ, có mặt hàng với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có sự đầu tư của các doanh nghiệp, để bà con nông dân an tâm sản xuất, cũng như làm sao để tăng chuỗi giá trị hạt gạo và chia lợi nhuận chuỗi giá trị gia tăng này một cách đồng đều phù hợp công sức bà con nông dân.”

Báo điện tử Saigon Tiếp Thị có bài viết dựa vào báo cáo ‘Phân tích hệ quả can thiệp chính sách với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo và tôm tại Việt Nam’ được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phổ biến hồi trung tuần tháng Giêng 2011. Sự kiện được nhà báo phân tích rõ ràng đó là ‘Giá gạo và thời điểm xuất khẩu gạo thực sự có vấn đề’. Ghi nhận của nhóm nghiên cứu qua khảo sát ở An Giang, tỉnh có sản lượng lớn ở vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long, thì mỗi khi Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ngừng xuất khẩu là nông dân bị thua lỗ, lúa ế xuống giá, bởi VFA là người quyết định giá sản phẩm.

Chúng tôi xin nhắc lại sự kiện tháng 4 năm 2008, trong lúc giá gạo thế giới đạt kỷ lục chưa từng có là 1.200 USD/tấn, VFA công bố ngừng ký hợp đồng xuất khẩu. Vụ lúa hè thu và lúa vụ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long năm đó bị ứ đọng nghiêm trọng. Tuy vậy, các thành viên VFA có thể mua lúa gạo với giá rẻ mạt còn người trồng lúa lỗ chỏng gọng. Cũng trong năm 2008 còn xảy ra vụ náo loạn thị trường gạo nội địa, khi người dân TP.HCM và các tỉnh thành khác đổ xô đi mua gạo đẩy giá thị trường lên cao. Sự kiện mà báo chí lúc đó mô tả là đã có một nhóm người đầu cơ hưởng lợi lớn, nhà chức trách được lệnh điều tra nhưng vụ này cũng chìm xuồng.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Lê Đạt Chí trường Đại học Kinh tế TP.HCM đưa ra nhận định:
“Những năm trước biến động giá gạo là do chuyển tải thông tin đến với nền kinh tế, không phải là do mất cân đối cung cầu. Cho nên vấn đề kiểm soát giá lương thực thực phẩm không phải là biện pháp hành chính mà do chuyển tải thông tin đến với nền kinh tế thiếu rõ ràng. Đó là bài học cho Việt Nam chứ đó không phải là yếu tố để kiểm soát giá lương thực thực phẩm chính phủ dùng biện pháp hành chính. Bởi lẽ quan hệ cung về lương thực thực phẩm ở Việt Nam dồi dào hơn về cầu, Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.”

Độc quyền nhóm lợi ích

Theo bài phân tích của báo điện tử Saigon Tiếp Thị: “Trong chính sách điều tiết cơ chế xuất khẩu gạo, thực tế phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo phụ thuộc vào Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, không có con dấu của VFA trên hợp đồng, gạo sẽ không được thông quan xuất đi. Theo nhóm nghiên cứu, chính sách này đang tạo ra biến dạng thị trường rất rõ nét thông qua việc hình thành độc quyền xuất khẩu.”

Đại diện của nhóm nghiên cứu Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đức Nhật nhấn mạnh, VFA với đa số thành viên là doanh nghiệp quốc doanh được hưởng lợi ích nhóm độc quyền rất lớn qua qui chế quản lý xuất khẩu gạo hiện hành. Trong khi về tổng thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhóm còn lại trong chuỗi xuất khẩu, mà nông dân chịu thua thiệt nhiều nhất.

Phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được Saigon Tiếp Thị trích thuật cho thấy giá gạo và thời điểm xuất khẩu gạo thực sự có vấn đề. Mỗi khi có hạn chế xuất khẩu lập tức thị trường ứ đọng, nông dân bị ép giá.
Ông Nguyễn Đức Nhật vạch ra sự khác biệt về mục đích tôn chỉ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan. Nếu như ở nước bạn đề ra tiêu chí ‘Vì quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong ngành công nghiệp gạo’ thì VFA chỉ ‘bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên.’

Phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy chỉ có số ít nông dân thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng, đa số nông dân không có vốn, phải mua chịu giống lúa, phân bón thuốc sâu và trả nợ vào cuối vụ khi bán lúa. Khi được hỏi về chính sách đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%, nông dân tỏ ra ngạc nhiên và lạ lẫm.

Trao đổi với chúng tôi, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long nhìn nhận họ ở tận đáy của ngành lúa gạo:
“Nhà nước cho doanh nghiệp vay không có lãi để thu mua lương thực cho dân, như vậy sao không cho dân vay khỏi lãi đi, đồng vốn sẽ về tay nông dân. Doanh nghiệp thì đứng đầu nhập kho…một ngả hai ngả mới tới nông dân. Em làm ruộng rồi có người thu mua, tới khi xay ra lương thực còn có một đầu cò nữa mới tới ông doanh nghiệp, rồi tích lũy nữa mới tới xuất khẩu. Coi như em là hạng thứ tư rồi.”

Báo cáo mới nhất về “Phân tích hệ quả can thiệp chính sách với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo và tôm tại Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ghi nhận trong 10 năm qua, Việt Nam đã mất 300.000 héc-ta đất trồng lúa, trong đó đồng bằng sông Cửu Long giảm 175.000 héc-ta. Đất trồng lúa bị mất là vì chủ trương đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp khu chế xuất và các dự án xây dựng sân golf ở khắp nơi. Hiện nay cả nước còn 4 triệu 130 ngàn héc-ta đất trồng lúa và theo kế hoạch của chính phủ đến năm 2020 sẽ chỉ còn từ 3,7 đến 3,9 triệu héc-ta.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Võ Trí Thành Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội nhận định:
“Việt Nam là một trong những nước có lợi thế nhất định về sản xuất một số mặt hàng nông nghiệp và theo nhiều nghiên cứu cũng là nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, cộng thêm những vấn đề về phát triển, rõ ràng việc tạo dựng một mô hình mới là rất quan trọng.
Nhưng đặc trưng thì có ba vấn đề, cơ bản nhất là tạo thêm được giá trị gia tăng cao cho sản xuất nông sản Việt Nam. Thứ hai là lợi ích của người sản xuất và phân phối lợi ích giữa các bên tham gia vào quá trình sản xuất, chuỗi giá trị. Thứ ba là gắn với câu chuyện phát triển bền vững thí dụ như vấn đề bảo vệ môi trường.”

Các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế đã góp ý nhiều về việc cải cách chính sách ngành lúa gạo. Nhưng trên thực tế sau hai thập niên đẩy mạnh trồng lúa và trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, phải đến năm 2011 này mới thấy manh nha về sự cải cách chính sách. Một số những lập luận ngược chiều cho rằng, sự cải cách này cũng chỉ mang tính đối phó vào thời điểm Việt Nam mở cửa thị trường theo lộ trình gia nhập WTO, xuất khẩu gạo không còn là độc quyền của VFA nữa mà sân chơi được mở rộng cho doanh nghiệp nước ngoài.

Với nghị định 109 qui định kinh doanh xuất khẩu gạo, sẽ thấy doanh nghiệp phải có vốn lớn đầu tư kho bãi, nhà máy xay xát và tạm trữ gạo lưu thông, họat động xuất khẩu gạo được tổ chức lại, giảm độc quyền của VFA kể cả các hợp đồng lớn tập trung. Tuy vậy vẫn chưa rõ nét về một chính sách riêng cho người trồng lúa. Đây là một nhu cầu tối thượng mà cả chuyên gia lẫn nông dân đều trông đợi được hình thành trong năm Tân Mão này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved

-----------------------

Đọc thêm :

Hoàng Kim (Đồng Tháp)   -  27/11/2010

Chủ tịch Hội nông dân VN Nguyễn Quốc Cường  -  Thứ Sáu, 20/11/2009, 07:55 (GMT+7)

Tuổi Trẻ  -  Thứ Ba, 07/03/2006, 06:12 (GMT+7)

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  -  Đăng bởi bvnpost on 04/10/2010

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  23/09/2010

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  -  -   22/09/2010 

Hoàng Kim (Đồng Tháp)  - 18/09/2010 

  

.
.
.

No comments: