Wednesday, February 16, 2011

BÀI HỌC CHO NHỮNG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI (Nguyễn Văn Huy)

Nguyễn Văn Huy
Đăng ngày 16/02/2011 lúc 03:09:41 EST

Cái gì phải đến đã đến. Sau 30 năm độc quyền lãnh đạo Ai Cập, ngày 11/2/2011, tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập đã phải từ chức trước áp lực của đường phố. Trước đó một tháng, ngày 14/1/2011, tổng thống Zine el-Albidine Ben Ali của Tunisia cũng đã phải trốn chạy trước sự nổi dậy của quần chúng sau 23 năm cai trị đất nước với bàn tay sắt.

Cuộc cách mạng hoa lài tại Tunisia không ngờ đã tạo ra một ảnh hưởng dây chuyền khuyến khích quần chúng Ả Rập tại khắp nơi vượt lên nỗi sợ xuống đường đòi tự do, cơm áo và công lý. Sau Tunisia và Ai Cập, sẽ đến lượt các quốc gia Ả Rập độc tài khác : Algeria, Yemen, Syria...

Các chính quyền độc tài Ả Rập đã gần như bất lực trong việc đánh dẹp những cuộc nổi dậy này vì không có lãnh đạo. Không riêng gì tại Tunisia và Ai Cập, các chế độ độc tài đều tin rằng tiêu diệt đối lập là biện pháp an toàn nhất cho họ khi nắm chính quyền. Ít có chế độ độc tài nào tin rằng sẽ có ngày họ bị mất chính quyền, do đó không hề nghĩ đến việc cho phép đối lập hoạt động hay thương lượng với đối lập để tìm một giải pháp chung cho đất nước hay một lối thoát an toàn.

Chính vì không biết thương lượng với ai để nhường quyền lãnh đạo, tổng thống Ben Ali đã phải bỏ chạy để tránh bị công lý đường phố xét xử. Cũng chính vì không biết thương lượng với ai, tổng thống Mubarak phải trao quyền lãnh đạo cho quân đội để rút lui vào bóng tối. Hậu quả của sự thiếu vắng một đối lập ôn hòa, phe cánh của tổng thống Ben Ali còn kẹt lại Tunisia đang là nạn nhân của những cuộc trả thù báo oán của đường phố. Trong những ngày sắp tới, gia đình tổng thống Mubarak cũng sẽ khó trả lời trước công lý về những tài sản mà họ đã sở hữu khi nắm chính quyền.

Thấy trước mối nguy không có đối lập này, các chính quyền độc tài Ả Rập khác tại Algeria, Yemen và Syria đang tìm cách xoa dịu sự nổi giận của quần chúng bằng cách tung tiền để tăng lương công chức, tài trợ giá cả, cho ra đời những tổ chức đối lập cuội để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng. Nhưng những gian trá này đã không che mắt được ai, quần chúng càng nổi giận hơn trước những màn bịp bợm này
. Một tổ chức đối lập lương thiện không thể được thành lập qua một cái búng tay, đó là cả một quá trình đấu tranh có lý luận và có tổ chức với những gương mặt lương thiện được quần chúng và dư luận quốc tế biết đến.
Tại Tunisia, vì không có một tổ chức đối lập nào có tầm vóc, cuộc tranh giành vào những chức vụ quan trọng trong chính quyền đã diễn ra gần như vô trật tự, không ai chịu nhường ai và cũng không ai phục tùng ai. Tunisia đang ở trong tình trạng vô chính phủ. Tại Ai Cập càng nguy hiểm hơn, tổ chức đối lập duy nhất có tổ chức là nhóm Huynh Đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood), đây là một tổ chức khủng bố đã từng ám sát và đặt bom giết người Ai Cập và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, những trí thức có tên tuổi như Mohamed El Baradei được cả thế giới biết tới nhưng không có tổ chức nên không thể tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng. Sinh hoạt chính trị tại Ai Cập trong những ngày sắp tới sẽ rất gay go giữa một bên là nhóm Hồi giáo quá khích có tổ chức và một bên là những trí thức không có tổ chức. Nếu xã hội Ai Cập tiếp tục bất ổn, chắc chắn quân đội sẽ nắm lại quyền hành như Mubarak đã từng làm trước đây 30 năm.

Bài học thứ nhất mà các chế độ độc tài đương quyền cần rút ra là hãy gấp rút cho phép các tổ chức đối lập tự do hoạt động trong nước. Chỉ qua những tổ chức đối lập lương thiện, những thương lượng về chuyển giao quyền hành sẽ không đổ máu và diễn ra trong hòa bình và tinh thần hòa giải dân tộc. Phải trả tự do cho những tù nhân chính trị và những nhà đối lập. Đây là một bảo đảm trước dư luận quốc tế đồng thời cũng là một bảo đảm cho chính mình khi sa cơ thất thế. Giờ cáo chung của các chế độ độc tài đang điểm, sau các chế độ độc tài Ả Rập và Hồi giáo sẽ đến lượt các chế độ độc tài Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Một đặc điểm khác của các chế độ độc tài là sự giàu có tột bực của những người cầm quyền. Tài sản của mỗi người phải tính bằng tỷ Mỹ kim. Trong suốt 30 năm cầm quyền, tài sản của gia đình tổng thống Mubarak được giới quan sát thời cuộc ước tính từ 40 đến 70 tỷ USD, gấp 10 lần tài sản của tổng thống Ben Ali, khoảng 4 tỷ USD. Trước những tài sản kết sù này, quần chúng nào có thể làm ngơ ? Sự giàu có của những người này thách đố sự nghèo khó chung của cả một dân tộc. Hiện nay một phong trào "săn lùng phù thủy", tức những người thân cận với các chính quyền Ben Ali và Mubarak, đang diễn ra khắp nơi. Tại Tunisia và Ai Cập, quần chúng bất mãn đang truy lùng và tịch thu tài sản bất chính của những người đã từng hợp tác với chế độ độc tài. Cuộc săn lùng này cũng được diễn ra trên toàn thế giới, các quốc gia đã từng ủng hộ những chế độ độc tài này, như Thụy Sĩ và các quốc gia trong Liên Hiệp Châu Âu, đang lập danh sách tài sản và tài khoảng ngân hàng của phe cánh Ben Ali và Mubarak để trao lại cho nhân dân Tunisia và Ai Cập.

Đó là chưa kể những cuộc trả thù báo oán giữa những nạn nhân và những người đã từng đàn áp và tước đoạt tài sản của họ trước kia, đó là những cấp chính quyền, công an và cảnh sát, viên chức thuế quan địa phương. Tài sản của những người này không do đồng lương tạo ra mà do tham nhũng. Hiện nay hàng ngàn người Tunisia đã dùng tàu thuyền vượt thoát sang các quốc gia Châu Âu xin tị nạn vì sợ báo thù trả oán. Không biết trong những ngày sắp tới những tay chân của Mubarak tại Ai Cập sẽ xin tị nạn tại đâu?

Bài học thứ hai cần rút ra là trả lại tự do cho xã hội dân sự nhằm xoa dịu sự bực tức của quần chúng, nhất là giới trẻ. Đặc điểm chung của các chế độ độc tài là tuổi trẻ chiếm hơn 50% dân số, đa số đều không có công ăn việc làm mặc dù tốt nghiệp với những bằng cấp cao. Các chính quyền độc tài phải tỏ ra cương quyết trong việc bài trừ tham nhũng, căn bệnh ung thư đang tấn công vào chế độ. Sự thù ghét của dân chúng đối với chế độ phần lớn nhắm vào những quan chức tham nhũng.

Những cuộc nổi dậy của người Ả Rập cũng là bài học đối với chính quyền cộng sản Việt Nam. Bối cảnh xã hội Việt Nam không khác gì các quốc gia Ả Rập: vật giá leo thang, sự giàu có của các cấp cầm quyền thách đố sự nghèo khó chung của cả dân tộc, các viên chức chính quyền đều tham nhũng và đại đa số thanh niên không có công ăn việc làm. Trả lại tự do cho xã hội dân sự, chấp nhận sự hình thành các tổ chức đối lập và tự do truyền thông là lối thoát an toàn cho chính chế độ.

Nguyễn Văn Huy
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: