Tuesday, February 22, 2011

AI "CẦM BATOONG GÕ LÊN ĐẦU ĐỒNG NGHIỆP"? (Trần Mạnh Hảo)

Trần Mạnh Hảo
Đăng ngày 22/02/2011 lúc 00:55:44 EST

Trao đổi với ông Trần Ngọc Tuấn:
Ai “cầm batoong gõ lên đầu đồng nghiệp”?

Trần Mạnh Hảo


Trên website [ http://trannhuong.com ] ngày 21/02/2011 có in bài: “Chém” Dị Hương, Trần Mạnh Hảo tự “thiến” văn hóa đọc của ông Trần Ngọc Tuấn (Cộng hoà Séc). Tôi xin có mấy lời trao đổi lại với ông Tuấn như sau.

Mới đọc qua “tít” bài có tính cách rất máu lửa, dao thớt đằng đằng sát khí trên với nào “chém” nào “thiến” của ông Trần Ngọc Tuấn, tôi biết chắc ông này đang cả giận? Tôi tự nói thầm, từ từ nào ông Tuấn, có gì mà phải lớn tiếng hung hãn thế anh Hai? Bởi phê bình văn học và thiến heo là hai nghề khác nhau mà; vả cũng đâu phải nơi đầu đường xó chợ mà tung chưởng nào “chém” nào “thiến” nghe hãi chết đi được vậy ông? Đọc kỹ bài viết của ông Trần Ngọc Tuấn, mới biết đây là bài phê bình văn học; ông Tuấn phê bình
tôi dám vu cáo cho tác giả truyện ngắn “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh (vừa được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2010), rằng làm gì có chuyện ông Sương bôi xấu vua Gia Long, ông Sương toàn ca ngợi vua Gia Long không à?

À, thì ra thế, cứ bình tĩnh từ tốn mà trao đổi với nhau, nhẹ nhàng “lạt mềm buộc chặt”, đâu còn đó mà ông Tuấn, việc gì ông phải dùng những lời lẽ của dân anh chị thế? Nào là ông Hảo “chém”, ông Hảo “tự thiến”, ông Hảo “cãi nhau có hệ thống”, ông Hảo “không phải nhà phê bình văn học”, ông Hảo “lườm nguýt”, ông Hảo “rủa sả”, ông Hảo “thiếu học thuật”, “hằn học”, ông Hảo “cầm ba toong gõ lên đầu đồng nghiệp”, ông Hảo “tội nghiệp”, ông Hảo “mất giá”, ông Hảo “quy kết”, ông Hảo có “động cơ ngoài văn học”…

Chao ôi, tự dưng tự lành ông Trần Ngọc Tuấn đang ở đẩu ở đâu, không tư thù nhau, không duyên nợ nhau, sao lại nỡ ném lên đầu tôi bao nhiêu tội lỗi, bao nhiêu bất cập, bao nhiêu oan nghiệt, bao nhiêu từ khiếm nhã mà ông Tuấn không hề đưa ra một tẹo dẫn chứng? Như thế, ông hay tôi đang “cầm ba toong gõ lên đầu đồng nghiệp” đây?

Ông Tuấn còn dùng nhiều từ thóa mạ đồng nghiệp khác, ví như: “trò tháu cáy”, “thủ dâm chính trị”, “thớ lợ”, “không lương thiện” .v.v. và .v.v.

Tôi xin chứng minh:

Ông Trần Ngọc Tuấn viết:
“Những cuộc “cãi nhau” có hệ thống, và… truyền thống của nhà thơ (không phải nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo), tôi thấy anh “không thoáng” trong cái nhìn “lườm nguýt” một tác phẩm văn học, hoặc sự thay đổi thi pháp thơ ca.
Với tôi, Trần Mạnh Hảo là một nhà thơ mà tôi yêu quý về tài thơ. Nhưng chưa bao giờ, dù chỉ một phút xem anh là nhà phê bình văn học. Những suy nghĩ ấy có căn nguyên của nó khi anh “rủa sả” Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Chu Văn Sơn .v.v. một cách thiếu học thuật, hằn học. Khi đọc các bài viết của anh, tôi có cảm tưởng: trong cầm batoong gõ đầu đồng nghiệp”…”.

Ông Trần Ngọc Tuấn còn viết tiếp như sau:
“Cảm nghĩ đầu tiên tôi thấy anh… “chém” ông Hữu Thỉnh, chém Hội đồng Chung khảo và mượn cớ để “chém” em “Dị Hương”… “Sự quy kết này chứng tỏ động cơ cầm bút của anh Hảo không xuất phát từ văn học, mà từ những điều ngoài văn học”… . “Cách “chém” “Dị Hương” vô hình dung Trần Mạnh Hảo đã tự thiến văn hóa đọc của mình…”.

Thưa ông Trần Ngọc Tuấn, nguyên tắc phê bình văn học của tôi từ trước đến nay là: tuyệt đối không xúc phạm cá nhân, bất cứ kết luận nào, sự phân tích nào cũng phải đưa ra bằng chứng. Tôi chỉ phê bình trên văn bản học thuật, không hề bịa tạc ra dẫn chứng hay đi ra ngoài lĩnh vực văn học.

Xin ông Trần Ngọc Tuấn dẫn ra thử một đoạn, dù nhỏ, chỉ ra tôi đã “rủa sả” Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Lê Đạt, Chu Văn Sơn .v.v.” ở bài nào, trang nào, dòng nào, sách nào; nếu ông không đưa ra được bằng chứng cụ thể, thì chính ông đang bịa tạc, vô cớ vu cáo chính tôi đấy, và chính ông đang là người “cầm ba toong gõ lên đầu đồng nghiệp” là chính tôi đấy?

Xin quý vị đọc tiếp lời ông Tuấn viết:
“Nhưng sau này tôi thấy “tội nghiệp” cho anh khi “được” (các “chính khách” hải ngoại) tung anh lên tận mây xanh, họ gọi anh: nhà văn “phản tỉnh”, tôi cho đó là trò tháu cáy của kẻ thủ dâm chính trị.
Những kẻ hả hê một cách thớ lợ khi đưa tin trên báo: mất mùa bão lụt, nhân dân mình khổ sở, các hiện tượng tiêu cực… nhưng lờ đi cái tích cực ở tổ quốc mình (nó có, dù ít nhưng vẫn có). Những người như vậy không lương thiện, dù họ sống trong môi trường dân chủ. Những người như thế, tung hô anh, vô tình lại làm anh mất giá.
Anh Trần Mạnh Hảo là người yêu tự do dân chủ, (tự do dân chủ ai mà chẳng yêu), nhà thơ cấp tiến. phản tỉnh.”

Tôi hết sức kinh ngạc khi ông Trần Ngọc Tuấn dám viết ra những câu thóa mạ chính “phe mình”, hay nói khác đi ông Tuấn đang thóa mạ chính mình. Tôi xin nhắc để ông Tuấn biết, trên internet vẫn còn đang lưu tất cả những bài viết của ông. Chỉ cần ông vào mạng http://www.google.com, rồi đánh từ khóa “Trần Ngọc Tuấn – Cộng hòa Séc” là ra rất nhiều bài ông đã viết, ví dụ trên diễn đàn của Đất Việt Tâm sự nổi buồn người Việt trong nước có bài: “Ngày Nói 'Không!' Với Chủ Nghĩa Cộng Sản”. (Xin xem bài này rõ ràng ở link này).
Xin lỗi ông Trần Ngọc Tuấn, tôi không thể trích ra đây một vài dòng trong bài Ngày Nói 'Không!' Với Chủ Nghĩa Cộng Sản của ông ngày 06/05/2007 trên trên diễn đàn
Tâm sự nổi buồn người Việt trong nước của trang mạng Đất Việt được, vì nếu trích ra trên web http://trannhuong.com , web này sẽ không dám đăng bài của tôi; vì… web anh Nhương là trang mạng trong nước. Trong nhiều năm, ông Trần Ngọc Tuấn đã viết rất nhiều bài với những nội dung y như các cây bút hải ngoại đã viết: Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Lê Diễn Đức, Mạc Việt Hồng, Trần Ngọc Thành… Vậy mà hôm nay vì cớ gì ông lại mắng họ sa sả thế này:
“Những kẻ hả hê một cách thớ lợ khi đưa tin trên báo: mất mùa bão lụt, nhân dân mình khổ sở, các hiện tượng tiêu cực… nhưng lờ đi cái tích cực ở tổ quốc mình (nó có, dù ít nhưng vẫn có). Những người như vậy không lương thiện, dù họ sống trong môi trường dân chủ. Những người như thế, tung hô anh, vô tình lại làm anh mất giá.”
Ông Tuấn chửi họ là “những kẻ thớ lợ, tháu cáy, thủ dâm chính trị” khi họ từng viết giống ông, từng một phe với ông mới gần đây thôi là “không lương thiện”, thì xin lỗi, chính ông đang tự mắng mình đấy.

Ông Trần Ngọc Tuấn viết tiếp:
“Đọc Dị Hương, tôi không thấy sự “bôi xấu” Nguyễn Phúc Ánh một chút nào, trái lại, Sương Nguyệt Minh lại đề cao, ngợi ca Nguyễn Phúc Ánh.”

Tôi xin trích ra những dòng sau đây của tác giả “Dị Hương” viết về vua Gia Long và bà vợ của nhà vua là Lê Ngọc Bình, xem đây là những dòng Sương Nguyệt Minh “ca ngợi” hay bôi nhọ hai nhân vật lịch sử trên:
“Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng… Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ…”

“Mùi tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va chạm tụ lại thành mùi chết chóc ngấm vào da thịt Ánh…”

“Bao nhiêu cái đầu lăn lóc dưới đôi chân bôn tẩu của Ánh…”

“Ánh chợt nhìn thấy Sán cứ bần thần mê mẩn yếm thắm. Ánh lộn tiết, cho rằng Sán chơi trò ma thuật phù thủy, bèn quát lính lôi ra chém….”

“Ánh túm ngực áo gầm lên…”

“Tội các ngươi đáng chém….” . “Lần này Ánh chém thật…”

“Cung tần qua đêm với Ánh, dù ngực hằn đầy vết hồng đỏ của bàn tay thô ráp cầm kiếm, hai đùi đầy vết răng bầm tím…”

“Lòng Ánh nôn nao, không chịu nổi mùi gợi dục, cuống cuồng cởi quần áo”…

“Mỹ nhân đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh…”

“Ánh bèn lẩn vào bên trong lùm cây, kéo cành lá, mặt đần ra mê đắm nhìn mỹ nhân tắm…”.

“Bóng Ánh đổ dài kéo thành vệt đến giếng nước. Mỹ nhân vội khép hai đùi, một tay che hai trái tuyết lê căng mẩy, một tay che đám lông mu đen mượt. Thực ra mỹ nhân không cần phải hốt hoảng che đậy vì chỏm đầu của Ánh đã đổ bong đen trên ngực nàng…”

“Ánh cầm gươm đưa những đường tuyệt kỹ như múa, nhẹ hơn gió thoảng trên long sàng. Loáng một cái cắt nát xiêm y…”

“Hai người chìm vào biển ái ân nóng bỏng…”

“Ánh sướng quá tru lên như con ngựa hoang động đực…”

“Về Phú Xuân, Ánh ốm liệt giường, lúc nào cũng chìm trong mộng mị ân ái với nàng Ngọc Bình”

“Gia Long lấy Ngọc Bình chẳng phải là yêu chiều cành vàng lá ngọc mà núp dưới chiêu bài tâm lý chiến bẩn thỉu…”

Xin trích thêm lời nhà văn Trần Hoài Dương trong bài Trần Hoài Dương nhàn đàm văn chương:
“Tôi quan niệm khi viết truyện lịch sử hay có liên quan đến lịch sử, không nhất thiết nhà văn quá lệ thuộc vào chính sử. Nhà văn hoàn toàn có quyền hư cấu, tưởng tượng, nhưng cái cốt lõi là bản chất của nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử phải được tôn trọng. Mọi hư cấu, tưởng tượng của nhà văn rốt cuộc cũng chỉ để đạt được yêu cầu tối thượng sao cho nhân vật lịch sử ấy, sự kiện lịch sử ấy bộc lộ đúng nhất bản chất cốt lõi của mình. Trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh hiện ra là một nhân vật rất xấu, có thể nói là thô bỉ, hiếu sắc, hiếu sát... Tôi không tin là một nhân vật như thế có thể dựng nên một vương triều mà hôm nay hậu thế còn cần đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học về công lao lẫn tội lỗi... Tất nhiên, chỉ qua một truyện ngắn không thể đòi hỏi quá nhiều, nhưng dẫu sao, qua một truyện ngắn tâm huyết của tác giả, người đọc vẫn mong muốn được thấy chân dung xác thực của một nhân vật lịch sử có tầm cỡ như Nguyễn Ánh. Tôi không biết những nhà viết sử, những người quan tâm đến lịch sử triều Nguyễn với vị vua khai sáng là Nguyễn Ánh, sẽ nghĩ gì về “Dị hương”!?”

Xin đọc thêm lời bình luận của nhà văn Trần Đình Thu trích trong bài ““Dị hương” không giống “Kiếm sắc” nhưng...” nhận xét về truyện “Dị Hương” thay lời tôi tranh biện với ông Trần Ngọc Tuấn:
“Với Dị hương, Sương Nguyệt Minh dù viết sau Nguyễn Huy Thiệp đến hai mươi năm nhưng lại có cách nhìn “cũ” hơn Nguyễn Huy Thiệp. Sương Nguyệt Minh vẫn nhìn Nguyễn Ánh theo góc nhìn của các nhà sử học miền Bắc cách đây nửa thế kỷ, trong khi Nguyễn Huy Thiệp đã có cái nhìn đi trước thời đại. Nếu so sánh hai tác phẩm, thì cần so sánh ở chỗ này.
Nguyễn Ánh trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh hiện lên thật tệ hại. Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo viết trong bài
Dị hương: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế? như sau: “Dị hương” mô tả Nguyễn Ánh là một hôn quân dâm tặc, suốt ngày chỉ mê đắm chuyện phòng the, kinh tởm hơn Lê Ngọa Triều ngày xưa trong chuyện hoang dâm vô độ”.
Ở đây nổi lên vấn đề thái độ của nhà văn đối với sự công bằng lịch sử. Cùng viết về Nguyễn Ánh như nhau, nhưng Nguyễn Huy Thiệp không hề có chút phỉ báng vua Gia Long, dù ông viết “Kiếm sắc” vào cái thời kỳ mà xã hội còn thành kiến nặng nề với Vương triều Nguyễn. Ngược lại, Sương Nguyệt Minh cầm bút khi mà xã hội đã rất cởi mở, thế nhưng nhà văn này vẫn còn xem vua Gia Long như là một nhân vật quái gở của lịch sử. Vì thế Sương Nguyệt Minh đã vẽ ra hình ảnh ông vua khai sáng triều Nguyễn quá thê thảm. Thê thảm hơn nhiều lần so với hình ảnh mà các nhà sử học miền Bắc giai đoạn 1954–1975 đã vẽ ra. Xấu thì cho xấu luôn. Xấu hết chỗ chê luôn. Đó phải chăng là ý định của Sương Nguyệt Minh khi bắt tay vào viết “Dị hương”? Hay là trong lúc mải mê tả những pha hấp dẫn, Sương Nguyệt Minh đã quá đà? Dù cách nào đi chăng nữa, thì ý thức “dậu đổ bìm leo” cũng hiện ra rất rõ.
Nhà văn hiển nhiên là có quyền hư cấu lịch sử khi viết văn. Nhưng hư cấu thế nào thì cũng phải cố gắng thoát ra ngoài cái bóng của những ứng xử xã hội thông thường trong thời đại mình đang sống. Viết về lịch sử, nhà văn phải có góc nhìn của nhà văn, không nên nhìn theo góc nhìn của nhà chính trị (trừ khi anh viết các tác phẩm thơ ca hò vè tuyên truyền cổ động phục vụ cho các phong trào).”

Tôi xin dẫn thêm lời nhà văn Đặng Văn Sinh trong bài “Vài ý nghĩ sau khi đọc “ Dị hương” của Sương Nguyệt Minh lên án Sương Nguyệt Minh viết truyện tình dục nhảm nhí bôi nhọ vua Gia Long:
“Nói cách khác, “Dị hương” không có tư tưởng mà đơn giản chỉ là chuyện tình dục nhầy nhụa của lũ trai gái mất dạy thời hiện đại được gán cho Nguyễn Ánh, biến ông thành kẻ cuồng dâm, hạ thấp phẩm giá của bậc anh hùng, phỉ báng công chúa Lê Ngọc Bình không chỉ của dòng họ Nguyễn Phúc và họ Lê mà của cả dân tộc Việt.”

Thưa ông Trần Ngọc Tuấn, tôi chỉ xin mượn lời ba nhà văn trên để ông xem lại: rằng Sương Nguyệt Minh trong “Dị Hương” ca ngợi vua Gia Long hay bôi nhọ vua Gia Long, thay lời tranh biện của tôi?

Xin cám ơn những lời ông Trần Ngọc Tuấn khen tôi “có tài làm thơ”; hơn nữa, ông còn trích ra khá nhiều câu thơ của tôi mà ông nói rằng ông thuộc lòng. Có lẽ, do ông thuộc thơ của tôi hơi bị nhiều nên đôi khi ông đã nhập tâm đến mức: “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình” (Tế Hanh). Xin ông Trần Ngọc Tuấn đọc bài:
Trần Mạnh Hảo kinh hoàng kêu lên chó ơi là chó”của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, in trên http://lethieunhon.com ngày 21/02/2011 như sau:
“Nhà thơ Trần Mạnh Hảo hoảng hồn khi phát hiện ông Trần Ngọc Tuấn ở Cộng Hòa Séc không biết vô tình hay cố ý ghi nhầm tên tác giả một bài thơ của mình: “Kính gửi website lethieunhon.com! Chúng tôi rất kinh ngạc khi vào google.com đánh từ khóa “Trần Ngọc Tuấn – Cộng hòa Séc" (nhằm phân biệt với nhà thơ Trần Ngọc Tuấn ở Biên Hòa) mới phát hiện ra ông Trần Ngọc Tuấn đã lấy bài thơ của Trần Mạnh Hảo: “Con Chó của Mozart” (đã in trên báo Việt Nam từ nhiều năm trước) làm thơ của mình để in trên nguyentrongtao.org. Chúng tôi đành nhờ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thông báo dùm tin này để công luận tỏ tường và để xin nhà văn Trần Ngọc Tuấn một lời giải thích hay một lời xin lỗi, xin ông hãy “Của Chúa hãy trả cho Chúa, của Ceasar hãy trả cho Ceasar”, của kẻ hèn này thì trả cho kẻ hèn này, đừng dắt con chó đi vòng qua châu Âu giá lạnh rồi kéo nó về tắm ao làng ngộ nhận xót xa. Xin cám ơn!"

---------------------------
Nguyên văn “tác phẩm” của “tác giả” Trần Ngọc Tuấn!

Khi còn ở Việt Nam mình rất thích ăn chó. Nhưng sang bên này, có lẽ, bị ảnh hưởng văn hóa của Châu Âu nên mình không ăn nữa. Thôi thì “Nhập gia tùy tục“. Gần đây, thấy báo chí Czech, Ba Lan nói về việc ăn thịt chó, mèo của người Việt , thấy lo, vì để hiện trạng này kéo dài thì mang tiếng cho cộng đồng chúng ta. “Cứ hỏi bác Lâm Quang Mỹ bên Ba Lan thì biết”.
Mong mọi người tạm “phanh“ thú ẩm thực truyền thống. Khi nào về Việt Nam tha hồ truy lĩnh), hãy xem chó là bạn. Đã có những chú chó dũng cảm hy sinh để cứu chủ. Đó là loài vật sống tình nghĩa và thủy chung với con người. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh, nuôi chó mèo giúp giảm stress, giảm bệnh tim mạch, giúp trẻ em tự tin hơn.
Mình nhớ đến Laika, chú chó đầu tiên bay vào vũ trụ. Mình nhớ đến Smoky, chú chó anh hùng của Thế Chiến II. Mình nhớ hình ảnh chú chó Vàng trong bài thơ “Sao không về Vàng ơi!” của Trần Đăng Khoa. Chính vì ăn thịt chó nên mới xuất hiện việc bắt trộm chó để giết thịt, khiến bao kẻ phải chết oan uổng. Hãy cùng nhau bảo vệ, yêu thương chó mèo bạn nhé!

CON CHÓ CỦA MOZART
(Mozart sinh năm 1756, mất ngày 05/02/1791. Đi theo chiếc xe ngựa của đám tang ông, chỉ có một con chó.)

Tuyết trút xuống cả mùa đông nước Áo
Phủ lấp chiếc xe ngựa chở Mozart đến nghĩa địa dân nghèo
Run rẩy bước sau quan tài chỉ có mình con chó
Và chiếc lá phong cuối cùng vàng lửa bay theo

Nào bản Requiem của ông không tiễn ông về cõi chết
Và chàng Don Juan ông viết gã phong tình?
Vợ con với bạn bè ông đâu hết?
Chỉ con chó tiễn đưa mặc áo tuyết trên mình

Nửa thế kỷ mười tám từng theo ông trên khuôn nhạc
Theo ông đến đám cưới Figaro, đến viếng chiều tà
Sao ông mất cả Châu Âu bỏ mặc
May còn con chó này thay mặt đưa ma

Nếu sống dậy Mozart, ông sẽ khóc
Nước mắt rơi thành nốt nhạc chan hòa
Để ông viết bản Concertos về con chó
Dưới tuyết trắng muôn đời theo mãi nhạc Mozart…

Trần Ngọc Tuấn
---------------------------------------

Có người nói nhỏ với tôi: sở dĩ ông Trần Ngọc Tuấn viết bài “Chém” “Dị hương” là Trần Mạnh Hảo “tự thiến” văn hóa đọc là để làm đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam theo kiểu Thọ Muối (Nguyễn Văn Thọ). Tôi không tin điều này, vì một người quân tử như ông Trần Ngọc Tuấn, lẽ nào lại phải vào Hội Nhà Văn theo kiểu “đi cửa sau” không minh bạch thế?

Với bài viết vô căn cứ đầy sự đả kích cá nhân trên, ông Trần Ngọc Tuấn đích thị là người đang “cầm ba toong gõ lên đầu đồng nghiệp” là gõ đầu tôi, chứ không phải ngược lại.

Trần Mạnh Hảo
Sài Gòn, ngày 22/02/2011
© Thông Luận 2011
.
.
.

No comments: