(11/17/2010)
Tôi gặp anh lần chót là tại đài SBTN cách đây hai tuần. Lúc đó, Cao Xuân Huy đã yếu lắm rồi, da đã như nghệ vàng, đi phải có người dìu. Chúng tôi bắt tay nhau và lần đầu tiên Huy nói: “Yếu lắm”. Khi nhận được e-mail của Vũ Đình Trọng báo tin Cao Xuân Huy vĩnh viễn ra đi, tôi không ngạc nhiên, nhưng xót. Cái xót xa đến từ nỗi hoài nghi lâu nay trong lòng: Phải chăng những người ngay thẳng và lương thiện như Cao Xuân Huy thì đời gặp toàn sóng gió, khốn đốn?
Buổi tối, trước khi viết bài này, tôi đọc lại “Tháng Ba Gãy Súng” của anh. Tôi và Cao Xuân Huy chưa phải là đôi bạn thân, chỉ là đồng nghiệp báo bổ, nhưng rất quí mến nhau. Phải sống lâu trong cộng đồng này, người ta mới hiểu lý do tại sao những điều Cao Xuân Huy kể lại trong “Tháng Ba Gãy Súng” đã làm cho một số người không thích, không vui, thậm chí không ưa anh. Anh nói thật quá, sự thật được trình bày rất nhân bản dựa trên những kinh nghiệm mà anh trải qua trong đời lính ở vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Kinh nghiệm ấy gồm đủ cả: cái tốt, cái xấu, cái ác, cái thiện, cái chân thật, sự giả dối và sợ hãi, hành động anh hùng và hèn nhát, đương đầu và trốn tránh, trách nhiệm và vô trách nhiệm... Chưa một giây phút nào trong cái giây phút mất mát cận 30 tháng 4 năm 1975, người lính TQLC Cao Xuân Huy lại không nhìn thấy những hiện tượng ấy về con người. Có lần gặp nhau ở một đám cưới con gái của một người bạn H.O của cả hai chúng tôi, Huy lôi tôi ra ngoài hút thuốc dù tôi đã bỏ thuốc lá kể từ ngày đặt chân đến Mỹ. Ra đến hành lang tiệm ăn, Cao Xuân Huy châm thuốc và an ủi tôi về một vài việc tôi bị ngộ nhận trong nghề nghiệp. Anh nói: “Mẹ kiếp báo bổ ở đây chán thế. Ông cứ tự cho ông tự do là ông có tự do ngay. Chứ nếu ông chờ họ ban phát thì còn khuya”. Cao Xuân Huy là như thế. Tình cảm đầy trái tim hào phóng, nhưng nói ra thì khinh bạc. Có lần Huy tâm sự: “Tớ biết nhiều anh không thích tớ, nhưng ở đời này có khi ít người biết là hạnh phúc ông ạ”.
Cao Xuân Huy sợ nhất ai gọi anh là nhà văn và rất ghét những người gọi anh là văn sĩ. Trong vòng 25 năm qua, Cao Xuân Huy chỉ viết vẻn vẹn có 3 tác phẩm, một số bài lai cảo đăng trên các báo Việt ngữ. Tác phẩm cuối cùng của anh là cuốn “Vài Mẩu Chuyện”. Cao Xuân Huy viết ít, nhưng những tác phẩm ấy đều nói ra những suy nghĩ thiết tha và dựa trên cái nền nhân bản của người lính VNCH. Anh viết tự nhiên như người thuật lại một câu chuyện với những chi tiết mà những ai là lính đều biết là nó rất đúng với thực tế trên chiến trường, đúng với thực tế đời sống hàng ngày, đúng với thực tế của đời sống lưu đầy trong các trại tù Cộng sản.
Cũng có lẽ vì vậy mà Cao Xuân Huy nhất định không chịu nhận mình là nhà văn chăng? Tôi không biết, nhưng trong mọi tác phẩm, Huy chỉ nhận mình là lính kể lại những mẩu chuyên về lính, lính đời thường, lính trận mạc chứ không phải là lính trong văn chương - từ ngữ để chỉ những người lính bị khoác cho những chiếc áo hào nhoáng của sáo ngữ một cách vô tội vạ. Trong chốn bạn bè, Cao Xuân Huy thường “thẳng ruột ngựa”: “Mẹ kiếp, lính khổ như con chó. Nhiều lúc tôi tự hỏi điều gì khiến tôi cầm súng? Ra tới mặt trận đôi lần cũng đái ra quần nhưng nếu không xung phong nó thì nó thổi còi xung phong mình. Về hậu phương thấy thiên hạ ăn chơi, bụa nhậu nhởn nhơ, con những anh lớn trốn lính hay trốn ra ngoại quốc học, an thân. Cần đếch gì phản chiến Mỹ hay nhạc Trịnh mới khiến người lính buông súng. Vậy mà có thằng nào buông súng, đào ngũ vì những thứ ấy hay vì các em như Jane Fonda hoặc Angela Davis đâu? Chỉ tầm sàm. Lính VNCH đâu có đến nỗi yếu đuối quá như vậy. Nhờ các anh tí !”. Cũng vì những cái “thẳng” đó mà có thời gian trên một số trang mạng, có người đặt vấn đề “gãy súng” với Cao Xuân Huy. Nhưng anh thì bất cần, cứ việc đặt, đặt chán thì thôi. Huy cười ha hả: “Súng gãy thì nói là súng gãy, hèn bỏ chạy thì nói là hèn. Hèn làm sao viết thành hùng cũng như thất trận thì làm nói thành chiến thắng được”.
Bạn bè cho rằng Huy lận đận cũng vì cái thẳng và coi đời như “pha” này. Anh nói rằng sống được sau 30 tháng 4 rồi, sống được sau những năm tù đầy Cộng sản rồi, sống được sau cuộc vượt biển mười phần chết chỉ một phần sống rồi thì... “tớ nghĩ chẳng còn gì mà phải tranh giành cả, thằng nào tranh giành, muốn xưng hùng xưng bá là thằng ấy dại”.
Trong suốt cuộc đời của Cao Xuân Huy, từ thời trai trẻ cho tới khi phải cầm súng tự vệ, anh không khi nào tranh giành bất cứ một điều gì. Huy cũng chẳng hề xưng hùng xưng bá với ai . Nay, Cao Xuân Huy cũng đã có thể tự cho mình thứ tự do tuyệt đối ở một thế giới khác rồi, một thế giới thênh thang, không còn hận thù, không còn súng đạn, không còn những lời lẽ chát chúa cãi nhau về thắng, bại, quốc, cộng, cái thế giới mà có lẽ trước khi nhắm mắt xuôi tay, Huy đã không mường tượng ra được nó như thế nào. Nhưng tôi tin rằng trong hơi thở nhỏ nhoi còn lại trong trái tim thoi thóp và yếu dần của anh, vẫn còn niềm tin vào con người và niềm tin rằng mình sống xứng đáng để được mọi người quí mến. Và khi “trở về” được sống trong cái thế giới vĩnh hằng và bình an đầy ước mơ ấy.
Vào buổi tối ngày Thứ Ba, hình hài của Cao Xuân Huy đã được các đồng đội của anh quấn vào một lá cờ, lá cờ mà anh cũng như hàng trăm ngàn chiến hữu khác thực sự chiến đấu, đổ máu và trả giá vì nó. Những lời ca ngợi người chiến sĩ nằm xuống từ các tác phẩm cổ điển như lời ai điếu vang lên cho một người lính vừa thua cuộc chiến cuối cùng. Xưa kia ở trận tiền, khi người chiến sĩ nằm xuống thì đồng đội lột da con ngựa anh từng cưỡi và bọc hình hài đầy thương tích của người lính để đưa về hậu phương. Ngày nay, thay vì lột da ngựa thì đồng đội phủ cho anh một lá cờ. Cái di sản vinh dự ấy đã được trao cho người lính TQLC Cao Xuân Huy. Và ngược lại Cao Xuân Huy cũng để lại cho bạn bè, cho đồng đội của anh một đóng góp cũng rất dầy cho tập thể chiến sĩ VNCH: cương trực, danh dự và trách nhiệm.
Vĩnh biệt Cao Xuân Huy. Mong bạn trở về trong thênh thang của đất trời! Mãi mãi nhớ bạn và hẹn gặp lại. (V.A)
.
.
.
No comments:
Post a Comment