Nguyễn Hưng Quốc
Chủ nhật, 13 tháng 2 2011
Cuộc cách mạng kéo dài gần ba tuần ở Ai Cập đã kết thúc. Ít nhất, kết thúc hiệp một. Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức sau 30 năm cầm quyền. Hàng trăm ngàn người nhảy múa reo hò mừng rỡ trên các đường phố ở thủ đô Cairo. Nhiều người xem biến cố này cũng quan trọng và có ý nghĩa lịch sử không kém sự sụp đổ của bức tường Bá Linh cũng như sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga vào cuối thập niên 1980.
Với dân số trên 80 triệu, chiếm một phần tư dân số toàn khối Ả Rập (khoảng 300 triệu, thuộc 22 quốc gia khác nhau), những gì đang diễn ra ở Ai Cập có rất nhiều khả năng sẽ mở ra một giai đoạn mới cho các quốc gia trong khu vực.
Chỉ có điều chưa ai dám chắc giai đoạn mới ấy sẽ như thế nào. Dù lạc quan đến mấy, người ta cũng đều thấy rõ có hai nguy cơ sừng sững trước mắt: một, quyền lực bây giờ nằm trong tay quân đội, những người hoặc sẽ đóng vai trò chuyển tiếp sang một chế độ thực sự dân chủ hoặc sẽ dẫn đến một chế độ quân phiệt như giới quân nhân vẫn thường như vậy, trong quá khứ, ở ngay tại Ai Cập cũng như nhiều nơi khác trên thế giới; và hai, trong các nhóm đối lập với chính quyền vừa sụp đổ, thành phần Hồi giáo cực đoan khá mạnh, dù họ không châu tuần chung quanh một nhân vật lãnh đạo tôn giáo toàn quyền nào như ở Iran.
Tuy nhiên, tạm gác một bên các viễn tượng chính trị trong tương lai; chỉ nhìn vào hiện tại, điều gì người ta có thể học được từ cuộc cách mạng Ai Cập vừa rồi?
Có nhiều.
Như vai trò của quần chúng, chẳng hạn. Đó là điều dường như chính Tổng thống Mubarak cũng không hiểu được một thời gian ngắn trước khi từ chức. Trước, khi các cuộc biểu tình bùng nổ khắp nơi, ông vẫn khăng khăng tuyên bố không nhượng bộ. Một ngày trước khi từ chức, trong bài diễn văn được mọi người, không những ở Ai Cập mà còn hầu như ở khắp nơi trên thế giới, chờ đợi, ông cũng cương quyết tiếp tục cầm quyền dù hứa hẹn sẽ san sẻ bớt cho Phó Tổng thống. Dân chúng đón nhận bài diễn văn với sự thất vọng và giận dữ tột độ. Đường phố lại ngập người phản đối. Có lẽ đến lúc đó Mubarak mới cảm nhận đầy đủ sức mạnh của quần chúng. Chưa tới 24 tiếng đồ sau, ông lặng lẽ ra đi. Không phải ông mà chính Phó Tổng thống Omar Suleiman là người loan báo sự ra đi của ông.
Hay, như vai trò của internet. Nhiều bình luận gia chính trị cho cuộc cách mạng tại Ai Cập hiện nay cũng như cuộc cách mạng tại Tunisia nhằm lật đổ Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali vào cuối tháng 1 vừa qua là những cuộc cách mạng internet. Chính qua các phương tiện internet, chủ yếu là Twitter, Facebook và điện thoại di động, giới trẻ đã tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, lôi kéo cả hàng trăm ngàn người trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi. Có thể nói, về phương diện tổ chức, chính hai yếu tố đông và nhanh, chỉ trong vòng mấy ngày số người biểu tình đã tràn ngập đường phố như vậy đã đóng góp phần lớn vào sự thành công của cuộc biểu tình. Nó khiến chính phủ không kịp chuẩn bị đối phó. Khi họ có thể chuẩn bị thì đã quá trễ: thứ nhất, khi các dịch vụ internet bị cắt đứt thì cuộc biểu tình đã hình thành; sự liên lạc giữa các thành viên tổ chức đã công khai hóa; và thứ hai, khi số người biểu tình đã lên đến hàng trăm ngàn người, dày đặc trên các đường phố, các biện pháp trấn áp bằng bạo động trở thành nguy hiểm đến độ không ai dám sử dụng, nhất là đối với quân đội Ai Cập, vốn, từ mấy chục năm qua, vốn có truyền thống độc lập với chính trị khá tốt.
Vân vân.
Tuy nhiên, trong bài này, tôi chỉ muốn tập trung vào một bài học, theo tôi, quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người Việt Nam hiện nay: sự thất bại của chiêu bài “ổn định”.
Lâu nay, đặc biệt sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam luôn luôn tuyên bố: một, điều cần thiết nhất cho sự phát triển của Việt Nam là sự ổn định về chính trị; và hai, chỉ có họ mới bảo đảm được sự ổn định ấy. Nhân danh sự ổn định, họ chống lại nhu cầu đa nguyên, đa đảng. Nhân danh sự ổn định, họ đàn áp và bắt bớ những người lên tiếng đòi tự do và dân chủ. Nhân danh sự ổn định, họ tiếp tục cầm quyền, hơn nữa, còn chuẩn bị cho con cháu họ cầm quyền (như những gì chúng ta thấy trong đại hội đảng lần thứ 11 vừa rồi, ở đó, khá nhiều con cháu của các nhà lãnh đạo và cựu công thần của chế độ được "cơ cấu" để vào Ban chấp hành Trung ương đảng, trong đó được dư luận chú ý nhất là con trai của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng!)
Ở Ai Cập, suốt mấy chục năm vừa qua, Tổng thống Mubarak cũng sử dụng một luận điệu y như vậy. Ông cũng đề cao sự ổn định, cũng xem sự ổn định là điều quan trọng và cần thiết nhất đối với tình hình chính trị Ai Cập. Xin lưu ý là Ai Cập, về phương diện địa lý, giáp với Sudan, Libya, gần sát Jordan và Israel, lúc nào cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc tranh chấp gay gắt giữa Israel và khối Ả Rập; về phương diện tôn giáo, đai đa số, khoảng từ 80 đến 90% dân số, là người Hồi giáo. Bản thân Mubarak lên cầm quyền trong một hoàn cảnh đầy bi kịch: tháng 10 năm 1981, Tổng thống Anwar El Sadat bị các phần tử Hồi giáo cực đoan ám sát. Lúc ấy Mubarak, với tư cách Phó Tổng thống, đang ngồi ngay bên cạnh. Sau đó, Mubarak lên kế nhiệm. Bài học đầu tiên khi ông lên làm Tổng thống, do đó, là bài học về an ninh, và rộng hơn, về sự ổn định. Bài học ấy càng ngày càng được củng cố sau ít nhất là 6 lần ông bị mưu sát.
Để bảo vệ an ninh và sự ổn định, Mubarak sử dụng ba biện pháp chính – cả ba đều đang được sử dụng một cách có hệ thống ở Việt Nam: xây dựng phe cánh, công an trị và bưng bít thông tin.
Tổng thống Mubarak xây dựng vị thế lãnh đạo kéo dài suốt cả 30 năm của mình trên một nhóm nhỏ với rất nhiều đặc quyền và đặc lợi. Họ cấu kết với nhau để làm giàu. Riêng phần Tổng thống Mubarak sở hữu một khoản tài sản lên đến 7,8 chục tỉ Mỹ kim. Hai người con trai của ông cũng đều là tỉ phú. Người con trai thứ, Gamal Mubarak, ngoài chuyện làm giàu, còn có tham vọng chính trị; và nếu không có cuộc cách mạng vừa qua, rất có khả năng lên thay thế ông bố (năm nay đã 82 tuổi). Trong khi đó thì hơn 40% dân số Ai Cập sống với khoản thu nhập trung bình mỗi ngày dưới 2 đô la! Và hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm!
Bên cạnh tiền là quyền. Ở Ai Cập, công an được trao thật nhiều quyền hành. Nhân danh sự an toàn công cộng, họ muốn bắt ai thì bắt. Giam giữ không cần xét xử. Mọi hình thức tra tấn hầu như đều được phép. Các tổ chức nhân quyền thường xuyên lên án Ai Cập: Theo họ, có khoảng từ 12 đến 14 ngàn người Ai Cập bị giam cầm vì những lý do hết sức mơ hồ; trong đó, có nhiều người bị giam cầm suốt cả 15 năm mà không hề được mang ra tòa xét xử gì cả.
Về phương diện truyền thông, Ai Cập khá hơn Việt Nam là cho phép báo chí tư nhân được hoạt động nhưng các biện pháp theo dõi và trừng phạt những tiếng nói đối lập hay phản biện thì cũng rất khắc nghiệt. Phê phán chính phủ và tổng thống bị coi là một tội và có thể bị trừng phạt nặng nề. Không những các nhà báo mà cả các blogger cũng thường bị đe dọa. Báo chí nước ngoài, hễ phê phán chính phủ là bị cấm nhập và cấm bày bán.
Cả ba biện pháp ấy gây rất nhiều công phẫn trong quần chúng. Những tiếng nói đòi tự do dân chủ đã cất lên đây đó, nhiều lần. Nhưng Mubarak vẫn bịt tai. Giới bình luận chính trị Tây phương nhận định: trong vô số những điều Mubarak không hiểu, có một điều vừa rồi đã đóng vai trò chính trong việc kết liễu sự nghiệp chính trị của ông: đó là các phương tiện truyền thông mới như internet, twitter và facebook.
Thật ra, nói cho ngay, dù ông có hiểu nhưng ông không thay đổi chính sách cai trị thì hậu quả có lẽ cũng giống nhau thôi.
Là cuốn gói bỏ chạy.
Rõ ràng là chiêu bài ổn định không tạo được sự ổn định cho Ai Cập. Lý do không có gì khó hiểu: Ổn định thực sự phải được xây dựng trên sự đồng thuận từ dưới lên trên: dân chúng đồng thuận với chính quyền và ủng hộ chính quyền. Ngược lại, những cái gọi là ổn định nhưng bất chấp đồng thuận, chỉ áp đặt từ trên xuống dưới và chỉ được duy trì bằng công an và bằng cách bưng bít thông tin, không sớm thì muộn cũng sẽ bị sụp đổ.
Vấn đề chỉ là thời gian.
-----------------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment