Friday, November 5, 2010

VIỆC THẤT CỬ CỦA PHE DÂN CHỦ MỸ KHIẾN ĐÔNG NAM Á LO LẮNG (Wall Street Journal)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
03.11.2010

Những quan ngại đang tăng dần tại Đông nam Á về tiềm năng ảnh hưởng của thất bại đau đớn của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa mùa tại Hoa Kỳ. Nỗi lo chủ yếu là việc tái tổ chức tại Quốc hội có thể dẫn đến những cuộc chiến nội bộ mới khiến chính quyền Obama bị phân tâm trong việc thực hiện thấu đáo những nỗ lực nhằm đặt vị trí của Hoa Kỳ như là một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này của thế giới.

Trong một năm rưỡi qua, chính quyền Obama đã tăng cường tham gia vào Đông nam Á. Hiện tại Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đang hoàn tất vòng thăm viếng tại châu Á qua những nước Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia, Malaysia và Papua New Guinea. Trong chuyến đi này bà đã kêu gọi một số quốc gia đứng lên chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và đã làm Bắc Kinh nổi giận khi đề xướng một diễn đàn quốc tế để giải quyết những tranh chấp hàng hải với các quốc gia Đông nam Á và Nhật Bản.

Trong khi đó Tổng thống Obama sẽ thăm châu Á từ ngày 5-14 tháng Mười một và sẽ ghé thăm Ấn Độ, Indonesia, Nam Hàn và Nhật Bản, nhưng quan tâm hàng đầu của ông sẽ là việc khuyến khích Trung Quốc tăng cường nhu cầu tiêu thụ trong nước và bớt dựa dẫm vào giới tiêu dùng Hoa Kỳ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình. Chặng đường ở Nam Hàn và Nhật Bản của ông Obama sẽ bao gồm hội nghị G20 gồm các quốc gia công nghiệp hàng đầu của thế giới, và một hội nghị gồm các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương.

"Chính quyền Obama sẽ tiếp tục chìa tay ra với Trung Quốc và thế giới Hồi giáo, nhưng quan hệ với khu vực Đông nam Á có thể bị tổn thương nếu họ phải đối phó với quá nhiều vấn đề chính trị trong nước," Pavin Chachavalpongpun, giáo sư thành viên của Học viện Nghiên cứu Đông nam Á tại Singapore nói.
Ông Pavin chỉ ra rằng trong khi Hoa Kỳ vừa được mời tham gia với tư cách thành viên chính thức vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội, một số thành viên khác trong nhóm này lo lắng rằng Hoa Kỳ đã chưa sẵn sàng để đầu tư thời gian của mình vào diễn đàn, đang đóng vai trò như một nền tảng của phong trào thương mại tự do được mở rộng trong vùng.

Những nhà phân tích khác lo ngại rằng một chính quyền bị phân tâm sẽ ít chú ý hơn vào những gì đang xảy ra tại Miến Điện, nơi chính quyền quân sự sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong 20 năm vào ngày 7 tháng Mười một. Những đảng ủng hộ giới quân đội hầu như chắc chắn sẽ thắng trong cuộc bầu cử, vốn được một số quốc gia trong vùng xem như là một "trò hề." Nhưng Hoa Kỳ đã thầm lặng tiếp xúc với Miến Điện trong những tháng gần đây và thuyết phục họ thực hiện một vài mức độ cải cách sau khi nhận ra rằng nguồn tài nguyên giàu có của quốc gia này sẽ khiến cho việc cấm vận sẽ chẳng có tác dụng mấy. Nguyên nhân là các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan sẽ sẵn sàng trao đổi thương mại với quốc gia này. Với một chính phủ bị chia rẽ ở Washington, việc kêu gọi một thay đổi lâu dài tại Miến Điện có vẻ như là một chính sách ngoại giao xa xỉ, một số nhà phân tích lo ngại.

Thất bại trong cuộc bầu cử của ông Obama chắc hẳn sẽ không làm gián đoạn nỗ lực tiếp xúc với các quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Indonesia, đang vươn lên như một đối tượng chính trong chiến lược của Washington nhằm khuyến khích một hình thái Hồi giáo ôn hoà tại những nơi khác trên thế giới. Điều này một phần vì nhiều người trong đảng Cộng hoà chia sẻ mối quan tâm chung trong việc giới hạn sự phát triển của khủng bố Hồi giáo. Nhưng cũng là vì ông Obama là nhân vật nổi tiếng tại Indonesia, một phần vì mẹ ông từng lấy một người Indonesia và ông từng sống một phần tuổi thơ của mình ở Jakarta. Dự định ông sẽ có một diễn văn quan trọng về chính sách ngoại giao tại thành phố này trong chuyến viếng thăm.

"Ông Obama đã có được những thành công vĩ đại và đã phát huy truyền thống dân chủ tại Mỹ bằng cách chứng tỏ rằng một người Mỹ gốc Phi cũng có thể trở thành tổng thống," Komaruddin Hidayat, giám đốc Đại học Hồi giáo Quốc gia tại Jakarta nói. "Đây là một chiến thắng của những người bị giới hạn và làm gương cho cả thế giới."

Nhưng ông Hidayat, cũng như những người Indonesia khác, cũng lo lắng rằng viễn cảnh chia rẽ chính trị trong nước sẽ làm ông Obama phân tâm trong việc tạo ra những nối kết với các quốc gia Hồi giáo và các nước đang phát triển nói chung. "Sẽ thật là đáng tiếc nếu cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ làm suy yếu chính quyền Obama," ông nói.
.
.
.

No comments: