Thursday, November 18, 2010

VIỆT NAM HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ HÀN QUỐC ?

Michael Schuman
Nguyễn Văn Tây dịch theo TIME
Bài đã được xuất bản.: 18-11-2010

Đổi mới không phải chỉ được đưa ra từ các cơ quan chính phủ hay các lãnh đạo doanh nghiệp. Đổi mới đã diễn ra từ trong tư duy của mỗi người dân Hàn Quốc.

LTS: Với sự kiện quốc tế nổi bật là hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul vừa qua, Hàn Quốc đã khẳng định được vai trò trên trường quốc tế và trở thành niềm tự hào của châu Á.
Nhìn vào tiến trình phát triển của một đất nước có điều kiện tự nhiên và văn hóa gần gũi sẽ là bài học quý báu cho Việt Nam. Dưới đây là lược dịch từ bài viết mới nhất của cây bút Michael Schuman trên TIME.

Tôi trở lại Seoul sau 10 năm, Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều. Ba mươi năm trước kinh tế nước này còn kém hơn MalaysiaMexico. Đến nay, GDP bình quân đầu người đã tăng 10 lần, đạt 17.000 USD/người.
Năm 2009 khi hầu hết các nước phát triển bị khủng hoảng kinh tế, GDP của Hàn Quốc vẫn tăng 0,2% và ước tính trong năm nay là 6%.

Có nghiên cứu mới có phát triển

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Hàn Quốc đã tự đổi mới, tạo ra điều kỳ diệu nữa ở châu Á. Hàn Quốc trở thành nhà sáng tạo, thiết kế và phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường ra toàn thế giới.
Chính Samsung và LG chứ không phải các hãng điện tử khổng lồ Nhật Bản đang thống trị dòng sản phẩm tivi LCD. Samsung đang dần khẳng định vị thế số một công nghệ 4G, còn Huyndai Motor đã tăng thị phần nhờ những chiếc xe chất lượng và tiện lợi.
Về mặt chính trị, Hàn Quốc đang thoát ra khỏi cái bóng của Washington và có ảnh hưởng thực sự trên trường Quốc tế.
Một phần của sự thành công là do Hàn Quốc đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) tới 3,5% GDP, trong khi Trung Quốc là 1,5% và Malaysia và Ấn Độ là 1%. Đổi mới không phải chỉ được đưa ra từ các cơ quan chính phủ hay các lãnh đạo doanh nghiệp. Đổi mới đã diễn ra từ trong tư duy của mỗi người dân Hàn Quốc.
Hàn Quốc chấp nhận sự đa dạng từ bên ngoài du nhập vào và loại bỏ những thành kiến cũ. Đây được coi là một cải cách cơ bản của họ. "Hàn Quốc từ một vương quốc ẩn sĩ, một cánh cửa đóng, nay đã mở ra".
Toàn cầu hóa là động cơ thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc tiến nhanh như có phép màu. Từ những năm 1960, nước này đã tận dụng nguồn nhân công giá rẻ để sản xuất đồ chơi, giày dép và các mặt hàng công nghệ thấp khác để xuất sang phương Tây.
Sau đó chi phí nhân công tăng, họ chuyển sang đóng tàu, vi mạch và các sản phẩm cao cấp. Với Hàn Quốc, bán sản phẩm ra bên ngoài không đơn giản chỉ để thu được lợi lộc tiền bạc.

Mở, mở và mở hơn nữa

Cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997 làm nhiều công ty lớn của Hàn Quốc bị phá sản, chính phủ phải đề nghị khoản vay 58 tỉ USD từ IMF. Hàn Quốc sau đó xem xét lại phương thức kinh doanh và quản lý nền kinh tế của họ. Cuộc khủng hoảng không làm họ sụp đổ nhưng lại là "chất xúc tác" cho sự đổi mới, "các phương thức cũ đã bị xóa bỏ".
Sau năm 1997, đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn hơn với Hàn Quốc. Số người nước ngoài sống tại đây tăng từ 250.000 năm 2000 lên 870.000 người năm 2009, trong số đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sự cạnh tranh đã buộc Hàn Quốc phải đổi mới.
Lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đổi mới quan điểm. Trước đây, vị trí quản lý chỉ dành cho người Hàn Quốc, nhưng bây giờ họ nhận ra cần phải cởi mở hơn và thu hút các ý tưởng bên ngoài để cạnh tranh trên toàn cầu.
Ngày nay, nhiều chi nhánh ở nước ngoài được điều hành bởi người bản địa. Thậm chí Hyundai còn mời các chuyên gia nước ngoài vào đội ngũ quản lý ở trụ sở chính tại Seoul.

Những thách thức
Nhiều doanh nhân Hàn Quốc phàn nàn về cơ chế. Hệ thống giáo dục lạc hậu làm nhiều bậc phụ huynh phải đưa con em họ sang học tại các trường ở Mỹ. Nền kinh tế Hàn Quốc không phải đã hết những bất cập. Mối đe dọa từ CHĐCND Triều Tiên  luôn thường trực... Đó là những thách thức.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Hàn Quốc có thêm kinh nghiệm quốc tế, quá trình toàn cầu hóa sẽ tiếp tục. Hiện có 75.000 sinh viên Nam Hàn theo học tại các trường ở Mỹ, nhiều thứ ba sau Ấn Độ và Trung Quốc. Hàn Quốc sẽ mở rộng sự đa dạng toàn cầu và tiếp tục phát triển.
.
.
.

No comments: