Wednesday, February 23, 2011

CĂNG THẲNG GIA TĂNG Ở BIỂN ĐÔNG và NHỮNG HỆ LỤY ĐỐI VỚI AN NINH KHU VỰC

GS. Leszek Buszynski
Trường nghiên cứu Quốc tế, Chính trị và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc
Thứ ba, 22 Tháng 2 2011 00:00

Bài viết của GS. Leszek Buszynski, Trường nghiên cứu Quốc tế, Chính trị và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc, phân tích những căng thẳng leo thang gần đây tại Biển Đông trong mối quan hệ cạnh tranh gay gắt Mỹ - Trung. Theo tác giả thì những chính sách cứng rắn gần đây của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ sự tranh giành ảnh hưởng chính sách đối ngoại trong nội bộ với ưu thế nghiêng về phe quân đội, qua đó muốn khẳng định vị thế của nước này trên trường quốc tế và buộc  Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác phải tôn trọng “lợi ích cốt lõi” mà nước này tuyên bố.

Giới thiệu
Với việc nhận ra sức mạnh kinh tế và những ảnh hưởng chính trị tương xứng của mình đang ngày càng tăng, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong việc gây sức ép đối với những yêu sách về lãnh thổ của mình. Tháng 3/2010 một quan chức Trung Quốc đã tuyên bố Trung Quốc hiện nay xem Biển Đông như “lợi ích then chốt” của nước này, ngang bằng với Tây Tạng và Đài Loan.  Đây là một diễn biến mới mà một lần nữa cho thấy tham vọng của nước này đang tăng lên như thế nào với tiềm năng sức mạnh. Nhiều người theo dõi vấn đề tranh chấp Biển Đông cho rằng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ mở rộng của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực có ý dựa trên cơ sở đàm phán, và rằng nó sẽ được điều chỉnh trong một sự dàn xếp khu vực có lợi. Tuy nhiên các sự kiện diễn ra lại mang đến cho người ta những hoài nghi về phỏng đoán này. Trong tháng 7 vừa qua Trung Quốc đã đe dọa Mỹ về việc tập trận hải quân trên biển với Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng Hà. Sau khi bị Trung Quốc phản đối, Mỹ đã chuyển cuộc diễn tập sang vùng biển phía Tây của Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng đã tiến hành một sự phản đối mang tính ngoại giao với Nhật Bản vào tháng 9/2010 về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi Đội Tuần tra Bờ biển Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Nhật Bản đã nhượng bộ và phóng thích thuyền trưởng tàu Trung Quốc trong một bước đi nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ táo bạo sử dụng các cách giải quyết tương tự đối với các tranh chấp lãnh thổ khác. Những sự kiện này có thể cho thấy các nhà Lãnh đạo Trung Quốc đủ tự tin với một Hoa Kỳ đang suy yếu đi và một Nhật Bản do dự trong việc đòi các quyền lợi của mình ở vùng biển Tây Thái Bình Dương và đặc biệt là ở Biển Đông. Các sự kiện này cũng chỉ rõ một cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra ở Bắc Kinh ở thời điểm mà quyền lực đang được chuyển giao cho một thế hệ lãnh đạo mới. Đây luôn là một thời kỳ quan trọng. Quân đội đang tranh cãi về quyền được lên tiếng cho quốc gia và giới lãnh đạo dân sự đang chịu sức ép ngày càng tăng. Nhiều phát ngôn công khai và tỏ ra hung hăng từ quân đội Trung Quốc trực tiếp chống lại Hoa Kỳ và Nhật Bản mà có thể có các kết cục không thể lường trước được. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì những triển vọng cho một giải pháp mang tính hợp tác về vấn đề Biển Đông có vẻ như rất mù mờ.

Trung Quốc, chủ nghĩa đa phương và cán cân quyền lực
Tài liệu về chính sách đối ngoại Trung Quốc tập trung vào sự thích ứng của Trung Quốc đối với chủ nghĩa đa phương và sự sẵn sàng của Trung Quốc để thay đổi cho phù hợp với các tiêu chuẩn và các quy tắc cho việc giải quyết tranh chấp một cách hợp tác. Một số người đã khẳng định rằng Trung Quốc đã trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng và là một bên hữu quan trọng hệ thống quốc tế. Lowell Dittmer đã viết việc Trung Quốc đã trải qua một sự dịch chuyển trong định hướng là kết quả của “sự tiếp thu trong nhận thức hơn là chỉ đơn thuần phô trương bề ngoài” và rằng Trung Quốc đang hướng tới một “mô hình mới của một công dân quốc tế tốt”, và một “cường quốc có trách nhiệm”. Ông cho rằng Bắc Kinh đã đóng một vai trò mới với “sự nhạy cảm khác thường”. Đối với vấn đề Biển Đông, sự tham gia của Bắc Kinh vào Tuyên bố về Quy tắc ứng xử (DOC) của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN] tháng 11/2002 và Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN [TAC] tháng 10/2003 được xem như một quyết tâm cao trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trong vấn đề này, “Bắc Kinh dường như đã xoa dịu những quan ngại của ASEAN với những hứa hẹn về một giải pháp hòa bình và sự phát triển chung của các hòn đảo nhỏ”[1]. Đánh giá này được dựa trên sự hội nhập vững chắc của Trung Quốc vào nền kinh tế quốc tế, tư cách hội viên của nước này trong các tổ chức quốc tế và vai trò của Bắc Kinh trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98 khi mà nước này kháng cự lại áp lực phá giá đồng nội tệ. Các nhà quan sát khác về cách ứng xử của Trung Quốc đã lưu ý rằng sự tham gia của Trung Quốc vào chủ nghĩa đa phương “mang tính lựa chọn cao”, rằng Trung Quốc đang hướng tới “việc tăng cường địa vị của mình trở thành một cường quốc khu vực và thế giới, và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình”. Ở những nơi mà Trung Quốc có thể thu lợi từ các hiệp định kinh tế đa phương, nước này sẽ trở thành một bên hữu quan có trách nhiệm. Thực tế, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào một môi trường kinh tế quốc tế có thể dự đoán, môi trường mà sẽ đảm bảo một dòng đầu tư liên tục và một sự tiếp cận các thị trường ổn định cho các sản phẩm của nước này. Tuy nhiên, về vấn đề an ninh, cách tiếp cận của Trung Quốc lại khác. Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và phát triển một sự nghiệp chung với các quốc gia khác chống lại việc Mỹ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Trên hết, Trung Quốc hướng tới việc ngăn cản sự nổi lên của một “cấu trúc an ninh đa phương” mà trực tiếp chống lại nước này.[2]
Hơn nữa, các sự kiện diễn ra trong vài năm gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã tính toán những bước đi của mình theo cán cân quyền lực, cụ thể là sự sắp xếp các cơ hội được tạo ra bởi những sự dịch chuyển tương đối trong sức mạnh kinh tế và quân đội. Các đánh giá trước đó về chính sách đối ngoại của Trung Quốc dường như đã bỏ qua nhân tố này trên cơ sở Trung Quốc sẽ bị “ràng buộc” lâu dài trong các dàn xếp đa phương mà sẽ kiềm chế bất kỳ nỗ lực chủ nghĩa phiêu lưu nào của nước này. Một điều không được nhận ra đó là một Trung Quốc đang nổi lên và hùng mạnh hơn sẽ phá vỡ bất kỳ ràng buộc nào và sẽ tìm cách định hình lại các dàn xếp kia cho phù hợp với những lợi ích của mình bằng cách đe dọa các nước khác với sức nặng và sự hiện diện tuyệt đối của mình hay bằng sự đối đầu mang tính ngoại giao một cách công khai. Trong khi sự hiện diện của quân đội Mỹ và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đảm bảo rằng cán cân quyền lực được xem như không có triển vọng ở Tây Thái Bình Dương, thì Trung Quốc đã bác bỏ những động thái mà có nguy cơ tạo ra xung đột. Cho tới gần đây, Trung Quốc đã tránh phản đối cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng Hà và nước này cũng ngừng đối đầu với các tàu tuần tra của Mỹ hoạt động gần bờ biển nước này. Trung Quốc cũng cố gắng để kiểm soát sức ép trong nước mà có thể dẫn đến một cuộc đối đầu với Nhật Bản trong một loạt các vấn đề chia rẽ hai quốc gia, như trong vụ sách giáo khoa năm 2005, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng để giảm bớt sự phản đối kịch liệt của dư luận trong nước. Hơn nữa, liên quan đến Biến Đông, sau khi ký DOC năm 2002, Trung Quốc đã thi hành một chính sách làm an lòng đối tác trong khi tránh một cam kết về giải pháp cho vấn đề này - điều sẽ chấm dứt những lựa chọn trong tương lai của Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2010, đã có những dấu hiệu về một sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc khi mà nước này có thái độ quyết đoán hơn đối với Mỹ và Nhật Bản. Có hai lý giải cho vấn đề này.
Lý giải thứ nhất dựa trên mô hình chủ thể duy lý và giả định rằng tầng lớp lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc kiểm soát chính sách một cách hiệu quả và tìm ra sự tự tin mới trong sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc xem Mỹ như một cường quốc  đang suy yếu và sẽ không thể ngăn cản Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của mình ở châu Á. Trung Quốc đang đáp trả cán cân lực lượng mới mà đã hình thành kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giáng một đòn chí tử vào tham vọng bá chủ toàn cầu của nước Mỹ. Các cấp độ khu vực và toàn cầu của chính sách được gắn kết trong kế hoạch trò chơi của Trung Quốc bởi vì, đối với Trung Quốc, để đòi hỏi quyền lãnh đạo ở châu Á, đòi lại Đài Loan, khiến Nhật Bản phải khuất phục và để mở rộng sự thống trị của Trung Quốc lên toàn bộ vùng Biển Đông thì sự hiện diện của quân đội Mỹ phải được ngăn cản một cách thích hợp bởi sức mạnh quân đội Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không mạo hiểm với các rủi ro không thể chấp nhận, mà sẽ phá vỡ các quan hệ kinh tế và đầu tư và làm cho cộng động quốc tế lo lắng nhưng sẽ sử dụng sự đối đầu ở những thời điểm cụ thể nhằm truyền đạt thông điệp rằng những lợi ích của Trung Quốc nên được đáp ứng trong một trật tự khu vực mới. Trật tự khu vực mới đòi hỏi Mỹ phải đối xử với Trung Quốc như một đối tác ngang hàng trong một chế độ quản lý chung của châu Á không bao gồm Nhật Bản. Đối với Mỹ, cái giá sẽ là việc từ bỏ Đài Loan, bán đảo Triều Tiên và chấp nhận sự trung lập hóa của Nhật Bản như một đồng minh và một cường quốc khu vực quan trọng. Đối với khu vực ASEAN và đặc biệt là Việt Nam, cái giá của việc mặc cả giữa các cường quốc này sẽ là việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và cuối cùng là thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển đó.
Lý giải thứ hai nếu dựa trên mô hình quyền lực của việc ra quyết định giả định rằng việc ra quyết định khó tránh khỏi một sự tranh giành quyền lực giữa các cơ quan khác nhau trong và ngoài chính phủ, các đảng chính trị, các bộ và quân đội. Các cơ quan này có ảnh hưởng đặc biệt đối với các quyết định mà có ảnh hưởng đến họ bởi những lý do về kiến thức chuyên ngành hay trong trường hợp của quân đội, một cơ quan cấp trên đòi quyền bảo vệ và đại diện cho lợi ích quốc gia. Các nền dân chủ vốn quen với  thể thức ra quyết định này, theo đó, các nhà lãnh đạo được bầu chọn sẵn sàng lắng nghe các đảng phái chính trị và nhạy cảm với dư luận và đây cũng là nơi mà các bộ máy công quyền tranh giành ngân sách và tầm ảnh hưởng. Về mặt lý thuyết, các hệ thống độc tài có sự kiểm soát lớn hơn trong việc ra quyết định và có khả năng hơn để duy trì sự nhất quán trong chính sách và đưa ra chiến lược dài hạn mà không bị ảnh hưởng bởi các thế lực trong nước khác. Tuy nhiên, hệ thống dư luận bị kìm nén mà thiếu các kênh chính thức để bày tỏ quan điểm cá nhân trong một hệ thống độc tài có thể dẫn đến sự phản kháng và biểu tình mạnh mẽ của công chúng mà có thể buộc giới lãnh đạo có những hành động đối kháng với bên ngoài nhằm kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi những vấn đề trong nước. Nếu quân đội được cho phép có một vị trí đặc quyền trong một thống độc tài thì quyền phát ngôn và bảo vệ chủ quyền quốc gia trở thành chủ đề cho một cuộc đấu tranh quyền lực. Trong một hệ thống độc tài như thế này, việc ngăn cản và ngăn cấm việc bày tỏ một cách tự do các quan điểm khác nhau dẫn đến chủ nghĩa cực đoan và đôi khi là một sự thiếu tinh thần trách nhiệm gây phiền toái và không thể kiểm soát được. Nếu cách tiếp cận này mô tả tình trạng ở Trung Quốc thì giới lãnh đạo chính trị sẽ bị các thế lực mà họ ngày càng không thể kiểm soát được vùi dập. Sẽ có một dư luận sôi sục về các vấn đề lãnh thổ trút cơn thịnh nộ lên tầng lớp lãnh đạo chóp bu và đe dọa làm chệch hướng quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản. Cũng sẽ có một quân đội có nhu cầu lãnh đạo sẽ nắm lấy cơ hội tạo ra bởi việc dịch chuyển cán cân lực lượng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc và để gây áp lực buộc quân đội Mỹ tránh xa khỏi biên giới biển của Trung Quốc. Trên thực tế, nếu việc kiểm soát chính sách ở Trung Quốc đang suy yếu thì hậu quả có thể rất nguy hiểm và tương lai sẽ rất khó lường.
Điều rõ ràng nhất đó là quan điểm của Trung Quốc về “lợi ích then chốt” của họ, điều mà đã trở nên có ảnh hưởng rộng hơn trong giới chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vào tháng 3/2010, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai phát biểu với hai quan chức cấp cao của Mỹ rằng Trung Quốc coi Biển Đông như “lợi ích then chốt” của mình tương tự như Tây Tạng và Đài Loan. Những bài bình luận sau đó đã vin vào đó và bắt đầu sử dụng khái niệm “lợi ích then chốt”. Một bài bình luận của Tân Hoa xã đã khẳng định rằng “bằng việc thêm Biển Đông vào các “lợi ích then chốt” của mình, Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm của nước này trong việc bảo đảm an ninh tài nguyên biển và các vùng biển mang tính chiến lược”. Bài bình luận xác nhận rằng “chủ quyền lãnh thổ, các nguồn lực chiến lược và các tuyến giao thương của Trung Quốc tạo thành các “lợi ích then chốt” của nước này; và giống như bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp chúng” [3]. Thực tế, đây là sự mở rộng đáng kể quan điểm về các “lợi ích then chốt”, một quan điểm đã gây ra rất nhiều tranh luận trong giới báo chí quốc tế. [4] Một báo cáo khẳng định rằng “Trung Quốc đã vẽ một đường đỏ lên bản đồ châu Á và thách thức bất kỳ ai vượt qua nó”.[5] Một báo cáo khác lưu ý rằng điều này ngụ ý rằng Trung Quốc có thể “sử dụng vũ lực hay đe dọa bằng vũ lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia đã tuyên bố của mình trên vùng đất và vùng biển trong khu vực”. [6] Tuy nhiên, một báo cáo khác lại đặt câu hỏi liệu ý tưởng về “lợi ích then chốt” có khác đáng kể quan điểm về “các lợi ích quốc gia hay lợi ích thường xuyên” và liệu một “lợi ích then chốt” có là “sống còn và không thể thay thế được” đến nỗi mà bất kỳ thảo luận nào về nó cũng bị tuyệt đối cấm. Bài bình luận lưu ý một cách sâu sắc rằng “người ta thông thường có thể mong muốn các “lợi ích then chốt” trở nên có thể dự đoán và lâu bền” và sự mở rộng của chúng sẽ làm cho “các động cơ và ý đồ trở nên đáng nghi”. [7]  Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell đã nói rằng ông biết nhiều tài liệu tiếng Trung đã đề cập đến việc coi Biển Đông như là một “lợi ích then chốt” nhưng vấn đề này chưa được chính thức đưa vào chính sách. [8] Tất nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường đề cập đến ý tưởng về các “lợi ích then chốt” của Trung Quốc và yêu cầu Mỹ tôn trọng chúng.[9]  Điều này có vẻ như chỉ ra một sự phân chia Tây Thái Bình Dương thành các khu vực ảnh hưởng, trong đó Biển Đông nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tại sao một khu vực ảnh hưởng lại là một “lợi ích then chốt”, cái mà trên thực tế có nghĩa là trung Quốc sẽ đi tới cuộc chiến tranh để bảo vệ nó. Đó là một câu hỏi hấp dẫn. Sự khác biệt giữa các lợi ích then chốt và các lợi ích không then chốt là gì? Có thể là người Trung Quốc đang sử dụng ngôn ngữ một cách lỏng lẻo mà không quan tâm đến ngữ nghĩa, đơn giản chỉ để tạo ra một điểm nhấn cho một tình huống trong nước đang biến đổi nhanh. 
Tiếng nói của quân đội càng dễ được nhận ra hơn qua các tranh chấp lãnh thổ này. Thiếu tướng hải quân Yang Yi của Trường Đại học Quốc phòng đã viết trong Nhật báo Quân Giải phóng rằng Mỹ đang “tham gia vào một sự bao vây chặt chẽ ngày càng tăng đối với Trung Quốc và liên tục thách thức các lợi ích then chốt của Trung Quốc”. Liên quan đến các cuộc tập trận trên biển chung mà Mỹ đã lên kế hoạch với Hàn Quốc trên vùng biển Hoa Đông, ông khẳng định họ có ý định gây ra “sự thù hằn và đối đầu trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.[10] Liên quan đến vấn đề Biển Đông, vị tướng đã nghỉ hưu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc [PLA] và nhà nghiên cứu Xu Guangyu của Hiệp hội Kiểm soát quân sự và Giải trừ quân bị Trung Quốc đã khẳng định “Sự vắng mặt trong một thời gian dài của Trung Quốc tại các vùng biển đặc quyền về kinh tế của nước này trong các thập kỷ qua là một sự bất thường và hiện nay nước này đang tiến tới những hoạt động bình thường”. Ông bổ sung thêm rằng “Chúng tôi đã giữ im lặng về các tranh chấp lãnh thổ với những quốc gia láng giềng của chúng tôi trong quá khứ bởi vì hải quân của chúng tôi đã không thể bảo vệ các vùng kinh tế của chúng tôi, nhưng hiện nay hải quân của chúng tôi đã có thể thực hiện những nhiệm vụ của họ”. Ông Xu cũng nhấn mạnh “Việc PLA phát ngôn trước tiên về những vấn đề này là điều tự nhiên” và “Nhiệm vụ thiêng liêng của PLA là bảo vệ lãnh thổ và các lợi ích của Trung Quốc”.[11] Các đại diện quân đội Trung Quốc đã xuất hiện với tần xuất lớn hơn trong các hội thảo khu vực và mang theo họ một sự hiếu chiến đáng lưu ý tương phản rõ rệt với sự mềm mỏng của các quan chức bộ ngoại giao. Tại hội thảo Shangri La diễn ra tại Singapore vào tháng 6/2010, Thiếu tướng Zhu Chenghu, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của trường Đại học Quốc phòng, đã công khai phản đối việc ủng hộ bán vũ khí cho Đài Loan và phá vỡ mối quan hệ quân sự với Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate. Theo tin đã đưa, Zhu đã nói với Gates “các ông, những người Mỹ, đang coi Trung Quốc như kẻ thù” [12]. Zhu đã không phải là người lạ trong cuộc tranh cãi hồi tháng 7/2005 khi ông cảnh báo người Mỹ rằng nếu Trung Quốc va chạm với Mỹ trong vấn đề Đài Loan, nước này có thể phá hủy các thành phố của Mỹ với vũ khí hạt nhân. [13] Đây là một cái nhìn thấu bên trong tư duy chiến lược của Trung Quốc trong đó sự đe dọa ở cấp độ hạt nhân có thể mang lại cho Trung Quốc những thuận lợi trong việc có được cấp độ truyền thống trong quan hệ với Đài Loan. Không nghi ngờ gì tư duy chiến lược giống như vậy sẽ được áp dụng cho vấn đề Biển Đông. Trong bất kỳ trường hợp nào với sự tham gia nhiều hơn của đại diện quân đội trong việc thảo luận công khai về các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, tài hùng biện được tăng cường để buộc những người khác phải hành động theo cách mà những người khác đã làm vì sợ rằng họ sẽ bị buộc tội thiếu lòng yêu nước. Các sức ép trong nước có vẻ như buộc các nhà đại diện của Trung Quốc thể hiện lòng yêu nước, đặc biệt là cái gọi là các vấn đề lãnh thổ “bất khả xâm phạm” trong đó một môi trường biến động và không thể lường trước cho các chính sách đối ngoại đang được tạo ra. Các quan điểm sẽ cứng rắn hơn và các cơ hội cho một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp có thể sẽ bị bỏ lỡ với kết quả là căng thẳng sẽ gia tăng trong một hiệu ứng hành động – phản ứng. Phản ứng của Mỹ và các nước khác sẽ được sử dụng để biện minh cho các quan điểm không khoan nhượng và những người có quan điểm ôn hòa sẽ bị loại ra ngoài trong quá trình ra quyết định.

Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông và những triển vọng cho một giải pháp mang tính thương lượng về vấn đề này, trong đó có tính đến các quan điểm của ASEAN, đang có vẻ như là không tưởng. Với việc dấy lên của lòng yêu nước được khuyến khích bởi đại diện quân đội Trung Quốc, không một nhà lãnh đạo Bắc Kinh nào sẽ xem xét triển vọng này. Theo tin đã đưa, Quốc vụ viện Trung Quốc đang thảo luận các kế hoạch để phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa mà kéo theo đó là việc xây dựng các khách sạn, đường băng và các cơ sở vật chất có liên quan. Các kế hoạch này được dự định nhằm hỗ trợ kinh tế đảo Hải Nam nơi sẽ quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong cơ cấu hành chính của Trung Quốc. [14] Phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã bày tỏ quan điểm của Việt Nam cho rằng kế hoạch này “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm tình hình phức tạp hơn” [15]. Trung Quốc đã hiện diện ở quần đảo Hoàng Sa và đã xây một đường băng dài 2.600m trên đảo Phú Lâm và các trang thiết bị SIGTINT trên các tiền đồn khác. Hoàng Sa sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều đối với Trung Quốc vì các lý do mang tính chiến lược khi mà căn cứ tàu ngầm hạt nhân được xây dựng ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Trung Quốc đã nghiên cứu rằng Tam Á sẽ không chỉ là kho chứa các loại vũ khí mới như tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo [SSBN] mà còn là nơi chứa hàng không mẫu hạm và tàu hộ tống khi chúng được triển khai. Những sự triển khai này sẽ cho phép Trung Quốc lên kế hoạch tăng cường sức mạnh xa hơn về phía nam để củng cố yêu sách chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và cũng tiến vào trong Ấn Độ Dương để bảo vệ đường giao thông huyết mạch về dầu của nước này từ Vùng Vịnh. Trung Quốc cũng sẽ có thể thách thức hải quân Mỹ trong các khu vực mà Mỹ hoạt động gần với vùng lãnh hải của Trung Quốc và chứng tỏ khả năng đưa ra một sự bao vây về hải quân một cách hiệu quả đối với Đài Loan. Tháng 10/2010, theo báo cáo, hai tàu ngầm hạt nhân cấp Shang (Shang class) đã được đưa vào căn cứ Tam Á và người ta kỳ vọng số lượng tàu ngầm hạt nhân sẽ tăng lên. [16] Trong chiến lược này, Hoàng Sa đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hệ thống phòng thủ trên không và các trạm tình báo tín hiệu về các động thái của hải quân Mỹ. Điều này lý giải cho sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với các tàu tuần tra của Mỹ và tại sao họ lại đối đầu với tàu USNS khi nó đến quá gần Tam Á vào tháng 3/2009.
Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc gây ra các vấn đề tái diễn cho các ngư dân Việt Nam, những người thường xuyên bị bắt và tàu cá của họ bị tịch thu. Sau đó, họ lại bị yêu cầu nộp phạt với mức cắt cổ. Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc năm 2010 được áp đặt trong mười tuần từ tháng 5 đến tháng 7. Việc kéo dài thêm lệnh cấm này rất mập mờ mặc dù nó bao trùm một vùng quanh quần đảo Hoàng Sa nhưng không xa về phía nam của quần đảo Trường Sa. [17]  Việt Nam đã kiên quyết chống lại lệnh cấm này vì phương kế sinh nhai của các ngư dân Việt Nam bị ảnh hưởng. Để thực thi lệnh cấm và bảo vệ các tàu đánh bắt cá của mình ở Biển Đông, Trung Quốc thường xuyên phái các tàu mà nước này khẳng định là tàu “tuần tra đánh bắt cá” nhưng thực chất đã được chuyển đổi thành tàu hải quân. Các tàu Quản lý đánh bắt cá Yuzheng 311 và Yuzheng 202 hoạt động kế bên các tàu đánh cá Trung Quốc trở thành mô hình triển khai thường xuyên. Tháng 3 vừa qua, một tàu tuần tra của Trung Quốc đã bắt giữ một tàu đánh cá nhỏ của Việt Nam cùng 12 ngư dân trên tàu tại vùng biển Hoàng Sa, phía Việt Nam ngay lập tức phản đối và yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho các ngư dân. [18] Tháng 7/2010, Trung Quốc tiến hành một số cuộc diễn tập hải quân trên Biển Đông, đây được xem như việc đáp trả của nước này đối với cuộc tập trận chung trên biển của Mỹ và Hàn Quốc được dự định diễn ra trên vùng biển Hoàng Hà mà Trung Quốc đã phản đối rất dữ dội. Quy mô của cuộc tập trận gây ngạc nhiên đối với các quan sát viên bởi cả hai thành viên của Ban Quân ủy TW là Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Cheng Bingde và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Wu Shengli, đã trực tiếp tham gia vào cuộc tập trận này, một sự kiện hiếm thấy. Việc các tàu từ ba hạm đội hải quân tham gia đã cho thấy quy mô của cuộc tập trận mà giới truyền thông Trung Quốc khẳng định là chưa từng có tiền lệ. [19]. Vào tháng 8, Việt Nam đã buộc tội Trung Quốc tiến hành các vụ thăm dò địa chất gần quần đảo Hoàng Sa và trên thềm lục địa của Việt Nam. Điều này lại gây thêm căng thẳng giữa hai quốc gia. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga đã khẳng định rằng các tàu Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động thăm dò địa chất từ cuối tháng 5. [20] Tất cả các động thái này có thể cho thấy một chiến lược phối hợp nhằm khẳng định sự hiện diện mạnh hơn trên Biển Đông hoặc có thể hơn, đây là các động thái riêng rẽ của các thế lực khác nhau và để phản ứng với những sự kiện khác nhau.

Sự dính líu của Mỹ
Trung Quốc dường như cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ khoảng cách của nước này khỏi các tranh chấp trên Biển Đông và sẽ không có lý do gì để tham gia vào rồi gánh chịu rủi ro có thêm một va chạm nữa với Bắc Kinh về một vấn đề mà Mỹ không quan tâm. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có chuyến thăm Manila vào tháng 5/2009 và nhấn mạnh rằng Mỹ không có “lập trường nào” về các đòi hỏi chủ quyền, các bình luận của ông đã được Trung Quốc hết sức tán thưởng. [21] Chính sách không can dự bề ngoài này Mỹ đã thực hiện kể từ khi vấn đề tranh chấp nổ ra và theo quan điểm của Trung Quốc không có lý do gì để Mỹ thay đổi. Quan điểm của Trung Quốc đó là mỗi quốc gia sẽ hiểu được “lợi ích then chốt” của nước khác và rằng Mỹ sẽ rút khỏi lập trường mở rộng ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương nơi mà có một mối nguy hiểm đó là va chạm với Trung Quốc. Mỹ sẽ nhường ảnh hưởng quyết định tại Biển Đông cho Trung Quốc và đây sẽ là một cuộc mặc cả quyền lực lớn và một sự thừa nhận phạm vi ảnh hưởng lẫn nhau. Dư luận ầm ĩ sẽ là phương tiện để phỉnh phờ người Mỹ trong hướng đi này và để nhắc họ rằng Trung Quốc đã bước lên vũ đài lịch sử như một người chơi quan trọng mà các quan điểm của nước này nên được tôn trọng. Nếu Mỹ chấp nhận đòi hỏi về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương thì các nước ASEAN tự nhiên sẽ bị Trung Quốc lung lạc và giải pháp cho tranh cãi trên Biển Đông sẽ được thương lượng song phương giữa Trung Quốc và mỗi quốc gia đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Các báo cáo chỉ ra rằng thành viên Quốc vụ viện chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Trung quốc ông Dai Bingguo đã nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 5 rằng Biển Đông là một “lợi ích then chốt” đối với Trung Quốc. Khi chuẩn bị cho Diễn đàn Khu vực ASEAN [ARF], đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington có vẻ như đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu vấn đề Biển Đông với hy vọng rằng người Mỹ sẽ tán đồng. [22] Mặc dù trước sức ép của Trung Quốc, Mỹ đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan nhưng người Mỹ đã quyết định rằng việc nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề phạm vi ảnh hưởng của nước này theo cách được kỳ vọng sẽ gây tổn hại cho các lợi ích chiến lược của Mỹ. Một lý do đó là Mỹ sẽ mất tầm ảnh hưởng ở khu vực ASEAN một cách khá nhanh trong trường hợp mà tổ chức khu vực này nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. Kéo theo đó, các nhà lãnh đạo chính trị và các đảng chính trị ở Nhật và Hàn Quốc mà đã dành ưu tiên cho các quan hệ kinh tế với Trung Quốc cao hơn các liên kết đồng minh với Mỹ sẽ chiếm ưu thế và các khối liên minh của Mỹ với cả hai nước này sẽ bị làm suy yếu. Việc thể hiện sự rụt rè công khai như vậy trước sự quả quyết Trung Quốc sẽ có nguy cơ làm tổn hại vai trò của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và có thể để mất các lực lượng chính trị mà sẵn sàng điều chỉnh cho thích ứng với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh gây phương hại cho Mỹ. Thêm vào đó, người Mỹ phải quan ngại về các sức ép của Trung Quốc lên các công ty dầu mỏ quốc tế hoạt động ở Nam Trung Quốc buộc họ phải ngừng làm việc với Việt Nam. Năm 2007, BP đã phải bỏ dở dự án thăm dò trên vùng biển Việt Nam đang tranh chấp và trong tháng 3/2009 đã phải thương lượng với Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam để rút khỏi công tác thăm dò trên vùng biển đó.[23]  Phía Trung Quốc đã công khai cảnh cáo Mỹ và những công ty dầu khí nước ngoài phải ngừng hợp tác với Việt Nam trên biển đông nếu không họ sẽ gánh hậu quả trong những quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Phó trợ lý ngoại trưởng Scot Marciel trong một buổi điều trần trước Quốc hội đã bày tỏ quan ngại liên quan đến những cản trở của Trung Quốc với hoạt động thương mại hợp pháp trên biển.[24]  Vấn đề này cũng được bộ trưởng quốc phòng Robert Gates nêu ra tại đối thoại Shangri La ở Singapore trong tháng 6/ 2010 khi ông nói Washington phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm đe doạ cản trở các công ty dầu mỏ của Mỹ tham gia vào những hợp đồng hợp pháp trong khu vực này. Nhường khu vực này cho Trung Quốc sẽ góp phần buộc các công ty dầu mỏ của Mỹ phải tự mình đối phó với Trung Quốc và gây rủi ro cho những điều kiện thuận lợi mà có thể đạt được bằng cách phối hợp với những nước ASEAN cũng tuyên bố chủ quyền.
Cách này hay cách khác, Mỹ buộc phải đưa ra chính kiến trong diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7 năm 2010. Ngoại trưởng Hillary Clinton trực tiếp nêu lên vấn đề về biển đông và trong một cuộc họp báo của bà sau đó, bà đã nêu rõ 3 điểm chính; thứ nhất, bà nhấn mạnh rằng Mỹ phản đối "bất cứ bên yêu sách nào sử dụng hay đe doạ vũ lực" và ủng hộ "tiến trình ngoại giao phối hợp của các bên nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ khác nhau trên cơ sở không cưỡng ép". Trung Quốc khẳng định những cuộc thương lượng về vấn đề này nên mang tính song phương, giữa Trung quốc với các nước đòi chủ quyền trong ASEAN và không nên có sự tham dự của một bên thứ ba nào khác. Clinton đề cập đến yêu cầu cần có "kiến trúc thể chế" trong khu vực Châu Á Thái bình dương làm nền tảng cho tiến tình ngoại giao phối hợp này, điều làm vô hiệu những nỗ lực của Trung Quốc. Thứ hai, Clinton lặp lại chính sách chuẩn mực của Mỹ với vấn đề này bằng cách nói rằng Mỹ không đứng về phe nào trong cuộc cạnh tranh giành lãnh thổ trên biển đông. Bà nhấn mạnh các nước đòi chủ quyền nên theo đuổi những tuyên bố chủ quyền theo quy định của Luật biển quốc tế và  "tuân thủ luật quốc tế thông thường, việc đòi chủ quyền chính đáng đối với không gian biển trên Biển Đông chỉ nên bắt nguồn từ việc đòi chủ quyền hợp pháp với các điểm đất liền."[25] Điều này cũng thách thức lập trường của Trung Quốc vì đường 9 đoạn chưa được xác định mà thể hiện yêu sách của Trung Quốc trên biển đông không căn cứ vào các điểm đất liền (land features) nào, chẳng hạn như thềm lục địa hay những hòn đảo chiếm giữ, mà chỉ căn cứ vào lịch sử.[26] Phía Trung Quốc khăng khăng khẳng định những quyền về phát kiến trước tiên và mối liên hệ lịch sử, song đây lại là những yếu tố không nhiều trọng lượng đối với Luật biển quốc tế và không đủ để làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền. Thứ ba, Ngoại Trưởng tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã "chuẩn bị để tạo thuận lợi cho những sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin" theo DOC năm 2002.  Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của "việc khởi đầu suôn sẻ tiến trình theo những điều kiện hợp pháp," mối quan ngại dai dẳng của Hoa Kỳ, và "việc tôn trọng những lợi ích của cộng đồng quốc tế". Trong bài phát biểu của mình trước ARF vào ngày 22/7, bà cho biết đã tuyên bố rằng giải pháp cho tranh chấp này là "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" đối với Hoa Kỳ và việc chấm dứt những bất đồng tại Biển Đông "có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định khu vực".[27] Những báo cáo khác cho biết thêm Ngoại trưởng tuyên bố "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ chính là dàn xếp để tìm ra giải pháp cho tranh chấp này.[28]
Ngoại trưởng Mỹ đã làm Trung Quốc rất bất ngờ với động thái được mô tả như một "cuộc phục kích".[29] Một chính khách cấp cao của ASEAN nói một mặt buổi thảo luận này ẩn chứa căng thẳng ngầm và Ngoại trưởng của Trung Quốc Dương Khiết Trì "rõ ràng đã bị kích động". Một nhân vật khác cho biết ông Dương đã phản ứng "với một tuyên bố gay gắt và bức xúc chỉ ra rằng đây là kế hoạch vận động đã được chuẩn bị trước về vấn đề này".[30] Ngoại trưởng Dương đã rời buổi họp trong tâm trạng rất bức xúc trong một tiếng đồng hồ và khi quay lại ông đã đưa ra một phản hồi dông dài trong 30 phút công kích Hoa Kỳ, và chỉ trích Việt Nam và Sinapore.[31] Báo giới Trung Quốc kịch liệt phản đối những tuyên bố của Clinton cho rằng "lịch sử đã nhiều lần chứng minh việc một cường quốc dính líu đến những khu vực có tranh chấp thường làm tình hình phức tạp hơn và đem lại bi kịch cho những bên liên quan". Các cường quốc, bài bình luận này tiếp tục, "khuấy động những căng thẳng, tranh chấp và thậm chí cả xung đột, rồi chen chân vào vị trí làm "trung gian" hoặc "trọng tài" với mục tiêu tối đa hoá lợi ích của riêng mình." Phía Mỹ, bài bình luận nói thêm, đã nỗ lực duy trì "thế lực lâu bền của mình tại tây Thái Binh Dương," một lời thừa nhận thẳng thắn của Trung Quốc về bản chất trò chơi.[32] Các báo cáo chỉ rõ các quan chức Mỹ đã "được cảnh báo rằng Mỹ là một cường quốc đang đi xuống và các quan chức Mỹ đã phát biểu riêng tư về sự cần thiết phải tái khẳng định sự thống trị chiến lược của họ ở châu Á."[33] Các quan chức Mỹ đã làm việc với những người đồng nhiệm của họ tại Việt Nam để qui tụ những thành viên khác trong ASEAN đứng đằng sau Mỹ, vì quan ngại rằng ngư dân của họ có thể bị Trung Quốc bắt giữ và gây rối, và vì triển vọng bất ổn trong khu vực.[34] Với quan ngại này, Mỹ có thể tập hợp sự phản kháng của ASEAN trước Trung Quốc để đến thời điểm khai mạc diễn đàn vào ngày 22/7, khoảng 11 nước thành viên ARF, gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việtnam, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản đã chuẩn bị được trước những tuyên bố của mình.[35]  Phía Mỹ hiểu rằng nếu họ đặt các nhà lãnh đạo các nước có yêu sách chủ quyền trong ASEAN ra trước vấn đề biển đông thì sẽ có thể kéo họ lại với nhau trong vấn đề này vì họ đều có chung nỗi oán giận tích lũy từ lâu với Trung Quốc.
Chính quyền Obama đã đáp lại áp lực của Trung Quốc tại tây Thái Binh Dương bằng cách thực thi lập trường mạnh hơn đối với vấn đề Biển Đông. Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hành động nếu không vị thế của nước này trong khu vực đã dần bị vô hiệu hóa. Phía Mỹ giải thích rằng Mỹ sẽ chấp nhận sự nổi lên của Trung Quốc nhưng cũng sẽ phản đối những động thái của Trung Quốc nếu động chạm đến quyền lợi của Mỹ.[36] Mỹ không thể chấp nhận việc phân chia vùng này theo phạm vi ảnh hưởng được xác định bằng "những lợi ích then chốt" và sẽ phải thương lượng với Trung Quốc về một số tạm ước khác. Một phần trong nỗ lực phát tín hiệu cho phía Trung Quốc đã dẫn đến việc tìm kiếm liên minh không chỉ liên quan đến vấn đề biển Đông mà cả những vấn đề khác đang khiến những mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc điêu đứng.[37] Mỹ đã chuyển sang tăng cường những mối quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN cùng có chung quan ngại về Trung Quốc, cụ thể là Việt Nam và Indonesia. Ngày 23/7/2010, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm quan hệ với các lực lượng đặc biệt của Indonesia. Lệnh cấm này được ban hành năm 1997 và cấm Mỹ có liên hệ với những đơn vị quân đội nước ngoài khác đã có lịch sử vi phạm nhân quyền.[38]  Đáng chú ý là trong tháng 9, ngoại trưởng Indonesia Marty Natelagawa đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng Mỹ không nên nhúng tay vào tranh chấp biển Đông, thể hiện sự cảnh giác lâu nay của phía Indonesia với Trung Quốc.[39] Quan trọng nhất là những động thái của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam.

Mỹ và Việt Nam
Từ những năm 1990, hải quân Mỹ đã để mắt đến căn cứ thuỷ quân Soviet trước đây tại vịnh Cam Ranh. Trước việc đóng cửa căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Subic tại Philippines, quân đội nước này đang tìm kiếm những cơ sở neo đậu thay thế trong ASEAN và quanh biển Đông để luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với xung đột có thể xảy ra với Đài Loan. Phía Việt Nam quan tâm đến những liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ nhưng không muốn để Mỹ quay lại Vịnh Cam Ranh, căn cứ họ đã xây dựng trong chiến tranh Việt Nam. Việc này đáng lẽ đã trở thành một hành động khiêu khích với Trung Quốc. Những chuyến công du đáng chú ý khác nhau đã diễn ra minh chứng rằng cả hai bên đều duy trì mối quan tâm này nhưng thực tế chưa tiến thêm bước nào để vượt qua những trở ngại bởi sự quan ngại của Việt Nam với những vấn đề nhạy cảm Trung Quốc. Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đến Việtnam, William Cohen vào tháng 3/2000 và Donald Rumsfeld vào tháng 6/2006; Tổng thống Bill Clinton đã có chuyến công du được chào đón đến Việt Nam vào tháng 11/2000, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ. Hai bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam cũng đã công du đến Washington; Phạm Văn Trà năm 2003, và Phùng Quang Thanh vào tháng 12/ 2009. Các mối quan hệ đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2009-2010; tàu chi viện của hải quân Mỹ USNS Richard E. Byrd được tu sửa ở Vân Phong, gần vịnh Cam Ranh Việt Nam. Hải quân Mỹ coi đây là một bước tiến xây dựng năng lực sửa chữa khẩn cấp và tuần du. Mỹ tiếp tục theo đuổi hiệp định cung cấp dịch vụ và tái cung cấp tàu của mình, đông thời tiếp cận các cảng biển của Việt Nam, trong đó có Vịnh Cam Ranh.[40] Tháng 8/2010, tàu Mỹ USS George Washington đã đi dọc bờ biển Việt Nam và đã đón những đoàn khách của các sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam lên thăm tàu.[41] Tháng 10, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đã đến Hà Nội dự lễ khai mạc hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN+.[42] Liên minh của Mỹ với Việt Nam, nước đang nhanh chóng hiện đại hoá năng lực phòng vệ chứng tỏ đây là một tập hợp đáng gờm. Năm 2009, Việt Nam trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga; tháng 4 năm đó Việt Nam mua 6 tàu ngầm Project 636 Class Kilo class và 12 máy bay SU-30MKK của Nga trong một hợp đồng ước tính 2,4 tỷ đô la mỹ. Nga cũng đã ký kết một hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam.[43] Nga đã ký hợp đồng đóng 2 tàu chiến loại Gepard 3.9 cho hải quân Việt Nam năm 2006; tàu chiến đầu tiên đã được giao vào tháng 10/2010, và chiếc thứ hai được giao vào cuối năm nay.[44]  Ngoài ra, Pháp đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp trang thiết bị cần thiết để hiện đại hoá quốc phòng Việt Nam khi Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp Hervé Morin đến thăm Việt Nam vào tháng 7 năm 2010 nhưng chưa có hợp đồng nào đượ công bố.[45]

Kết luận
Thực tế đã có nhiều căng thẳng nổi lên tại biển Đông và đây trở thành khu vực then chốt thử thách ý chí giữa một Trung Quốc rõ ràng tin rằng Mỹ là một cường quốc đang đi xuống, và một Hoa Kỳ quyết tâm chứng minh điều ngược lại. Trong nội bộ Trung Quốc đang diễn ra tranh giành ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, và chứng tỏ là tiếng nói của quân đội đáng chú ý hơn và cần giới lãnh đạo đảng thể hiện minh chứng cho lòng yêu nước của họ. Những tiếng nói này khăng khăng đòi Mỹ và Nhật Bản phải tôn trọng Trung Quốc hơn và kêu gọi thiết lập quan hệ với Mỹ dựa trên phạm vi ảnh hưởng, những lợi ích then chốt, và tính bất khả xâm phạm trong những tuyên bố đòi chủ quyền của Trung Quốc. Trong tình hình này, khó có thể tưởng tượng rằng phía Trung Quốc sẵn sàng đáp lại bất cứ đề xuất nào nhằm giải quyết vấn đề biển đông, mà họ tin rằng lịch sử đứng về phía họ. Có lẽ nên tìm ra các cách và xây dựng những đề xuất về một giải pháp có thể được tận dụng vào một ngày nào đó trong tương lai khi "thời cơ đã chín muồi" như lời ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã từng nói. Chừng nào những ý đồ này được làm rõ ở Bắc Kinh thì những đề xuất này mới nhận được sự chú ý nghiêm túc, và có thể sẽ còn phải mất thêm thời gian. Có thể việc chính quyền Obama tái lên tiếng khẳng định sự quan tâm đến tranh chấp này sẽ làm bùng lên phản ứng chống lại xu hướng này ở Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã nhận thức được những hạn chế trong việc gia tăng tham vọng và có lẽ sẽ áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn nhằm ngăn chặn sự phát triển của một liên minh chống Trung Quốc mà nước này vẫn lo ngại. Trung quốc có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn về những yêu cầu đặt ra bởi những người yêu nước trong và ngoài quân đội. Khi đã củng cố việc chuyển giao sang một thế hệ lãnh đạo mới của người kế nhiệm là Tập Cận Bình, thì tình hình có thể bình ổn và cuộc đấu tranh quyền lực sẽ lắng dịu. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới chứng minh được điều này có xảy ra hay không.

GS. Leszek Buszynski
Trường nghiên cứu Quốc tế, Chính trị và Chiến lược, Đại học Quốc gia Úc, Canberra ACT Australia


[1] Lowell Dittmer, “China’s New Internationalism” in Guoguang Wu, Helen Landsdowne [editors], China turns to multilateralism: Foreign Policy and Regional Security Routledge, 2008, pp. 30-32.
[2] Guoguang Wu, Helen Landsdowne “International multilateralism with Chinese characteristics, Attitude Changes, policy imperatives and regional impacts,” in Guoguang Wu, Helen Landsdowne [editors], China turns to multilateralism: Foreign Policy and Regional Security
[3] Modernizing navy for self-defense, Xinhuanet.com, 13 July 2010
[4] John Pomfret U.S. takes a tougher tone with China, Washington Post, July 30, 2010
[5] Peter Hartcher, Full steam ahead for China's territorial ambitions, The Sydney Morning Herald, 13 July 2010 G:\South China Sea\South China Sea 2010\China-13 July 2010-2.mht
[6] Michael Richardson, “Beijing Projects Power in the South China Sea,”  The Japan Times. 9 May 2010
[7] B. S. Raghavan “Coping with China’s ‘core interests’Sri Lanka Guardian on line http://www.srilankaguardian.org/2010/10/coping-with-chinas-core-interests.html
[8] Jim Stevenson, “Turbulence Remains in South China Sea” Voice of Americanews.com, 17 October 2010, http://www.voanews.com/english/news/Turbulence-Remains-in-South-China-Sea-105148204.html
[9] Xem “Respect each others core interests,” Foreign Ministry Spokesperson Ma Zhaooxu’s Regular Press Conference on May 18, 2010, Embassy of the People’s Republic of China in the Islamic Republic of Pakistan, http://big5.fmprc.gov.cn/gate/big5/pk.chineseembassy.org/eng/fyrth
[10] Chris Buckley, “Chinese admiral says U.S. drill courts confrontation,” Reuters, 13 August 2010  http://www.reuters.com/article/idUSTRE67B11W20100813
[11]  Peter Hartcher, Full steam ahead for China's territorial ambitions, Sydney Morning Herald, 13 July 2010
[12] Greg Torode,Sino-US military tensions on full display; Senior PLA strategist directly challenges US defence secretary over recent freeze in ties,”  South China Morning Post June 6, 2010
[13] Jonathon Watts, “Chinese general warns of nuclear risk to US,” the Guardian, 16 July 2005 http://www.guardian.co.uk/world/2005/jul/16/china.jonathanwatts
[14] Greg Torode, “Building tension,”  South China Morning Post, January 26, 2010: also Editorial “China must heed its neighbours concern also,” South China Morning Post, January 7, 2010
[15]  Vietnam says China violates its sovereignty in sea, Reuters, Aug 5, 2010 http://in.reuters.com/article/idINIndia-50656220100805
[16]  “New Attack sub docked at China’s navy base in Hainan Island,” Mainichi News, 21 October 2010
[17] “Unilateral fishing ban likely to fuel tension” .editorial, South China Morning Post, May 17, 2010
[18] Will Clem, “Patrol boats to escort fishing vessels in disputed Spratlys,” South China Morning Post, April 3, 2010
[19] ”China conducts naval drill in South China Sea,” ChannelnewsAsia.com, 30 July 2010 G:\South China Sea\South China Sea 2010\China-30 July 2010.mht; Minnie Chan and Greg Torode, “Show of force in PLA South China Sea drill; War games a response to US-South Korean exercises, say analysts,” South China Morning Post, July 30, 2010
[20]Vietnam says China violates its sovereignty in sea,” Reuters, Aug 5, 2010 http://in.reuters.com/article/idINIndia-50656220100805
[21] “Washington Stance on Nansha Applauded,” Chinadaily.com.cn, June 5, 2009
[22] John Pomfret,Beijing claims 'indisputable sovereignty' over South China Sea,” The Washington Post, July 31, 2010;
[23] Jason Folkmanis, “China Warns Some Oil Companies on Work With Vietnam, U.S. Says,” Bloomberg, July 16, 2009 http://www.bloomberg.com/apps/news?pid=newsarchive&sid=ak.lQfnkDStU
[24] Testimony of Deputy Assistant Secretary Scot Marciel, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, U.S. Department of State before the Subcommittee on East Asian and Pacific Affairs, Committee on Foreign Relations, United States Senate, July 15, 2009, http://foreign.senate.gov/testimony/2009/MarcielTestimony090715p.pdf.
[25] “Remarks at Press Availability Hillary Rodham Clinton Secretary of State National Convention Center Hanoi, Vietnam July 23, 2010,” US Department of State http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm
[26] Xem Li Jinming and Li Dexia, “The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note,” Ocean Development & International Law, No. 34, 2003
[27] “U.S. Signals to China It Won’t Keep Out of South Sea,” Bloomberg Businessweek, 23 July 2010 http://www.businessweek.com/news/2010-07-23/u-s-signals-to-china-it-won-t-keep-out-of-south-sea.html
[28] Andrew Jacobs China Warns U.S. to Stay Out of Islands Dispute, The New York Times, July 26, 2010
[29] Greg Torode, “How US ambushed China in its backyard,” South China Morning Post, July 25, 2010
[30] John Ruwitch and Ambika Ahuja, “China ruffled at security forum over maritime rows” Reuters, 23 July 2010, G:\South China Sea\South China Sea 2010\China-23 July 2010-3.mht
[31] John Pomfret U.S. takes a tougher tone with China, Washington Post, July 30, 2010
[32] “US involvement only complicates South China Sea issue,” China Daily, 27 July 2010 http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-07/27/content_11057554.htm
[33] Greg Torode, How US ambushed China in its backyard, South China Morning Post, July 25, 2010
[34] By John Pomfret Beijing claims 'indisputable sovereignty' over South China Sea, the Washington Post, July 31, 2010
[35] Greg Torode, How US ambushed China in its backyard, South China Morning Post, July 25, 2010
[36] John Pomfret U.S. takes a tougher tone with China, Washington Post, July 30, 2010
[37] Mark Landler, Sewell Chan, “Taking Harder Stance toward China, Obama Lines up Allies,” The New York Times, 25 October 2010
[38] Craig Whitlock, “U.S. to end ban on Indonesia's special forces, angering human rights groups,” TheWashington Post, 23 July 2010
[39] Daniel Ten Kate, Susan Li, “Indonesia Rejects China Stance that US Stay out of Local Waters Dispute,”  Bloomberg, 22 September, 2010, http://www.bloomberg.com/news/2010-09-22/indonesia-rejects-china-stance-that-u-s-stay-out-of-local-waters-dispute.html
[40] Greg Torode, US ship repair in Vietnam confirms ties Dock work a clear signal to China, South China Morning Post, April 2, 2010
[41] Margie Mason, “Former Enemies US, Vietnam Now Military Mates,” Associated Press. 8 August 2010 http://www.google.com/hostednews/ap/article/ALeqM5gUMael2GN4bo5IGD5wVmRBK2uANQD9HFAIQG0
[42] The ASEAN plus defence ministers meeting included ten ASEAN ministers plus their counterparts from the East Asian Summit [EAS] countries, as well as the US and Russia, eighteen in total.
[43] “Vietnam Buys Russian Kilo Class Subs, SU-30 Fighters, Nuke Plant,” Defence Industry Daily, 31 March 2010 http://www.defenseindustrydaily.com/Vietnam-Reportedly-Set-to-Buy-Russian-Kilo-Class-Subs-05396/
[45] “France pledges supports for military modernization,” Thanh Nien news, 27 July 2010 http://www.thanhniennews.com/2010/Pages/20100727115847.aspx
.
.
.

No comments: