Friday, November 5, 2010

BẮC KINH "LỊCH SỰ HƠN" TRÊN TRƯỜNG NGOẠI GIAO ? (VOA)

Duy Ái | Washington, DC
Thứ Sáu, 05 tháng 11 2010

Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị trung gian điều giải của Hoa Kỳ trong vụ tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh về chủ quyền của một dãy đảo đang do Nhật cai quản ở Biển Đông Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, lần này các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã có thái độ hòa hoãn và lịch sự hơn khi phản đối điều mà họ thường gọi là “sự can dự của thế lực bên ngoài”, trái ngược hẳn với sự hung hãn mà ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tỏ lộ tại Hà Nội cách nay vài tháng. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Thưa quí vị, Trung Quốc đã bác bỏ một đề nghị do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra hồi tuần trước tại Hà Nội là Washington sẽ đứng ra tổ chức một cuộc hội đàm 3 bên với Bắc Kinh và Tokyo để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với một dãy đảo trong vùng Biển Đông Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Mã Triêu Húc, tuyên bố như sau tại cuộc họp báo hôm thứ ba tại Bắc Kinh:
"Điều cần phải nói tới là đảo Điếu Ngư cùng với các đảo phụ thuộc là lãnh thổ của Trung Quốc tự ngàn xưa. Vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới đảo Điếu Ngư là vấn đề giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng Bắc Kinh muốn thông qua các cơ chế đối thoại và hợp tác hiện có của khu vực Á châu Thái bình dương để giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền dãy đảo mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Giáo sư Dương Trung Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Nhật Bản, giải thích như sau về hai lý do khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chống đối đề nghị điều giải của Washington:
"Theo Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Nhật, quần đảo Điếu ngư thuộc phạm vi phòng vệ của hai nước. Việc này rất có lợi cho Nhật Bản, trong khi Trung Quốc ở vào một vị thế tương đối bất lợi. Đây là một trong hai lý do khiến Trung Quốc không tham gia cuộc hội đàm 3 bên. Lý do còn lại là đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc lâu nay vẫn khước từ sự can dự của một nước thứ ba. Nếu lần này Trung Quốc để cho Hoa Kỳ can dự thì điều đó đồng nghĩa với việc giao cho Hoa Kỳ quyền chỉ đạo các sự việc trong khu vực Á châu Thái bình dương. Đây là tình trạng mà Trung Quốc không muốn xảy ra."

Giáo sư Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ quốc của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, tán đồng nhận xét của ông Dương Trung Mỹ và cho biết rằng phản ứng của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên:
"Tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư và vùng biển xung quanh quả thật là một vấn đề giữa hai nước. Thêm vào đó, Hoa Kỳ chẳng phải là muốn đóng vai điều giải thông thường mà là muốn ba nước Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản hội đàm với nhau để giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng điều này đi ngược với truyền thống ngoại giao của Trung Quốc và cũng không phù hợp với tập tục ngoại giao quốc tế. Tuy Hoa Kỳ không phải là một bên của vụ tranh chấp nhưng lập trường của Hoa Kỳ không phải là không thiên vị. Cho nên việc Trung Quốc từ chối tham gia hội đàm ba bên là một việc đương nhiên và không nằm ngoài dự liệu của nhiều người."

Đề nghị điều giải của Hoa Kỳ cho vụ tranh chấp Trung-Nhật được Ngoại trưởng Clinton đưa ra hơn 3 tháng sau khi bà đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ qua tuyên bố tại một hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN, cũng ở Hà Nội, rằng Washington muốn vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình thông qua đường lối ngoại giao đa phương. Lâu nay Trung Quốc nhất định đòi giải quyết vụ tranh chấp bằng đường lối song phương và tuyên bố vừa kể của bà Clinton đã gặp phải những lời chỉ trích rất hung hãn của ông Dương Khiết Trì.

Giáo sư Thời Ân Hoằng
của Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh giải thích như sau về sự kiện mà nhiều nhà quan sát cho là “phản ứng lịch sự và hòa hoãn” của Trung Quốc đối với đề nghị hội đàm ba bên của Washington:
"Lần này ý kiến của Hoa Kỳ được đưa ra trong cuộc thảo luận tay đôi giữa ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, khác hẳn với vụ việc xảy ra hồi tháng 7. Ngoại trưởng Clinton lúc đó đã tuyên bố là Hoa Kỳ muốn tham dự và muốn áp dụng đường lối đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, trong khi Trung Quốc không hề hay biết trước và chắc chắn là sẽ không đồng ý với tuyên bố đó. Vụ này được báo chí Hồng Kông mô tả là một vụ đột kích bất ngờ. Cho nên Trung Quốc đã phản đối vô cùng mạnh mẽ. Lần này thì khác. Trung Quốc rất lịch sự, rất hoà hoãn. Tôi nghĩ rằng nếu các nhà báo không hỏi thì người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã không đề cập tới vụ này."

Tiến sĩ Vương Duy Chính, Chủ nhiệm Khoa Chính trị của Đại học Richmond (Virginia, Hoa Kỳ), cho rằng thái độ “lịch sự” này của Trung Quốc có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng sau khi những thái độ hung hãn của giới lãnh đạo Bắc Kinh hồi gần đây đã làm phát sinh nhiều phản tác dụng ở cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Trung Quốc giờ đây muốn quay lại với đường lối đối ngoại “thao quang dưỡng hối” hay “giấu mình chờ thời” của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Tiến sĩ Vương Duy Chính cho biết: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể cảm thấy là chưa tới thời kỳ mà nói theo kiểu tiểu thuyết kiếm hiệp là lúc 'tuốt gươm'. Cho nên cách tốt nhất là tra gươm vào vỏ trở lại."

Ông Vương Duy Chính nói thêm rằng phe ôn hòa ở Trung Nam Hải có thể sẽ giành được thế thượng phong trong thời gian tới đây, nhưng các nước khác ở Á châu đã mất đi sự tin tưởng đối với Trung Quốc và Trung Quốc sẽ khó lòng xoay chuyển tình thế.

Ông nói tiếp: "Làm thế nào để các nước khác phục hồi sự tin tưởng về thiện chí của Trung Quốc là một việc vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng nhiều hơn tới những từ ngữ ngoại giao -- như 'trỗi dậy trong hòa bình', giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, v.v… Trung Quốc cũng có thể sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa cho việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do và hợp nhất kinh tế. Tuy nhiên những điều này không thể nào làm thay đổi được cảm nghĩ của các nước khác trong khu vực là Trung Quốc không từ bỏ ý muốn trở thành cường quốc quân sự quan trọng nhất trong khu vực.

Giáo sư Vương Duy Chính cho biết như thế trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Hoa Ngữ đài VOA hôm thứ hai (1-11-2010), hai ngày trước khi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh kêu gọi các nước láng giềng đừng làm xấu thêm tình hình ở Biển Nam Trung Hoa và tránh tạo ra những mối căng thẳng và những vấn đề có thể phương hại tới giải pháp chung cuộc cho vấn đề này. Bản tin của Tân Hoa Xã trích lời ông Hồ Chính Dược, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc phụ trách vấn đề Á châu, nói rằng Trung Quốc mong muốn giải quyết các vụ tranh chấp về lãnh thổ và quyền lợi hải dương thông qua những cuộc thương lượng mà ông gọi là “hữu nghị”. Ông nói thêm rằng “kênh liên lạc lúc nào cũng rộng mở và chúng ta có trí tuệ và năng lực để tự mình giải quyết các vụ tranh chấp” mà không có sự can dự của những nước ngoài khu vực.
.
.
.

No comments: