A sea of disputes
The Economist - Ngày 21-2-2011
Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 23/02/2011
Vùng biển tranh chấp
Có hai sự thật về những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông – ND) được nhận thức rất rõ: Một là các tranh chấp đó đều cực kỳ phức tạp, hai là chúng đều bị hiểu nhầm rất nhiều. Một hội thảo kéo dài một ngày nhằm soi rọi vấn đề, diễn ra tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore vào ngày 18-2, đã kết thúc với một sự thật thứ ba. Đó là: không có triển vọng thực tế nào cho việc giải quyết tranh chấp trong tương lai trước mắt. Điều tốt nhất mà ta có thể hy vọng là quản lý được các tranh chấp mà không để xảy ra xung đột vũ trang.
Khó khăn một phần là vì tranh chấp diễn ra trên rất nhiều khía cạnh – hay nói cách khác có rất nhiều cuộc tranh chấp riêng rẽ. Một vấn đề rất được chú ý là vấn đề lãnh thổ, thì bản thân nó đã chứa đựng quá thừa những tuyên bố khác biệt và chồng lấn nhau. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã trục xuất quân đội Việt Nam đóng ở đó đi hồi năm 1974, vào những ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Đài Loan thì, do là “Cộng hòa Trung Hoa” nên họ phản ánh yêu sách của Trung Quốc, vì thế tranh chấp rất lớn mà không giải quyết được kia cũng có liên quan đến Đài Loan. Ba bên khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ở phía nam. Nhưng ở khu vực phía nam này, Malaysia, Philippines và Brunei chỉ tuyên bố chủ quyền một phần mà thôi.
Một số vấn đề tranh cãi, về mặt lý thuyết, có thể được giải quyết theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), được xác lập năm 1982. Một số bên liên quan đã cố gắng móc nối yêu sách của họ vào với UNCLOS. Malaysia và Việt Nam từng đệ trình hồ sơ chung, công bố những nơi mà họ đưa ra yêu sách đòi sở hữu, căn cứ vào diện tích thềm lục địa. Điều ấy hàm ý nói rằng Trường Sa – một tập hợp những vỉa san hô, đá và đảo nhỏ – là quá nhỏ để có thể có người ở và do đó, theo UNCLOS, quần đảo này được phép có vùng đặc quyền kinh tế (EEZs).
Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối yêu sách này và tự vẽ bản đồ của mình, với một đường chín đoạn dựng nên khu vực họ tuyên bố chủ quyền. Nối lại thì những đoạn ấy cho Trung Quốc hưởng không chỉ hai quần đảo mà gần như toàn bộ Biển Đông. Dường như UNCLOS không có cơ sở nào cho một yêu sách như thế. Nhưng Trung Quốc viện dẫn lịch sử. Họ bảo rằng bản đồ đã được sử dụng kể từ khi được Cộng hòa Trung Hoa xuất bản vào năm 1946, và cho đến gần đây, không ai để tâm tới việc này. Sau đó Indonesia, tới lượt mình, phản bác lại phản đối của Trung Quốc, bởi vì lý lẽ của Trung Quốc cho phép Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ngay cả đối với một số vùng nước của Indonesia.
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc đã quan trọng hóa vấn đề bằng cách gọi các yêu sách về chủ quyền của họ đối với Biển Nam Trung Hoa là vấn đề thuộc “lợi ích quốc gia cốt lõi”, ngang với chuyện Tây Tạng và Đài Loan.
Rất nhiều điều được đặt ra. Bên cạnh hải sản, đại dương, đặc biệt khu vực xung quanh Trường Sa, được cho là cực kỳ giàu băng cháy. Sự hấp dẫn của nguồn của cải này hẳn đã khiến các bên thấy cần thiết phải thiết lập những cơ chế khai thác chung sao cho tất cả các bên đều cùng hưởng lợi. Song trên thực tế, nguồn khoáng sản tiềm năng lại càng khiến cho nước nào cũng cảm thấy rất khó để có thể đưa ra những yêu sách ôn hòa.
Vùng biển này còn là một tuyến đường hàng hải sống còn, nơi một lượng khổng lồ mậu dịch quốc tế được vận chuyển qua. Chính tầm quan trọng của tự do hàng hải và bay quá cảnh đã tạo cho Mỹ lý do để tham gia sâu hơn vào khu vực. Việc làm của Mỹ lúc đầu được các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất hoan nghênh. Đó là khi Mỹ lên tiếng về vấn đề tại một diễn đàn ở khu vực, tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng hết sức gay gắt với lời đề nghị làm trung gian hòa giải, có vẻ không thành thật lắm, từ phía Mỹ. Họ phản ứng dữ dội đến mức một số nước ASEAN giờ đây có vẻ đang hối tiếc về chuyện này.
Cuộc tranh chấp thứ hai có liên quan là giữa hai siêu cường khu vực: Trung Quốc và Mỹ. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau về việc liệu có thể tiến hành hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác hay không. Mỹ khẳng định rằng có. Trung Quốc phản đối và thỉnh thoảng lại va chạm với máy bay do thám cũng như tàu khảo sát của Mỹ.
Tranh chấp thứ ba là giữa Trung Quốc và ASEAN. Cả hai bên đều đã đạt được một “Tuyên bố chung về ứng xử” (DoC) vào năm 2002, trong một nỗ lực giảm thiểu nguy cơ xung đột. Nhưng các nỗ lực để chuyển hóa văn bản này thành một bộ quy tắc có hiệu lực ràng buộc và chính thức lại chẳng đi tới đâu, một phần vì Trung Quốc giận dữ trước ý định của ASEAN nhằm tạo lập một cách tiếp cận chung của cả khu vực đối với vấn đề.
Trung Quốc lập luận rằng ASEAN không có vai trò gì trong các vấn đề lãnh thổ, và khẳng định sẽ chỉ đàm phán song phương với những nước nào cũng có yêu sách. ASEAN coi đây là một nỗ lực nhằm chia nhỏ khối của họ thành từng thành viên một. Họ lập luận rằng hiến chương của họ buộc các thành viên phải tham vấn nhau, như họ vẫn tham vấn trước mỗi nhóm làm việc về bộ quy tắc ứng xử (cuộc gặp tới đây của một nhóm làm việc là vào tháng ba).
Những người lạc quan chỉ ra rằng, mặc dù bất kỳ giải pháp nào cũng đều còn còn xa vời, ít nhất DoC cũng đã góp phần kiềm chế căng thẳng. Quả thật, kể từ năm 1988 khi Trung Quốc và Việt Nam đụng độ gần Trường Sa, đã không còn giao tranh quân sự nào nữa. Căng thẳng gia tăng vào năm 1995, khi Trung Quốc bị phát hiện đang tiến hành xây dựng trên Bãi đá Vành Khăn mà Philippines đã tuyên bố chủ quyền. Ngư dân thỉnh thoảng lại bị bắt do xâm phạm vào vùng biển mà một nước khác đã tuyên bố chủ quyền. Nhưng nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột dường như đã được giới hạn.
Thậm chí có thể nói rằng các bên cũng đang tính đến sự “tự kiềm chế” mà DoC kêu gọi, bởi lẽ không có đảo không người ở hay bãi đá nào mới được chiếm hữu. Tuy nhiên, điều đó có thể là bởi vì không đảo hay đá nào trong số đảo và đá còn lại là đủ lớn, và trên những đảo và bãi đá đã bị chiếm hữu rồi thì các công trình xây dựng vẫn đang tiếp tục; đôi khi cứ như thể là quốc gia tuyên bố chủ quyền kia hy vọng có thể biến đá ấy, hay thậm chí “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” ấy, thành đảo thật – một hành động không được UNCLOS công nhận.
Phức tạp như thế, nên những tranh chấp trên Biển Đông cung cấp chất liệu cho những cuộc tranh luận học thuật bất tận. Giờ đây khi Mỹ đã coi việc tái tham dự vào vùng biển của Châu Á là một trọng tâm công việc của mình với tư cách là một siêu cường hay nhà bảo lãnh cho hòa bình trong khu vực, và Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ ra rằng họ ghét điều đó, thì các cuộc tranh chấp cũng tạo ra một số rủi ro nghiêm trọng.
–
Người dịch chú thích
(*) Điều 13 UNCLOS định nghĩa về bãi cạn lúc chìm lúc nổi:
1. “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (low-tide elevation [tiếng Anh], haut-fonds découvrants [tiếng Pháp]) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
2. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì chúng không có lãnh hải riêng.
Các đảo cũng có cùng các danh nghĩa và được đối xử ngang bằng như các vùng lãnh thổ đất liền. Có nghĩa là, các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của UNCLOS áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Còn “bãi đá” (rocks), và “bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (low-tide elevation) khi ở cách lục địa hoặc đảo một khoảng vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì không được hưởng cách đối xử như đảo, nghĩa là không có lãnh hải riêng. Việc Trung Quốc tiến hành các công trình xây dựng trên đá và bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trong bài này tác giả nhận định, là như thể để chứng minh những nơi đó là đảo.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
--------------------------------
GS. Leszek Buszynski - Thứ ba, 22 Tháng 2 2011 00:00
.
.
.
No comments:
Post a Comment