Wednesday, November 17, 2010

TỰ HÀO VỀ MỘT NƯỚC THƠ (Nguyễn Hưng Quốc)

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 16 tháng 11 2010

Người Việt Nam thường tự hào về hai điều: tài đánh giặc và lòng yêu thơ.

Trong văn học, niềm tự hào thứ nhất xuất hiện khá sớm, từ đời Lý, rõ nhất là trong bài “Thơ thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt; niềm tự hào thứ hai ra đời muộn hơn, có lẽ khoảng đời Trần, khi Phạm Sư Mạnh khoe là người Việt Nam vốn giỏi văn thơ: Nam triều nhân vật tổng năng văn; Trần Nguyên Đán khoe là tại Việt Nam, hầu như ai cũng biết làm thơ, ngay cả giới thư lại và thợ thuyền: Lại viên tượng thị diệc năng thi. Tiêu biểu nhất là Ngô Thì Nhậm, người, dưới triều Tây Sơn, nhân chuyến đi sứ sang Trung Hoa, đã viết một cách sảng khoái trong bài “Hoãn nhĩ ngâm”: “Chúng ta may mắn sinh ra ở nước Nam” (Hạnh tai sinh Nam bang!).

Ngoài những chiến công hiển hách của Quang Trung, một nguyên nhân khác khiến Ngô Thì Nhậm tự hào là truyền thống văn học rực rỡ của dân tộc. Trong lời tựa tập Tinh sà kỷ hành của Phan Huy Ích, sau khi khen thơ Việt Nam hay không kém gì thơ Đường, thơ Tống, người Việt Nam có tài phun châu nhả ngọc không kém gì Đỗ Phủ và Lý Bạch, Ngô Thì Nhậm đã hạ bút viết, giọng đầy kiêu hãnh: “thật đáng gọi là một nước thơ!”

Hiện nay, có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với văn học thế giới, chúng ta, khiêm tốn hơn, không còn huênh hoang cho thơ Việt Nam hơn hay bằng ai cả, duy niềm tự hào về lòng yêu thơ của người Việt thì không hề giảm sút chút nào. Đây đó, trên báo chí cũng như trong các câu chuyện phiếm hàng ngày, chúng ta vẫn thường lặp lại lời nói của Ngô Thì Nhậm: Việt Nam là một nước thơ. Và thêm: mỗi người Việt Nam là một thi sĩ.

Để biện minh cho lời khẳng định ấy, mỗi người có thể đưa ra nhiều bằng chứng khác nhau song tựu trung có thể gom lại thành ba điểm chính.

Một là, từ góc độ cá nhân, hầu như hiếm có người Việt Nam nào, trong suốt cuộc đời của họ, lại không từng làm thơ bao giờ. Thường, ít nhất là một lần, lúc, nói như Huy Cận, biết “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. Một số khác, hẳn là khá đông, còn làm thơ khi đi đánh giặc (thoái lỗ thi), khi ở tù (ngục trung thi), hay thậm chí, trước khi chết, dẫu là cái chết rất mực thê thảm là bị hành hình (tuyệt mệnh thi). Nói chung, theo Vũ Hoàng Chương, đối với giới cầm bút Việt Nam, “bắt đầu phải là thơ, rồi muốn viết truyện ngắn, truyện dài, kịch bản chi chi, thì sau đó đã.. Nghĩa là toàn thể làng văn Việt Nam đều coi Nàng Thơ như người tình thứ nhất.” (1)

Hai là, từ góc độ cộng đồng, có lẽ ít có nước nào in thơ nhiều như Việt Nam. Thơ in thành tập. Thơ đăng tràn lan trên báo. Từ báo văn nghệ đến báo chính trị, kinh tế, thương mại, từ báo của người già đến báo của phụ nữ, của thiếu nhi, từ báo bán đến báo biếu, đâu đâu cũng có trang thơ, vườn thơ.

Ba là, từ góc độ truyền thống, có thể nói lịch sử văn học Việt Nam, ít nhất là từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, chủ yếu là lịch sử thơ. Văn xuôi, cả bằng chữ Hán lẫn bằng chữ Nôm, đều èo uột; nếu bỏ phần chữ Hán đi, cơ hồ không còn lại gì. Cha ông chúng ta dùng thơ để thù tạc, để kể lể tâm tình, để viết tiểu thuyết, viết lịch sử, viết bút ký, để soạn cả tuyên ngôn và tuyên cáo nữa.

Với ba bằng chứng ấy, người Việt Nam lúc nào cũng tự hào về cái nước…thơ của mình.
Xưa, tự hào. Nay, cũng tự hào.
Nhưng niềm tự hào ấy liệu có cơ sở gì vững chắc hay không?

Chú thích:
1. Vũ Hoàng Chương (1973), “Trả lời phỏng vấn đài Tiếng Nói Tự Do”, Bách Khoa số ra ngày 20.4.1973, tr. 77-8.
-------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
.
.
.

No comments: