Tuesday, November 16, 2010

TRƯỚC GIỜ NGƯNG BẮN (Tưởng Niệm CAO XUÂN HUY)

16.11.2010

1-
Chúng tôi giao tình đã ba mươi năm có lẻ. Thời đó là thời của những cuộc xuống đường Phật Giáo nhằm chống lại sự cai trị của một chế độ mà người ta gọi là bạo quyền, gia đình trị của họ Ngô. Khi mà dân chúng đã vùng dậy, mọi tầng lớp xã hội đã đứng lên từ học sinh tới thợ thuyền, từ trường học tới chùa chiền, và vào phút chót lại có những ông tướng cùng quân đôi dưới quyền ủng hộ thì chế độ phải đổ. Mãi nhiều năm sau và ngay cả bây giờ có lẽ cũng cần có những người viết sử, đúng thật là những người chép sử ghi lại thời gian 1963, cái thời khoảng dù muốn hay không cũng đã là một trong những dấu mốc lịch sử của thời cận đại.
Tôi vẫn nghĩ là kết quả của năm 1963 không tránh được. Nhưng những chính quyền sau chính quyền nhà Ngô cũng chẳng hơn gì. Bởi đó mà năm 1975 nổ ra như một trái bom nguyên tử. Sức tác hại ngay lập tức thì mọi người đã biết, ảnh hưởng dây chuyền của nó thì ngày nay chúng ta sẽ phải tẩy xóa, tháo gỡ trong vòng một hai thế hệ.
Năm 1963, Cao Xuân Huy là một học sinh đệ tam mười sáu tuổi đầu. Khỏi nói thì cũng biết anh đã tham gia những cuộc biểu tình nồng nhiệt như thế nào. Còn tôi hai mươi tuổi chẵn với một cái lon chuẩn úy còn mới tinh khôi trên cổ áo. Huy học với các em tôi, nên vì vậy mà Huy gọi tôi là anh. Ba mươi năm sau ở xứ người, giờ đây anh gọi tôi là bác, xưng em y như ba mươi năm trước. Nói như thế có nghĩa là giữa tôi và Huy là hai người anh em họ… Hồng Bàng. 
Trong ba mươi năm giao tình đó, có những lúc anh em xa cách, hoặc là vì hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi đều là lính mỗi người một phương. Thời gian gần đây có một thời khoảng ngắn chúng tôi ít đi lại vì những sự hiểu lầm hơn là những xung khắc có tính cách chí tử như nhân cách hay là chính trị chẳng hạn.
Năm 1970, hai anh em cùng trú đóng ở Pleiku, Huy được gọi đi thụ huấn. Chúng tôi tạm xa nhau từ đó. Huy ra trường đội nón xanh, đóng tại địa đầu Quảng Trị, mùa hè năm 72 về Sài Gòn với một cái nạng trên người. Chưa lành hẳn thì trận chiến trở nên khốc liệt trước khi ngưng bắn. Cả hai bên đều muốn chiếm đất, giành dân. Trên cái mảng da beo của đất nước, bên nào cũng muốn cắm được nhiều cờ. Khi nói về giai đoạn xa nhau này, Huy luôn giữ được nụ cười thật trẻ thơ, y như những năm còn đi học…  

*
2-
…Chiều tối ngày 26-1-73, đang nằm võng lơ mơ sau bữa cơm chiều. Đại Đội Trưởng của tôi đi họp khẩn trên Lữ Đoàn, người thì chưa thấy về mà tiếng đã oang oang trên máy truyền tin. Tôi nhận lệnh cho đơn vị sửa soạn đại đội hành quân, cuốn lều, thu võng. Mọi chi tiết sẽ cho biết sau khi nào Đại Đội Trưởng về tới. Tôi biết là có chuyện lớn. Mấy hôm nay thôi thì máy mắt, lùng bùng ở lỗ tai, toàn là những điềm gở chẳng có gì là phấn khởi. Bên tai tôi bọn lính sửa soạn thôi thì náo loạn, tít mù. Tối mịt ông xếp về. Ghé vào tôi ông ấy nói:  
“Bằng mọi giá mình phải lấy được Cửa Việt trước khi ngưng bắn có hiệu lực.   
Tôi hỏi khi nào thì ngưng chiến có hiệu lực?  
“8 giờ sáng ngày 28-1-73.  
Tôi tính nhẩm còn hơn ba mươi tiếng nữa. Rán giữ mạng, giữ cái củ cải để còn về mà du hí với đào địch, trước khi có một… cái gọi là vợ…
Tại tuyến xuất phát tôi được biết chi tiết hơn. Bọn tôi có năm đại đội để tấn công một Trung Đoàn có vị trí phòng thủ sẵn. Thành phần trừ bị chỉ có một đại đội làm cảnh. Như vậy bên ta có một tiểu đoàn rưỡi, thay vì phải có cỡ năm tiểu đoàn để làm một nhiệm vụ như thế này. Kệ mẹ nó, tới đâu hay tới đó chớ chẳng lẽ bây giờ khóc nhè hay sao? 
Năm đại đội mỗi đại đội chia nhau một mục tiêu phụ. Tràn qua được mục tiêu phụ này sẽ hợp làm một để tiến đánh Cửa Việt, trung tâm điểm của cuộc hành quân, mà thượng cấp đã nói là bằng mọi giá phải cắm được cờ của quân ta tại địa điểm này. Bọn tôi được phát mỗi người hai lá cờ to… bằng hai bàn tay chéo. Một cái mang trong người, một cái bỏ ở ba lô.
Tôi coi nửa đại đội, hơn tám mươi người lính dưới quyền. Tụi tôi tràn qua mục tiêu phụ không mấy khó khăn. Địch chết ở đây trong mũi tấn công của tôi cũng đến bẩy, tám chục mạng. Tụi tôi cũng mẻ chút đỉnh, nhưng lệnh là phải tiến. Những người tử trận và bị thương cứ để tại chỗ, ngưng bắn rồi tính sau. Tính tôi có vẻ vô tâm nhưng trong chiến trận không thể vô tâm được. Vô tâm là kể như mang tính mạng mình và thuộc cấp ra bán rẻ cho địch rồi còn gì nữa. Do đó khi đã tràn qua mục tiêu phụ tôi để lại bốn trự lục soát phía sau, để khỏi có cảnh bị địch quân từ những chỗ nấp tiến ra bắn mình từ phía sau lưng. 
Chuyện cứ như là xi-nê. Mấy ông nội để lại này phát giác ra được một cái hầm, vồ được bốn cậu, thế rồi tuần tự trước sau có hơn bốn chục cậu ra hàng trong cả chục cái hầm ngụỵ trang cẩn thận. Bốn thằng ông nội của tôi cũng phát hoảng. Nhưng không, những người anh em bên kia ngoan ngoãn biết điều, bỏ súng vào một đống như đống củi, hai tay để sau gáy ngồi xếp hàng tư, mắt không biết vui hay là buồn nhìn ra ngoài khơi, nhìn tới phía súng đang nổ rát mặt người. Không có cả dây trói thành thử bốn tên lính của tôi cũng đành đứng gác tứ phía chờ tiểu đoàn bộ tiến lên giải giao về phía hậu tuyến.
Năm giờ chiều. Bọn tôi gom đại đội thành một mũi tấn công. Thật ra làm gì có thì giờ để chỉnh lại đội ngũ. Năm mũi tên nhỏ hướng về một điểm chung. Địa ngục cuối cùng phải chăng là đây. Tôi nhủ thầm nhiều lần phải sống để mà về, nhưng người tôi như say khói súng, cứ lao đi về phía đằng trước. Lính lếch thếch theo sau. Chập tối tụi tôi đục được vào phòng tuyến của địch một miếng. Tôi thấy cũng đã đủ chỗ cho cắm một lá cờ, đó là chưa kể tới những mũi nhọn khác.  Lệnh cho lính ngừng lại, phòng thủ ngay tại công sự của địch. Đêm nay may ra được ngủ yên. Tám giờ sáng mai là có thể yên tâm đứng hút thuốc, chấp bọn chúng cả ngàn thằng đứng quanh. Làm gì được nhau nào. Ngưng bắn rồi, nó có làm gì thì tôi cũng mặc mẹ nó. Kiểm điểm lại đàn em tôi, sáng nay tại tuyến xuất phát ông Đại Đội Trưởng một nửa, tôi một nửa, mỗi người dẫn một cánh hơn tám chục người. Tôi còn lại được hơn hai chục trự. Những ai không có mặt giờ  này hoặc là đã chết hoặc là đã bị thương. Mong rằng đã có người chiếu cố ở phía sau. 
Nửa đêm, trời lúc mưa, lúc tạnh, những làn hơi nước bốc lên mù mù. Trời với đất làm như cũng đồng cảm với người. Mặt trăng hạ tuần khi tỏ, khi mờ làm như lây với cái “… Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Chinh phu tử sĩ mấy người. Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn…”. 
Vẫn như chuyện xi-nê. Một bộ đội Cộng Sản có lẽ ở chỗ mục tiêu mà tụi tôi đã tràn qua ban ngày, mãi tới bấy giờ mới về tới phòng tuyến sau lưng. Hắn không biết công sự phòng thủ đã đổi chủ. Hắn mang một cái máy truyền tin to tổ bố, hắn vất xuống đất nghe đánh hụỵch. Hắn chép miệng chửi thề: 
- “Địt mẹ tụi Ngụy làm tớ rách cả áo. Đồng chí nào xin hớp nước coi”. 
Tôi nhịn cười không được, bật cười trong bóng đêm. Hầm tối như bưng nên tên này vẫn chưa hay biết gì, hắn chửi thêm một câu nữa. 
- “Địt mẹ cười cái gì. Chạy trối chết, lẩn như trạch từ chiều tới giờ mới về được…” 
Tôi kê khẩu M-16 ngay mang tai cậu ta nổ chơi một phát. Cu cậu chỉ còn có nước đưa tay chịu trói. Bọn tôi ngồi dựa vách hầm, ngủ gà ngủ gật chờ sáng, chờ lệnh tấn công sau cùng trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Gần sáng bắt đầu tấn công tiếp. Tụi tôi mở thêm những đợt xung phong. Thật khó mà có thể nói cho hết cái không khí, cùng cảm nghĩ của tôi lúc đó. Có điều tôi có cảm giác là tôi sẽ đứng vững được đến sáng, đến tám giờ sáng, đến khi mọi người buông súng để cho lệnh ngưng bắn có hiệu lực. Cứ nghe tiếng súng cá nhân của địch bắn về phía chúng tôi thì biết là chúng có nhiều tay súng hơn chúng tôi vài lần. Không hiểu ở những mũi dùi khác của TQLC thì sao. Tình hình này không hiểu tụi tôi có chịu đựng nổi tới khi mặt trời mọc hay không? Lại thêm số đạn mang theo có hạn, nhiều binh sĩ của tôi đang bắn về phía Cộng Sản bằng súng và đạn đã tịch thu của họ.
Ngày đó là một ngày nhiều sương khói. Đã hơn bẩy giờ sáng mà còn tù mù tăm tối. Đột nhiên mặt trời ló ra sau những đám mây. Cảnh vật như đang từ cõi âm ty, chợt thấy những ánh sáng của dương trần. Tới lúc đó tôi mới thấy tụi tôi hoàn toàn ở vào vị trí bất lợi. Địch ở trên cao, bố trí thành hình vòng cung. Tụi tôi ở dưới thấp, lấn được vào vòng cung một khoảnh lọt thỏm vào trong như là đang ở trong một cái rọ. 
Còn hơn bốn mươi phút nữa mới tới 8 giờ sáng. Súng của địch bắn như mưa rào, mà mình bắt buộc phải nằm chịu đòn. Lợi dụng tối trời còn có thể tấn công, chứ bây giờ sáng tỏ mặt người thì chỉ có nước nằm chịu trận. May mà mặt trời ló ra trễ, chứ ló sớm là tụi tôi đi… ỉa. 
Tôi cố thu nhỏ người lại đằng sau một đụn cát. Đạn vun vút bay qua vị trí tụi tôi. Tôi độ chừng những người bộ đội bên kia chắc có lẽ cũng có tâm trạng chờ ngưng bắn như tôi nên họ cũng không phản công. Ai mà lại thích chết trong cái giờ thứ hai mươi lăm này. Tất nhiên họ phản công thì tụi tôi lãnh đủ, nhưng họ cũng phải lãnh…  không thiếu, nếu muốn đánh bật được tụi tôi ra khỏi vị trí đã chiếm. Tụi tôi thì không thể tấn công. Còn họ thì cũng không thể phản công.
Nửa giờ sau cùng đó dài như một thế kỷ. Tôi nhớ là tôi thu mình như một con tôm, đầu gục xuống, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn cái đồng hồ tay. Tám giờ kém năm phút, tôi đưa thử cái que lên cao dò xét. Cái que vừa nhô lên chưa đầy một gang đã bị đạn tiện đứt. Tôi bảo tên lính truyền tin:  
“Mày to họng, chút nữa đúng tám giờ mày gào lên cho chúng nó biết đã đến giờ… thôi bắn”. 
Tám giờ đúng thằng bé gân cổ lên gào. Tiếng súng có vẻ thưa dần. Vài phút sau tiếng súng im hẳn. Lạ một điều tai tôi ù vì súng đạn của đôi bên, thế nhưng tôi nghe rất rõ tiếng gió sớm mang lại cái âm thanh vi vu của gió lùa qua những hàng dương thấp, cùng với tiếng rì rào của sóng biển vọng từ xa lại. Tôi dặn thằng nhỏ: 
“Mày đưa thử một ngón tay lên coi, một ngón thôi. Nhớ là ngón trỏ của bàn tay phải, để lỡ có bề gì về được còn có hy vọng giải ngũ.”  
Thằng nhỏ rụt rè đưa ngón tay lên. Vài phút sau thấy không có gì, cậu nhỏ nhô người đứng dậy. Tôi cũng nhỏm lên. Trước mắt tôi, chỉ cách một khoảng không đầy hai mươi thước, và ở trên cao hơn chừng ba thước, những người anh em bên kia đã đứng dậy hết. Họ có chừng hơn hai trăm người. Đứng lố nhố đen ngòm một khoảng cỡ vài ngọn đồi cát. Tôi phất tay cho lính đứng dậy hết. Tụi tôi còn được hơn hai chục mống. 
Một tên lính của tôi đi thẳng tới chỗ địch, vài người bộ đội vây lấy nó. Tôi vội vàng cho lính hờm súng sẵn. Nhưng không, tên lính móc gói thuốc lá ra mời, những người mà mới năm phút trước đây còn bắn về phía tụi tôi sối xả.  Tôi cũng tiến lên. Ta và địch ôm nhau. Không khóc nhưng nước mắt chẩy lặng lẽ trên khuôn mặt của những người lính, cùng những người bộ đội. Tên bộ đội ôm lấy thân người tôi trông như một chú bé còn búng ra sữa, lớp lông măng mầu hung hung chưa kịp nhú ra thành râu dưới cằm. Tôi nghĩ thầm, ngữ này mười tám tuổi là cùng. Tên này chắc có máu khôi hài. Nó xoa đít tôi, miệng hỏi một cách khá đểu:  
“Cái đuôi anh giấu ở đâu?”.  
Vừa tức, vừa buồn cười. Tôi cũng cười đểu trả lời:  
“Đuôi tao để ở đằng trước chứ không phải đằng sau.”
Mãi tới lúc đó tôi nhìn thấy một lá cờ treo trên cột cẩn thận, mầu đỏ như sắc máu tươi vừa mới chẩy ra khỏi thân thể. Ngôi sao vàng chói lọi như nhẩy múa trong bầu trời xám xịt. Tôi hối mấy tên lính trở lại để treo cờ. Tụi tôi moi ra những cái cờ to bằng… hai bàn tay ra cột vào những bụi dương thấp, mọc lòa xòa trên những ngọn đồi cát chập chùng. Tôi ngán ngẩm chẳng muốn treo lá cờ tôi mang trong người. Một tên có lẽ là chính trị viên của họ cười mỉm khi nói với tôi:  
“Cứ trông cảnh tượng này thì biết chính nghĩa đang thuộc về ai.” 
Tôi dằn lại kịp chứ không thì nó đã nhận một cái đế súng vào  mặt. Mà nếu như tên này nhận một cái đế súng vào mặt, thì chắc chắn tôi sẽ lãnh nguyên một tràng AK vào người.
Quân hai bên ngồi xuống cát nói chuyện với nhau, mời nhau hút thuốc. Tôi vẫn trói giữ người bộ đội bị bắt tối qua vì chui lộn vào hầm của tụi tôi. Nói thiệt với bác lúc đó tôi như mơ, nhưng nhìn chung quanh thì rõ ràng là thật. Bộ đội đông hơn tụi tôi cả chục lần. Giờ này mà họ giở quẻ thì thật là tụi tôi đi… đái. Khoan nói tới chuyện nhân số họ đông gấp mười, chỉ nói về vũ khí giờ đó mà đánh nhau thì trong bọn tôi sẽ có vài người bắn súng… miệng.
Buổi chiều đầu tiên ngưng bắn, họ thổi cơm rồi mời tụi tôi ăn. Tụi tôi đâu còn cái gì để mà bảnh, không một cái ba lô nào còn, tất cả đều cháy rụi. Lính ta ngồi xen kẽ với bộ đội, cơm ăn vào miệng tôi cũng chẳng biết ngon hay không? Cái cảm giác nó mơ hồ, lãng đãng và… kỳ cục. 
Thần trí tôi lâng lâng suốt cả ngày, cho tới khi chiều xuống, nhìn ra khơi sao thấy lòng mình buồn buồn, trống trải. Chẳng phải vì tôi khát máu thích bắn giết gì. Ngẫm lại mấy năm vừa qua, bom đạn đã tha cho tôi, nhưng có biết bao nhiêu người bạn đã không còn hiện diện trên cõi đời này. Đừng nói đâu xa, sáng nay ở tuyến xuất phát có tám mươi anh em, đêm đầu tiên ngưng bắn quanh tôi chỉ còn có hai chục lẻ nằm lọt thỏm trong một đơn vị của họ hơn hai trăm con người. Còn họ. Sáng nay trước giờ đụng độ họ có bao nhiêu người. Họ đã mất bao nhiêu người?
Đêm ập xuống, hai chục anh em tụi tôi co lại. Trăng đêm nay lấp ló trên trời. Cái mầu trăng cũng úa vàng và bệnh hoạn. Gần nửa đêm ngưng bắn đầu tiên, đã có tiếng súng nổ từ phía một cánh quân bạn. Tụi tôi cũng ăn một quả không giật. Tôi còn biết làm gì hơn là cho lính phòng thủ chu vi, và nằm thao thức chập chờn cho đến sáng.  Cảm giác của tôi ngay lúc đó khó có thể nói được. Nó lâng lâng như người say sóng chứ không hân hoan tủi tủi mừng mừng. Cả người tôi ngầy ngật như hâm hấp sốt. Thú thật với bác tôi cũng không chú trọng lắm tới vấn đề danh từ. Da beo cũng thế, mà tại chỗ cũng vậy. Có cái gì khác đâu nếu như ai ở đâu ở yên đó. Đừng có lấn đất giành dân là được rồi.
Trong đêm ngưng bắn đầu tiên đó gió rít lên. Làm như là gió có vẻ không muốn ngưng chiến. Gió ở đâu mà nhiều đến thế. Hệt như những oan hồn uổng tử do bom đạn của cả hai bên, ở dưới âm ty hiện về than khóc cho hòa bình đến quá chậm. Gió luồn qua những triền núi từ phía Tây, len lỏi giữa những thung lũng, quất lên những ngọn đồi khiến cát bay mù mịt.
Tôi chập chờn nửa thức nửa ngủ. Sáng tinh mơ đã tỉnh dậy. Bên kia, một lá đại kỳ to bằng hai cái chiếu bay phần phật trong gió. Lá cờ ngạo nghễ, mới tinh mầu đỏ rực rỡ, với ngôi sao vàng chói lọi. Lá cờ được sửa soạn từ hồi nào, đã được tính toán đúng với thời điểm xuất hiện. Không một đơn vị trưởng nào lại điên cho dựng một cái cột cờ nơi chốn hành quân. Như vậy trong đêm qua khi tôi nửa thức nửa ngủ thì người anh em bên kia hàng rào đã chơi chúng tôi một quả ra gì, qua sự xuất hiện của cái cột cờ lừng lững mọc lên giữa một ngọn đồi cát thấp. Giữa tiếng gió làm lá cờ bay phần phật, giữa cái u u, minh minh của đêm chưa tàn và ngày chưa rạng,  mầu đỏ của lá cờ làm cho tôi lạnh cả gáy, tỉnh cả người.
Tôi cuống cuồng hô lính đi kiếm cờ. Cờ với lại chả quạt. Tôi nghĩ ngay lập tức cái trò ăn mảnh này thì tụi tôi yếu thấy rõ. Chơi bằng súng với đạn thế mà coi bộ dễ chịu. Cái trò cắm cờ này thì đào đâu ra cờ bây giờ. Nửa giờ đồng hồ sau tụi tôi moi được một cái cờ to bằng hai… bàn tay chéo. Một thằng lạc đà kiếm được một cái que. Thôi thì có còn hơn không. Cái cờ không nhìn đến thì thôi, nhìn đến thì chỉ muốn ra phơ cái cờ bằng hai cái chiếu kia ra làm trăm mảnh. Nó đỏ rực rỡ quật vào mặt mình từ tuốt đàng xa những cái tát trái muốn bật ngửa.
Sau này trở về chỗ đóng quân có tính cách lâu dài. Tôi vì tự ái cũng có, vì sĩ diện cũng có, tụi tôi cố kiếm cho được một cái cờ có kích thước sáu tấc, một mét so với cái cờ cách đó không xa với kích thước là hai mét, ba mét. Khỏi phải nói thì bác cũng biết là tôi nghĩ gì. Đã thế gió Lào quất suốt ngày nên chỉ một tháng sau cờ của bọn tôi tua ra như những cái bao bố tời. Cờ của họ lúc nào cũng tươi rói, rực rỡ, ngạo nghễ bay trong nắng và gió.
Lính tráng của cả hai bên cắm cờ khắp nơi, từ trong rừng cây ra tới những cồn cát, từ những ngôi nhà bỏ hoang tới những túp lều ở tạm. Khôi hài nhất là quanh vị trí đóng quân để cho khỏi phải thay cờ hoài hủy, mấy ông chiến tranh chính trị của ta đã lấy những tấm tôn cắt thành hình lá cờ bay, trên đó vẽ màu vàng với ba sọc đỏ. Cờ làm bằng tôn mà lại còn uốn hình gợn sóng ra dáng đang tung bay trong gió trông mới diễu làm sao. Qua vài cơn mưa, cùng với ít ngày nắng dữ là mầu mè bay hết, trông thấy muốn cười cũng không cười nổi, bác ạ…Thật đúng là sáng kiến hết thuốc chữa của chiến tranh chính trị.
Trở lại với đêm ngưng bắn đầu tiên vừa tỉnh dậy. Một người bộ đội mang đến cho tôi một tối hậu thư, mà người gửi là Trung tá Phạm văn Đính, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 56, Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Trung đoàn này đã đầu hàng địch vào đầu mùa hè 72. Tối hậu thư đó cho tôi biết là tôi phải rút khỏi nơi này, hay là trở về với “nhân dân”, như ông ta đã làm trong năm 72. Nếu không tôi sẽ bị tấn công, kể cả tấn công bằng chiến xa. 
Để hỗ trợ cho tối hậu thư này buổi trưa tôi nhìn thấy hai chiếc T-54 chạy loăng quăng gần chỗ tôi đóng quân. Cát bay mù trời, chiến xa chạy tới chạy lui như những con cua khổng lồ từ biển bò vào. Hai chiếc chiến xa đậu trên hai ngọn đồi cát thấp, cách chỗ tụi tôi không đầy một trăm thước. Tôi soát lại thấy tụi tôi còn có một ống M-72 duy nhất…
Giờ của tối hậu thư là 12 giờ đêm nay. Đêm thứ hai kể từ lúc ngưng chiến có hiệu lực. Tôi còn biết làm gì hơn là chờ. Và nên nhớ là chờ với một cái lệnh không được nổ súng. Đứa nào nổ súng là ra tòa án quân sự cấp kỳ. Trong bóng tối của đêm ngưng bắn đầu tiên, tôi trằn trọc suy nghĩ. Từ vị trí một sĩ quan cấp thấp, tôi nhìn ngược lên trên trong hàng ngũ chỉ huy, tôi cảm thấy tụi tôi có thể ra tòa thật sự chứ không nói dỡn. Bởi vì đã ngưng bắn rồi, ai cũng sợ trách nhiệm. Tôi như một con hổ đã bị lọt vào trong một hẻm núi, trước mắt là cái hố sâu, sau lưng là những tên thợ săn reo hò tở mở, đèn đuốc thì sáng rực cả một góc rừng.
Khoảng tám giờ tối hôm đó tụi tôi được lệnh rút. Mà dường như Cộng Sản cũng để cho tụi tôi rút một cách an toàn. Chứ nó đánh thật thì tụi tôi chỉ còn… củ cải và hai trái lựu đạn để chọi tụi nó mà thôi. Mang có mấy trăm viên đạn thì đã tố cạn láng trong suốt ba mươi giờ chiến đấu cật lực. Đã có lúc tụi tôi phải mượn súng… Tầu  bắn Chệt rồi. Không thể tiếp tế nổi trong hoàn cảnh và địa thế… da beo, da cọp, nửa dơi, nửa chuột này.  

*

3-
Tôi lại rút về sau sông Thạch Hãn, cách đó khoảng một cây số. Đêm lại nghe mấy thằng thợ hát nhà quê bốc thơm đời lính, nghe thối không chịu nổi. Mấy cái thằng nhà quê, thất học, lại không biết gì về đời lính, mà cứ ca tụng đời lính này sẽ chỉ làm cho người lính xa lạ hơn, nhơm nhếch hơn, xấu xí hơn. Thế mới biết cái chiến tranh chính trị của chúng ta nó là một cái gì đó chẳng ra làm sao cả… 
Tụi tôi đóng giữa những cồn cát, xa xa lơ thơ mấy cái lều tranh, mấy nóc nhà của dân tị nạn Cộng Sản chán trại tị nạn mò về dựng lều ở tạm. Cái hồi đó gió ở đâu mà nhiều thế. Gió Lào nóng như điên, gió Trường Sơn lại lạnh đến độ bác tha lỗi, nó teo cả cái đó lại. Ban đêm mỗi lần đi tiểu mò muốn chết mới thấy của nợ. Mà đúng là của nợ thật, hăm lăm hăm sáu tuổi đầu. Sinh lực thì đang ở vào cái lúc phương cương nhất, đêm đêm nằm xem những trái hỏa châu thỉnh thoảng vọt lên trời cao, nở ra trong đêm tối soi sáng những ngọn đồi cát, những bụi cây rừng. Đẹp thì có đẹp nhưng mà buồn và chán không chịu nổi. 
Đã thế lại còn điên tiết lên vì những bài ca tụng lính rẻ tiền của các cậu Hùng Cường, Nhật Trường, ủng oẳng vang lên từ mấy cái radio nhỏ bằng bàn tay của mấy thằng em nằm gần. Có lần tôi ngứa mắt đá mẹ nó cái radio văng đi. Mẹ kiếp đang nằm phơi súng mà cứ ra rả cái kiểu “…Anh ở đâu thì em đó…” hay “…Anh là lính đa tình…” thì thật đúng là giết người ta mà không cần bóp cò súng rồi còn gì nữa.
Vị trí đóng quân của hai bên cách nhau đâu có xa gì cho cam. Buổi chiều khói thổi cơm của cả hai bên trông thấy rõ mồn một. Cả hai bên cùng lấy nước ở một khúc sông, một dòng suối hay là một con lạch. Buổi chiều nhiều khi nghe trong gió tiếng bộ đội Cộng Sản đánh bóng chuyền reo hò vang cả một góc núi. Thế có lộn tiết không? Hai bên cách nhau có một cái hàng rào kẽm gai sơ sài, lính gác hai bên mặt đối mặt chỉ cách nhau chưa đầy ba thước. 
Gọi là hàng rào cho nó oai, chứ thật ra nó mong manh giống như hồi nhỏ chơi trò chiến tranh, vẽ một đường phấn xuống đất là đã có địa giới cho cả hai bên bắn súng miệng rồi.
Cả hai bên án binh bất động trong vài ngày đầu. Tình cảnh như thế mà bảo tôi không vi phạm e rằng cũng khó, huống hồ là mấy thằng  trời đánh. Những vi phạm ban đầu mới chỉ liên quan đến cờ với lại chả quạt. Bên này nhổ cờ của bên kia, bên kia nhổ cờ của bên này. Tố qua, tố lại mãi thì có ngày vi phạm bằng súng. Thôi thì có chơi có chịu.
Cứ nhì nhằng như thế cho tới năm 75, ngày quân ta mất Ban Mê Thuột. Tới đó thì bác đã biết những gì bác đã làm trong cơn mê. Phần tôi thì cơn mê ập tới lẹ đến nỗi bây giờ gần hai mươi năm qua đi, tôi vẫn còn tưởng như nó mới xẩy ra không lâu…
…Cái tháng tư năm 75 đó nó đến một cách kỳ cục. Lạ một điều là trước khi có những cơn giông thì bầu trời làm như oi ả, im phăng phắc. Trong chiến trận cũng vậy, trước khi bom đạn nổ ra tơi bời hoa lá thì những ngày cuối tháng hai cho tới đầu tháng ba 75 hầu như chỗ tôi đóng quân là một chỗ thanh bình. Đêm đêm nằm ở nơi gió cát địa đầu, tụi tôi lắng nghe tình hình chiến sự vùng hai qua mấy cái đài BBC, VOA thổ tả, khỉ gió. Đánh chác cái mẹ gì mà lạ thế này.
Đùng một cái tụi tôi được lệnh bỏ vị trí hành quân rút về phòng thủ Huế, rồi từ Huế lại di tản… chiến thuật về Thuận An. Ở Thuận An chính mắt tôi đã nhìn thấy những điều mà tôi không bao giờ quên được. Cái cảnh chen lấn để xuống tầu Hải Quân ở ngoài bãi biển(1). Đến bây giờ tôi vẫn còn uất vì cái khoảng thời gian ngắn ngủi này. Uất vì chẳng hề nghe các… đại bàng ra lệnh đánh gì cả.  Có được bắn phát nào đâu. Mà rồi cũng chẳng thấy… đại bàng với lại… mặt trời gì cả. Qua cái máy truyền tin lệnh của mấy đại ca chỉ là… rút, rút và rút. Điệu này thì đến cả cái ruột của bọn tôi người ta cũng sắp… rút ra luôn. Nằm cứng ở bãi biển nhìn chiến xa của mình trong cơn hoảng loạn, chạy cán bừa lên lính của mình. Máu của bên ta do bên ta gây ra đỏ ngầu một vũng biển, nhiều xác người lềnh bềnh…
Bọn chúng đến vồ tụi tôi trọn gói ngay tại bờ biển. Tụi tôi được áp tải ngược trở lại phía Bắc, giam giữ trong những doanh trại cũ của Cộng Sản, bỏ lại đằng sau trong khi truy kích quân ta. Ai thì tôi không biết, chứ riêng tôi thì Sài Gòn vẫn còn, miền Nam vẫn còn. Xui thì bị bắt, năm 73 đã từng trao đổi tù binh của hai miền. Ăn cơm nhà pha Việt Cộng một thời gian thử coi răng của mình có cứng không.
Ở tù ai mà chẳng buồn, nhưng rồi cũng chẳng sao, sẽ có ngày về làm lại. Trong thời gian này tuị tôi được coi là tù binh, được chúng đối xử theo quy chế giam giữ tù binh, ăn uống đầy đủ bẩy trăm gram gạo một ngày. Có một buổi tối một tên chính trị viên Cộng Sản tới nói chuyện với tù binh tụi tôi. Trại này giam giữ những tù binh có cấp bậc từ trung úy tới trung tá. Tên chính trị viên này hỏi:
”Trong số các anh có ai đã từng tham gia một hoạt động nào có ích cho Cách Mạng?
Bẩy, tám cánh tay rụt rè đưa lên. Tên chính trị viên chỉ một người và hỏi đã làm gì thì được viên sĩ quan của mình trả lời ông ta là trung tá, coi Quân Tiếp Vụ đâu ở Huế hay là Đà Nẵng gì đó, ông chống lại ông Diệm. Tên chính trị viên này nói một cách mỉa mai: 
“Như thế là các anh tranh ăn chứ không phải là hoạt  động cho Cách Mạng”. 
Hắn chỉ một người thứ hai và hỏi đã làm gì, người này nói là đã đi theo bộ đội kêu gọi binh lính ra đầu hàng khi họ đánh chiếm Đà Nẵng, tên chính trị viên này trả lời là: 
“Như thế là anh theo đuôi chứ không phải là Cách Mạng. “
Mấy cánh tay dơ lên rụt rè bây giờ lại rụt rè hạ xuống.  Tôi được gọi lên làm việc, sau phần khai lý lịch tên chấp pháp hỏi tôi là đã tham gia bao nhiêu cuộc hành quân. Tôi trả lời là một. Hắn hỏi tiếp là đi lính lên tới Trung úy mà sao lại chỉ có một cuộc hành quân mà thôi. Tôi trả lời là tôi hành quân từ ngày mới ra trường cho tới bây giờ cuộc hành quân vẫn chưa chấm dứt. Hắn hỏi tiếp đã giết bao nhiêu quân Cách Mạng? Tôi trả lời có đếm đâu mà biết.
Thời gian đó tôi đinh ninh rằng miền Nam sẽ mãi mãi còn đó. Tôi bị bắt cùng binh sĩ. Thầy trò, anh em, trông xuống, quân nhân các đơn vị khác nhìn vào thì phải cố mà giữ mình cho bảnh. Tuyệt không để cho Cộng Sản mỉa mai cái kiểu tranh ăn với lại theo đuôi. Nó nhơm nhếch, mất tư cách. Chẳng gì cũng là quan hai Thủy Quân Lục Chiến. Đây là lúc phải cho chúng thấy phẩm giá của mình, phong thái của mình. Kỳ dư mọi chuyện khác hậu xét.  Tụi tôi bị bắt đâu được một tháng. Ngày ngày chúng đánh đòn cân não, mở máy phóng thanh nghe điếc cả tai. Tất nhiên là đài của chúng nó nên nhờ vậy mà tôi không tin quân ta lùi chi mà lẹ thế. Mới hôm trước Qui Nhơn là ải địa đầu, hôm sau bộ chúng có cánh hay sao mà bay qua khỏi Tuy Hòa, nhẩy vô tới tận Nha Trang làm chủ. Án một cánh quân ở đèo Đại Lãnh thì chúng có mọc cánh cũng phải rụng đuôi mới có thể làm khó Nha Trang được. Lúc này mà tụi chúng cho bọn tôi nghe đài BBC hay VOA chắc là sẽ có thêm khối người tự tử.
Ngày 30-4-75. Tôi đang ngồi lơ mơ nghĩ ngợi vớ vẩn về tình trạng rối mù của trận chiến. Cái loa quái ác ở ngoài đang thuật chuyện chiến trường, mà cứ y như là ký giả Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh đá banh không bằng. Lúc này tôi hút thuốc lào đã nhuyễn lắm. Tôi vê một điếu thuốc cho vào nõ. Tay kia cầm một cái đóm đã châm lửa. Đột nhiên trên loa phóng thanh nghe rõ mồn một tiếng Tổng Thống Dương văn Minh hạ lệnh cho quân đội thôi chiến đấu, chờ bàn giao đơn vị, doanh trại cho Cộng Sản. 
Thế là đầu hàng rồi còn gì nữa. Còn đâu là Sài Gòn, niềm hy vọng cuối cùng của tất cả chúng tôi. Chúng tôi mới bị bắt chỉ trong vòng một tháng, thế mà đã ra nông nỗi này. Cái điếu cầy tuột ra khỏi tay rơi xuống đất mà tôi không hay, lửa trên cái đóm cháy tới tận ngón tay mới biết. Nước mắt tôi ràn rụa. Tôi bỏ vào nằm vật trên giường, chìm đắm trong một nỗi tuyệt vọng vô bờ.  Việc ở tù thì bác cứ đọc cả chục quyển hồi ký của những sĩ quan đi học tập cải tạo là đủ biết. Tôi chỉ muốn nói thêm một việc đó là những ngưòi làm ăng ten trong tù. Tất nhiên là phải có. Nhưng có một lần… Tôi phải chuyển phòng, cái tên nằm giường bên cạnh đeo tôi như bóng với hình. Một đêm kia tôi tỉnh dậy đi đái, tên đó cũng theo tôi đi đái. Trong lúc cả hai đang… vẩy, nó nói với tôi nhẹ như hơi thở: 
“Anh Huy ơi, có làm bất cứ cái gì cho em làm theo, kể cả  trốn trại. Tụi nó muốn em theo dõi anh. Anh phải cẩn thận.” 
Việc đó cho tôi biết có những người cam tâm làm ăng ten để được về sớm. Cái vụ về sớm do làm ăng ten này tôi cũng nghi lắm. Đã có thằng hèn muốn làm ăng ten tình nguyện như thế, thì tội gì mà cho về sớm. Cho nó hưởng một chút ơn mưa móc để mà dùng bề lâu, bề dài có khi còn tốt hơn là phải tuyển một thằng khác. Vả lại cũng cần phải cho tù căm thù, nghi ngờ lẫn nhau thì cai tù dễ nắm tình trạng trong tù hơn. 
Tuy vậy cũng có những người bị bắt làm ăng ten như cái anh chàng đứng đái với tôi chẳng hạn. Khó có thể từ chối khi mạng mình ở trong tay người, nhưng tôi nghĩ có thiếu gì người nhận mà không làm. Tất cả do bản chất con người hèn hay không hèn mà ra. Cũng phải nói thêm là còn do biết dùng hay không biết dùng cái đầu… Trong những quyển hồi ký sau này tôi đọc được ở đây, có nhiều quyển… tức cười lắm. Nhưng tôi nghĩ chẳng nên làm mất hòa khí… …Như bác đã biết năm 1954 tôi vào Nam với mẹ. Cha ở lại ngoài Bắc, ông có tham gia Nhân Văn Giai Phẩm nhưng không phải là một tên tuổi lớn mà cũng đã nhòe cả người ra. Năm 80, tôi nhận được giấy tha. Cũng trong thời gian này bố tôi là một cán bộ hoạt động trong ngành văn hóa. Ông được đi công tác Quảng Trị, nên nhân đó mà đi thẳng tới Huế đón gặp tôi.
Ngày xa đất Bắc tôi mới có sáu bẩy tuổi gì đó, chưa gặp mặt cha. Cha con xa nhau gần ba mươi năm mới gặp lại lần đầu. Tôi từ nhà giam ở Bình Điền mò ra, năm năm trong câm nín, năm năm trong u hoài. Gần ba mươi năm… cha và con, cha và con. Tôi gặp lại bố tôi ở Huế, hai cha con đi ăn chè tại một quán chè bên bờ sông Hương. Con sông này mấy năm nay hình như con nước trôi cũng… chậm chạp, lững lờ hơn trước.
Hai bố con đang ăn. Ông cụ buông thìa nhìn tôi hỏi: 
“Chắc là mày ghét Việt Cộng lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn thế này?” 
Tôi trả lời ngay lập tức:
“Ghét thì không ghét gì, nhưng mà bắn được thằng nào đỡ thằng ấy”. 
Ông bố tôi trầm ngâm một chút rồi hỏi: 
“Như vậy là mày bắn cả bố mày à”? 
Tôi cũng trả lời ngay lập tức: 
“Bắn chứ, ở ngoài mặt trận thì phải bắn để mà sống chứ, với lại có biết ai là bố đâu”?
Đó là lần duy nhất hai bố con gặp gỡ nói chuyện. Tính ra từ năm 54, tôi theo mẹ vào Nam cho tới khi xuống ghe vượt biên hai bố con nói được có vài câu lại chẳng ra làm sao cả… Tôi không phải không muốn dịu dàng với người đã sinh ra tôi. Bố tôi thì như bác đã biết, đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm thì chắc cũng chẳng ưa gì Cộng Sản. Nhưng cái hoàn cảnh gặp nhau nó kỳ cục quá. Chính tôi đã không được sửa soạn tâm lý, lại cộng với những năm tháng trong tù bề gì cũng đã ảnh hưởng tới phản ứng sốc nổi của tôi. Những dòng chữ muộn màng do bác ghi lại tại đây, ông bố tôi cũng sẽ không bao giờ được đọc. Thôi, hãy đậy nó lại, viết ra chẳng giúp được ai mà chỉ làm cho tôi vỡ ra thêm một lần nữa…   

*
4-
Năm 84 hai anh em chúng tôi gặp lại sau hơn mười năm xa cách.
Lúc này Huy đã có vợ con, đã đem được vợ con sang Mỹ sau một chuyến vượt biên đầy bất trắc. Chúng tôi ở chung với nhau trong một khoảng thời gian khá dài. Trong khoảng thời gian này tôi nhìn người em mà không phải là… em với thật nhiều đau sót.
Thoạt kỳ thủy Huy làm sơn sửa xe bị đụng với một người bạn nhà binh cũ. Mặt mũi lúc nào cũng đầy bụi sơn. Có một lần khi tôi đến thăm tại chỗ làm việc tôi thấy Huy đang chui ở gầm xe. Tất nhiên đi làm lao động ở xứ người thì ai cũng như ai, nhưng tôi vẫn cảm thấy ở Huy có cái gì bực bội. Vài tháng sau Huy đi sửa chữa tủ lạnh với người bạn học thời thơ ấu. Lại mình trần trùng trục, trời nắng chang chang đi khênh những cái tủ lạnh cũ. Làm thợ vịn nào có khó gì ngoại trừ cái sức đủ để hai người khênh một cái tủ lạnh từ trong nhà ra tới xe truck.
Vài tháng sau Huy bỏ việc tủ lạnh. Lần này anh mặc đồ đẹp đi làm văn phòng phụ tá pháp lý. Kỳ này chung, cả hai cùng làm chủ… Cha chả, làm chủ coi bộ vậy mà khó. Cái nghề phụ tá pháp lý này lúc nào cũng đòi hỏi người ta ngọt như mía lùi, mà ông em tôi thì mặt lúc nào cũng lừ đừ như ông Từ giữ đền. Cọ sát với nghề vài tháng nữa Huy lại bỏ. 
Người bạn cùng làm chủ với Huy và cũng là người bạn đồng thuyền, do Huy tổ chức khi vượt biên kiên nhẫn theo nghề phụ tá pháp lý. Bây giờ anh ta có gia tài nghe đâu cũng cả triệu đô la kể cả nhà cửa, xe cộ, nhẫn hột soàn… Nghe đâu bây giờ anh ta bắt đầu mon men đi làm… chính trị. Ở ngoại quốc này chúng ta làm chính trị dễ, yêu nước cũng dễ, làm văn chưong cũng dễ. Lấy nhau cũng dễ, bỏ nhau cũng dễ. Làm thương mại cũng dễ, khai phá sản cũng dễ. Nói tóm lại ở đây cái gì cũng dễ, chỉ trừ có một tấm lòng chân thật là hơi… khó chút xíu.
Có một dạo Huy hay tụ họp với những người bạn nhà binh cũ. Người ta có thể đuổi Huy ra khỏi Quân Đội, đạo quân mà Huy đã giữ vai trò những người tiền đạo rồi cũng tan biến đi. Nhưng không bao giờ người ta có thể lấy lại cái chất Quân Đội ra khỏi con người Huy. Anh như bị ám ảnh bởi lá cờ.
Lá cờ đã phủ vào mặt biết bao nhiêu bằng hữu. Dạo ở tù, có nhiều tên quản giáo lấy cờ của Miền Nam may quần đùi. Đã có nhiều sĩ quan trẻ phản đối và bầy tỏ lòng bất phục, cho dù có bị hành hạ, biệt giam. Những phản ứng này đã làm cho những tên quản giáo phải thôi không dám khinh khi những người thất thế. Lá cờ như một ám ảnh không bao giờ nguôi trong lòng Huy. Dần dần tôi biết ông em tôi đang vận động xây một cái cột cờ trong khu buôn bán.
Cột cờ xây xong, mời mấy ông…tướng tới dự lễ khánh thành, thì được mấy ông Quảng Lạc này cho biết hễ có ông A thì không có ông B. Chính những ông tướng A, B, C này là những người nhờ cái cờ này mà đã mang lại biết bao nhiêu lợi nhuận nơi quê nhà. Bây giờ sang đây  lá cờ đã không còn cung ứng được chút nào tiền bạc cũng như địa vị thì các vị đó lẩn. 
Tôi rất muốn nói với Huy một điều là hãy để lá cờ đó nằm yên trong tâm khảm. Nếu nó linh thiêng thì nó đã khắc trong trái tim ta, không cần phải vẽ lên áo dài, vẽ lên cà vạt. Cũng không phải cần vẽ lên trán đi biểu tình như một trò hề rẻ tiền nào đó. Dựng một cái cột cờ thì dù muốn hay không, cũng có vài anh hoạt đầu thò mặt vào ăn có. Những người thiện chí thật dần dần bỏ đi.  
Bây giờ ở đâu người ta cũng thấy vo ve những lời nói rỗng tuếch, những khẩu hiệu đã cũ như một món đồ chơi bị vất trong các kẹt tủ. Lịch sử cũng như thời gian không bao giờ đứng lại. Chỉ có những con người đứng lại bám chặt vào một cái cọc của lịch sử, ôm riết lấy một cái mốc thời gian. Những con người đó giống như lớp rêu xanh mướt, nhờn nhờn và bẩn. Những lớp rêu này chỉ làm mục cái mốc thời gian hay cái cọc của lịch sử không hơn kém. Những con người bám chặt vào quá khứ này lúc nào cũng hò hét. Lạ một điều họ không bao giờ biết là chính họ đang bị thời gian cũng như lịch sử đào thải.
Hôm khánh thành, có làm lễ rước quốc kỳ và quân kỳ. Ông em tôi quần áo nhà binh bảnh chọe, trông cứ như…lính thật. Đến khi thượng kỳ Huy thấy là cờ trong tâm khảm của Huy nhỏ, treo ngang với lá cờ của tiểu bang. Trên cao hơn một chút là lá cờ Mỹ to và ngạo nghễ bay trong gió. Từ đó tôi không thấy Huy nói gì về những ngày thứ hai có làm lễ thượng kỳ, hát quốc ca. Những người có lòng thật lại từ từ lẩn vì…ngượng. Cái dòng xe hơi dài bất tận đã át đi những lời ca trong nhịp sống vội vàng.
Tôi rất nhiều lần muốn nói với Huy, là lịch sử không bao giờ đứng yên. Trên đà đi tới của lịch sử rất có thể một lá cờ khác sẽ xuất hiện. Lá cờ mới này sẽ thay thế tất cả những lá cờ đã cũ. Nhưng với Huy tôi hiểu được một điều cho dù sẽ có thể có một lá cờ mới, đủ sức quy tụ mọi thành phần dân chúng từ Nam ra Bắc thì trong tận đáy lòng Huy, vẫn sống mãi lá cờ đã phủ lên mặt rất nhiều đồng đội.

*
5-
Những năm gần đây ông em tôi chơi… bạo. Ông đi làm báo, viết văn. Quyển “Tháng Ba Gẫy Súng” không phải là một kiệt tác văn chương, nhưng là một kiệt tác của lòng thẳng thắn, và sự chân thật. Huy viết về những năm tháng sau cùng trong cuộc đời quân ngũ của Huy. Huy viết về cái xấu và tốt của chính Huy một cách thản nhiên, không rào đón, không phóng đại. Huy không bao giờ tự nhận là đang làm văn chương. Nhận hay không nhận thì cái đó thật ra cũng chỉ có giá trị tương đối. Nếu nghĩ rằng văn chương chính là đời sống được thể hiện trên giấy, thì Huy đang sống lại một lần nữa đoạn đường chiến binh anh đã trải qua trong suốt tuổi thanh xuân của anh.
Trí nhớ của anh về những phút vinh quang thì ít. Bởi vì đời của một người lính thật sự, một người lính đã tan nhà, vỡ nước thì làm  gì có được nhiều phút vinh quang. Có điều những nhục nhằn thì dường như lúc nào cũng đeo đuổi, ám ảnh Huy, y hệt như lá cờ to bằng…hai bàn tay chéo. Những nhục nhằn này đã chiếm hầu hết toàn bộ đời sống Huy khi còn ở quê nhà. Sau “Tháng Ba Gẫy Súng” anh đang chép lại một hồi ký khác, vẽ lại một đoạn đời khác: Đó là toàn bộ trận đánh Cửa Việt, mà một phần thật nhỏ hình ảnh đã được dùng để viết nên những giòng chữ này. Sẽ là một toàn cảnh của trận đánh với sự đóng góp của những nhân chứng hiện còn sống và đang có mặt rải rác nơi đây.
Cầu mong Huy sớm hoàn thành tác phẩm thứ hai này.  Chúng tôi giao tình với nhau đã ba mươi năm có lẻ. Trước kia Huy gọi tôi là anh, bây giờ vẫn vậy. Nhưng tôi hiểu tôi thật không xứng với chữ anh này.   

California, tháng Bẩy 1993  
Hoàng Khởi Phong

[ Trích Cây Tùng Trước Bão, Nxb Thời Văn 2001 ]
* Trích hồi ký “Tháng Ba Gẫy Súng” của Cao xuân Huy, do nhà xuất bản Văn Khoa phát hành vào năm 1986.    

Ghi chú thêm về Cao Xuân Huy trong đời sống hiện tại, 1993  
Từ khi chúng tôi gặp lại nhau nơi đất khách quê người, tôi và Cao Xuân Huy gặp nhau thường xuyên, vì chúng tôi là anh em họ… Hồng Bàng. Có một thời gian chúng tôi chung sống với nhau dưới một mái nhà trong thị xã Garden Grove. Thời gian này ngoài vợ chồng Cao Xuân Huy, còn có bố con Nguyễn Mộng Giác. Năm 1985, tờ Văn Học được hình thành từ căn bếp của ngôi nhà này. Và cũng tại căn nhà này Cao Xuân Huy hoàn tất những trang bản thảo đầu tiên của cuốn ”Tháng Ba Gẫy Súng”, với sự khích lệ của Nguyễn Mộng Giác và tôi. Có một thời gian dài bằng hữu tự khắp nơi về chơi, và ngôi nhà này hệt như một trại tị nạn. 
Ngày chúng tôi ở chung với nhau, hai cháu gái con Huy đứa lớn còn đang học Tiểu Học, đứa nhỏ mới tập nói bi bô, giờ đây cả hai đã là những thiếu nữ đầy tương lai. Cháu lớn đã hoàn tất 4 năm dự bị y khoa, và cháu nhỏ thì đã sắp xong Trung Học. Thu nhập chính của gia đình có được, do sự cần cù nhẫn nại của Minh, vợ Huy đảm trách. Phần Huy, anh đi làm buổi đực, buổi cái, bữa có, bữa không. Cái gì Huy cũng làm, cái gì cũng không làm, thành thử gia đình Huy sống một đời sống không dư giả, nhưng không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm, yên vui.   
Có một thời gian Huy làm kỹ thuật cho báo Người Việt. Mỗi ngày tôi và Huy thấy nhau một lần, thế nhưng có khi cả tuần không có chuyện để nói. Tôi biết tự đáy lòng Huy vẫn là một người lính đúng nghĩa. Anh sống với quá khứ nhiều hơn hiện tại. Bất kỳ ai trước kia đội nón xanh của TQLC cũng là bạn của Huy. Chính vì quảng giao như thế, anh viết rất chậm, bởi vì những người lính cũ gặp lại nhau, có bao giờ thiếu những cữ nhậu long trời lở đất. Đã có lần anh bị phạt cấm lái xe trong vòng 6 tháng, cùng với 1,800 đô la về tội lái xe với một lượng rượu khá cao trong người. Anh viết càng chậm hơn nữa vì anh viết rất kỹ, mỗi truyện ngắn sửa đi sửa lại năm lần, bẩy lượt.  
Anh đang chúi mũi vào một cuốn tự truyện, mà tôi tin rằng sẽ tạo được một chấn động mạnh hơn ”Tháng Ba Gẫy Súng”, bởi vì trong cuốn tự truyện này người đọc sẽ được nhìn thấy Cao Xuân Huy, trong hai tư cách nhà văn và người lính. Cuốn tự truyện khởi đi từ một “lý lịch trích ngang”, của một người lính thất thế bị cầm tù. Để từ đó bước trở thành một nhà văn lưu vong, trong một cộng đồng tị nạn mà mọi điều đều có thể làm giả, kể cả nhà văn. Tôi tin chắc cuốn sách sẽ mang đến cho người đọc nhiều sự thật, về những “hiện tượng” văn học hải ngoại trong thời gian xáo trộn gần đây.   Phải chi tôi là “anh thật” của Huy, tôi sẽ lạm dụng vị trí của tôi, để thúc Huy viết cho xong cuốn tự truyện của anh. Nếu cuốn sách đó chưa hoàn tất, Huy khó có thể bình tâm làm bất cứ một công việc gì.  
Tôi và Huy biết nhau từ ngày Huy còn học Trung Học. Thoắt một cái hơn ba chục năm đã qua đi, cả hai chúng tôi đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh”. Quãng đời còn lại của chúng tôi không còn dài, tôi tin rằng Huy đã trải qua một cuộc đời nhiều sóng to, gió lớn, giờ đây con cái đã lớn, anh sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn, để hoàn tất những gì anh còn đang bỏ dở.    
.
.
.

No comments: