Friday, February 18, 2011

AI CẬP : TỨC NƯỚC VỠ BỜ (AP)

Tức nước vỡ bờ
DCVOnline – Theo AP
18-02-2011 

Con người bị làm nhục và cả quốc gia bị bẽ mặt là chất xúc tác cho người dân Ai Cập đứng lên lật đổ chính quyền Hosni Mubarak.
Đối với anh Gamal Hassanein, sự việc bắt đầu bằng một cái vả vào mặt. 24 tuổi, bị thất nghiệp, anh Gamal trong lúc đang tranh cãi với một tay công an thì bị xáng một bạt tai vào mặt - niềm đau và nỗi nhục ở lại trong anh cả mấy tháng trời.

"Tay công an kia đã đánh cắp lòng tự trọng của tôi, với cái vả vào mặt đó," anh Gamal Hassanein nói, người làm đủ mọi việc để sinh nhai. "Chúng tôi trước đây đã không thể đứng thẳng người và đương đầu với những tay công an đó vì chúng tôi sợ. Nhưng giờ chúng tôi không còn muốn im lặng vì sợ hãi nữa," anh nói.

Hằng chục ngàn người đổ xuống đường biểu tình vừa rồi ở Ai Cập nhằm lật đổ một chính quyền độc tài đã cầm quyền 30 năm qua, họ đến từ mọi thành phần trong xã hội: tín đồ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo bảo thủ, đám thanh niên bụi đời và thất nghiệp, người trẻ cũng như người già. Cho rất nhiều người trong số họ, chất xúc tác cho họ đổ xuống đường biểu tình đòi hỏi tổng thống Mubarak thoái vị là kết qủa của sự kiềm nén mỗi giận dữ trong lòng trong nhiều năm qua, vì đã bị nhà nước đối đãi quá tồi tệ giờ chợt bùng lên.

Anh Hossam, cư dân một vùng trên trung lưu Maadi thuộc thủ đô Cairo nói anh nghĩ đến người bà con bị chết đuối bảy năm về trước sau khi bị rớt ra khỏi một chiếc thuyền đạp nước. Dịch vụ cứu cấp đã từ chối không đến cứu vì họ biết nạn nhân không là người phương Tây, mà chỉ là một người ... xoàng trong nước. Anh Hossam hỏi: "Tại sao họ đối xử với chúng tôi tệ như thế này?"

Sự nhục nhã mang tính cá nhân này được tăng gấp bội phần khi đi kèm vào đó là sự cảm nhận một nỗi nhục nhã mang tính quốc gia, khi Ai Cập như một nước hàng đầu trong thế giới Ả Rập về các phương diện văn hoá và chính trị trước đây giờ trở thành một nước nghèo đói, thất học, tham nhũng như rươi và một nhà nước độc tài, bất lực không đem lại cho người dân cơm no áo ấm và sự tự do, dân chủ.
Một chiếc tàu khách bị chìm ở Hồng Hải làm 1.000 người dân Ai Cập thiệt mạng. Đội tuyển bóng đá quốc gia thua đội Algeria trong trận World Cup vừa rồi. Nhà nước thất bại trong việc thỏa hiệp với các phe phái người Palestines, và tuồng như không có khả năng ảnh hưởng lên các hành động của người Do Thái.

Nhưng cho hằng chục năm qua, sự giận dữ này không có lối thoát. Những nhóm đối lập bao gồm xã hội, cấp tiến, người quốc gia Ả Rập đã bị chế độ ông Mubarak chia rẽ và làm yếu đi vì những hạn chế ngặt nghèo mà ông dùng để áp chế sự tự do của họ, cùng lúc ông mua sự hợp tác của họ bằng cách cho họ vào quốc hội và những quyền lợi vật chất khác.

Sự trở về của ông Mohamed ElBaradei, người được giải Nobel và về lại Ai CẬp hôm tháng Hai năm rồi đã làm tăng sinh khí cho thanh niên Ai Cập. Họ yêu cầu ông ra tranh cử tổng thống. Nhưng lời kêu gọi của ông bị nhiều hạn chế bởi cái hình ảnh của chính ông, như một người sống xa quê hương đã lâu.

Hôm tháng Sáu rồi, cái chết của anh thương gia 28 tuổi tên Khaked Said do một đám công an chìm gây nên đã bắt đầu cho một loạt biểu tình nhỏ nhưng ngày càng lớn ra, quy mô hơn sau khi người dân Tunisie lật đổ ông tổng thống độc tài và tham quyền cố vị đã quá lâu của họ trong tháng này.

Đàn bà mặc áo thụng đen che hết cả người lẫn mặt, đi biểu tình cùng với những người phụ nữ khác với kiểu tóc đắt tiền, quần jean bó sát người và mang kiếng mát loại hàng hiệu.

"Người dân muốn thay đổi chế độ,"họ la lớn, đó là một câu hát nghe như kinh với giọng ngắt trầm bỗng kiểu Ả Rập lần đầu tiên được nghe qua những cuộc biểu tình ở Tunisie.

Cô Aya Barada, một người cố vấn luật pháp mang chiếc phăn phủ đầu màu xanh và quần jean bó sát người, nói rằng cô biết đến những cuộc biểu tình qua Facebook.

"Tôi hiện làm được nhiều tiền. Bản thân cá nhân tôi không bị đau khổ gì cả. Nhưng điều kiện ở Ai Cập là ... xấu cho tôi, cho gia đình tôi, và chung cuộc, là cho đất nước tôi."

© DCVOnline

--------------------------------

.
.
.

No comments: