Trân Văn, thông tín viên RFA
2010-11-02
Đêm 23 tháng 10, công an đã đổ đến tư gia của bà Lê Nguyễn Hương Trà – một blogger có nick name “Cô gái Đồ Long” - tọa lạc ở quận Tân Bình, TP.HCM – để bắt bà theo thủ tục bắt khẩn cấp.
Ngày 1 tháng 11, Thiếu tướng Cao Minh Nhạn, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm của Bộ Công an chính thức loan báo, cơ quan này đã có quyết định khởi tố bà Lê Nguyễn Hương Trà về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Nguyên nhân chính khiến bà Trà bị bắt là vì bà đã từng công bố trên Internet một bài viết, trong đó có những chi tiết liên quan đến vợ con ông Nguyễn Khánh Toàn, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Việc Công an Việt Nam sử dụng công quyền để bảo vệ uy tín của ông Nguyễn Khánh Toàn và gia đình ông ta có đúng pháp luật và còn gì khác đáng ngẫm nghĩ.
Việc Công an Việt Nam sử dụng công quyền để bảo vệ uy tín của ông Nguyễn Khánh Toàn và gia đình ông ta có đúng pháp luật và còn gì khác đáng ngẫm nghĩ.
Bắt khẩn cấp vì đụng vào tướng!
Ngày 14 tháng 10, bà Lê Nguyễn Hương Trà đưa lên blog “Cô gái Đồ Long” bài “Các người đẹp lấy chồng”. Khoảng 1/3 bài viết gần 2.000 từ này, đề cập đến chuyện một trong những diễn viên múa ở TP.HCM sẽ lấy Nguyễn Khánh Trọng – con trai ông Nguyễn Khánh Toàn làm chồng.
Bà Trà đã gom nhặt dư luận để kể thêm với độc giả rằng, con trai ông Thứ trưởng thường trực Bộ Công an là một thanh niên ăn chơi nổi tiếng, đã từng “đầu ấp, tay gối” với rất nhiều diễn viên, ca sĩ, kể cả Hoa hậu Việt Nam. Nguyễn Khánh Trọng cũng chính là người dùng chiếc Camry mà Bùi Tiến Dũng – bị án chính trong vụ án PMU 18 – cho lãnh đạo ngành Công an “mượn”.
Cũng theo bà Trà thì ngày nào, cô diễn viên múa ở TP.HCM cũng gửi hoa cho bà mẹ chồng tương lai, một “hoàng hậu không ngai”, một “Giang Thanh” (nhân vật từng khuynh loát chính trường Trung Quốc từ 1966 - 1976) của Việt Nam…
Đúng hai tuần sau khi đưa lên blog “Cô gái Đồ Long” bài “Các người đẹp lấy chồng”, bà Trà bị “bắt khẩn cấp”.
Khoan bàn đến những chi tiết trong bài “Các người đẹp lấy chồng” có chính xác hay không. Liệu Công an có quyền thực hiện thủ tục bắt khẩn cấp để xem xét, xử lý về mặt hình sự, chỉ vì ai đó công bố những thông tin bị xem là sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín của những công dân khác? Chúng tôi đã nêu những thắc mắc này với luật sư Hà Đình Sơn…
Trân Văn: Theo Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam thì lúc nào công an có quyền bắt người theo thủ tục “bắt khẩn cấp"?
Luật sư Hà Đình Sơn: Điều 81 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định rất rõ những trường hợp bắt người khẩn cấp.
Thứ nhất là khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Căn cứ thứ hai là khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
Trường hợp thứ ba là khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Trân Văn: Thưa anh, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt với tội ấy là đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt với tội ấy là trên 15 năm tù.
Hình phạt tối đa của tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” chỉ đến 7 năm.
Thế thì với một người mà có hành vi bị xác định là phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, nếu như không có các yếu tố cần phải ngăn chặn người đó trốn, không có yếu tố người đó tiêu hủy chứng cứ và tội họ phạm không phải là tội thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì có cơ sở để bắt khẩn cấp không?
Luật sư Hà Đình Sơn: Theo quan điểm của tôi, những trường hợp bắt người khẩn cấp mà không đúng với các trường hợp đã nêu trong khoản 1 của điều 81 Luật Tố tụng Hình sự 2003 thì đều là sai, đều là phi pháp.
Trân Văn: Thưa anh, nếu việc “bắt khẩn cấp” không hội đủ các yêu cầu của Luật Tố tụng Hình sự như anh vừa kể thì cơ quan nào có trách nhiệm khắc phục hậu quả do vi phạm tố tụng?
Luật sư Hà Đình Sơn: Theo nguyên tắc chung của pháp luật thì cơ quan nào làm sai, cơ quan đó phải khắc phục.
Để chết dân thì không bị truy cứu
Vào thời điểm Bộ Công an thực hiện việc bắt khẩn cấp bà Lê Nguyễn Hương Trà thì cũng tại TP.HCM, cả báo giới lẫn công chúng ở thành phố này đang tỏ ra hết sức bất an khi hàng loạt “'hố tử thần'” liên tục xuất hiện trên nhiều con đường.
Điểm đáng chú ý là tuy hiện tượng mặt đường bỗng nhiên lún sụt vì thi công cẩu thả, kiểm tra, giám sát vô trách nhiệm, đã kéo dài từ tháng 7 đến cuối tháng 10 và làm cho vài người thiệt mạng, một số người khác bị thương, hàng chục phương tiện giao thông các loại bị hư hại, giao thông đình trệ, song vẫn không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm. Đây cũng là lý do để chúng tôi tiếp tục nêu ra một số thắc mắc khác với luật sư Hà Đình Sơn…
Trân Văn: Thưa anh, theo Luật Hình sự Việt Nam, khi có những công dân tử vong do tắc trách trong kiểm tra, giám sát việc thi công các công trình công cộng thì các cơ quan bảo vệ pháp luật có bị buộc phải khởi tố vụ án để điều tra, xác định trách nhiệm của những cá nhân có liên quan không?
Luật sư Hà Đình Sơn: "Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam thì khi mà có vi phạm Luật Hình sự Việt Nam thì các cơ quan điều tra phải có trách nhiệm khởi tố."
Trân Văn: Những trường hợp do tắc trách khiến công dân tử vong, bị thương, tài sản bị hư hại thì có dấu hiệu của tội gì?
Luật sư Hà Đình Sơn: "Nếu như công dân tử vong, bị thương, tài sản bị hư hại như trường hợp các hố ở trên đường giao thông tại một số thành phố thì có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."
Trân Văn: Thưa anh, vì sao trong thực tế, rất hiếm khi lối ứng xử tắc trách bị khởi tố?
Luật sư Hà Đình Sơn: "Điều này xuất phát từ một thực tế, đây là lỗi gián tiếp của cơ quan nhà nước gây ra cho người dân. Với lỗi gián tiếp thì Việt Nam thường không để ý đến đối tượng vi phạm.
Có một thực tế nữa là ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước cũng như công chức mà gây thiệt hại cho người dân thì quá nhiều và quá phổ biến nên nó trở thành như một thói quen và người ta có thể gọi là một văn hóa tiêu cực của xã hội.
Nguyên nhân thì có lỗi từ hai phía. Một phía là do người dân cam chịu sự vô lý này. Người dân đã bị mất khả năng phản kháng trước những vi phạm quyền lợi và sau đó thì người ta trở thành bàng quan với các vấn đề của xã hội.
Lỗi thứ hai ở về phía nhà nước, do các cơ quan hoặc là công chức nhà nước không chịu một sức ép pháp luật nào. Nói cách khác là trong xã hội không có đối trọng nên các công chức và các cơ quan nhà nước đã tỏ ra thản nhiên hay là vô cảm về trách nhiệm của mình trước xã hội."
Đến nay, đã có hai viên tướng Công an đứng ra giải thích, khẳng định việc bắt bà Lê Nguyễn Hương Trà là đúng pháp luật và cần thiết. Còn tại TP.HCM, báo giới thống kê đã xác định được 31 “hố tử thần” nhưng chưa biết ai phải chịu trách nhiệm vì Công an Việt Nam không khởi tố vụ án hình sự nào.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment