Thursday, February 24, 2011

BA BỘ MẶT CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI NAM HÀN (Người Việt)

Người  Việt
2-23-2011

SEOUL, Nam Hàn - Theo báo Chosun Ilbo ấn bản Anh ngữ phát hành ở Nam Hàn, Trung Quốc có ba bộ mặt khác nhau trong quan hệ với Nam Hàn.

Thứ nhất là bộ mặt vui vẻ trong quan hệ song phương vì hai nước lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992. Thứ hai là bộ mặt trơ tráo mà họ ngả về phía Bắc Hàn, khi nước này gây hấn vũ trang chống lại Nam Hàn, mặc dù hành động đó bị quốc tế lên án dữ dội. Thứ ba là bộ mặt đe dọa, vốn được che đậy kỹ lưỡng trong suốt 20 năm quan hệ ngoại giao, nhưng chỉ mới lộ ra sau khi chiếc tàu chiến Cheonan của Nam Hàn bị đánh chìm hồi tháng 3 năm ngoái.

Trung Quốc có thái độ dọa dẫm công khai từ khi sức mạnh của họ gia tăng. Qua mặt Nhật về tổng sản lượng quốc nội trong năm 2010, Trung Quốc dự trù vượt qua cả nền kinh tế của Mỹ trong năm 2022, và các công ty Nam Hàn đang trực diện với viễn ảnh phải tìm một kế sách sinh tồn, một khi mà đối thủ Trung Quốc trở thành một cái nam châm của toàn cầu, thu hút tư bản, kỹ thuật và sản phẩm của thế giới.

Sức mạnh tăng vọt của Trung Quốc có thể cảm thấy trong khắp xã hội Nam Hàn. Nam Hàn có hơn 30,000 công ty có cơ sở hoạt động ở Trung Quốc, khó tìm được một công ty nào không có liên hệ với nước này. Số lượng trao đổi mậu dịch hằng năm lên đến $200 tỉ, hơn lúc hai nước mới bắt đầu mở quan hệ ngoại giao đến 20 lần. Trung Quốc hiện đang giữ công khố phiếu của Nam Hàn trị giá đến $3.5 tỉ, và chính sách kinh tế hiện nay của Trung Quốc có tác động trực tiếp lên nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Mỗi tuần có 840 chuyến bay nối liền hai nước, trong khi khoảng 6 triệu người từ hai nước viếng thăm lẫn nhau. Hằng năm có 1.5 triệu người Hoa sang du lịch Nam Hàn, thậm chí có một số đại gia Trung Quốc bỏ tiền mua những bất động sản đắt tiền ở Nam Hàn. Trung Quốc có 60,000 sinh viên sang du học Nam Hàn, chiếm tổng số sinh viên ngoại quốc lớn nhất sang học nơi đây. Số học sinh Nam Hàn học tiếng Hoa ngày một tăng. Trường dạy ngoại ngữ dành cho người lớn mọc lên như nấm, trong khi kinh doanh mở lớp mẫu giáo dạy bằng tiếng Hoa làm ăn rất khấm khá.
Tuy nhiên, sự trao đổi gần gũi và sinh động diễn ra trong khu vực tư nhân không gây được tiếng vang nào nơi chính quyền, vốn thường hay phản ứng khá chậm chạp.

Moon Heung-ho, chuyên gia về Trung Quốc ở trường Ðại Học Hanyang, nói: “Không rõ Seoul có được một chiến lược lớn lao nào, trước việc Trung Quốc đang trở thành một trong hai cường quốc kinh tế hàng đầu không.”

“Ðứng trên nhãn quan khoa học chính trị, chính quyền Nam Hàn cần phải theo đuổi một sự tiếp cận cân bằng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, khi đối phó với vấn đề Bắc Hàn. Nam Hàn cần giữ vững nguyên tắc của mình khi Trung Quốc muốn biểu dương sức mạnh ngoại giao của họ. Khu vực tư và công cần phải đi theo một kế hoạch dài hạn, để bảo đảm tính cạnh tranh của sản phẩm của Nam Hàn trong khu vực mà Trung Quốc đang khống chế. Tương lai của Nam Hàn còn tùy thuộc vào kế hoạch sinh tồn này được thực thi như thế nào trong thế kỷ thứ 21,” ông Heung-ho nói tiếp. (TP)
.
.
.

No comments: