Wednesday, November 17, 2010

MỜI DỰ HỘI THẢO TIẾNG VIỆT, VĂN HÓA, VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN NAY

Việt Báo 
Thứ Tư, 11/17/2010, 12:00:00 AM

GS Nguyễn Hưng Quốc, NS Hoàng Ngọc Tuấn Từ Úc Mời Dự: Hội Thảo Tiếng Việt, Văn Hóa, Văn Học Việt Nam Hiện Nay
Tại Viện Việt Học: 5-12; Tại Việt Báo: 11-12

Nhân chuyến Mỹ du vào đầu tháng 12 năm 2010, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc và nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn sẽ tổ chức 2  buổi hội thảo về tiếng Việt, văn hóa và văn học Việt Nam hiện nay tại Viện Việt Học và hội trường Việt Báo. Sau đây là lịch trình của 2 buổi hội thảo.

1/ Chủ Nhật, ngày 5/12, tại Viện Việt Học, từ 13 giờ chiều:

- Hội thảo "Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam thời toàn cầu hoá" (diễn giả: Nguyễn Hưng Quốc & Hoàng Ngọc-Tuấn).

Nội dung hội thảo:
Toàn cầu hoá là một xu hướng chính trên thế giới hiện nay, kể cả Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, ảnh hưởng của toàn cầu hoá có thể nhìn thấy dễ dàng trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, và phần nào, chính trị; nhưng còn ngôn ngữ và văn hoá? Đó là những vấn đề, cho đến nay, chưa được ai quan tâm tìm hiểu. Hơn nữa, toàn cầu hoá không những chỉ tác động đến ngôn ngữ và văn hoá ở Việt Nam, mà còn tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ và văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, những người thực sự sống giữa những cái rốn của toàn cầu hoá. Vấn đề là: những tác động ấy diễn ra như thế nào? Chúng có ảnh hưởng như thế nào đến ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, trong cũng như ngoài nước? Chúng ta có thể làm gì trước những thử thách do những tác động ấy mang lại?

- Chương trình âm nhạc TẶNG VẬT CHO NGƯỜI của Hoàng Ngọc-Tuấn gồm những ca khúc về thiên nhiên, tình yêu và cuộc sống, cùng những nhạc phẩm độc tấu tây ban cầm do chính tác giả trình bày.

2/ Thứ  Bảy, ngày 11/12, tại hội trường Việt Báo, từ 13 giờ chiều:

- Hội thảo "Thực trạng và xu hướng của văn học Việt Nam hiện nay" (diễn giả: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn và Phùng Nguyễn).

Nội dung hội thảo:
Nhìn vào việc đình bản của hầu hết các tạp chí văn học (trừ Hợp Lưu và Khởi Hành) cũng như việc đóng cửa của hầu hết các nhà xuất bản (trừ nhà Văn Mới), người ta dễ ngỡ văn học hải ngoại đang lụi tàn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự xuất hiện của các tờ báo mạng về văn học như Tiền Vệ và Da Màu, chúng ta sẽ thấy khác hẳn. Đó là hai tờ báo ngày; tổng số bài vở trong một tháng chắc chắn là nhiều và đa dạng hơn hẳn bất cứ tờ nguyệt san văn học nào trước đây. Bởi vậy, không thể nói là văn học hải ngoại đã chết hay đang chết. Nó chỉ chuyển hoá  từ hình thức in sang hình thức online. Sự chuyển hóa ấy gắn liền với ba xu hướng chính: phi tâm hoá, giải lãnh thổ hoá và giải chủ thể hoá. Nội dung của ba xu hướng này là gì? Chúng ảnh hưởng đến diện mạo của văn học Việt Nam hiện nay ra sao? Chúng có những khía cạnh tích cực và tiêu cực như thế nào? Đối diện với những xu hướng ấy, chúng ta cần làm gì? Đó là những vấn đề sẽ được đặt ra trong buổi thảo luận.

- Chương trình âm nhạc HÁT THƠ TÌNH CỜ gồm những ca khúc của Hoàng Ngọc-Tuấn phổ từ lời thơ của Rabindranath Tagore, Federico Garcia Lorca, Osip Mandelstam, Herman Hesse, Rainer Maria Rilke, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tuệ Sỹ và Phạm Công Thiện.
.
.
.

No comments: