Tuesday, November 23, 2010

TBT VIETNAMNET KHẲNG ĐỊNH "KHÔNG CÓ TRANH CHẤP NỘI BỘ" (Mạc Việt Hồng)


Có lẽ Đàn Chim Việt là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin Việt NamNet (VNN) bị hack. Do chênh lệch giờ giấc và chưa thể kiểm chứng lúc đó, nên chúng tôi đã thận trọng để dấu hỏi trên tiêu đề bản tin.
Có thể nói, trong không gian chật hẹp của báo chí “lề phải”, khi các nhà báo buộc phải lánh xa những vùng cấm nhạy cảm, phải vừa viết vừa lách, vừa nhìn ngó thận trọng và nền báo chí Việt Nam ngày càng bị lá cải hóa thì VNN là một điểm sáng, một trang web thuộc loại “đọc được”, “đứng đắn” hơn cả.
Nhất là trong thời gian gần đây, VNN và phụ trương của nó – TuanVietNam – đã dẫn đầu trong số 700 tờ báo quốc nội đề cập tới những vấn đề thời sự cấp bách nhất của đất nước. Rất nhiều bài bình luận và phân tích khách quan liên quan tới Bauxite Tây Nguyên, Vinashin và chủ quyền biển đảo…

Tất nhiên, ở một đất nước mà báo chí chịu cảnh “trên đe dưới búa” như Việt Nam, lúc này hay lúc khác, trang mạng này không khỏi làm người đọc thất vọng, nhất là những người Việt hải ngoại kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi của đất nước.

Việc một tờ báo hàng đầu của Việt Nam và tương đối “thoáng” bị hack đã đặt ra nhiều thắc mắc trong dư luận như: Ai đã hack sập VNN, “người lạ” hay “người quen”? Tại sao lại xảy ra vào đúng giữa phiên chất vấn gay cấn ở Quốc Hội Việt Nam, liệu nó có liên quan tới kiến nghị Bauxite, Vinashin hay cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn hay không.v.v.

Ngày hôm qua 22/11, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng Biên Tập VNN, ông Nguyễn Anh Tuấn. Dù cuộc trao đổi khá thẳng thắn và cởi mở nhưng vẫn còn quá sớm và quá “tế nhị” để trả lời những thắc mắc của dư luận.

Bức thư nặc danh
Vào đúng hôm VNN bị hack, Đàn Chim Việt 2 lần nhận được đơn tố cáo của một người xưng là Dương Hải Phong, sinh ngày 10/5/1976 thường trú tại 10/295 Lĩnh Nam, Hà Nội. Tác giả bức thư cho biết hiện đang là “cán bộ quản trị của báo VNN”. Nhìn qua bức thư, người ta cảm giác đây là “người thật, việc thật” vì ngoài những thông tin kể trên tác giả còn để lại 2 số điện thoại, 2 e-mail liên hệ. Đơn tố cáo việc “vi phạm bản quyền phần mềm” của VNN với thống kê chi tiết cụ thể bao nhiêu máy tính trong Ban Biên Tập, những phần mềm lậu nào đang được sử dụng.v.v. làm người đọc có cảm giác đúng là người của VNN gửi thư này.

Trả lời “chất vấn” về bức thư (1), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong ban kỹ thuật của VNN có anh Dương Hải Phong và anh là một trong những người rất tích cực khắc phục hậu quả, chống chọi lại những đợt tấn công vẫn đang tiếp tục nhằm vào trang web. Anh Phong đã xác nhận, anh không phải là tác giả của đơn thư tố cáo kể trên, hộp thư điện tử của anh bị hacker chiếm đoạt và gửi đi những thư mạo danh.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Phong từ hôm qua tới nay cũng đang làm việc mệt nhoài. Anh em biết rõ con người của nhau, bản thân tôi không bao giờ tin là Phong viết cái đơn đó, nội dung trong đó cũng không đúng”.

Dưới đơn tố cáo về thiệt hại “hàng chục triệu đô la” do vi phạm bản quyền của VNN, người viết  đơn đề nghị “các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra” và “áp dụng hình thức xử lý thích đáng với báo VNN”.
TBT Nguyễn Anh Tuấn bác bỏ ý kiến cho rằng bức thư được tung ra do có tranh chấp trong nội bộ trong tờ báo.
Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao 2 sự việc bị tin tặc và tố cáo để điều tra, “xử lý thích đáng” lại diễn ra song song, cùng lúc với nhau. Có phải đang có thế lực nào đó muốn xóa sổ VNN không chỉ bằng cách đánh sập cơ sở dữ liệu mà còn triệt hạ về mặt kinh tế, làm mất uy tín của cơ quan truyền thông hàng đầu Việt Nam này?

“Chưa rõ nguồn gốc”
Ông Tuấn cho biết, server của VNN đặt tại Hà Nội, hiện bộ phận kỹ thuật của tờ báo đang làm việc tích cực để hoàn thiện dần dần. Bên cạnh việc khôi phục server này, họ cũng đang xây dựng một hệ thống khác hoàn toàn mới. Bản thân ông là TBT nên cũng không rõ lắm về kỹ thuật nên “chưa xác định được nguồn gốc của tin tặc” và “hiện tập trung vào việc khắc phục đã, nên chưa có thời gian phân tích sâu”.

Trong đôi năm gần đây, nhờ những trang mạng như VNN mà người ta biết tới những chất vấn trực tiếp từ Quốc hội, biết tới những câu hỏi hóc búa của các đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng.v.v; hay ứng xử ngô nghê của ông nghị Hà Nam về đường sắt cao tốc; phát biểu quanh co của bộ trưởng Y Tế; rồi những dự đoán đầy tính “bốc đồng” về tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân trên đầu người của phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.v.v. Lần này, đang tới hồi chất vấn gay cấn thì VNN bị hack.
Trả lời thắc mắc về vấn đề này, ông Tuấn cho hay: “Chưa thể khẳng định được đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có dụng ý gì không…”

Sức ép
VNN được cấp giấy phép hoạt động từ tháng 1/2003 và là tờ báo của Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC), thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT). Nguyễn Anh Tuấn là TBT đầu tiên và duy nhất cho tới nay. Dù có lúc, ông đã làm đơn xin nghỉ việc tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với lý do “muốn dành thời gian cho cuộc sống bản thân và gia đình”.

Đó là giai đoạn thăng trầm của VNN khi bị chuyển từ bộ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 3/2008. Việc chuyển giao diễn ra sau một “sự cố nghề nghiệp” vào 12/2007 khiến TBT Nguyễn Anh Tuấn bị nhắc nhở và tờ báo bị phạt 30 triệu đồng. Trong lúc tuổi trẻ Việt Nam sôi sục biểu tình chống Trung Quốc VNN cho đăng bài báo “Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa -Trường Sa“. Bài báo có ý ca ngợi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9 tháng 12 năm 2007. Sau vụ “tuýt còi” này, nhiều bình luận cho rằng TBT Nguyễn Anh Tuấn bị bãi chức và tờ báo bị ông Lê Doãn Hợp thu hồi về bộ “Bốn Tê” cho tiện bề quản lý. Nhưng sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn tiếp tục là TBT cho tới nay.

Liệu đây có phải là vụ “tuýt còi” vì sự “quá đà” của VNN trong thời gian vừa qua không? Không rõ, nhưng  sức ép trong nghề báo ở một đất nước hạn hẹp về tự do như Việt Nam chắc chắn là rất lớn và không phải ai cũng có đủ sức chịu đựng và đủ tâm huyết để theo nghề.
Căng thẳng lắm, mệt lắm, chị ơi! Nếu bỏ nghề báo thì tôi sướng hơn rất nhiều nhưng không thể bỏ được vì đó tâm huyết với nghề là trách nhiệm với độc giả và hơn cả là với xã hội và dân tộc” – TBT VNN than thở.

Tôi tin những lời nói đó là chân thành. Vì tôi cũng sẽ sướng hơn và nhàn hơn rất nhiều nếu không ngày đêm “ôm” mạng để post bài, làm tin, sửa lỗi chính tả … và canh cánh bên lòng nỗi lo bị hack sập.
Mặc dù có những khác biệt nhất định nhưng hình như đâu đó vẫn tồn tại một mẫu số chung cho những người trăn trở với nghề báo, dù lề trái hay lề phải.

© Đàn Chim Việt
————————————————-

Toàn bộ bức thư bạn đọc có thể xem tại đây
.
.
.

No comments: