Saturday, November 20, 2010

ĐI XEM BỨC TRANH "CHIỀU TÀ" CỦA VUA HÀM NGHI (Nguyễn Ngọc Giao)

Nguyễn Ngọc Giao
Cập nhật : 19/11/2010 19:59

Bức tranh sẽ bán đấu giá ngày 24.11.2010

Đi xem CHIỀU TÀ
của TỬ XUÂN (Hàm Nghi)

Tuần này, chúng tôi đã tới văn phòng ủy viên đấu giá Millon & Associés ở đại lộ Eylau (quận 16, Paris) để được xem bức tranh Déclin du jour (Chiều tà) mà văn phòng này sẽ đặt bán đấu giá tại Khách sạn Drouot thứ tư tuần sau (24.11.2010).

Trong tấm khung tróc sơn, bức tranh Chiều tà còn tốt nguyên, nhưng bám bụi thời gian.

Eylau là đại lộ nằm ở quận 16, khu tư sản sang trọng của Paris, chạy từ hướng tây bắc xuống hướng đông nam, đâm thẳng vào quảng trường Trocadéro. Đứng từ đây nhìn qua quảng trường, tháp Eiffel sừng sững đứng giữa, soi bóng sông Seine. Phía bên phải quảng trường, là nghĩa trang Passy, nơi chôn cất cựu hoàng Bảo Đại. Do một sự tình cờ, một bức họa của vua Hàm Nghi, sáng tác cách đây 95 năm, đang ở cách hài cốt của ông vua cuối cùng triều Nguyễn vài trăm mét. Sinh thời họ có gặp nhau không là một nghi vấn. Văn khố lưu trữ ở Aix-en-Provence cho biết Hàm Nghi và Khải Định đã không gặp nhau : mùa hè 1922, Khải Định sang Pháp, đến Marseille, bị Phan Châu Trinh lên án nghiêm khắc, Nguyễn Ái Quôc biếm họa trong vở kịch Con Rồng Tre ; còn Hàm Nghi hàng năm vẫn từ Alger đáp tàu sang Marseille nghỉ hè tại Pháp, năm ấy ra đến bến cảng Alger thì bị chính quyền thực dân ngăn cản, theo lệnh của Bộ thuộc địa. Còn Bảo Đại, có một vài bài báo tiếng Việt kể lại theo lời kể của công chúa Như Mai (có bài nói Như Lý) rằng Bảo Đại có lần sang Alger, đến thăm Hàm Nghi và tặng cựu hoàng một món tiền, nhưng ông từ chối, nói Bảo Đại hãy mang về giúp những đồng bào nghèo khó (thông tin này, chúng tôi chưa kiểm chứng, xin chép lại với tất cả sự dè dặt). Điều chắc chắn, là sự tình cờ này không hãn hữu : trong những năm 50, 60, công chúa Như Lý (1908-2005) sống ở Vigeois, bà Nam Phương (1913-1963) sống ở Chabrignac, hai làng thuộc tỉnh Corrèze, cách nhau chưa đầy 15 km đường chim bay. Theo chứng từ của những người trong vùng, họ không bao giờ gặp nhau, nhưng khi bà Nam Phương từ trần trong cô quạnh, bà Như Lý có kín đáo đến dự đám tang.
Bề ngoài, văn phòng Millon & Associés cũng sang trọng như các văn phòng và cửa hiệu ở khu này. Nhưng một khi bước qua cánh cửa khá "an toàn bảo mật", người ta không còn để ý tới khung cảnh sang trọng của nó vì từ phòng này sang phòng kia là tranh, tượng chen chúc với những hộp các-tông chồng chất, khác nào một cái nhà "tầm tầm". Thì ra họ đang chuẩn bị cuộc bán đấu giá ngày 24.11.2010 : bức tranh Chiều tà của Hàm Nghi mang là lô thứ 41 trong tổng số 228 tranh tượng sẽ đem ra đấu giá.

Tặng phẩm của Hoàng thân
An Nam
Chiều tà sau lâu đài An Nam(tức Biệt thự Gia Long)
Hoàng đế Hàm Nghi vẽ
năm 1915 tại Algérie

Lần giở vựng tập (ca-ta-lô) 160 tranh khổ lớn, ta sẽ thấy tác phẩm của những nghệ sĩ hiện đại và đương đại nổi tiếng : Botero (với bức sơn dầu Phòng tắm, ước giá 80 000/100 000 €), Bourdelle (tượng Khỏa thân ngồi trên tảng đá, 10 000/12 000€), Cesar (Le Luxe - Vuitton, 12 000/15 000€), Chagall (Vieil homme et bouc, 18 000/20 000€), Cocteau (chân dung, bút phớt vẽ trên giấy, 1 000/1 500€), Dali (The precius medium, mực-chì, 20 000/30 000€), Foujita (Le lutteur, 12 000/18 000€), Giacometti (Tête de femme, chân đèn, 30 000/40 000€), Hartung (Composition, 30 000/40 000€), Modigliani (Tête de jeune fille à la frange, 30 000/40 000€), Monet (Fragment, 30 000/40 000€), Niki de SAINT PHALLE (Condom, 20 000/30 000€, đừng nhầm với tang vật qua sử dụng của tướng công an Hoàng Kông Tư), Vasarely (Antlia, 35 000/40 000€), ZAO Wou-ki (Vô đề, thạch bản, 400/600€)...

Giữa rừng tranh của những danh họa, Déclin du jour của vua Hàm Nghi giữ một chỗ đứng khiêm tốn. Bức sơn dầu khổ nhỏ, sau 95 năm, còn được giữ nguyên vẹn, nhưng người chủ tương lai sẽ phải dùng phương pháp hiện đại nhất để xóa đi vết bụi thời gian, trả lại cho nó màu sắc và ánh sáng thực của buổi chiều tà trên đồi El Biar. Bức tranh được ký năm sáng tác : 1915, cảnh quan là cảnh quan vùng Địa Trung Hải. Trong bài Một bức tranh của vua Hàm Nghi, chúng tôi đã căn cứ vào tiểu sử của nhà vua để khẳng định năm ấy ông sống và sáng tác tại biệt thự Gia Long, trên đồi El Biar.  Phiếu nhận diện gắn sau bức tranh (hình bên) xác nhận đây là cảnh đồi El Biar. Biệt thự Gia Long nằm trên con đường ngày nay còn mang tên Chemin du prince d'Annam. Sau ngày độc lập của Algérie, bà Marcelle Laloë (vợ nhà vua) về Pháp sống, cơ ngơi do Bộ văn hóa Algérie quản lí. Theo thông tin của chúng tôi, một nửa khu vườn đã được nhượng cho Liên Xô để xây đại sứ quán (nay là đại sứ quán Nga), ngôi nhà biệt thự và nửa vườn còn lại trở thành nhà khách của chính phủ Algérie.

Bên trái, góc dưới bức tranh có ghi, bằng sơn đỏ : 1915, trên đó là, từ phải sang trái, hai chữ hán 子春 Tử Xuân, là bút hiệu của Hàm Nghi (tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch).

Như ta biết, sau khi bị truất ngôi và lưu đày, chính quyền thực dân cấm dùng danh hiệu hoàng đế. Vua Hàm Nghi cũng như sau này ở đảo La Réunion, vua Thành Thái, được gọi là "prince d'Annam" (hoàng thân An Nam), vua Duy Tân được gọi là "prince Vĩnh San". Tại Văn khố Aix-en-Provence (CAOM), những văn thư mang thủ bút của vua Hàm Nghi viết bằng tiếng Pháp đều ký "Prince d'Annam". Báo cáo của Trần Bình Thanh, viên thông ngôn do thực dân chỉ định để đi cùng Hàm Nghi trên đường lưu vong và những năm đầu ở Alger, thì viết sai tên vua Ưng Lịch thành Hung Lich. Chứng từ của nhà văn Judith Gautier (thành viên nữ thứ nhì của Viện hàn lâm Goncourt, con gái của văn hào Théophile Gautier) cũng như của nghệ sĩ tạo hình Suzanne Meyer-Zundel, cả hai đều là bạn tâm giao của Hàm Nghi, đều nói tới bút hiệu Tử Xuân của ông. Trên mộ chung của hai người ở Saint-Enogat (nay là khu tây bắc của thành phố Dinard), như chúng tôi đã viết, có khắc hai chữ TỬ XUÂN (xem bài Judith Gautier, Hàm Nghi ở Saint-Enogat).

Về xuất xứ bức tranh, chúng tôi chỉ có hai yếu tố thông tin : (1) văn phòng Millon & Associés cho biết do một gia đình ở miền tây-nam nước Pháp trao cho họ bán ; (2) phiếu nhận dạng ghi đây là tặng vật của "ông hoàng An Nam". Ngày 15.11, khi chúng tôi đang xem bức tranh, thì một đồng bào, nói giọng Huế, cũng tới, và nói ông đã được thấy nó khi tới thăm bà Như Lý. Nếu chứng từ này là chính xác, thì có thể nghĩ rằng công chúa Như Lý (chưa bao giờ bán tranh của vua cha) đã tặng tác phẩm này, như có thông tin bà vẫn thường làm.

Bức tranh Chiều tà được văn phòng Millon & Asssociés được ước tính là từ 800 đến 1200€, và như thường lệ, cuộc đấu giá sẽ bắt đầu ở mức thấp hơn (500€, theo lời bà nhân viên văn phòng đã tiếp chúng tôi). Giá bán ước tính này tất nhiên chỉ căn cứ vào hai yếu tố : (i) giá trị nghệ thuật tự tại của nó, (ii) đây là lần đầu tiên, một tác phẩm của Hàm Nghi xuất hiện trên thị trường nghệ thuật, luật cung cầu chưa chi phối việc đinh giá.

Điều này chắc chắn sẽ thay đổi vào ngày 24.11 tới đây ở Hotel Drouot. Vì độc lập với giá trị nghệ thuật (cũng tùy vào cảm nhận chủ quan và thời thượng), tác phẩm của Hàm Nghi có một giá trị lịch sử và tình cảm không thể định lượng. Ngay khi thông tin được đưa lên Diễn Đàn, chúng tôi đã nhận được thư của một số độc giả hỏi cách tham gia đấu giá. Một đại gia thậm chí đã nhờ chúng tôi đứng ra mua hộ.

Để mọi người quan tâm tới bức tranh này có thể tham gia cuộc đấu giá, chúng tôi xin thông tin như sau. Ngoài cách tham gia tại chỗ (14g15 ngày 24.11.2010 tại Salle 1, tầng lầu 1, Hotel Drouot, 9 rue Drouot, Paris 9), có hai cách tham gia vắng mặt / từ xa :
1/ Đặt mua theo giá cố định : gửi fax về số 33 1 47 27 70 89 hay email về địa chỉ contact@millon-associes.com cho biết họ tên, địa chỉ, nói muốn mua Lot n°41, Déclin du Jour par Ham Nghi, tới giá tối đa (bằng Euros) là bao nhiêu.
2/ Tham gia đấu giá bằng điện thoại : trước ngày đấu giá, gửi fax hay email (xem trên), cùng với RIB (mã số chương mục ngân hàng), ảnh chụp chứng minh thư hay hộ chiếu, thỏa thuận với M&A về cách thức theo dõi và tham gia cuộc đấu giá.
Ngoài giá quy định vào nhát búa kết thúc cuộc đấu giá, người mua phải trả tiền hoa hồng cho M&A (kể cả thuế) là 26% giá quy định. Như mọi tác phẩm nghệ thuật khác, việc đưa ra khỏi biên giới có thể phải có phép của chính quyền Pháp.

Nguyễn Ngọc Giao
.
.
.

No comments: