Monday, November 1, 2010

TRUNG QUỐC - ĐẰNG SAU QUY MÔ và PHÁT TRIỂN KINH TẾ (Stephen McDonell)

01/11/2010 - 14:04

Hơn một trăm công nhân ở Tô Châu đã phải nhập viện để điều trị sau khi hít thở không khí có hóa chất N-Hexane được sử dụng trong quy trình sản xuất máy tính. Một công nhân cho biết nhà máy của anh chủ yếu sản xuất màn hình cảm ứng cho điện thoại di động và khách hàng chính của họ là hãng Apple.

Tóm lược
Trung Quốc đang hi sinh môi trường của mình trong quy trình sản xuất máy tính. Người dân trên khắp thế giới đang được mua những sản phẩm điện tử giá rẻ một phần do Trung Quốc đang tự gây ô nhiễm bầu không khí, đất và nguồn nước của mình.

Trong những thập niên vừa qua, Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng kinh tế vượt bậc, thế nhưng đi đôi với nó là môi trường của nước này đang phải đối mặt với một vấn đề lớn chưa từng có.
Những dòng sông bị ô nhiễm có mặt ở khắp mọi nơi. Nếu chọn ngẫu nhiên một thành phố và nghiên cứu về nguồn nước, hầu hết nguồn nước ở những nơi này không phù hợp cho sinh hoạt hàng ngày của con người. Một số người nông dân trồng rau ở những khu vực nước sông đã chuyển sang màu đen. Người nông dân ở đây hiểu rõ tình trạng nước ô nhiễm nhưng vẫn phải sử dụng vì không có sự lựa chọn nào khác.

Hóa chất độc hại trong ngành sản xuất vi tính
Trung Quốc đang hi sinh môi trường của mình trong quy trình sản xuất máy tính. Người dân trên khắp thế giới đang được mua những sản phẩm điện tử giá rẻ một phần do Trung Quốc đang tự gây ô nhiễm bầu không khí, đất và nguồn nước của mình.
Khi các nước như Úc, Mỹ và Nhật Bản thải các bàn phím, máy tính xách tay, ổ cứng… những bộ phận này được tháo rời và nhập trở lại Trung Quốc để tái chế. Thủy ngân, đi-ốt phát sáng, crom và những chất độc khác từ rác thải điện tử ngấm vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước tại đây.
Ngoài việc hủy hoại môi trường, sức khỏe của những người công nhân và gia đình họ có thể bị ảnh hưởng xấu sau một thời gian ngắn.

Hu Zhiyong, Jia Jingchuan và hơn một trăm công nhân khác ở Tô Châu đã phải nhập viện để điều trị sau khi hít thở không khí có hóa chất N-Hexane được sử dụng trong quy trình sản xuất máy tính. Anh Hu Zhiyong cho biết nhà máy của anh chủ yếu sản xuất màn hình cảm ứng cho điện thoại di động và khách hàng chính của họ là hãng Apple. Vào tháng 10 năm 2008, công ty Wintek, nơi anh làm việc, đã giới thiệu một loại dung môi hóa học mới. Công nhân nhà máy chỉ biết rằng loại dung môi này rất dễ rửa sạch và có thể khô trong một vài giây.
Một nữ công nhân làm việc tại khâu dán logo trên máy tính cho biết chị đã điều trị trong bệnh viện hơn 6 tháng và hi vọng sẽ được ra viện vào cuối năm. Một công nhân khác cho biết các triệu chứng bệnh được biểu hiện rõ rệt như tay bị tê cóng và không thể đi được. Có người cho rằng nhà sản xuất biết rõ hóa chất này độc hại nhưng họ vẫn cố tình tiếp tục sử dụng bởi nó hiệu quả hơn các hóa chất khác.
Các bác sĩ cho biết việc tiếp xúc lâu dài với hóa chất N-Hexane có thể làm tổn thương hệ thần kinh, dẫn tới tổn thương cơ, thậm chí có thể gây ra tàn phế.

Ở Chiết Giang, những công việc như nghiền và rửa các bộ phận bằng chất dẻo để tái chế là công việc chính của những công nhân, nông dân và các gia đình nghèo di cư tới thành phố lớn. Người ta có thể thấy những người phụ nữ phân loại các bộ phận làm bằng chất dẻo trong máy tính bằng cách đốt và ngửi mùi khói. Tác hại của việc hít hơi khói nhựa hàng ngày hàng giờ thật khôn lường.

Rác thải y tế
Làng Qingpuling nằm trên những ngọn đồi thuộc tỉnh Phúc Kiến có địa thế đẹp. Thế nhưng, trong 9 năm qua, một lò đốt rác ngay cạnh làng được dựng lên và hàng ngày xả khói đen trong khắp khu vực. Công ty dựng nên lò đốt rác này cho biết họ sẽ chế biến các nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại công việc chính của họ là đốt rác thải y tế.

Rác thải y tế bao gồm cả những chất bẩn trong điều trị và các vật dụng sử dụng trong phẫu thuật như băng gạc, kim tiêm và cả những bộ phận được cắt bỏ từ cơ thể người. Lò đốt rác xả khói ra một khu vực rộng. Lá cây trong khu vực này bị nhiễm khói đen và người dân địa phương cho biết cả thung lũng đều bị bao phủ bởi lớp khói đen này.
Nhiều người dân cảm thấy đầu óc choáng váng và tim đập nhanh. Khi làm việc trên cánh đồng và hít khí độc, nhiều người cảm thấy chóng mặt quay cuồng. Theo những người dân làng kể lại, nhiều người đã chết vào năm 2009. Có gia đình có tới ba người chết trong vòng chưa đầy một năm. Người dân ở đây tin rằng nguồn không khí ô nhiễm từ lò đốt rác là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm này.

Các luật sư cho rằng hiện chưa có những bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ trực tiếp giữa các trường hợp tử vong này với nguồn ô nhiễm từ lò đốt rác. Tuy nhiên, theo luật pháp Trung Quốc, người dân phải sống cách các khu vực sản xuất hàng hóa nguy hiểm trong vòng 800m, thế nhưng những người dân ở đây sinh sống trong bán kính dưới 200m. Như vậy, rõ ràng sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhà máy mới đang được xây dựng sẽ giảm tình trạng ô nhiễm và lò đốt rác cũ sẽ bị đóng cửa khi nhà máy mới được hoàn thành. Tuy vậy, người dân ở đây cho biết họ sẽ ăn mừng nếu công ty này chuyển đi nơi khác. Họ cũng không muốn nhận một khoản đền bù nào mà chỉ muốn nhà máy chuyển đi càng xa càng tốt.

Hiện có hai giải pháp: một là nhà máy di chuyển, hai là người dân chuyển tới khu vực tái định cư xa vùng ô nhiễm. Nếu các luật sư không giành được phần thắng để nhà máy này buộc phải đóng cửa, chính phủ sẽ thực hiện giải pháp thứ hai đàm phán tái định cư cho những người dân ở đây chuyển tới một khu vực an toàn hơn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là khi tái định cư, người dân có lẽ sẽ chuyển tới một khu vực khác cũng bị ô nhiễm bởi hầu hết các khu vực của Trung Quốc đều đang gặp phải vấn đề này.

Trung Quốc đã và đang chứng kiến những bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải trả giá bằng môi trường tự nhiên của chính mình. Trung Quốc có thể sản xuất ra một lượng của cải lớn nhưng nước này đã để khá nhiều sông ngòi, núi non bị ô nhiễm. Thế hệ tương lai không thể thay thế thức ăn nước uống bằng lượng của cải lớn này. Khi đó, họ sẽ trách cứ những thế hệ trước đã phá hủy cuộc sống và môi trường tự nhiên của họ.
.
.
.

No comments: