Thursday, November 4, 2010

"ĐỪNG HỎI! CÁI NÀY ĐẢNG ĐÃ QUYẾT" (Tạ Phong Tần)

Chuyện Vỉa Hè
Tạ Phong Tần
Wednesday, November 03, 2010

Mấy ngày nay, các tờ báo lớn trong nước tường thuật thông tin về cuộc họp Quốc Hội ở Hà Nội đến hồi gay cấn, hấp dẫn không thua phim kiếm hiệp Hồng Kông khi các ông nghị Việt Nam từ tranh luận theo lý và luật chuyển sang dùng “công phu” “bịt mồm” người bất đồng ý kiến với mình bằng cách “chụp mũ.”

Theo Thanh Niên ngày 3 tháng 11, 2010, Bộ Trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định “dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.” Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (do Tập đoàn Than-Khoáng Sản lập và Bộ TN-MT chủ trì) - là “lớn nhất từ trước đến nay, gấp 3 lần các hội đồng thông thường, với 21 thành viên, gồm 18 nhà khoa học là giáo sư, tiến sĩ chủ yếu là viện trưởng, viện phó, giám đốc các trung tâm khoa học.” Hội đồng này đã đi nghiên cứu tại 3 nước là Úc (có công nghệ khai thác bauxite hiện đại nhất), Brazil (có đặc điểm địa chất giống Việt Nam) và Trung Quốc (nơi sử dụng công nghệ khai thác và xử lý bauxite như ở Tây Nguyên) để lấy tiêu chí, chỉ tiêu của các khu vực, từ khai thác, chế biến, xử lý... mang về so sánh với tiêu chí thẩm định của Việt Nam.”

Tất nhiên, một số ông nghị khác không đồng tình với ý kiến của ông Phạm Khôi Nguyên, họ cho rằng lý luận và con số của ông Nguyên đưa ra nó cũ xì cách đây 1 năm về trước, chẳng có gì mới mẻ sau thảm họa bùn đỏ Hunggary vừa xảy ra cách đây nửa tháng.
Không cần phải là nhà khoa học gì ráo, dân đen như tui đây cũng thấy lập luận của ông Phạm Khôi Nguyên còn nhiều chỗ “tối thui,” không “đả thông tư tưởng” tui được, thì làm sao “đả thông” những vị học giả như ông Dương Trung Quốc hoặc ông Nguyễn Minh Thuyết.

Trước hết là tui nghi ngờ mấy cái danh hiệu tiến sĩ, giáo sư kia lắm, không thể biết được đó là bằng thiệt, kiến thức thiệt hay bằng mua, hoặc giả bằng thiệt nhưng thuê người khác đi học giùm, khi tui không biết rõ 18 vị kia là ai, thời gian qua đã có công trình khoa học gì làm ích nước lợi dân khiến thiên hạ phải nghiêng mình nể phục?

Thứ hai là cái “chất lượng cao nhất” của ông Phạm Khôi Nguyên đưa ra nó được so sánh với tiêu chuẩn nào? Tiêu chuẩn Úc, tiêu chuẩn Brazil hay tiêu chuẩn Trung Quốc? Tại sao Việt Nam không sử dụng “công nghệ khai thác bauxite hiện đại nhất” của Úc, không áp dụng công nghệ của Brazil vì “có đặc điểm địa chất giống Việt Nam” mà lại sử dụng công nghệ của Trung Quốc trong khi xét về công nghệ lẫn đặc điểm địa chất thì cách làm của Trung Quốc chẳng ăn nhập gì đến tình hình thực tế ở Việt Nam cả, càng không có gì đảm bảo an toàn môi sinh cho Việt Nam?
Ông Phạm Khôi Nguyên nói rằng Trung Quốc là “nơi sử dụng công nghệ khai thác và xử lý bauxite như ở Tây Nguyên” thì thậm vô lý, bởi lẽ Tây Nguyên đã có công nghệ khai thác bauxite hồi nào đâu để cho ông Nguyên có cái so sánh rằng “như ở Tây Nguyên.” Việt Nam chỉ có bê nguyên xi công nghệ Trung Quốc sang Tây Nguyên và chuẩn bị khai thác sản phẩm mà thôi.

Ðiều thứ 3 là Trung Quốc đóng cửa các mỏ bauxite của họ lại mà họ lại sang Việt Nam khai thác bauxite bằng chính cái công nghệ ấy, nếu tốt đẹp thì tại sao họ không khai thác ở nước họ có phải là đỡ tốn tiền đầu tư xây nhà máy, tiền mua khoáng sản thô của Việt Nam hay không?

Những vấn đề tối thui này, ông Phạm Khôi Nguyên không làm sáng tỏ được, tất nhiên không làm các đại biểu (ÐB) khác yên tâm. ÐB Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại: “Người dân có cảm giác như vấn đề bauxite Tây Nguyên như chuyện ‘ván đã đóng thuyền,’ bất chấp thảm họa bùn đỏ ở Hungary diễn ra chỉ mới cách đây chưa đầy nửa tháng.”

Về vấn đề nợ của Vinashin, Bộ Trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh nói: “Có ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỉ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Theo số liệu của HÐQT Vinashin báo cáo ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30 tháng 6, 2010, số nợ của Vinashin 86,031 tỉ, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103,774 tỉ. Như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Hiện nay chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này.”

Tuy nhiên, các ÐB lại không tin con số đó, thông tin từ các báo Ðại Ðoàn Kết, TTO và nguồn tin từ đại biểu Quốc Hội: “Tại các phiên thảo luận ở tổ ngày 22 tháng 10 của các đại biểu Quốc Hội thực sự nóng, có thể Vinashin nợ tới 120,000 tỷ đồng chứ không phải 86,000 tỷ đồng.” (Tiền Phong ngày 25 tháng 10, 2010)
Tài sản trên sổ sách của Vinashin cụ thể là tài sản gì thì người dân không ai biết cả, chưa từng thấy báo chí công khai bao giờ. Biết đâu chừng đến khi ÐB truy gắt quá, lôi sổ sách ra mới thấy phần lớn tài sản đó là đất đai và mấy con tàu (như dư luận đã biết thời gian qua) thì thiên hạ chỉ còn nước xúm nhau lăn đùng ra xỉu hết.

Thấy thuyết phục hoài mà một số ông nghị không chịu thay đổi ý kiến, thậm chí có ông nghị còn đòi thủ tướng phải từ chức, ông Trung Tướng-Chính ủy Bộ Ðội Biên Phòng Võ Trọng Việt bèn “đe”: “Ðừng vì Vinashin mà làm rắc rối tình hình” và đem Ðảng CSVN ra “nhát” thêm: “Vấn đề này, Ðảng đã có những thái độ kiên quyết, nghiêm túc. Bộ Chính Trị đã có kết luận, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đã làm.” Có lẽ ông nghị nhà binh này chưa rành luật, nên không biết rằng khi cần xử lý thì không thể đem mấy cái kết luận của ủy ban kiểm tra ra mà truy tố ai được.

Ông nghị Trần Bá Thiều (Hải Phòng) thì phát biểu rằng: “Những điểm tốt thì nói rất ít, mở báo ra là đâm chém, là bắt bớ mới là ăn khách. Tình trạng hiện nay, xu hướng là như thế. Ngay trong QH này phát biểu cứ phải băm vằm thì mới là ăn khách. Liệu có nên như thế không.” (Thanh Niên ngày 3 tháng 11, 2010)
Mổ xẻ vấn đề đến nơi đến chốn tức là “băm vằm”? Ðặt câu hỏi “Liệu có nên như thế không,” ý ông Trần Bá Thiều có lẽ muốn nói cái gì đảng CSVN đã quyết rồi thì cứ thế mà làm, miễn ý kiến ý cò, có trái lòng dân cũng mặc xác?

Hình như ông Trần Bá Thiều có sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm của ÐBQH và các tờ báo, các văn nghệ sĩ. Báo chí, văn nghệ sĩ họ cần “ăn khách” để thu tiền, hễ “ăn khách” thì họ bán được sản phẩm cho công chúng, ních đầy tiền vào túi; còn các ÐBQH dù “ăn khách” hay “ế khách” thì cũng đâu thu được đồng nào thêm từ dân chúng, vậy ÐBQH cần “ăn khách” để làm gì khi mà ai cũng biết cái ghế ÐB mình đang ngồi là do “cơ cấu” chớ không phải do lá phiếu?

Vào Google tìm kiếm thì thấy ông Trần Bá Thiều hiện nay đang giữ chức vụ đại tá-giám đốc Công An TP Hải Phòng. Chợt nhớ tới cái panô ở Hà Nội có dòng chữ “Công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình” thảo nào ông bị “bệnh nghề nghiệp” cũng phải!

Chao ôi! Ngay giữa chốn nghị trường được pháp luật khẳng định là “cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất,” những con người có đúng tiêu chuẩn tin cậy “đảng cử, dân bầu,” uy tín đầy mình từ trên xuống dưới (không thể dán cho cái mác “phản động” được) mà còn bị bịt mồm như thế, thì dân đen đừng hy vọng được mở mồm. Nói theo ý ông nghị Dương Trung Quốc, thôi thì người dân Việt Nam cứ như cô gái thời phong kiến đi lấy chồng, khi “ván đã đóng thuyền” Trung Quốc rồi thì “mười hai bến nước trong nhờ đục chịu” chớ biết làm sao.
.
.
.

No comments: