Thursday, November 4, 2010

VỀ KIẾN NGHỊ MỚI ĐỐI VỚI (CÁC) DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN (Lê Tuấn Huy)


Lê Tuấn Huy
Đăng ngày 04/11/2010 lúc 11:43:07 EDT

Ban đầu, việc cái tên Nguyễn Huệ Chi dồn dập xuất hiện trên các tựa bài tại talawas không làm tôi quan tâm, vì nghĩ đó chỉ là kết quả của những hiệu ứng tích cực gần đây. Nhưng rồi, khi vào đọc thử do thấy có trao đổi ở dạng thư mở, mới hay, có sự thay đổi về “kết cấu nhân sự” của kiến nghị mới.

Tôi không bàn chuyện đó là thay đổi lớn hay nhỏ. Tôi không cần tìm xem trong danh sách kèm theo kiến nghị có chữ ký tay của các nhân vật “trọng lượng”, danh tánh của nhóm BVN và IDS cũ có liền ngay sau đó hay không. Tôi đồng ý với Gs. Nguyễn Huệ Chi là “mục tiêu tối thượng của chúng ta là cái hồ bùn đỏ chứa những chất độc hại khổng lồ đang treo lơ lửng trên đầu nhân dân”. Tôi cũng tán thành ngụ ý cho rằng BVN không mất đi vai trò, bởi “ngẫm một chút mà xem, con số hơn 1500 người (lúc bấy giờ) mà báo chí loan tin thì họ có thể lấy ở đâu khác ngoài BVN”.

Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc báo chí “chính thống” phớt lờ nhóm khởi xướng ban đầu là “cần thông cảm”, dù sẽ đặt chuyện đó sang một bên. Tôi cũng hoàn toàn không ủng hộ việc – giả như – kiến nghị mới không còn đặt BVN và IDS cũ trong nhóm khởi xướng mà nay bao gồm các nhân vật quan trọng, để thay bằng nhóm khởi xướng mới chỉ có các tên tuổi sau. Bởi lẽ:

1. Kiến nghị đạt đến tầm mức hiện nay, trong bối cảnh hiện thời, là một thành công lớn trên con đường phát triển xã hội dân sự ở nước ta, mà bản chất, hình thức và kết quả của nó cần được minh định và giữ vững, đúng với bản thân nó. Ở đây, Kiến nghị là một cuộc vận động xã hội-chính trị của giới trí thức và có sự tham gia sau đó của giới chính trị nguyên và đương chức, chứ không phải ngược lại.

Sự tham gia của các vị đương và nguyên quan chức cấp cao đã tạo nên bước ngoặt mới cho cuộc vận động. Việc để (những) ai lên đầu danh sách chỉ là tiểu tiết. Thế nhưng, nếu BVN và IDS cũ không còn đặt ở vị trí khởi xướng – như vốn là vậy – thì cho dù có vì xem trọng cái “tối thượng”, cũng sẽ là một bước lùi cho xã hội dân sự, vì đã gần như đưa nó về lại quỹ đạo của xã hội toàn trị, nơi “đề cao” những đề đạt xin-cho dưới các hình thức “cổ điển”, đề cao uy thế của giới “vai vế” chính trị, hơn là coi trọng phản biện dưới các hình thức dân chủ cũng như vị thế của trí thức và các cộng đồng xã hội.

2. Cần “tạo điều kiện” và thúc đầy giới “tinh hoa” chính trị, trong đó có nguyên lãnh đạo các cấp, tự ý thức về sự chủ động và tích cực mang tính trách nhiệm chính trị của mình, đồng thời thực hiện nó một cách hiệu quả. Qua đó, họ sẽ gia nhập vào hoạt động của xã hội dân sự với tư cách thành viên của các cộng đồng xã hội, thay vì từ vị trí của “vai vế”.

Có thể một phần hay toàn bộ các vị nguyên và đương chức đó không công khai nhưng đã âm thầm góp phần khởi xướng Kiến nghị. Có thể xem sự tham gia vào Kiến nghị là bước đầu quan trọng của quá trình họ hội nhập vào xã hội dân sự. Cũng có thể xem việc có mặt trong nhóm khởi xướng là một hình thức tôn vinh sự lãnh đạo của họ đối với cuộc vận động, tạo tiền đề cho một tiến trình xa hơn, v.v. Nhưng không thể và không nên vì thế mà đưa BVN và IDS cũ ra khỏi nhóm khởi xướng.

3. Đúng là tình hình nào thì đối sách đó, và luôn cần những bước lùi thích hợp để đạt mục tiêu cuối cùng, nhưng có cần phải lùi như thế đối với Kiến nghị? Theo tôi là không.

Với những thực tế và diễn biến gần đây, vốn đã có đủ cơ sở chiến lược và thời cơ để dừng các dự án bauxite, tôi tin giới lãnh đạo sẽ có đủ dũng khí để làm điều đó, trừ khi họ không còn chút năng lực nhận thức và phân biệt đúng sai nào. Vấn đề còn lại là từng bước hay tức thời, và hình thức nào để giải quyết hậu quả kinh tế cũng như không làm xấu mặt người bạn lớn.

Mà, quyết định đó, nếu được đưa ra, sẽ không cần đến việc đặt BVN và IDS cũ ra khỏi nhóm khởi xướng của Kiến nghị.

4. Ngoài ra, việc duy trì nhóm khởi xướng cũ còn có ý nghĩa khẳng định hiệu lực của đời sống mạng – một phần của xã hội dân sự hiện đại, để thế giới mạng công nhiên bước ra ngoài thế giới thực.

Những năm qua, cư dân mạng đã thật sự đóng góp một phần rất đáng kể vào việc phát hiện, nhận thức và điều chỉnh các vấn đề có tầm quốc gia và chiến lược. Chính quyền Việt Nam chắc chắn cũng ngấm ngầm dùng thế giới ảo cho mục đích tạo dư luận, gây “sức ép mềm” với Bắc Kinh, phục vụ cho các mục tiêu chiến thuật và chiến lược, nhưng lại giữ một thái độ rất ít thiện cảm với nó. Hơn nữa, đời sống thông tin của đại bộ phận người Việt vẫn chỉ là các phương tiện truyền thông truyền thống. Nay, những bước thành công của Kiến nghị, với việc công khai “bản chất mạng” của nó, sẽ là dịp lan tỏa thêm đến công chúng.

Và, để kết thúc:

- Ngoài thành quả xã hội, kinh tế, môi trường, văn hóa…, là những điều sẽ đạt được từ Kiến nghị, việc giữ lấy thành quả xã hội dân sự của Kiến nghị cũng không hề là chuyện “nâng quan điểm”. Những người thuộc hai nhóm khởi xướng ban đầu có thể không tiện nói ra vì dễ bị nhầm lẫn thành chuyện khác, nhưng đây không thể không là điều nên lên tiếng. Tuy nhiên, cần cảnh giác trước việc người ta có thể lợi dụng vấn đề này để gây chia rẽ giữa trí thức với giới nguyên và đương chức tiến bộ, cũng như phá hoại tiến trình của Kiến nghị.

- Bài này chỉ là những lời lẽ vô bổ và phí phạm thì giờ nếu cái “giả như” đã nói bên trên là không đúng.

- Nếu cái “giả như” đó là đúng, tôi xin rút lại chữ ký của mình trong Kiến nghị cuối cùng, khi chốt lại danh sách sau này, bởi chỉ một lý do, là tính minh định ban đầu của nó.

Lê Tuấn Huy
© Thông Luận 2010
----------------------------------------

Nguyễn Huệ Chi – Thư phúc đáp ông V. Quốc Uy

V. Quốc Uy – Thư gửi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

.
.
.

No comments: