Thursday, November 18, 2010

NGUY CƠ CHIẾN TRANH TIỀN TỆ VẪN CÒN

Tác giả: Cảnh Thái
Bài đã được xuất bản.: 18-11-2010

(VEF) - Những nguy cơ chiến tranh tiền tệ vẫn còn sau hội nghị thượng đỉnh G-20. Không chỉ vậy, xu thế bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng, đe dọa tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc cuối tuần trước. Bất chấp những lời tuyên bố của nước chủ nhà Hàn Quốc là các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử với những kết quả cụ thể và rõ ràng, nhưng thực tế, tuyên bố chung sau hội nghị vẫn còn rất mơ hồ và nhiều bất đồng.
Tờ Financial Times cho rằng, hội nghị này đã thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận thật sự về các vấn đề mất cân bằng thương mại và trong nỗ lực tránh "cuộc chiến tiền tệ". Tờ báo dẫn lời Giám đốc điều hành IMF, Dominique Strauss-Kahn cho rằng, "G20 này là một G20 của những tranh luận chứ chưa phải là một G20 của những kết luận".

Đồng thuận nhưng có đồng lòng?
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là câu chuyện tỷ giá, khi các nhà lãnh đạo G20 đã "chấp nhận" để thị trường "tự quyết định" trong khi những thảo luận về những đồng tiền được cố tình định giá thấp đều bị "dừng" do Trung Quốc phản đối.
Tỷ giá hối đoái là trung tâm trong các cuộc tranh cãi "không cân sức" và là chủ đề chính trong cuộc họp lần này. Mỹ chỉ trích Trung Quốc thực thi chính sách đồng Nhân dân tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu giá rẻ, chiếm thị phần, tràn ngập thị trường các nước trong đó có Mỹ. Đây được xem là nguồn gốc gây nhập siêu cao và nạn thất nghiệp hiện đang lên đến gần 10% tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nước đang phát triển, trong đó có ám chỉ Trung Quốc, từ nay trở đi không nên tiếp tục dựa hoàn toàn vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, mà nên nâng cao năng suất và chất lượng cũng như chú ý mở rộng tiêu dùng cho thị trường trong nước.
Đây là thông điệp rõ ràng về định hướng chính sách sắp tới của Mỹ về tăng cường phòng vệ mậu dịch, bảo hộ nền sản xuất nội địa, tìm kiếm giải pháp tạo thêm công ăn việc làm. Hơn nữa, một cách khách quan tự nhiên, người dân Mỹ trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế từ 2008 đến nay đã tỏ ra "thấm đòn" sẽ không còn chi tiêu thoải mái như trước nữa.
Ngược lại, về phía Trung Quốc, các động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bật đèn xanh cho Bộ Tài chính Mỹ "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế Mỹ hay tác động làm yếu đồng đô la Mỹ (USD) cũng được Trung Quốc chỉ trích và mang lên bàn nghị sự.
Trung Quốc và Đức đã yêu cầu Mỹ có lời giải thích rõ ràng về động thái này và các tác động tiềm năng đến nền kinh tế thế giới đang trên đà khôi phục sau khủng hoảng. Liệu 600 tỉ USD được chính phủ Mỹ "bơm" thêm này có vực dậy được nền kinh tế Mỹ trước nguy cơ đình trệ và giảm phát hay có gây nên một cuộc khủng hoảng kép mà các quốc gia khác cũng liên đới chịu ảnh hưởng?
Trung Quốc luôn bác bỏ việc nói đồng Nhân dân tệ là nguyên nhân gây nên tình trạng thất nghiệp cao tại Mỹ. Lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc hiện rất thấp, việc tiếp tục nâng giá Nhân dân tệ có thể gây phá sản hàng loạt các doanh nghiệp này, gây tình trạng thất nghiệp và bất ổn tại Trung Quốc, không có lợi chung cho tình hình thế giới.
Mặt khác, các quốc gia đang phát triển kinh tế nhanh và mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, hay Việt Nam, Indonesia, .v.v. liệu phải làm gì để nâng hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu thay cho xuất khẩu hàng giá rẻ hoặc khi hướng sản xuất vào thị trường nội địa có làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế? Đời sống người dân trong nước có được cải thiện, xóa đói giảm nghèo?
Rõ ràng, G20 đã thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp tiền tệ, cuộc chiến tiền tệ, chỉ với cảm kết sẽ thảo luận lại trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo đã cố gắng tạo ra sự lạc quan trước những thất bại của họ trong vấn đề phá giá tiền tệ, điều có thể dẫn tới cuộc chiến tiền tệ và thế giới lại rơi vào suy thoái. "Công bằng mà nói chúng ta đã không giải quyết được những vấn đề này," thủ tướng Canada Stephen Harphen nói.
Còn đối với vấn đề mất cân bằng thương mại toàn cầu, G20 mới chỉ tạm xóa đi được mối bất đồng giữa các nước xuất khẩu nhiều và nước nhập khẩu nhiều khi đạt được một thỏa thuận khung về thương mại cân bằng và sẽ thảo luận các chi tiết đầu năm tới.

Các vấn đề còn tiếp diễn
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G20 đồng thuận về "Basel III", một chuẩn mới để nâng cao chất lượng vốn ngân hàng sau khủng hoảng tài chính. Các biện pháp tăng cường an toàn tài chính toàn cầu sẽ giúp các nước giải quyết bất ổn tài chính do diễn biến bất ngờ của các dòng vốn nóng.
G20 cũng đồng thuận về thắt chặt giám sát thị trường phái sinh OTC và giảm tin tưởng và các công ty định giá tín dụng. Những ngân hàng lớn quan trọng (too big to fall) sẽ phải đối mặt với các quy định tài chính chặt chẽ hơn.
Về thương mại, G20 phản đổi việc theo đuổi chính sách bảo hộ và sẽ tiếp tục vòng đàm phán Doha về tự do thương mại đã bị trì hoãn lâu vào năm tới.
Các thỏa thuận cải tổ quỹ tiền tệ quốc tế IMF với sự chuyển dịch bớt vai trò của các nước kinh tế lớn sang các nước mới nổi. Theo đó 6% phiếu bầu tại IMF sẽ được chuyển cho các nước đang phát triển như Trung Quốc. Một IMF mới sẽ phản ánh tốt hơn sự thay đổi của kinh tế thế giới với sự đại diện lớn hơn của các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.
Các cam kết đảm bảo hồi phục và tăng trưởng bền vững, sự ổn định của hệ thống tài chính, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo cơ chế thị trường nhằm phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và kiềm chế phá giá tiền tệ. Các nước phát triển cần thận trọng với thanh khoản quá mức nhằm ngăn chặn luồng vốn chảy vào các nước mới nổi.
G20 sẽ tăng cường hợp tác đa phương để thúc đẩy ổn định và theo đuổi chính sách giảm thanh khoản và duy trì thâm hụt tài khoản ở mức hợp lý. Để hỗ trợ cho các cam kết, G20 kêu gọi một khuôn khổ làm việc với sự giúp đỡ của IMF và các tổ chức quốc tế để xây dựng các hướng dẫn chi tiết để thảo luận vào đầu năm 2011.
Tuy nhiên, những tranh cãi về vấn đề tiền tệ và tỷ giá hối đoái sẽ còn tiếp diễn sau hội nghị này. Mỹ vẫn cần thêm công ăn việc làm và khôi phục kinh tế trong khi Trung Quốc vẫn cần thêm xuất khẩu hàng hóa để phát triển và nuôi sống hơn 1,3 tỉ dân.
Châu Âu vẫn đang quan ngại các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc phá giá đồng tiền, thao túng tiền tệ, ảnh hưởng đến sự cân bằng mậu dịch quốc tế và các nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các quốc gia Châu Âu. Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Asian cũng chịu ảnh hưởng trong vòng xoáy chính trị, kinh tế liên quan đến các tranh chấp chính trị, quân sự, kinh tế nếu xảy ra.

Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Dù kết quả của hội nghị G20 là chưa thật sự làm yên tâm các bên liên quan nhưng việc thống nhất các nguyên tắc làm việc, trao đổi có tính thẳng thắn và thiện chí, xây dựng các nguyên tắc giá trị cốt lõi cho các hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính quốc tế vẫn mang lại một niềm tin mới cho các nước. Không quốc gia nào mong muốn chiến tranh tiền tệ hay chiến tranh thương mại, trả đũa thương mại xảy ra.
Mặc dù các thông cáo chung của Thượng đỉnh G20 nêu rõ việc các quốc gia cần hợp tác làm giảm khả năng xung đột tiền tệ, tránh xu hướng bảo hộ mậu dịch, tăng khả năng thanh toán và mức độ an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng, xây dựng các thiết chế giải quyết xung đột trong tương lai .v.v. Việt Nam cần xem lại việc tái cấu trúc nền kinh tế để giảm dần sự tăng trưởng kinh tế mãi phụ thuộc vào xuất khẩu.
Việt Nam cũng cần đầu tư chiều sâu vào năng suất lao động và chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường tiêu dùng nội địa thay thế dần cho xuất khẩu thô, làm hàng giá rẻ, cạnh tranh bằng bán rẻ sức lao động, nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Nhìn nhận việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là quan trọng hơn tăng trưởng GDP hay xuất khẩu.
Chưa thể nói xu thế bảo hộ mậu dịch đã hình thành khắp nơi rõ ràng hay các quốc gia sẽ sớm hay muộn xây dựng thêm các hàng rào mậu dịch bất chấp các qui định của WTO (Tổ chức thương mại thế giới), chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để đón nhận sự kiện này. Chủ động tìm kiếm một lối đi riêng trong tổng thể nền kinh tế nhân loại nay đã toàn cầu hóa.
.
.
.

No comments: