Thursday, November 4, 2010

TRUNG QUỐC GỬI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN ĐẾN THÁI LAN (Asia Sentinel)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
28.10.2010

Bangkok là đối tượng mới nhất trong việc mở rộng sự quan tâm quân sự của Trung Quốc.

Từ hôm 26 tháng Mười, Binh chủng Thuỷ quân Lục chiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân (QĐGPND) đã đang tập trận với Thuỷ quân Lục chiến Thái trong một đợt diễn tập kéo dài đến ngày 14 tháng Mười một và là sự kiện mới nhất của việc Trung Quốc mở rộng quan hệ quân sự trên khắp thế giới.

Vào tháng Chín, một số lượng không rõ các chiến đấu cơ Su-27 và Mig-29 do Nga chế tạo của QĐGPND đã luyện tập với những chiến đấu cơ F-16 do Hoa Kỳ chế tạo của Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tập trận đầu tiên giữa một quốc gia thành viên NATO và Trung Quốc. Lục quân và Không quân của QĐGPND cũng đã tham dự vào hàng loạt các cuộc tập trận được thực hiện trong tháng Chín 2010 tại Kazakhstan với các nhân viên quân sự từ Kyrgyzstan, Tajikistan và Nga. Mặc dù mục đích bên ngoài của cuộc tập trận là để thử nghiệm và điều phối những hoạt động hợp tác chống khủng bố, nhưng trên thực tế "Nhiệm vụ Hoà bình" này đã tạo cho Trung Quốc một cơ hội đặc biệt để điều động các đơn vị bộ binh và không quân hùng mạnh bên ngoài biên giới của mình.

Hoa Kỳ và những quốc gia khác bao gồm Singapore đang theo dõi chặt chẽ hoạt động này trong Vịnh Thái Lan và chung quanh khu vực Căn cứ Hải quân Sattahip gần Bangkok trong khi Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm quyền đi lại của mình tại những tuyến hàng hải chiến lược phía nam. Cuộc tập trận chung mang tên Công kích Xanh-2010 thì nhỏ hơn nhiều so với cuộc thao dượt thường niên Hổ mang Vàng của Mỹ trong đó bên cạnh một số khu vực, bao gồm cả Căn cứ Hải quân Sattahip, nơi có trung tâm của Binh chủng Thuỷ quân Lục chiến Thái là Trại Samaesan.

WashingtonBangkok là những đồng minh không thuộc khối NATO. Trong những năm 1960 và 1970 của thời kỳ chiến tranh Mỹ-Việt, Thái Lan đã cho phép Mỹ sử dụng lãnh địa của mình để tiến hành những phi vụ đánh bom khổng lồ chống lại Việt Nam và Lào, nơi cũng có một lực lượng bộ binh nhỏ của Thái chiến đấu cùng binh sĩ Hoa Kỳ.

Sau khi xem Trung Quốc là một đối thủ cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh đã không ngừng tiến triển trong 30 năm qua. Một số nhà phân tích cho rằng Thái Lan cố ý cân bằng sự phụ thuộc về quân sự và tài chính của mình vào Hoa Kỳ bằng cách nuôi dưỡng quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc.

Những nhà phân tích khác nói rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Bangkok thì chủ yếu liên quan đến địa lý và quan hệ thương mại gần gũi giữa Thái Lan và Trung Quốc, bị phân cách bởi quốc gia cộng sản Lào nhỏ bé. Trung Quốc muốn đa dạng hoá những đường giao thông phía nam, đặc biệt là trong vùng đất liền của tỉnh Vân Nam, vì hải cảng chính phía nam của Trung Quốc là Hồng Kông, vốn không thuận tiện lắm cho một số mặt hàng xuất và nhập khẩu. Nếu Trung Quốc có thể cắt xuống phía nam xuyên qua Lào vào thẳng Thái Lan, việc này sẽ cho Bắc Kinh một lối đi nhanh chóng hơn quan hệ thống giao thông hiện đại của Thái Lan đến Bangkok và Vịnh Thái Lan, từ đó sẽ đi nhanh xuống phía nam, đến Malaysia, Singapore và Indonesia, cũng như vùng nước cực nam giàu tài nguyên của biển Nam Hải.

Trung Quốc cũng đang tìm cách nâng cấm trục giao thông phía nam từ Vân Nam sang Miến Điện, đến những hải cảng của Miến Điện dọc theo Vịnh Bengal gần Calcutta và khu vực đông Ấn, hướng đến hòn đảo Sri Lanka và Ấn Độ Dương.

"Vì quyền lợi chung, Trung Quốc và những quốc gia khác cần bảo đảm việc đi lại an toàn và tự do trong khu vực," Mã Hiểu Thiên, phó Tổng tham mưu QĐGPND nói. Nhưng Mã lại không đề cập cụ thể về cuộc tập trận giữa Thái Lan và Trung Quốc trong bài diễn văn hôm 22 tháng Mười tại thành phố Hương Sơn, nơi diễn ra hội nghị ba ngày của các học giả quân sự để thảo luận về "Sự Chuyển biến của Hình thái Chiến lược Quốc tế và An ninh châu Á-Thái Bình Dương," do Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc tổ chức.

Cuộc tập trận thuỷ bộ của Trung Quốc và Binh chủng Thuỷ quân Lục chiến Hoàng gia Thái có thể bao gồm khoảng 135 lính Thuỷ quân Lục chiến từ mỗi nước, căn cứ theo một báo cáo rất sơ lược về những thông tin tập trận không được công bố. Nhưng nó đã thu hút sự quan tâm của đảo quốc Singapore trong vùng Đông nam Á, vốn là một đối tác quân sự trung thành của Hoa Kỳ vì nền an ninh khu vực, đặc biệt là những tuyến vận chuyển hàng hải.

"Khả năng thuỷ bộ quân sự cũng được ứng dụng trong những hoạt động cứu trợ thiên tai và nhân đạo, nhưng chúng chủ yếu được thiết kế cho những cuộc giao chiến phức tạp xuất phát từ biển," tờ Straits Times của Singapore tường thuật về cuộc tập trận Trung Quốc-Thái Lan. "Trong trường hợp của Trung Quốc, khả năng này đặc biệt quan trọng trong trường hợp giao chiến toàn diện với Đài Loan."
Trung Quốc không thừa nhận nền độc lập của Đài Loan, và thề cuối cùng sẽ thu phục lại hòn đảo này, nằm trong Eo biển Đài Loan rộng 100 dặm. Washington nhấn mạnh sẽ bảo vệ Đài Bắc chống lại bất cứ cuộc tấn công nào, và đã bán hàng tỉ Mỹ kim vũ khí cho hòn đảo này.

"Hoa Kỳ cũng có những quan tâm tại châu Á về những đe doạ về hoà bình và ổn định trong vùng biển Đông Hải, Nam Hải và với những đe doạ khủng bố tại Nam Á, những khủng hoảng nhân đạo cũng như những đường dây thông tin xuyên biển, đặc biệt trong khu vực Eo biển Malacca," ngăn cách Singapore và Indonesia, một báo cáo của cơ quan Nghiên cứu Phục vụ Quốc hội với tựa đề "Guam: những Triển khai Quốc phòng của Hoa Kỳ," phát hành vào năm 2009 cho các thành viên và các uỷ ban thuộc Quốc hội.
Cuộc tập trận giữa Trung Quốc với Binh chủng Thuỷ quân Lục chiến Hoàng gia Thái đã bắt đầu ngay sau khi cuộc tập trận chống khủng bố 15 ngày giữa Lực lượng Đặc biệt Trung Quốc và Thái Lan tại thành phố Quế Lâm vừa chấm dứt. "Hai quân đội đã tổ chức những cuộc thao dượt hằng năm cho Lực lượng Đặc biệt từ năm 2007," tờ Bangkok Post nói, bổ xung rằng cuộc tập trận hải quân đầu tiên, có tên Tình Hữu nghị Trung-Thái 2005 đã diễn ra tại Vịnh Thái Lan năm năm trước đây.

Nhiều người Thái có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ còn được gọi là Thái gốc Hoa, đang hưởng được vị thế ưu ái và giàu có trong giới chính trị và tài chính của Bangkok. Kết quả là Thái Lan cũng khá thoải mái trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong khi giữ nguyên quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ, với những sách lược mà Bangkok xem là ngoại giao, có lợi và thực dụng.

Thái độ nồng ấm của Trung Quốc với Thái Lan đã tăng lên thấy rõ sau khi quân đội Thái chiếm giữ quyền lực sau một cuộc đảo chính êm ả năm 2006, khi Bắc Kinh lập tức đón chào hội đồng tướng lĩnh mới.
"Yếu tố trọng tâm của chiến lược phên dậu của Bangkok là bôi trơn quan hệ liên minh quân sự với Hoa Kỳ, cùng lúc đó mở rộng quan hệ quốc phòng với Trung Quốc," Ian Storey, Giáo sư Cộng sự tại Học viện Nghiên cứu Đông nam Á tại Singapre, đã viết vào năm 2008. "Với quan hệ nồng thắm giữa Trung Quốc và Thái Lan được phát triển trong những thập niên qua, không gì ngạc nhiên khi những quan hệ an ninh quân đội của Trung Quốc là một trong những quan hệ được phát triển tốt đẹp nhất trong khu vực - chỉ sau Miến Điện, quốc gia gần như là đồng minh của Trung Quốc," Storey nói.

"Con số những sĩ quan quân đội Thái đang học tập các khóa huấn luyện tại Đại học Quốc phòng Quốc gia ở Bắc Kinh đã tăng lên kể từ năm 2001, cũng như con số các sĩ quan QĐGPND đang nghiên cứu tại các học viện quân sự Thái Lan. Mục đích của những khoá huấn luyện này là nhằm tăng cường sự hiểu biết quan điểm chiến lược của nhau, và để tăng cường khả năng ngôn ngữ cho những hoạt động hợp tác trong tương lai."
.
.
.

No comments: