Monday, November 8, 2010

TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN COI BIỂN ĐÔNG LÀ "LỢI ÍCH CỐT LÕI" ? (VOA)

Nguyễn Trung | Washington, DC
Thứ Hai, 08 tháng 11 2010

Thưa quý vị, Trung Quốc đã tiến hành một đợt tập trận với quy mô lớn tại khu vực biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông) hồi đầu tuần, tiếp sau các phản ứng dữ dội trước tuyên bố ‘quyền lợi quốc gia’ của Hoa Kỳ trong việc giải quyết tranh chấp ở vùng biển này. Vậy giới quan sát ở Việt Nam nhìn nhận ra sao về động thái mới này của nước láng giềng khổng lồ? Nguyễn Trung đã hỏi chuyện ông Dương Danh Dy, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc và từng là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Ông đánh giá như thế nào về tình hình liên quan tới biển Đông thời gian qua?
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi, hình hình biển Đông thời gian qua có một số chuyển biến tốt. Thứ nhất, việc người Mỹ quay trở lại khu vực và được sự hoan nghênh của đa số các nước trong vùng. Điểm thứ hai tôi cho là cũng rất quan trọng, tức là tình đoàn kết của các nước liên quan tới biển Đông trong khu vực được tăng cường. Điểm thứ ba là người Trung Quốc đã có những dấu hiệu tỏ ra xuống nước.
Ta biết rằng từ tháng Ba tới tháng Bảy năm nay, người Trung Quốc nói rằng biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của họ. Thế nhưng bây giờ, trong tháng Mười vừa rồi, có một bài của một người có trách nhiệm mà tôi nhớ là của Phó trưởng Ban nghiên cứu kinh tế chính trị của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông này nói rằng theo quan điểm của ông ta thì lợi ích của Trung Quốc có bốn loại, lợi ích cốt lõi, lợi ích quan trọng, lợi ích bình thường và lợi ích thứ yếu.
Bây giờ ông ấy xếp lợi ích của biển Đông giờ không phải là cốt lõi nữa, mà chỉ là quan trọng thôi. Và ông đưa ra ví dụ rằng, lợi ích cốt lõi thì nó như là trái tim và bộ óc của con người, còn lợi ích quan trọng, thì chỉ như cái chân, cái tay của con người thôi. Sau khi họ tuyên bố lợi ích cốt lỗi, trước phản ứng của đông đảo thế giới và khu vực, họ bắt đầu có những dấu hiệu thấy rằng là họ phải lùi bước.

VOA: Tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton gần đây về quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông đã gây ra phản ứng tức giận từ Bắc Kinh. Ông nhận định thế nào về phản ứng của Trung Quốc?
Ông Dương Danh Dy: Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bây giờ là quan hệ giữa hai đối thủ biết nhau rất rõ, cho nên lúc cao giọng tưởng là xung đột xảy ra đến nơi, nhưng rút cuộc thì họ cũng đã thu xếp với nhau xong cả. Xin nói thật là người Trung Quốc họ lợi dụng mâu thuẫn, lợi dụng vấn đề rất giỏi. Họ hư hư thực thực. Nếu chỉ nhìn trong từng thời gian ngắn, trong từng sự việc cụ thể, thì nhiều khi chúng ta sẽ bị đánh lừa. Nhìn họ là phải nhìn tương đối dài.
Sở dĩ tôi nói quan hệ Trung – Mỹ hay Mỹ - Trung có lúc thế này, có lúc thế kia, nhưng rốt cuộc, hai anh đều biết nhau và hai anh không anh nào muốn làm đổ vỡ quan hệ. Nếu nhìn trong cả thời gian dài, từ khi họ bình thường hóa quan hệ đến nay thì đều là như vậy. Gần đây tôi có viết một bài rằng, từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay đã bốn lần, Trung Quốc và Mỹ riêng trong các lĩnh vực lớn, là đã có những va chạm lớn tưởng là gay gắt lắm nhưng họ vẫn thu xếp được với nhau.
Tôi cho rằng bà Clinton tuyên bố như thế nhưng vẫn có những cái không để người Trung Quốc mất lòng và tự ái. Riêng về cá nhân tôi, tôi vẫn hoan nghênh việc Mỹ tuyên bố quay trở lại khu vực này, đồng thời có một số động tác tỏ ra là muốn có sự phát triển quan hệ với Việt Nam.

VOA: Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã tiến hành một đợt tập trận lớn ở khu vực biển Đông với sự tham gia của một lực lượng hùng hậu nhằm biểu dương sức mạnh của các sư đoàn thủy quân lục chiến. Vậy Việt Nam cũng như các nước láng giềng khác sẽ nhìn nhận sự kiện này như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng đấy là quyền của họ. Họ có quyền họ làm thôi. Thế còn bây giờ suy ra thì nó nhiều chuyện lắm. Trước đây Mỹ và Hàn Quốc cũng dự định tập trận hay Mỹ và Nhật Bản cũng dự định tập trận… Theo tôi nghĩ, đó là cái quyền của người Trung Quốc. Họ muốn làm gì thì họ làm, miễn là họ đừng vi phạm luật pháp quốc tế là được rồi.
Tất nhiên, ta phải chăm chú, ta phải quan sát, nhất là như tôi đã nói trong tình hình mà phái diều hâu ở trong Trung Quốc gần đây lộ ra những nét mới mà mình cần phải chú ý theo dõi và để ý thôi. Họ công khai họ nói rằng ‘chuyện giấu mình chờ giời’ thì không thể giấu mình hàng trăm năm được. Đến bây giờ với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự thì Trung Quốc cũng không nhất thiết phải ‘giấu mình chờ giời’ nữa.

VOA: Vậy sự kiện này có làm khu vực biển tranh chấp trở nên căng thẳng hơn không?
Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng trong tình hình này không thể căng thẳng hơn. Chẳng qua là sau những cái họ nhún nhường, nhượng bộ và dịu giọng hơn ở biển Đông, thì họ (Trung Quốc) cũng phải làm một cái để lấy lại thể diện thôi, nếu không phải do phái diều hâu chủ động gây ra.

VOA: Báo chí cũng như các diễn đàn tiếng Hoa bàn luận ra sao về chủ đề biển Đông, thưa ông?
Ông Dương Danh Dy: Thời gian qua, họ bàn luận kinh khủng lắm. Ngày nào cũng có bài. Họ viết, và nói thẳng ra mũi nhọn họ chĩa vào Việt Nam đấy. Họ nói là Việt Nam thế nọ thế kia như các anh biết cả rồi đấy, như Việt Nam hiếu chiến, Việt Nam dựa vào Mỹ, Việt Nam lôi kéo Mỹ, Việt Nam định quốc tế hóa biển Đông, Việt Nam định làm nọ làm kia. Thậm chí có những mạnh của quân sự thì họ nói là bước đầu tiên của Trung Quốc hành động ở biển Đông là phải ‘khai đao’ Việt Nam.

VOA: Trong vụ tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, người dân đã tiến hành một loạt các cuộc phản đối Tokyo ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Ông nhận định ra sao về chủ nghĩa dân tộc ở nước này?
Ông Dương Danh Dy: Sau 30 năm cải cách mở cửa, thì người Trung Quốc họ cũng có cái khác đấy. Tôi ở Trung Quốc lâu, thời kỳ trước mở cửa, thời kỳ Cách mạng Văn hóa, thời kỳ Chiến tranh Biên giới với Ấn Độ và Liên Xô, thời kỳ chống Mỹ, chống ‘con hổ giấy’ thì thời kỳ đó chủ nghĩa dân tộc cực đoan và ghê gớm lắm. Thế còn sau 30 năm cải cách thì rõ ràng là theo tôi nó không mạnh như ngày xưa, nó không cực đoan như ngày xưa.
Thế còn tất nhiên nước nào chả có chủ nghĩa dân tộc. Người Trung Quốc cũng có chủ nghĩa dân tộc. Người Nhật Bản cũng có chủ nghĩa dân tộc. Người Hàn Quốc cũng chủ nghĩa dân tộc. Bắc Triều Tiên cũng chủ nghĩa dân tộc. Người Việt Nam cũng có chủ nghĩa dân tộc. Vấn đề là mình vận động tinh thần đó cho đúng lúc, cho nó công bằng, cho nó hợp lý thôi, chứ còn không có tinh thần dân tộc thì vứt đi.

Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài tường thuật này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.
.
.
.

No comments: