Vũ Minh Khương
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 11/20/2010 - 09:22
Trong bài viết gần đây "Việt Nam - một BRIC tương lai?" (BRIC: Brazil , Russia , India , China - ND), Suiwah Leung đã chỉ ra nền kinh tế vĩ mô bất ổn là trở ngại lớn nhất cho Việt Nam khi nước này tìm cách tận dụng tiềm năng kinh tế của mình. Điều này rất đúng. Sự bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã làm suy yếu nghiêm trọng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của quốc gia này. Và sự bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam không chỉ là một xáo động ngắn hạn mà thực sự là một vấn đề nghiêm trọng có hệ thống, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của đất nước này về các khái niệm về nguyên tắc phát triển cũng như sự thiếu hụt về nỗ lực mang tính chiến lược nhằm xây dựng một nền quản lý hiệu quả.
Có vô số bằng chứng về sự bất ổn trong kinh tế vĩ mô và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của quốc gia. So với những quốc gia đồng hạng ở châu Á, trong những năm gần đây Việt Nam đã có kết quả tồi tệ trong những chỉ số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là trong ba năm qua, vào lúc cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã tạo ra một thử thách quan trọng về tính hiệu quả của những nguyên tắc về kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia. Tỉ lệ lạm phát đã ở mức trung bình 15% trong giai đoạn 2008-2009 và dự tính sẽ ở mức 8,6% trong năm 2010, trong khi những con số tương tự ở Trung Quốc là 2,6% và 3%, Thái Lan là 2,3% và 3,3%; Philippines là 6,3% và 4,2%, và Indonesia là 7,3% và 5,2%.
Trong cán cân ngân sách chính phủ (theo mức phần trăm của Tổng Sản lượng Nội địa), con số trung bình trong giai đoạn 2008-2009 và con số dự tính cho 2010 của Việt Nam là -7,4% và -7%, của Trung Quốc là -1,3% và -2%, Thái Lan là -2,8% và -2%; của Philippines là -2,4% và -4%, và của Indonesia là -1,1% và -2%. Trong cán cân thương mại (theo mức phần trăm của Tổng Sản lượng Nội địa), con số trung bình trong giai đoạn 2008-2009 và con số dự tính cho 2010 của Việt Nam là -11,5% và -11%, của Trung Quốc là +6,6% và +4%, của Thái Lan là +9,4% và +11%; của Philippines là -6,6% và -6%, và của Indonesia là +5,5% và +5%. Hơn nữa, tỉ giá giữa đồng tiền Việt và đồng Mỹ kim đã suy yếu trầm trọng trong cả giai đoạn 2008-2009 lẫn 2010, trong khi mệnh tiền của các quốc gia lân cận được dự đoán là sẽ tăng giá một cách đáng kể. Sự suy yếu của những điều kiện kinh tế vĩ mô đã dẫn đến việc cả ba cơ quan chấm điểm tín dụng quan trọng là S&P, Moody's và Fitch đều hạ điểm tín dụng của Việt Nam trong khi hầu hết các quốc gia tương tự đều đã tăng chỉ số tín dụng của họ trong cùng thời kỳ.
Các tác động tiêu cực của những điều kiện yếu kém trong nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đối với hiệu năng kinh tế ngày càng trở nên rõ rệt. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á ("Cập nhật Viễn cảnh 2010") Việt Nam không còn là một ngôi sao về hiệu quả tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Mức tăng trưởng GDP trong năm 2010 của quốc gia này dự tính sẽ là 6,7%, trong khi con số này ở Trung Quốc là 9,6%, Ấn Độ là 8,5%, Singapore là 14%, Lào là 7,4%, Thái Lan là 7%, Malaysia là 6,8%, Philippines là 6,2% và Indonesia là 6,1%.
Nhằm mục đích tăng cường mặt tốt của các điều kiện kinh tế vĩ mô, điều cấp bách đối với Việt Nam là phải giải quyết nhanh chóng và hiệu quả tận cội rễ sự thiếu hiểu biết những khái niệm về nguyên tắc phát triển và nỗ lực nhằm xây dựng một nền quản lý hiệu quả. Lĩnh vực quốc doanh khổng lồ được nhà nước trợ cấp một cách phi lý với tham vọng chính trị nhằm biến lĩnh vực này thành nền tảng và động cơ của nền kinh tế hiện không chỉ dẫn đến việc phân bố tài nguyên không đúng chỗ mà còn làm tổn hại đến tính năng động và cạnh tranh của lĩnh vực tư nhân. Sự nương tựa ngày càng nhiều vào viện trợ nước ngoài, tiền kiều hối, và tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra thịnh vượng đã gây tổn hại nghiêm trọng đối với tính tiết kiệm cũng như việc tạo dựng vốn con người trong cả nước. Việc thiếu vắng những nỗ lực mang tính chiến lược và cố gắng để xây dựng một chính quyền tốt đã đặt Việt Nam vào nhóm những nước tham nhũng và ít hiệu quả nhất trong các quốc gia Đông Á. Trên thực tế, sự bất ổn trong kinh tế vĩ mô với những đặc điểm như lạm phát cao, thâm thủng lớn trong thương mại và ngân sách, mệnh tiền trong nước không có độ tin cậy là những hệ quả không tránh khỏi của những vấn đề liên quan đến nạn phân bố tài nguyên không đúng, thiếu tính cạnh tranh, sự lệ thuộc nặng nề vào nước ngoài và tài nguyên thiên nhiên, nạn tham nhũng tràn lan và một chính quyền thiếu hiệu quả.
Trường hợp của Vinashin, một tập đoàn kinh tế chuyên đóng tàu của nhà nước là một minh hoạ. Công ty này đã nhận hàng tỉ Mỹ kim từ những món nợ bảo đảm của chính phủ để đầu tư vào hàng loạt các công trình không quan trọng vì chính quyền Việt Nam có tham vọng biến tập đoàn nhà nước này thành một động cơ chính của nền kinh tế. Trong cùng lúc đó, việc quản lý tập đoàn tại Việt Nam thì yếu kém với nạn tham nhũng trầm trọng. Do đó, năm 2010, vị chủ tịch và người kế vị (sau khi ông chủ tịch bị bắt) cùng một loạt những thành viên chủ chốt trong công ty đã bị bắt giữ vì những quản lý sai trái và những hành vi gian dối. Chính quyền sau đấy đã vội vã can thiệp nhằm cứu lấy công ty khỏi tình trạng phá sản vì số nợ lên đến 4-5 tỉ Mỹ kim. Hậu quả nghiêm trọng của vấn đề này rõ ràng là đã góp phần vào tình trạng bất ổn trong kinh tế vĩ mô tại Việt Nam
Vũ Minh Khương là giáo sư trợ lý tại Phân viện Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore
.
.
.
No comments:
Post a Comment