Tuesday, November 23, 2010

TRUNG QUỐC ĐỒNG Ý CẤP VÉ MỘT CHIỀU CHO ÔNG LƯU HIỂU BA


Lê Diễn Đức chuyển ngữ và giới thiệu
Thứ Ba, 23/11/2010

Có nhiều khả năng vào ngày 10 tháng 12 tới tại Oslo sẽ không diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa Bình năm nay - Ủy ban Nobel cảnh báo. Trung Quốc đã đề nghị cấp cho ông Lưu Hiểu Ba vé máy bay một chiều tới Oslo, nhưng nhà bất đồng chính kiến đã từ chối.

Việc không trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay sẽ trở thành trường hợp đầu tiên trong lịch sử của giải Nobel. Ngay cả trong năm 1935, khi Hitler không cho tù nhân Carl von Ossietzki tới Oslo, luật sư của ông đã đứng ra thay thế.
Theo các quy tắc được thắt chặt sau trường hợp của Ossietzki, người nhận thay chỉ có thể là thành viên trong gia đình của người được trao giải. Năm 1983, Lech Walesa, Thủ lĩnh Công đòan Đoàn kết Ba Lan sợ rằng nếu ông qua Oslo thì sẽ không được trở lại Ba Lan, nên vợ ông, bà Danuta, đã nhận thay. Tương tự trước đó vào năm 1975 đối với nhà văn nước Nga Andrei Sakharov. Ông cũng sợ rằng sẽ không thể trở về Liên Xô, nên vợ của ông đã đi. Giải thưởng Nobel của nhà dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã được các con của bà nhận thay vào năm 1991.

Thư ký của Ủy ban Nobel, ông Geir Lundestad, cũng nói thêm rằng, Ủy ban Nobel Na Uy không có thói quen mời hoặc khuyến khích sự xuất hiện của những người đã được trao giải từ các năm trước. Nhưng nếu muốn tham gia buổi lễ này, họ có thể đến mà không cần có lời mời. Chính vì thế sáng kiến để Lech Walesa nhận thay sẽ không được thực hiện.

Trong trường hợp của Lưu Hiểu Ba, người đang chịu án 11 năm tù vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”, tác giả của Hiến chương 08 kêu gọi nhà chức trách Bắc Kinh cho dân chủ hóa Trung Quốc, không có ai đi đến Oslo. Vợ ông đang bị quản thúc tại gia và sẽ không được phép xuất ngoại. Hai người anh em của ông Lưu Hiểu Ba cũng chịu sự giám sát của cảnh sát và họ cũng sẽ không được ra khỏi biên giới.

Buổi lễ sẽ như thế nào khi không có nhân vật chính? Ông Geir Lundestad trả lời: "Sẽ tuyệt vời và xứng đáng!”.
Ông Lundestad cho biết trong ngày 10 tháng 12 khoảng một nghìn khách mời sẽ có mặt tại sảnh đường thành phố Oslo. Nữ diễn viên Na Uy nổi tiếng Liv Ullman sẽ đọc một bài luận ngắn của người đoạt Giải thưởng Nobel, một trong những bài cuối cùng mà ông Lưu Hiểu Ba đã viết về tự do, dân chủ. Nhưng nếu không một ai trong gia đình ông Lưu Hiểu Ba có thể tới, nghi lễ sẽ buộc phải bỏ 2 hay 3 phút dành cho việc trao huy chương và bằng chứng nhận.

Về mặt lý thuyết, mọi thứ vẫn mở cho đến phút cuối cùng. Ngay cả nếu một giờ trước khi buổi lễ tại Oslo cử hành, người được ủy quyền có mặt tại Oslo, Uỷ ban vẫn sẵn sàng để trao giải. Thế nhưng có lẽ chỉ còn là đề nghị - bạn bè của ông Lưu HIểu Ba yêu cầu Ủy ban cho đặt một cái ghế trống trên bục.

Trung Quốc đang hết sức cố gắng làm suy yếu các nghi lễ quan trọng nhất của buổi lễ trao giải và đe dọa trả đũa thương mại đối với quốc gia nào có đại diện tham dự buổi lễ tại Oslo.
Được biết, Bắc Kinh đã hăm dọa ít nhất sáu nước, bao gồm Nga, Kazakhstan, Cuba, Morocco, Iraq và Indonesia. Tuy nhiên Moscow giải thích rằng, việc đại sứ của họ không có mặt ở Oslo trong thời gian diễn ra buổi lễ không phải vì sức ép của Trung Quốc mà do lịch công vụ có sự trùng hợp. Trong khi đó, ông Lundestad nói rằng, các nước này đã không cung cấp cho Ủy ban lý do về quyết định của mình. Ông nói thêm rằng Trung Quốc đang thực thi một chiến dịch chưa từng có nhằm mục đích phá hoại sự tham gia của các đại sứ trong buổi lễ. – “Tôi chưa thấy một ví dụ nào khác về một quốc gia tìm cách ngăn cản đại sứ của các nước khác không tham gia buổi lễ” - Lundestad nhấn mạnh.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Na Uy thậm chí còn gửi thư cho đại sứ quán khác, yêu cầu họ tẩy chay buổi lễ.
Ủy ban cho biết có 16 quốc gia ngần ngại cử đại sứ tới và con số vắng mặt có thể sẽ nhiều hơn. Người ta cũng đồn về Brazil và Hàn Quốc. Nhật Bản đang do dự vì Trung Quốc gây áp lực lớn. Cho đến nay 36 quốc gia của Tây Âu đã xác nhận sự có mặt của mình trong buổi lễ.

Thứ Sáu tuần trước, Đại sứ quán Đức tại Oslo nhận được cảnh báo bằng lời nói từ các nhà ngoại giao Trung Quốc. Nhưng phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, tuyên bố rằng, chính phủ Đức có truyền thống hàng năm cử đại biểu tham dự lễ trao giải Nobel và thấy không có lý do gì trong năm nay lại bỏ đi một thực tế lâu đời”.

Giải Nobel Hòa bình dành cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đã thực sự làm Trung Nam Hải cực kỳ khó chịu. Thậm chí một tờ báo nhà nước "Global Times" đã đề xuất thành lập "Giải thưởng Khổng Tử" như là để cạnh tranh với giải Nobel. - “Đây sẽ là cơ hội tốt nhất cho thế giới thấy được quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề hòa bình và nhân quyền” - Tờ báo viết.

Đồng thời Bắc Kinh đang tìm kiếm cách tống khứ người được trao giải thưởng Nobel. Tờ báo “The London Daily Telegraph” dẫn nguồn tin từ chính phủ của Trung Quốc, viết rằng, ông Lưu Hiểu Ba sẽ được trả tự do ngay lập tức nếu ông đồng ý bị trục xuất. Thế nhưng ông Lưu Hiểu Ba đã từ chối.

Nguồn: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza 22/11/2010: http://wyborcza.pl/1,75477,8694689,Jak_dac_Nobla_Liu_Xiaobo.html
.
.
.

No comments: