Tuesday, November 16, 2010

TẢN MẠN VỚI CAO XUÂN HUY (Tưởng Niệm Cao Xuân Huy)

15.11.2010

trích từ Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thủy


Trong chuyến bay Boston-Las Vegas-Orange County, tôi được biết Hoàng Khởi Phong sẽ ra đón tôi tại phi trường. Tại chỗ lấy hành lý, Hoàng Khởi Phong vui mừng vỗ vai tôi và bảo: “Cao Xuân Huy cũng ra đón ông đấy, anh chàng phải chạy xe lòng vòng ở ngoài kia vì không có chỗ đậu.” Chúng tôi trở ra, một chiếc xe đen tấp bên lề và anh chàng tài xế thò đầu ra. Tôi bỗng nhận ra một nét quen thân mà không sao nhớ nổi. Khi về tới nhà, đặt va ly, Cao Xuân Huy nói với tôi: “Tôi còn giống một người mà ông quen thân ở Hà Nội đấy! Tôi chính là con trai ông Cao Nhị, bạn của các ông.” Trời! Tại sao lại có chuyện lạ như vậy. Cao Nhị là một bậc đàn anh của chúng tôi. Trong làng điện ảnh, giới văn chương và báo chí Hà Nội ai mà chả biết ông. Ông viết văn, làm thơ, làm báo, sống tưng tửng giữa đời bọn trẻ chúng tôi rất quý trọng và cảm mến ông. Tôi biết tất cả những người con của ông hiện ở Hà Nội. Còn Cao Xuân Huy này, người tự nhận là con ông Cao Nhị này, tôi chưa một lần nghe nói.

Trần Văn Thủy (TVT): Cao Xuân Huy này, ông nói cho mình nghe đôi điều về đường đời của ông.
Cao Xuân Huy (CXH): Trước kia, tôi là trung úy Thủy Quân Lục Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bị bắt làm tù binh cùng với cả đơn vị khi cuộc lui binh khỏi Quảng Trị không thành công vào cuối tháng Ba năm 75, tại bờ biển Thuận An, Huế. Việc này tôi đã viết khá chi tiết trong quyển hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”. Cuối năm 79, tôi được thả ra khỏi tù vì hết khả năng lao động. Tôi vượt biên đến Mỹ cuối năm 83. Dọn nhà nhiều lần và làm nhiều nghề. Nghề nào cũng là chuyên viên cấp “thợ vịn”. Nghề nào tôi cũng cố gắng học hỏi, nhưng cố gắng đến đâu, tay nghề cũng chỉ vừa đủ để sai vặt. Mỗi nghề làm một vài năm, chỉ tạm sống qua ngày. Tôi dính vào nghề làm báo như một run rủi, không lựa chọn, cũng không học hành gì cả, vậy mà tôi đã sống với nó hơn mười năm nay, và chắc là tôi còn sống với nó cho đến hết đời, anh ạ.

TVT: Ông đi vào con đường viết văn, làm báo bằng cách nào?
CXH: Số là thế này. Khi mới đến Mỹ, tôi ở nhờ nhà của Hoàng Khởi Phong, một người bạn từ ngày xưa mà tôi coi như người anh. Trong một buổi uống rượu với mấy người bạn cùng đơn vị cũ, chúng tôi kiểm điểm xem đồng đội ai còn ai mất, nhắc lại những kỷ niệm trong cuộc lui binh ở Thuận An. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác lúc đó cũng ở chung nhà, ngồi nghe. Sáng hôm sau Nguyễn Mộng Giác hỏi tôi sao không viết lại chi tiết. Tôi đưa cho Nguyễn Mộng Giác hơn một chục trang viết tay – nhưng vì Hoàng Khởi Phong chê, tôi nghĩ mình viết dở nên không viết nữa – anh Giác tự động mang đăng báo và bắt tôi viết tiếp. Tựa cho quyển hồi ký này, tôi đặt là “Ngày Gãy Súng”, nhưng khi đăng báo, Nguyễn Mộng Giác đặt lại là “Tháng Ba Gãy Súng”. Tôi trở thành “nhà văn”. Nhà văn khơi khơi vậy đó.

TVT: Động lực gì đã thúc đẩy anh cầm bút? Phải chăng là gen của ông già?
CXH: Tôi viết vì bực mình anh ạ. Một anh – có thời đã từng làm Thủ Tướng của miền Nam chúng tôi – vào những ngày cuối tháng Tư 75, kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu, nhưng chính anh ta lại “tếch” đi Mỹ ngay sau khi hô hào. Ở Mỹ, anh ta vẫn tiếp tục ồn ào trên báo chí: “Làm mất nước là tội chung của mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé.” Đọc thấy câu này, tôi văng tục. Những thằng lưu manh thường lớn họng, những thằng hèn thường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của… người khác. Tôi là một trong những “người khác”, đánh nhau đến viên đạn cuối cùng để rồi bị bắt, bị tù đày vì những thằng lưu manh, hèn hạ đó, và bây giờ vẫn tiếp tục phải thấy và phải nghe những điều chó má như thế. Tôi viết là vì vậy.
Quyển “Tháng Ba Gãy Súng” của tôi nhà xuất bản trình bày xấu và có nhiều lỗi đánh máy. Tôi bực mình – lại bực mình – mua computer về mầy mò vừa viết văn vừa đánh máy và trình bày sách thuê. Từ sách sang báo là một bước ngắn. Dần dần tôi trở thành một tay trình bày sách, báo chuyên nghiệp. Thế là, bỗng dưng tôi thành “đồng nghiệp” với bố tôi. Vì tôi được biết bố là một người làm thơ và làm báo.

TVT: Đúng như vậy, ông già của anh là một người có tên tuổi, được quý trọng trong giới cầm bút ở miền Bắc. Hình ảnh nào về bố đã để lại trong anh?
CXH: Hình ảnh duy nhất tôi có được về bố, là tấm ảnh bố mẹ tôi chụp chung với ông ngoại tôi và một người cậu. Trong ảnh, bố là một thanh niên đẹp trai, tóc cắt ngắn, nét mặt sáng sủa và hiền. Khi di cư vào Nam tôi mới bảy tuổi, chưa gặp mặt bố lần nào, nghe mẹ nói, từ lúc đẻ tôi ra, hình như, hình như thôi, tôi có được bố bế một lần. Năm 54, cậu tôi mang tôi vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội nấn ná đợi bố từ kháng chiến về. Hai cụ gặp nhau. Chuyện người lớn thế nào tôi không biết, đến năm 55 thì mẹ vào Nam, để chị tôi ở lại với bố. Cha con tôi có liên lạc với nhau qua những tấm bưu thiếp, đâu được vài lần thì bị cấm. Từ đó, tôi không còn liên lạc gì được với bố nữa, và khi mất liên lạc với bố, tôi đâu khoảng hơn mười tuổi thì phải. Bố ở lại Hà Nội, lấy vợ khác và có thêm con. Mẹ vào Sài Gòn, cũng lấy chồng khác và có thêm con.

TVT: Rồi sao nữa? Cha con có tìm nhau không? Quan hệ cha con có gì ngăn cách sau ngày thống nhất đất nước?
CXH: Lúc ở tù, tôi không muốn liên lạc với bố, vì không biết ông cụ có nhận thằng sĩ quan ngụy này là con không, đồng thời cũng lại sợ ông cụ sẽ bị liên lụy vì có thằng con “có nợ máu với nhân dân”. Không hiểu tên tôi, thằng con đi Nam, có trong danh sách những người con của bố không, trong khi chính tôi, trong bản khai lý lịch khi đi lính, tôi đã phải khai “bố chết” để tránh những rườm rà chắc chắn là có, với cơ quan an ninh quân đội. Tôi không biết tin tức gì về bố, và tuy rất thèm nhưng tôi không bao giờ chờ đợi có được một sự liên lạc gì giữa hai cha con. Bất ngờ, thật bất ngờ anh ạ, khoảng năm 78, khi ở tù ở Thanh Hóa, đang đốn lim ở một nơi gọi là công trường lòng hồ sông Mực, tôi được cán bộ quản giáo thông báo nguyên văn: “Anh có ông bố vào thăm, ông cụ về rồi, có gửi lại cho anh một ba lô đồ thăm nuôi.” Tôi không được gặp bố và cũng không nhận được cái ba lô “thăm nuôi” ấy. Tôi vừa mừng vừa buồn anh ạ.

TVT: Rút cục, sau đó anh có nhận được cái ba lô không?
CXH: Cái ba lô thăm nuôi lúc đó là cả một gia tài lớn, nhưng tôi không buồn vì không nhận được, tôi lập lại, không nhận được, chứ không phải không được nhận. Cách mạng đã tha tội chết cho tôi. Tội chết cách mạng còn tha, thì cái ba lô thăm nuôi nhằm nhò gì mà cách mạng không “tha”, phải không anh. Kể ra tôi cũng khá thuộc bài đấy chứ, anh nhỉ. Thành ra, tôi chỉ buồn vì đã bị mất một dịp được gặp bố. Dù phải lội bộ bao nhiêu cây số đường rừng mới vào được đến chỗ tôi đang “học tập”, vậy mà bố không được phép gặp mặt tôi. Tức là bố không phải là “nhân dân”, may quá, tôi không có “nợ máu” gì với bố cả.

TVT: Vậy lần đầu, hai bố con gặp nhau là vào dịp nào?
CXH: Lần đầu hai bố con gặp nhau là cuối năm 79, khi tôi ở trại Bình Điền, Huế. Lúc đó tôi đã được thả vì hết khả năng lao động, nhưng vẫn còn bị giữ lại trong trại, nhập vào toán lao động nhẹ để không bị cắt phần ăn. Đang lao động thì cán bộ trại ra bảo tôi vác ghế vào nhà thăm nuôi. Từ chỗ làm đến nhà thăm khoảng hơn trăm thước đường đồi, khi gần đến nhà thăm nuôi, tôi nghe có tiếng phía sau lưng hỏi: “Beng đấy hả?” Tôi giật mình, chỉ có những người trong gia đình mới biết cái tên cúng cơm này của tôi. Tôi quay lại, một ông già tay khoác túi vải, tay cầm cái điếu cày, từ một nhánh đường mòn nhỏ bước ra, lững thững đi sau lưng tôi. Biết ngay là bố mình anh ạ. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra, cổ họng khô đi và như bị nghẹn, không nói được gì. Tiếng “dạ” của tôi hình như không thoát ra khỏi miệng. Bố tôi bảo: “Vào nhà thăm nuôi đã”. Tôi đi mà lòng lâng lâng cứ như say rượu ấy.

TVT: Anh kể tiếp đi.
CXH: Trong nhà thăm nuôi, một cán bộ trại đã ngồi sẵn. Anh biết, bố tôi là người ít nói, và thú thật với anh, tôi cũng ít nói y như ông cụ vậy. “Mày có khỏe không? “Dạ, con khỏe.” “Mày có nhận ngay ra bố không?” “Dạ, con có nhận ra.” “Mày ăn thịt gà đi, thịt gà này chú Phùng Quán làm cho mày đấy.” “Mình có họ với chú Phùng Quán hả bố?” “Không, nhưng chú ấy xem tao như anh.” Tôi xúc động ứa nước mắt, và cảm thấy hãnh diện về ông bố của mình, vì ông thân với Phùng Quán. Trong gần hai tiếng đồng hồ thăm nuôi, cha con tôi chỉ nói vỏn vẹn có thế thôi. Thời gian còn lại là của cán bộ, người cán bộ cứ huyên thuyên với bố tôi về Hà Nội.
Hai hôm sau, khi được thả ra khỏi trại tù, tôi đến tìm bố ở một khách sạn ngoài Huế. Nhìn vẻ hoảng hốt của ông cụ khi thấy tôi trong bộ quần áo tù, ông hẹn tôi vội vàng là đến chiều ra cái quán cóc ở bờ sông Hương, tôi thấy thương bố quá. Buổi chiều tối, hai cha con ngồi nói chuyện với nhau. Đây là lần đầu tiên, tôi đã hơn 30 tuổi, hai bố con nói chuyện thoải mái với nhau. Đủ thứ chuyện lan man, nhưng tôi nhớ nhất câu hỏi của bố, ông vừa cười vừa hỏi: “Mày ghét Cộng Sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?” Tôi nói: “Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó”. “Thế mày bắn cả bố mày à?”

TVT: Trong thời gian chiến tranh, điều gì anh đinh ninh trong vị trí của một người cầm súng?
CXH: Anh cũng định hỏi tôi, tại sao có ông bố ở ngoài Bắc mà lại đi cái thứ lính dữ dằn ấy phải không? Giản dị lắm anh ạ. Vốn dĩ tôi là người ghét chiến tranh, tôi không chấp nhận được chuyện anh em, có khi ruột thịt, bắn giết nhau vì hoàn cảnh mà phải ở hai miền khác nhau của đất nước. Chiến tranh không do những người cầm súng quyết định, và những người quyết định chiến tranh thì lại không bao giờ phải cầm đến khẩu súng. Tôi trốn lính đấy chứ. Nhưng khi trốn không được nữa, thì tôi đành phải đi lính thôi. Mà đã đi lính thì phải là lính “thứ thiệt”. Tôi tình nguyện vào một binh chủng chuyên đánh trận, và hầu như chỉ đánh những trận lớn, dữ dội mang tính quyết định ở từng mặt trận. Thú thật với anh, tôi đánh trận thuộc loại khá, và ở một đơn vị thiện chiến nhất nhì của miền Nam.

TVT: Thế sau đó, hai cha con có gặp lại nhau không?
CXH: Bố có vào Sài Gòn thăm tôi mấy lần, nhưng tôi chỉ được gặp và loanh quanh với bố vài ngày. Lần sau bố vào, tôi đang trốn chui trốn nhủi vì bị công an lùng về tội tổ chức vượt biên. Chẳng cần phải nói lý do tôi vượt biên, tôi chỉ vắn tắt với anh là tôi không có tiền “mua vé”, và cũng không tin được ai, nên phải tổ chức lấy cho chắc ăn. Khi bố và cả gia đình ngoài Bắc vào, tôi không dám đến gặp vì công an vây luôn cả khách sạn chỗ bố ở. Khi đi, tôi tưởng sẽ không bao giờ còn được gặp bố nữa.

TVT: Bây giờ mọi chuyện đã dễ dàng, anh có thường xuyên thư từ cho ông già không?
CXH: Tôi vốn lười viết thư, hơn nữa, thời buổi này, điện thoại là tiện nhất, phải không anh? Thỉnh thoảng tôi có gọi về Hà Nội thăm ông cụ, nhưng bố lại sợ tốn tiền, chỉ nói vài câu là cúp máy. Mẹ hiện đang ở Úc, cứ thường xuyên thục giục tôi gọi thăm bố. Mẹ vẫn bảo: “Chuyện tôi với bố anh là chuyện riêng của tôi với bố anh. Còn bổn phận của anh là anh phải thăm nom bố anh.”

TVT: Ông già đã cao tuổi rồi, anh có tính làm một cái gì đó cho vui lòng bố không?
CXH: Bố tôi muốn, và tôi cũng rất muốn đón ông cụ sang Mỹ chơi một chuyến, gọi là dối già ấy mà anh. Nhưng tôi không đủ khả năng tài chánh, đành chịu vậy. Năm ngoái, tôi có về Hà Nội thăm bố. Bố tôi già rồi, lại còn thêm bệnh cao máu và tiểu đường, bố không còn cầm bút được nữa. Tôi được biết là ngày trước bố bị cấm sáng tác. Anh tưởng tượng, một người làm thơ mà không được sáng tác thì khổ biết là chừng nào. Bố vẫn cứ làm thơ rồi giấu giấu giếm giếm, không đăng báo nên thất lạc hết. Bà bác tôi là người duy nhất thuộc tất cả những bài thơ bố làm, tôi muốn in một quyển thơ cho bố, nhưng khi tôi về đến Hà Nội, bác tôi đã mất mấy năm trước rồi.

TVT: Nếu cần nói một kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá vãng, trong tư cách một người lính, thậm chí thất trận, anh sẽ nói điều gì?
CXH: Kỷ niệm ấy hả? Tôi ở lính hơn bảy năm và ở tù gần năm năm. Những kỷ niệm về chiến trận, những kỷ niệm về tù đày thì nhiều lắm. Vui buồn đều có cả. Nhưng điều đáng nhớ nhất lại không ở chuyện đánh trận hay chuyện tù đày, mà lại là chuyện nhục vì không bảo vệ được lãnh thổ, anh ạ. Tôi kể anh nghe. Tết năm 74, tiểu đoàn tôi đang nằm ứng chiến ở Phú Bài, Huế, thì xảy ra vụ Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Vì Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Quân Đoàn I, và tiểu đoàn tôi là lực lượng trừ bị của Quân Đoàn, nên chúng tôi được lệnh chuẩn bị ra lấy lại Hoàng Sa. Những chiếc thủy xa của Sư Đoàn đã từ Sài Gòn ra đến Đà Nẵng, tiểu đoàn tôi đã ở trong tình trạng sẵn sàng, chỉ còn đợi lệnh là xuống tàu. Thủy Quân Lục Chiến đi lấy lại Hoàng Sa là đúng “chỉ số” rồi. Gì chứ đánh nhau để bảo toàn lãnh thổ, lính tráng tụi tôi thằng nào cũng háo hức, tuy biết rõ rằng đi là chết, vì Hải Quân mình yếu hơn Hải Quân địch, máy bay mình lại không thể bay ra tới nơi để yểm trợ, nhưng đánh nhau để giành lại đất nước, từ quan đến lính chúng tôi, thằng nào cũng hăm hở. Vậy mà, không hiểu sao cuối cùng, thật buồn anh ạ, chúng tôi không được lệnh xuất quân. Tin tức và hình ảnh về những chiếc tàu của mình bị bắn chìm, những người lính đồn trú ở Hoàng Sa bị Trung Cộng bắt, được trao trả từ tận bên… Tàu, làm chúng tôi thấy nhục. Nhục chứ anh, địa danh nào ở trong tay Cộng Sản hay trong tay Quốc Gia thì cũng vẫn là của người Việt Nam mình, nhưng Hoàng Sa bị Trung Cộng chiếm mà không được đánh lấy lại, tôi nghĩ, chúng ta, cả miền Bắc lẫn miền Nam, đều có tội với tổ tiên, với cha ông. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu,” Hoàng Sa còn. “Một trăm năm đô hộ giặc Tây” Hoàng Sa còn. Ông cha ta chèo thuyền, giong buồm mà vẫn bảo vệ được những hòn đảo nhỏ xíu ở tận tít mù ngoài khơi. Vậy mà bây giờ, quân đội hai miền đều mạnh nhất nhì, đều thiện chiến nhất nhì thế giới, lại bỏ mặc một phần lãnh thổ lọt vào tay ngoại bang. Tôi hỏi anh chứ, chính anh, anh có thấy nhục không? Một trăm năm, một nghìn năm nữa, hay đến tận bao giờ chúng ta mới lấy lại được Hoàng Sa? Đến năm 76, khi ở tù tại Cồn Tiên, Quảng Trị, tôi được nghe cán bộ chính trị viên trại báo một cái tin rất “hồ hởi”, là chúng ta đã lấy lại Hoàng Sa, bằng cách cho một toán bộ đội ăn mặc giả lính “ngụy” chạy, bộ đội ta rầm rộ đuổi theo, đổ bộ lên đầy Hoàng Sa, thế là bộ đội Trung Quốc thấy ta đông quá, họ liền giao lại đảo cho ta vì, họ chỉ giúp bộ đội ta lấy Hoàng Sa từ tay ngụy. Câu chuyện đượm đầy vẻ cổ tích.
Anh Thủy, anh có biết tại sao tôi dám bộc bạch hết cả ruột gan tôi ra với anh không? Vì anh là tác giả bộ phim Chuyện tử tế.

TVT: Cám ơn Cao Xuân Huy rất nhiều! Trước đây nghe mãi cái câu quả đất tròn, khi về Hà Nội, tôi lại có cớ để đến thăm ông anh của tôi. Ông ấy cũng hồn nhiên lắm, tếu lắm. Khi ông viết bài “Em ơi, Hà Nội váy!” chúng tôi mới bổ ngửa ra rằng ông ấy còn trẻ hơn tụi mình.

.
.
.

No comments: