Tuesday, November 23, 2010

TRẢ QUYỀN LÀM NGƯỜI LẠI CHO NHÂN DÂN (Nguyễn Hồng Lạc, Hà Nội)

Nguyễn Hồng Lạc
Đăng ngày 23/11/2010 lúc 07:50:39 EST

Con người chỉ hơn nhau ở sự nhận ra sai lầm, dám thừa nhận sai lầm rồi sau đó quyết tâm từ bỏ và sửa chữa sai lầm.

Chúng ta là con người có nhận thức. Nhưng nhận thức của con người thì muôn hình, muôn vẻ. Chính vì vậy mà loài người chả bao giờ trở thành đại đồng được. Vì không thể đại đồng nên loài người cần phải biết tôn trọng lý tưởng cá nhân, tôn trọng ý kiến cá nhân, tôn trọng cuộc sống cá nhân và tôn trọng những tham vọng sở thích chính đáng của từng cá nhân thì loài người mới không có sự bất hoà và xung đột.

Theo tôi, bất cứ một nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc chính trị nào mà độc đoán cho mình duy nhất là đúng thì đều gây tai hoạ cho xã hội và loài người.

Khổng Tử lấy nhân lễ nghĩa trí tín, đạo Phật lấy từ bi, đạo Công giáo lấy bác ái và bất cứ tôn giáo nào cũng dậy con người làm điều thiện cả. Cho nên theo tôi, sống theo lẽ phải chân thật và tình yêu thương chính là mục đích của loài người chúng ta.
Chúng ta là con người nhưng chúng ta không hiểu hết chúng ta. Chính vì vậy mà trọng tâm chính luận của Nho giáo là con người tính thiện hay ác đến nay hơn đã 2000 năm nhưng vẫn chưa có ai giải thích rõ ràng được.

Đạo Công giáo cho rằng con người sinh ra ai cũng mang tội tông truyền và con người là tội lỗi. Rất đúng! Vì con người dù là bậc trí giả thánh thiện đến đâu thì cũng có những lúc sai lầm và dục vọng đẩy họ đến tội lỗi.

Khổng Tử cho con người là “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Rất đúng! Vì loài người luôn luôn đi tìm chân lý, đề cao chân lý dù đó là “chân lý” của mình.

Khi nghiên cứu con người, chúng ta thấy con người có mấy bản năng cố hữu sau: “Tự do, tư hữu, gia đình, tín ngưỡng” thì bất cứ ai cũng có. Đó là những đức tính, tâm lý và khát vọng mà tạo hoá đã phú sẵn ở trong tâm hồn mỗi chúng ta. Chính nhờ những đức tính tự nhiên, bản năng tốt đẹp đó mà loài người luôn đòi hỏi sự bình đẳng và công bằng xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lê Nin hòng đi đến thế giới đại đồng và một xã hội không nhà nước, không gia đình, không tín ngưỡng, mọi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu là đi đến công bằng, tự do, bình đẳng tuyệt đối. Nhưng thật tiếc đó là những ước mơ hão huyền của những kẻ ngu cuồng mà thôi. Vì thế giới loài người là tương đối thì làm sao có tuyệt đối được.

Tôi xem “Thế giới động vật” thấy loài vật có lãnh thổ riêng, có loài có “Dân chủ” đi theo số đông. Như vậy Mác - Lê Nin thua cả “Trí tuệ” loài vật chăng?

Chúng ta là con người có nhận thức. Chúng ta cần đối xử giữa người với người như những con người văn minh. Vì nhận thức của loài người cần và phải có sự đối lập, phản biện thì sự đúng hay sai của từng cá nhân cũng như từng nhóm người mới được tranh luận, bàn cãi thì sau đó mới sáng tỏ đúng, sai được. Vì vậy áp đặt là ngu dốt, là bất nhân, là chống lại chân lý.

Tư hữu là bản chất của con người nên ai cũng vị kỷ. Vì vậy bất cứ kẻ cầm quyền nào cũng lợi dụng chức quyền để vinh thân cả. Do đó, những chế độ độc tài chuyên chế thì quan lại hầu hết thường là những kẻ tham nhũng hại dân, hại nước.

Tôi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê Nin và cũng đã sống dưới chế độ cộng sản đã nhiều năm, tôi thấy đa số những người cộng sản tiền bối rất tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê Nin và sự lãnh đạo của đảng. Họ luôn tin thế giới cộng sản là văn minh là tốt đẹp, không có áp bức, không có người bóc lột người. Chính vì vậy mà đa số những người cộng sản vào đảng trước năm 1945, không những sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình mà còn có nhiều người đã bán tài sản gia đình để đi hoạt động cộng sản. Họ là một lớp người cực đoan cuồng tín nhưng có lòng yêu nước và vì dân tộc thật sự. Và họ đã không biết rằng chủ nghĩa Mác-Lê Nin là học thuyết chống lại sự sống, chống lại loài người, chống lại sự phát triển. Vì tất cả đều là của đảng, do đảng. Vì vậy đảng cộng sản là một tổ chức đại đàn áp, đại bóc lột.

Những người cộng sản hiện tại trong xã hội hiện tại, chỉ có danh nghĩa thôi. Họ đã phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Họ làm quan là vì danh, vì lợi của cá nhân và gia đình họ mà thôi. Đây cũng là một lớp người cực đoan tham nhũng, bất nhân, bán nước hại dân. Họ chỉ biết đến cá nhân bản thân họ chứ không nghĩ gì đến dân đến nước nữa.

Trong một đất nước thì luật pháp, các chủ trương chính sách luôn ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc, vận mệnh của từng nhóm người, từng cá nhân trong xã hội.


Luật pháp tôn trọng quyền con người thì nhân dân được tự do, chính sách chủ trương đúng vì dân vì nước thì nhân dân được no ấm hạnh phúc và phát triển đi lên.

Nhưng Đảng cộng sản thì luôn luôn dùng luật pháp chỉ để bảo vệ sự độc đoán, độc tài của đảng. Các chủ trương chính sách thì cũng chỉ có lợi cho đảng chứ không có lợi cho dân.

Ngoài chế độ độc tài đảng trị, đảng cộng sản chỉ là những quan lại cầm quyền, do phe cánh, quen biết, hoặc mua bán mà có cho nên những người thiếu văn hoá, không am hiểu luật pháp thì lại được đảng đưa lên nắm những chức vụ cao nên họ làm việc chỉ theo ý muốn chủ quan cá nhân chứ không theo luật pháp. Vì vậy rất nguy hiểm cho xã hội.
Tôi thường nghe các lãnh tụ đảng nhà nước nói trên ti vi: “Phải xây dựng chế độ pháp trị xã hội chủ nghĩa”. Thật là mơ hồ. Vì đã đảng trị thì làm gì có pháp trị nữa. Thực tế đảng cộng sản là một đảng ngu trị, luôn hại dân hại nước.
Tuân Tử, nhà pháp trị người Trung Quốc trước Công nguyên có câu rất đúng là: “Luật pháp mà của riêng thì loạn hơn không có luật pháp”.

Đối với đảng cộng sản, luật pháp là của riêng đảng và tất cả đều là của đảng. Đảng độc tài toàn trị tuyệt đối.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 và đã đấu tranh chống Pháp nhưng đảng cũng đã tiêu diệt những đảng phái yêu nước chống Pháp khác. Từ khi ra đời đến nay, đảng đã luôn bị những trí thức, học giả phê phán và chống lại. Nhưng đảng đã giết hoặc bỏ tù họ. Chính vì vậy mà từ khi đảng cộng sản ra đời cũng như cầm quyền cho đến nay thì đất nước luôn loạn lạc và nghèo đói tụt hậu.

Theo tôi thì đảng cộng sản Việt Nam đã mang bảy tội lớn sau:
“Tội bán nước,
tội giết người vô tội,
tội gây chiến tranh,
tội ăn cướp,
tội lừa dối,
tội vu khống và
tội phá hoại nền văn hoá thuần phong mỹ tục của cha ông để lại”.
Mác có câu: “Phương thức sản xuất xã hội quyết định ý thức con người”. Thật là ngu dốt! Vì phương thức sản xuất xã hội thì chỉ đưa lại năng suất sản xuất vật chất cho xã hội mà thôi, chứ làm sao thay đổi được tâm lý, nhận thức của con người được. Nhưng phương thức sản xuất xã hội luôn ảnh hưởng, quyết định đến chế độ chính trị xã hội.

Một nền kinh tế cộng sản toàn trị của đảng thì phải có một chế độ cộng sản đảng trị độc đoán thì mới duy trì được chế độ cộng sản bao cấp đó. “Một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” thì cần đến luật pháp và một cơ chế chính trị tự do, công bằng cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội thì xã hội mới thật sự ổn định và phát triển nhanh được.

Đất nước ta hiện nay vẫn là nền đảng trị độc tài. Nhân dân, trí thức, nhân tài, kẻ sĩ, lão thành cách mạng chả là cái gì đối với đảng. Đảng nắm quyền và quyết định tất cả.
Vì vậy, tôi viết bài này gửi đến Bộ Chính Trị và mong rằng đảng hãy vì dân vì nước, trả lại quyền sống, quyền làm người, quyền tự do cho nhân dân để đất nước sớm thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc và đi vào đa nguyên dân chủ thực sự.

Nguyễn Hồng Lạc
Hà Nội, 20/11/2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: