Thursday, February 10, 2011

BA LAN - AI CẬP : BÀI HỌC CHO CẢ ĐỘC TÀI LẪN CHỐNG ĐỘC TÀI (Vũ Ánh)

(02/07/2011)

Nếu đến thăm trụ sở của Công Ðoàn Ðoàn Kết ở hải cảng Gdansk (Ba Lan), người ta sẽ thấy cuộc biểu tình lật đổ chế độ độc tài Jeruzelski ở đất nước là trung tâm của nền văn minh Slave này không hề và không thể trong ngày một ngày hai và tự phát. Năm 2006, nhân một cuộc họp mặt Dân Chủ được tổ chức ngay ở trụ sở Quốc Hội Ba Lan, tôi cùng các thành viên khác của HMDC đã có cái cơ may thăm xưởng đóng tầu ở cảng Gdansk - nay đã trở thành một bảo tàng viên của cuộc cách mạng dân chủ ở Ba Lan, nơi hãy còn đầy đủ hình ảnh của hơn 1 triệu người Ba Lan cung một lượt ào xuống đường bất chấp chính quyền Cộng Sản huy động hơn một sư đoàn bộ binh với sự yểm trợ của thiết giáp tiến vào thành phố. Tất cả các đơn vị công an cảnh sát được lệnh đàn áp nhưng họ chỉ đứng như trời trồng trước một khối dân chúng quá đông đảo như thế phẫn nộ nhưng hoàn toàn bất bạo động. Quân đội xuất hiện khắp nơi trong thành phố, nhưng cũng chỉ đứng giữ an ninh chứ không hành động. Ðây là những yếu tố thành công của Lech Walesa và kết quả là chế độ Jeruzelski bị lật đổ.

Trong cuốn “Heart of Europe: The Past in Poland's Present” của Norman Davies, một tác giả người Anh, yếu tố âm thầm chuẩn bị, cán bộ của Walesa len lỏi sống trong quần chúng tuyên truyền và vận động trong một thời gian rất dài với sự giúp đỡ của giáo hội Công giáo Ba Lan đã là nguyên nhân khiến hàng triệu người Ba Lan chấp nhận hy sinh, xuống đường biểu tình phản đối độc tài. Davies nói rằng nếu quân đội và công an Ba Lan đàn áp, cuộc cách mạng Dân Chủ ở Ba Lan sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Chủ tịch công đoàn Ðàn Kết Lech Walesa đã sử dụng hầu hết những cán bộ vốn là đảng viên Cộng Sản thức tỉnh và công nhân. Nói tóm lại Ba Lan là một bài học rất quí giá cho đến bây giờ đối với những ai muốn làm cách mạng, cả về việc nuôi dưỡng tinh thần, tổ chức và chiến lược phối hợp. Tunisia, Ai Cập và có thể sắp tới Yemen, tuy ở bối cảnh khác nhau và thời đại khác nhau, nhưng vẫn có một mẫu số chung: làm sao để quân đội bất can thiệp và công an cảnh sát không dám can thiệp khi họ nhìn thấy một số người khổng lồ, đứng đen kịt những quảng trường trong thành phố.

Người dân Tunisia sống dưới cường quyền trong hơn 3 thập niên. Tại đất nước này nền dân chủ như lời hứa của Ben Ali khi lên cầm quyền được thể hiện qua những bàn tay sắt: cảnh sát và các uy ban nội chính đưa người tình nghi đi tù, đi an trí, chỉ định cư trú và thủ tiêu. Phe đối lập ở trong nước được Ghanouchi chỉ huy từ bên ngoài âm thầm mở cuộc vận động dựa vào tôn giáo, dựa vào mức chênh lệch giầu nghèo giữa người thành phố và dân nông thôn, những người chỉ kiếm hàng ngày số tiền không quá $2 đô la Mỹ. Khẩu hiệu của Ghanouchi là “Không tin và chính quyền thế tục nữa và thay thế nó bằng thần quyền (chính quyền Hồi giáo)”.

Tại Ai Cập cũng vậy. Hosni Mubarak cũng không khác gì Jeruzelski của Ba Lan. Vốn là một tướng lãnh, Hosni Mubarak cai trị đất nước bằng mũi súng. Sau vụ tái chiếm thành phố Assiut từ tay quân nổi dậy, Hosni Mubarak đã bắt giam khoảng 30,000 người tình nghi và có người bị giam giữ cho đến nay cũng không được thả hay đem ra xét xử trước tòa án. Nhưng trò đời cũng có nhiều điều mà những nhà độc tài không nhìn thấy: Mubarak dựa vào quân đội mà quân đội Ai Cập dựa vào Hoa Kỳ từ cái quần, cái áo đến đôi giầy, khẩu súng, viên đạn, xe tăng, máy bay. Các tướng lãnh Ai Cập phần đông là được huấn luyện tại Hoa Kỳ. Một khi Mubarak không dựa vào dân chúng thì sẽ có kẻ dựa sẽ dựa vào dân chúng để kéo ông ta đổ xuống. Ðiều này đã xảy ra, nhà bác ái Hồi giáo lãnh đạo phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo (Islamic Brotherhood), một tổ chức chỉ hoạt động xã hội, giáo dục và thanh niên không hề có một hành động nào chống đối chế độ độc tài Mubarak. Trong khi các đảng đối lập bị giải thể tẩy chay các cuộc bầu cử thì tổ chức Huynh Ðệ Hồi Giáo vẫn đưa người ra tranh cử. Nhưng hiện nay tổ chức này là cốt lõi cho cuộc vận động hàng triệu người xuống đường tại thủ đô Cairo và những thành phố khác. Khẩu hiệu của họ là “lật đổ chế độ Mubarak tay sai của Mỹ”. Trước làn sóng người biểu tình phản đối dữ dội, quân đội Ai Cập tuyên bố ngay từ khi họ mang xe tăng vào Cairo là sẽ không can thiệp chống lại người biểu tình mà chỉ giữ an ninh, ngăn cản các vụ hôi của, cướp bóc. Chỉ còn lực lượng cảnh sát là còn tỏ ra trung thành với Mubarak, nhưng họ vẫn án binh bất động ngoài việc sử dụng bọn du thủ du thực giả dạng cảnh sát chìm để phá đám người biểu tình.

Những tài mới nhất được tiết lộ cho thấy hàng năm Mỹ phải đổ tiền vào viện trợ quân sự cho Ai Cập từ $1.3 đến $1.5 tỷ. Ngoài giúp đỡ quân sự , Hoa Kỳ cũng đã giúp Ai Cập cải tiến phương tiện tình báo, trong đó có những lời khuyến cáo rất sát thực tế cho Mubarak kể cả việc Hoa Kỳ báo cho Mubarak những tin tức cho thấy những phần tử Hồi giáo bảo thủ đã kết hợp với những phần tử quốc gia cực đoạn và người nghèo ở nông thôn cũng như thành thị đứng lên triệt hạ chính quyền thế tục. Ai Cập sẽ sụp đổ nếu như không có những cải tổ chính trị. Mubarak vì tin vào vai trò và vị trí quan trọng của mình trong công tác hòa giải những xung đột trong vùng và tin ở sự hậu thuẫn tuyệt đối của Washington nên đã coi thường các lời khuyến cáo của Mỹ.

Ngày nay, chắc chắn Mubarak đã thấy không phải một sớm một chiều mà phe đối lập cũng như tổ chức Islamic Brotherhood hô một tiếng là có ngay hàng triệu người tự phát xuống đường. Thực ra, đây là kết quả của trên 10 năm âm thầm vận động, tổ chức, liên lạc, sinh hoạt chặt chẽ chứ không phải chỉ một năm, một tháng mà có. Phải nằm vùng, phải tuyên truyền rỉ tai, phải có cán bộ thúc đẩy, phải có những mạng lưới thì mới có khả năng huy động đông người khiến cho lực lượng đàn áp của độc tài chùn tay, hay nếu có can thiệp thì cũng phải nhúng tay vào biển máu.

Do đó, qua vụ Ba Lan vào những thập niên trước, tới vụ Thiên An Môn năm 1989 thất bại, nay Tunisia, Ai Cập... người ta đã có khá nhiều bài học, những bài học cho cả những chính quyền độc tài lẫn những lực lượng chống độc tài. Tại Việt Nam, sở dĩ nhà cầm quyền vẫn thành công trong chính sách cô lập những người bất đồng chính kiến là vì dư luận Việt Nam vẫn còn thờ ơ trước những chuyện này. Chừng nào lực lượng chống Cộng ở hải ngoại kết hợp được với lực lượng trong nước lúc đó mới mong thức tỉnh dân chúng Việt Nam và kéo họ ra khỏi sự thờ ơ, hy vọng lật đổ chính quyền Cộng Sản mới có thể trở thành sự thực. Bài học cho Hà Nội lúc này là dù cai trị dân chúng bằng bàn tay sắt như Ba Lan, Tunisia, Ai Cập... cũng có lúc sắt cũng phải chẩy vì sự thức tỉnh của toàn khối dân chúng Việt Nam, nếu như họ không thay đổi. (V.A)
.
.
.

No comments: