Sunday, November 7, 2010

TÔN GIÁO và CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO TRONG 60 NĂM QUA TẠI TRUNG QUỐC

Bình luận của nhà nghiên cứu Sergio Ticozzi, PIME
(Mondo e Missione – Pontifical Institute for Foreign Missions: Tạp Chí của Học Viện Giáo Hoàng về Thừa Sai Các Nước)

Phạm Hương Sơn chuyển ngữ
7/11/10 11:40 AM

Một bài bình luận, nghiên cứu về Tôn giáo và chính sách tôn giáo tại Trung Quốc được Phạm Hương Sơn chuyển ngữ để chúng tôi giới thiệu với quý vị độc giả tại Việt Nam và hải ngoại.
Qua các chính sách và hiện tình tôn giáo tại Trung Quốc – một quốc gia cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới để làm bạn với VN – chúng ta rút ra những điểm giống, khác nhau với đất nước “VNXHCN tươi đẹp” của chúng ta như thế nào?
Bạn đọc có thể bổ sung những giống và khác nhau giữa vấn đề tôn giáo của hai đất nước Trung – Việt.
-------------------------------------------

Vào ngày 01 tháng mười 1949, Mao Trạch Đông, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố thiết lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Do đó, tháng mười năm 2009 đánh dấu kỷ niệm 60 năm sự kiện nổi tiếng này. Tháng 12 năm 2008 là thời điểm kỷ niệm 30 năm của chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, khởi xướng vào tháng 12 năm 1978.
Vì vậy, 60 năm đầu tiên trong lịch sử của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có thể được chia thành hai giai đoạn rõ ràng, 1949-1978, và 1979-2009. Từ quan điểm về Tôn giáo và Chính sách tôn giáo, hai giai đoạn này có thể được đặc trưng với hai hình thái tương ứng: “kiểm soát” cho giai đoạn đầu tiên và “giải phóng” cho giai đoạn thứ hai.

Chính sách kiểm soát
Sau đại nghị của Chương trình Phổ Thông, được tổ chức vào tháng Chín năm 1949 trong Đại Hội Đại biểu Chính Trị của Nhân dân Trung Quốc (CPPCC)[1], và Hiến pháp năm 1954, trong đó cả hai khẳng định “quyền tự do về tín ngưỡng tôn giáo”, mà công thức chính thức, được lặp đi lặp lại bất cứ khi nào các câu hỏi tôn giáo được đặt ra, là “Tự do tôn giáo là một chính sách cơ bản và nhất quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong thực tế, đã có những diễn giải khác nhau về công thức mập mờ này.
Trong giai đoạn đầu tiên, từ tháng Mười năm 1949 đến tháng Mười Hai năm 1978, chính quyền cộng sản đã dốc toàn lực của họ để đưa tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân Trung Quốc vào ‘sự kiểm soát toàn bộ’ của họ. Ngày 12 Tháng Hai năm 1951, văn phòng Vụ Tôn giáo được thành lập với trách nhiệm, cùng với Mặt trận Thống Nhất đã có sẵn từ trước, để giám sát việc thực hiện chính sách tôn giáo và việc đạt tới quyền tự chủ tự trị trong các tôn giáo khác nhau.
Vào tháng Năm năm 1950, Chu Ân Lai đã nói chuyện với các đại diện của năm tôn giáo được chính thức công nhận, đó là Đạo giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo và Kitô giáo Tin Lành (tất cả các biểu hiện tôn giáo khác được coi là ‘mê tín’). Qua đó, Chu Ân Lai nhấn mạnh rằng người Trung Quốc cần phải quản lý các tôn giáo và rằng các tôn giáo cần phải được giải phóng khỏi sự kiểm soát từ bất kỳ “đế quốc” nước ngoài nào.
Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này đã được thực hiện vào tháng Sáu năm 1950, với sự ra đời của Chương Trình Cải Cách Ruộng Đất: cán bộ đã buộc tội giai cấp địa chủ vào “các hoạt động phản cách mạng,” và tấn công các lãnh đạo tôn giáo, những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Chùa chiền và nhà thờ bị đóng cửa hoặc sử dụng cho các mục đích khác. Chính quyền quốc hữu hóa các trường đại học và trung học điều hành bởi các Giáo Hội.
Chính sách liên quan đến Đạo giáo và Phật giáo đã đi theo hai đường lối: một mặt chính phủ đã tiếp thu nhiều chùa chiền và tu viện và biến chúng thành các trường học, nhà máy và nhà ở. Đồng thời, các giáo sĩ Phật giáo và Đạo giáo đã bị buộc phải ‘tham gia vào sản xuất,’ có nghĩa là, cùng tham gia vào lao động tay chân trong các hợp tác xã nông thôn. Ở Tây Tạng và ở các khu vực Hồi giáo, các biện pháp chậm chạp hơn đã được áp dụng dựa trên những đường hướng giống như thế.
Đối với các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành, nơi có nhiều nhân viên ngoại quốc trong hàng ngũ của họ, thì chính sách nhằm để ‘giải phóng’ tôn giáo ra khỏi mỗi loại kiểm soát của nước ngoài. Chính quyền thực thi chính sách này bằng cách trục xuất tất cả các nhân sự ngoại quốc của các giáo hội ra khỏi Trung Quốc. Với mục đích này, chính quyền xúc tiến đẩy mạnh Phong trào Ba Tự Trị, cụ thể là Tự truyền giáo, Tự quản lý và Tự hỗ trợ trong các giáo hội. Vào tháng Chín năm 1950, các Giáo Hội Tin Lành đã công bố “Tuyên ngôn Ba Tự Trị”, tiếp theo sau đó, trong tháng 11 là Tuyên Ngôn ủng hộ cải cách và “Quyền Tự Trị của Giáo Hội Công Giáo.”
Sử dụng sự cáo buộc vào tội danh chống đối phong trào tự trị, nhà cầm quyền đã bắt giữ, xét xử, tuyên án phạt và trục xuất các nhà thừa sai truyền giáo ngoại quốc (1950-1954).*
Đối với các tín đồ tôn giáo, không cần biết họ thuộc về tôn giáo nào, các chính sách chính thức nhằm để, hoặc là tranh thủ được sự hợp tác của họ, hoặc để loại trừ sự chống đối của những thành phần không hợp tác, bằng cách đẩy họ vào các trại cải tạo, hoặc thậm chí vào tù, bởi vì họ bị nhìn nhận là phạm vào các tội ác phản cách mạng.
Trong khi đó, những nỗ lực nhằm truyền bá Phong Trào Ba Tự Trị và sự thành lập các Hiệp Hội Yêu Nước của tất cả các tôn giáo tăng lên từng ngày. Trong năm 1952, Hiệp hội Hồi giáo Trung Quốc được thành lập, được nối tiếp trong năm 1953 là Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Vào mùa hè năm 1954, đại hội đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Tin lành chính thức thành lập Hiệp hội Thiên Chúa giáo Yêu nước của Phong trào Ba Tự Trị. Năm 1956, Giáo hội Chính thống Nga đã trở thành Giáo Hội Chính Thống Trung Quốc.
Trong năm 1957 thì có sự thành lập của Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc.
Năm 1958, Hiệp hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành việc tấn phong giám mục kiểu ‘dân chủ’ cho các giám mục Công giáo yêu nước.
Việc thành lập các chi nhánh cấp tỉnh và tại các địa phương của tất cả các Hiệp hội Yêu nước được tiến hành ngay sau đó. Họ đã trở thành công cụ trong tay của Đảng Cộng Sản Trung Quốc để liên hợp và kiểm soát các thành viên của tất cả mọi tôn giáo.
Đến cuối năm 1958, các hoạt động của tất cả các tôn giáo đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Tây Tạng, được chính quyền coi như là một phần không tách rời của Trung Quốc, đã được quân đội Trung Quốc “giải phóng” vào ngày 10 Tháng Ba 1959. Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền của ông đã trốn sang Dharamsala ở miền bắc Ấn Độ, và đã tị nạn ở đó.
Đường lối chính thức của nhà nước, cho đến buổi khởi đầu của Cách mạng Văn hóa vào năm 1966, là để tiếp tục gia tăng sự hạn chế các việc thờ phượng công khai và mọi biểu hiện tôn giáo.

Chính Sách Loại Trừ /Xoá Bỏ
Các kế hoạch Đại Nhảy Vọt và Hệ thống Hợp Tác Xã, cả hai được ra mắt năm 1958, đều được chứng minh là những thất bại hoàn toàn, đã gây ra trong nhiều năm những thảm kịch kinh tế và đau thương cho mọi người dân. Mao Trạch Đông, sau đó vào mùa hè năm 1966, đã đưa ra “Đại Cách mạng Văn hóa”, mà về sau được gọi là “mười năm thảm họa”, trong đó chủ trương xoá bỏ “Bốn Cái Cũ” (hệ tư tưởng, văn hóa, phong tục và truyền thống). Những người cách mạng đã hoàn toàn bác bỏ chính sách tự do tôn giáo. Họ coi tôn giáo là món phụ tùng của nền “văn hóa cũ và phong kiến “, và như là một thứ gì đó cần phải quét đi hoàn toàn. Tất cả các hoạt động tôn giáo bị coi là tội phạm.
‘Kiểm Soát”, trong thực tế, hóa ra là “Xoá Bỏ”. Những hoạt động cực đoan, chẳng hạn như việc phá hủy các thánh thất tôn giáo, đốt sách và các tài liệu tôn giáo, và đàn áp, bỏ tù, và thậm chí xử tử các tín đồ tôn giáo đã đánh dấu giai đoạn này.
Người cách mạng tấn công tín đồ tôn giáo, kể cả những người thuộc các Hiệp hội Yêu nước. Họ diễu hành tín đồ trên các đường phố, và kết án tù hoặc đẩy vào trại lao động. Họ không chỉ xâm chiếm và phá hủy đền thờ, đan viện, tu viện và nhà thờ, nhưng còn vào nhà riêng để khám xét và cướp của và tất cả các biểu tượng “phong kiến mê tín dị đoan”. Mọi thứ đã đi vào lửa: tượng thánh, ảnh thánh, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ gia đình, nến đèn, hình ảnh và sách vở.
Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, chủ nghĩa Cộng Sản tự nó đã được biến thành một đức tin “tôn giáo”. Một sự sùng bái Mao Chủ tịch đã bành trướng lên, với chân dung của ông treo ở khắp mọi nơi. Cuốn Hồng Tập (The Little Red Book) đã trở sách thánh, và các nghi lễ buổi sáng và buổi tối được thực hiện theo quy định của nó. Những người hoạt động cách mạng đã đòi hỏi ‘sự từ bỏ toàn bộ bản thân’ (“cuộc cách mạng từ chiều sâu trong tâm can”) cho mục đích của họ.
Một bầu khí thoải mái hơn với sự khoan nhượng, ngay cả trong lĩnh vực tôn giáo, đã diễn ra vào năm 1970, gần vào giai đoạn cuối khắc nghiệt nhất của cuộc Cách mạng Văn hóa. Trong tháng 11 năm 1971, chính quyền đã mở cửa Nhà Thờ Công Giáo Nantang cho một phái đoàn người Ý và duy trì nơi đó vào việc sử dụng dành cho các nhân viên ngoại giao; việc mở cửa một Nhà Thờ Tin Lành cho cùng một mục đích cũng đã được thực hiện ngay sau đó. Ngày 01 tháng 10 năm 1974, trong dịp mừng lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân, chính quyền phóng thích một số nhân sự tôn giáo từ các nhà tù và trại lao động. Trong tháng hai năm 1978, mười sáu “đại diện các giới tôn giáo” tham gia vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc lần thứ 5. Từ Ngày 18-22 tháng 12, năm 1978, Hội nghị lần thứ 3 của Đại Hội Uỷ ban Trung ương Đảng lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra và đưa ra các chính sách giải phóng và mở cửa. Một phần của diễn biến này là khôi phục lại tự do về tín ngưỡng tôn giáo.

Chính sách giải phóng
Với sự phát động của chính sách “giải phóng”, một vài bông hoa đã bắt đầu nở ra từ trong “sa mạc tôn giáo” với việc mở cửa một vài chùa chiền Phật giáo và đền thờ Đạo giáo như là những ‘di tích văn hóa “nhằm vào mục đích du lịch, và một đôi nhà thờ Thiên chúa giáo dành cho các sinh hoạt tôn giáo của các nhà ngoại giao nước ngoài.
Một cách chính thức, chính quyền đã coi sự chuyển hướng này như là một ‘sự trở lại với chính sách đúng đắn trước cuộc Cách mạng Văn hóa.’ Nói cách khác, các chính sách mới đánh dấu sự trở lại của chính sách kiểm soát.” Nó có nghĩa là bây giờ đã có “tự do tín ngưỡng tôn giáo” và sự tự do với giới hạn chỉ dành cho những “hoạt động tôn giáo bình thường,” nhưng luôn luôn dưới sự kiểm soát toàn bộ của Chính quyền. Chính quyền phục hồi Mặt trận Thống nhất và Văn phòng Tôn Giáo Vụ để thực hiện chính sách của họ.
Trong tháng hai năm 1979, chính quyền đã tổ chức một hội nghị quốc gia về công tác tôn giáo tại Côn Minh để lập kế hoạch phát triển trong tương lai. Các chính sách về tôn giáo đã được liên kết chặt chẽ với chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Các hướng dẫn và các lĩnh vực của việc giải phóng hóa bao gồm những việc sau đây: Việc phóng thích từ các trại giam hoặc trại lao động cải tạo các nhân sự tôn giáo, và phục hồi chức năng của họ;
1.   Việc khôi phục và mở lại các chùa chiền, đền thờ thờ Hồi giáo và nhà thờ;
2.   Việc tái thành lập các tổ chức tôn giáo và các cấu trúc tôn giáo, chủ yếu là các Hiệp hội Yêu nước;
3.   Sự huấn luyện và đào tạo các nhân sự mới cho tôn giáo, cả nam lẫn nữ, và mở lại các chủng viện, đan viện và dòng tu đều nhắm vào mục đích này.
4.   Việc xuất bản kinh sách tôn giáo, sách tâm linh và bản tin chính thức, cũng như các nghiên cứu lịch sử và tín lý;
5.   Sự bắt lại liên lạc với các đồng tôn ở nước ngoài, cũng như sự tham gia vào các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài.
Những khởi xướng mới này đã được thúc đẩy không chỉ bởi một mối quan tâm về vấn đề cải thiện liên lạc với thế giới bên ngoài, mà còn do bởi một mối quan tâm cho sự đoàn kết quốc gia, đặc biệt là ở các khu vực biên giới nơi có nhiều dân tộc thiểu số sắc tộc và tôn giáo sinh sống.
Từ đó trở đi, mỗi một tôn giáo trong số năm tôn giáo được chính thức công nhận đều đã trải qua giáo dục về các chỉ thị nêu trên.
Năm 1980 đánh dấu sự tái lập của các cơ quan chính thức của tất cả năm tôn giáo được công nhận, với mỗi tôn giáo đều tổ chức hội đồng quốc gia: trong tháng tư Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc, vào tháng năm Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (cũng được hình thành vào cùng thời gian đó là Uỷ Ban Trách vụ của Giáo Hội Công Giáo và một Hội Đồng Giám mục Công Giáo(do Nhà Nước điều khiển), vào tháng mười Phong trào Tin Lành Ba Tự Trị (mà từ đó cũng thành lập một Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc), và vào tháng 12, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Việc thành lập các chi nhánh tại tỉnh và địa phương của các tổ chức này được tiến hành ngay sau đó.

Giáo Hoàng đen của Trung Quốc - Lưu Bách Niên một "giáo gian"

Hỗ trợ tài chính từ chính quyền cũng đã giúp đỡ để phục hồi, tái xây dựng nhiều nhà thờ của người Công giáo và Tin lành.
Tuy nhiên, chính quyền chỉ trả lại một số rất giới hạn các tài sản, do đó đã tạo ra nhiều trường hợp xung đột và bất công.
Trong những ngôi đền chùa và nhà thờ được mở cửa, chỉ có các hoạt động tôn giáo ‘bình thường’ mới có thể được thực hiện, những sinh hoạt được phép của cơ quan nhà nước. Thời điểm này cũng là lúc người Hồi giáo lại được bắt đầu đi hành hương đến thánh địa Mecca.
Tất cả các tôn giáo bây giờ cũng có thể mở lại các trung tâm huấn luyện và đào tạo các nhà lãnh đạo mới. Phật giáo bắt đầu một khóa đào tạo cho các nhà sư vào năm 1981 tại đền Fayun của họ tại Bắc Kinh, trong khi trụ sở Đạo giáo tại tu viện Baiyunguan bắt đầu khóa học vào năm 1984. Hầu như tất cả các đền thờ Hồi giáo đều mở trường học tôn giáo, tiếp theo là các học viện quốc gia và vùng. Giáo hội Tin Lành mở cửa trở  lại chủng viện thần học của họ ở Nam Kinh trong năm 1980, trong khi đại chủng viện Công giáo khai giảng các lớp học đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 1982. Các chủng viện Công giáo quốc gia mở cửa ở Bắc Kinh vào năm 1983, tiếp theo sau là những chủng viện khác trong các vùng và các tỉnh.
Về vấn đề xuất bản các ấn phẩm, một số viện nghiên cứu tôn giáo và các trung tâm đã mở cửa, và các cơ quan này đã xuất bản một số lượng lớn các sách và luận văn để sử dụng nội bộ trong mỗi tôn giáo. Chúng bao gồm Kinh Thư của mỗi tôn giáo và tạp chí của riêng họ. Từ năm 1986 đến năm 1993, bộ Jiyao Daozang (Bộ sưu tập Kinh Thư của Đạo Giáo) đã được tái bản, và vào năm 1995, Tam Tạng kinh điển (Tripitaka) của tất cả các kinh điển Phật giáo, cả Trung Quốc và Tây Tạng, đã được tái bản. Trong Giáo Hội Công Giáo, hai trung tâm xuất bản quan trọng nhất là Faith Press ở Thạch Gia Trang (Shijiazhuang) và Trung tâm nghiên cứu Guangqi ở Thượng Hải. Trong giáo hội Tin lành, nhà xuất bản Amity Press thuộc tổ chức Amity Foundation, khởi đầu tại Nam Kinh vào năm 1985, đã xuất bản 50 triệu cuốn Kinh Thánh và nhiều bản sao của các sách nguyện khác. Gần đây, internet đã trở thành phổ biến với tất cả các tổ chức tôn giáo, và nhiều tổ chức đã thành lập trang web riêng của họ.
Các liên lạc với những người đồng tôn, đặc biệt là từ Đài Loan, Singapore và Hong Kong, đã bắt đầu ngay sau khi việc du lịch đã được cho phép, với việc trao đổi các phái đoàn và sự hỗ trợ tài chính cho một số dự án sắp tiến hành. Trong số các liên hệ với Phật tử bên ngoài Trung Quốc, những liên hệ với Thái Lan và Myanmar đáng được đề cập cách đặc biệt, bởi vì các liên hệ này không chỉ gồm việc trao đổi phái đoàn mà còn trao đổi các di tích: một chiếc răng của Đức Phật được đưa đến Myanmar vào năm 1993, trong khi một ngón tay của Đức Phật đã được đưa đến Thái Lan vào năm 1994.
Về vấn đề đi nước ngoài cho việc thăm viếng trao đổi, đại diện tôn giáo của mọi truyền thống là các thành viên của đoàn đại biểu chính thức tham gia vào tất cả các loại biến cố tôn giáo quốc tế.

Hồng Y Phạm Minh Mẫn dẫn đầu Phái đoàn thăm Trung cộng năm 2007

Trong công cuộc thực hiện chính sách tôn giáo, mối quan tâm của nhà cầm quyền trong việc duy trì toàn bộ sự kiểm soát trên mọi hoạt động tôn giáo đã khiến họ phải chấp tháp những thái độ và xu hướng khác nhau, nên đã tạo các tình huống đối đầu thường xuyên.
Xu hướng chủ yếu hiện nay của chính quyền Trung Quốc trong mục đích duy trì sự kiểm soát toàn bộ, là tiếp tục nhấn mạnh quyền tự chủ của các tôn giáo dưới danh nghĩa của chủ nghĩa yêu nước [(aiguo, aijiao), ái quốc trước, rồi đến ái đạo –công dân tốt, rồi đến tín hữu tốt].
Một phần của chính sách này là nỗ lực loại bỏ tất cả các cộng đồng tôn giáo không chính thức hay hầm trú và mọi hoạt động của họ, ngay cả với việc sử dụng bạo lực. Họ cũng cố gắng thống nhất các giáo phái khác nhau trong một truyền thống tôn giáo (ví dụ, các giáo phái về sau của các Giáo Hội Tin Lành, và xóa mờ sự khác biệt giữa các giáo phái Phật giáo). Họ cũng cố gắng áp đặt một hình thức quản lý “dân chủ” về nhân sự tôn giáo và các cơ quan tổ chức, dưới quyền lực toàn bộ của các Hiệp Hội Yêu Nước.

Vương Nhân Lôi - Một giám mục dởm do Cộng sản Trung Cộng dựng lên

Một xu hướng thứ hai là khuyến khích tất cả các tôn giáo đóng một vai trò trong việc phát triển kinh tế của đất nước, bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài, bằng cách trở thành “cơ quan phúc lợi” ngoài đời thông qua sự tham gia trong các dịch vụ xã hội, chẳng hạn như đối với người già, người tàn tật và trẻ mồ côi, và góp phần vào sự cứu trợ thiên tai (như động đất và lũ lụt), và tham gia phong trào bảo vệ môi trường.
Một xu hướng hành động khác nữa là sự nhạy cảm tột độ, mà có vẻ gần như hoang tưởng, trong việc tố cáo bất kỳ mọi trường hợp nghi ngờ nào về việc ‘can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ trong nước.” Về điều này, hãy xem xét các phản ứng của Nhà Nước về sự đón tiếp của các chính phủ nước ngoài đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, các cuộc tấn công chống lại các ‘thế lực nước ngoài’, như Vatican, sự quy kết cho các phong trào bên ngoài nhằm ủng hộ đồng bào dân tộc thiểu số người Uygurs, người Tây Tạng và Mông Cổ, vv
Riêng về vấn đề quan hệ với Tòa thánh, Bắc Kinh coi Tòa Thánh chỉ như là một nhà nước, Nhà Nước Vatican, và tỏ cho thấy chỉ sẵn lòng giao hảo với Vatican dưới hai điều kiện: Vatican phải cắt đứt mọi quan hệ với Đài Loan và không được can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo Hội tại Trung Quốc. Điều kiện thứ hai đặc biệt nhắm vào việc bầu chọn ‘dân chủ’ và tấn phong các giám mục, được tái phục hồi với sự tấn phong Giám mục Michael Fu Tieshan (1931-2007) làm giám mục của Bắc Kinh, ngày 21 Tháng Mười Hai 1979, và tiếp theo là những giám mục khác nữa. Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh đã kéo dài lê thê, với nhiều thăng trầm do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng chủ yếu là do lập trường kiên quyết của chính quyền Trung Quốc về việc thành lập một giáo hội quốc gia tự trị. Vài thỏa hiệp đã đạt được qua một số trường hợp trong việc tấn phong giám mục, và gần đây một số kết quả tích cực đã đạt được. Lập trường của Giáo Hội Công Giáo đã được làm sáng tỏ hơn bởi Bức Thư của ĐTC Benedictô XVI cho tất cả những người Công giáo Trung Quốc vào tháng Sáu năm 2007.

Kết luận
Sự phát triển mang tính lịch sử của chính sách tôn giáo trong 60 năm của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc cho thấy rõ ràng, trước hết, chính quyền Cộng sản trong thực tế không hề muốn tôn trọng các quyền cơ bản của con người của tất cả các tín đồ tôn giáo Trung Quốc, cũng như không cho phép một kẽ hở nhất định nào cho quyền tự chủ đối với các tôn giáo, mà không kèm theo sự can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo. Hơn nữa, dường như có một sự thiếu tự tin rõ rệt về phía chính quyền Trung Quốc đối với dự thảo của một Bộ Luật về Tôn giáo.[2] Một khởi xướng về dự thảo cho một bộ luật như thế đã bắt đầu từ hơn hai mươi năm trước, và cho đến nay nó vẫn chưa được phê chuẩn. Nhà cầm quyền muốn có các quy định và luật lệ đối với việc quản lý các vấn đề tôn giáo cho cấp tỉnh và cấp địa phương, để họ có thể đưa ra những giải thích riêng của họ, mà không cần phải tuân theo một luật lệ chung cho cả nước. Các quy tắc của pháp luật, thay vì quy luật của con người, sẽ giúp chính quyền giải quyết một cách tốt hơn, không chỉ với các thành phần không chính thức của các tôn giáo, mà còn với một số lượng lớn các giáo phái và các phong trào, chủ yếu là các phong trào thánh linh và các giáo phái Kitô giáo thiên niên, đã nhanh chóng phát triển trong những khu vực nông thôn.
Thêm vào đó, chính quyền Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức do sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tôn giáo mới, không nằm trong số những tôn giáo chính thức được chấp nhận. Chúng bao gồm các tôn giáo vũ trụ, các giáo hội Chính Thống Giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, và các phong trào quốc tế khác nữa. Họ yêu cầu được công nhận và được phép hoạt động chính thức. Tất cả những thách thức này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của tôn giáo, một tầm nhìn lớn hơn và một chính sách phóng khoáng hơn trong việc đối phó với các tôn giáo.

Phụ lục: Thống kê về tôn giáo ở Trung Quốc
Các tôn giáo vũ trụ truyền thống, trong đó bao gồm các yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian phổ biến, được thực hành, theo khảo sát mới đây, bởi ít nhất 300 triệu người.
Phật giáo: 200.000 tăng ni Trung Quốc và 120.000 tăng ni người Tây Tạng; 20.000 ngôi chùa và tu viện, 32 học viện Phật giáo.
Đạo giáo: 5.000 ngôi chùa và tu viện, với khoảng 50.000 daoshi (giáo sĩ) của hai truyền thống chính.
Hồi giáo: 20-37 triệu tín hữu, với 45.000 imams, 40.000 đền thờ Hồi giáo và 10 học viện Hồi giáo chính.
Giáo hội Công giáo: 5.300.000 (con số chính thức) 12 đến 13 triệu baao gồm các tín hữu không chính thức, khoảng 3100 linh mục, 4800 nữ tu, xấp xỉ. 6.000 nhà thờ và 12 đại chủng viện lớn.
Giáo Hội Tin Lành: 20-30 triệu tín đồ, 50.000 nhà thờ và địa điểm cầu nguyện, 20.000 mục sư, 18 trường thần học.
NB. Báo cáo về Tự do Tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ (14 tháng chín năm 2007) khẳng định rằng: “Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, Giám đốc SARA Ye Xiaowen tường trình với cử tọa tại Đại học Bắc Kinh và Học viện Khoa học Xã hội TQ, rằng số tín hữu đã lên tới 130 triệu vào cuối năm 2006, trong đó có khoảng 20 triệu người Công giáo. “
Chú thích:
1.   Trong số 150 đại biểu gồm có một đại biểu Hồi giáo, hai đại biểu Phật giáo và năm đại biểu Tin Lành.
2.   Xem Wang Zou’an, “Review and Consideration on the Religious Legislation”, trong Studies in World Religions, No. 115, 2008, 3, các trang 1-11.
Phạm Hương Sơn chuyển ngữ
.
.
.

No comments: