Sunday, November 21, 2010

TẬP THỂ HÓA : NHẮC LẠI NÈN TẢNG CỦA BẠO QUYỀN (Timothy Snyder, Japan Times)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Tám mươi năm trước, vào mùa thu năm 1930, Josef Stalin đã tiến hành một chính sách từ đó làm thay đổi hướng đi của lịch sử và dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người trên toàn thế giới trong nhiều thập niên. Với một chiến dịch "tập thể hoá" khổng lồ đầy bạo lực, ông đã đưa nền nông nghiệp Liên Xô dưới quyền kiểm soát của nhà nước.

Stalin đã theo đuổi chính sách tập thể hoá bất chấp sự kháng cự mạnh mẽ xảy ra sau khi chính quyền Sô Viết lần đầu tiên tìm cách đề xướng chính sách này vào mùa xuân trước đấy. Giới lãnh đạo Sô Viết đã phải nhờ vào việc bắn giết và đày dân vào các trại Gulag để phủ đầu sự chống đối. Nhưng công dân Sô Viết vẫn kháng cự với số lượng lớn; dân du cư người Kazakh đã trốn sang Trung Quốc, nông dân Unkraina thì chạy sang Ba Lan.

Vào mùa thu, việc bắn giết và trục xuất tái diễn, được hỗ trợ bởi chính sách cưỡng ép kinh tế. Nhưng nông dân cá thể bị đánh thuế cho đến khi họ chịu vào hợp tác xã , và các nông trường được phép chiếm dụng hạt giống của nông dân cá thể để dùng cho vụ mùa năm tới.

Sau khi lĩnh vực nông nghiệp của Liên Xô được tập thể hoá, nạn đói bắt đầu. Bằng cách thu sạch đất đai của nông dân và biến họ thành những nhân viên nhà nước không chính thức, nông nghiệp tập thể đã giúp Moscow kiểm soát được người dân cũng như sản phẩm của họ.

Nhưng kiểm soát không phải là một sáng tạo. Không thể nào để bắt những người du cư Trung Á trở thành những nông dân tập thể chỉ trong một vụ mùa. Đầu năm 1930, có khoảng 1,3 triệu người chết đói ở Kazakhstan khi số hoa màu ít ỏi của họ bị cơ quan trung ương thu giữ.

Ukraine cũng bị mất mùa vào năm 1931. Có vô số nguyên nhân: thời tiết xấu, nạn sâu rầy, thiếu gia súc kéo cày vì nông dân đã giết thịt thay vì phải mất vào tay hợp tác xã, thiếu máy kéo, việc bắn giết và đày ải nông dân, việc gieo trồng và thu hoạch bị gián đoạn bởi quá trình tập thể hoá.

"Làm sao chúng ta trông đợi việc xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong khi chúng ta đều lãnh thảm hoạ ngay từ đầu?" một nông dân Ukraine hỏi. Giờ đây chúng ta đã biết sau 20 năm nghiên cứu tài liệu Sô Viết, rằng trong năm 1932 Stalin đã cố tình chuyển hoá nạn đói do tập thể hoá ở Ukraine thành một chiến dịch có chủ ý gây đói với động cơ chính trị. Stalin cho rằng việc mất mùa là dấu hiệu chống đối của những người quốc gia Ukraine, vì thế cần cứng rắn chứ không nhượng bộ.

Khi nạn đói lan tràn trong mùa hè năm ấy, Stalin đã cải tiến giải thích của mình: Nạn đói là do phá hoại, các thành viên Cộng sản địa phương là thành phần phá hoại, được giới lãnh đạo ở trên che chở, và tất cả đều bị gián điệp mua chuộc. Vào mùa thu năm 1932, Điện Kremlin đã đưa ra một loạt những chỉ thị dẫn đến việc tử vong hàng loạt. Một trong những chỉ thị nhằm cắt đứt tất cả nguồn cung cấp cho các cộng đồng không hoàn thành tiêu chuẩn thu hoạch.

Trong khi đó, những người Cộng sản tịch thu tất cả lương thực có được, một nông nhân nhớ lại, "cho đến hạt thóc cuối cùng," và vào đầu năm 1933 những tuyến biên giới chung quanh Sô Viết Ukraine bị đóng lại để những người bị đói không thể tìm được giúp đỡ. Những nông dân đang chết dần phải thu hoạch vụ mùa xuân dưới những tháp canh.

Hơn 5 triệu người đã bị chết vì đói hoặc vì các loại bệnh liên quan đến nạn đói tại Liên Xô trong đầu năm 1933 với 3,3 triệu tại Ukraine, trong số đó có 3 triệu người có thể sống sót nếu Stalin đơn giản chỉ cắt giảm việt trưng thu và xuất khẩu trong vòng vài tháng và cho phép người dân mua sắm tại các cửa hàng lúa mì.

Những sự kiện này vẫn là đề tài trọng tâm ở Đông Âu cho đến ngày nay. Vào tháng Mười một hàng năm, người dân Ukraine tưởng nhớ đến những nạn nhân của năm 1933. Nhưng Viktor Yanukovich, tổng thống đương nhiệm của Ukraine, đã không công nhận sự đau khổ đặc biệt này của nhân dân Ukraine - một sự đồng thuận với câu chuyện lịch sử chính thức của Nga vốn tìm cách biến sự tàn ác rõ ràng của chính sách tập thể hoá thành một thảm hoạ vô cùng mơ hồ đến nỗi không còn những thủ phạm hoặc nạn nhân cụ thể.

Rafal Lemkin, một luật sư Do thái người Ba Lan, người đã tạo ra khái niệm "diệt chủng", hẳn sẽ không đồng ý: Ông gọi nạn đói ở Ukrane là một trường hợp kinh điển của nạn diệt chủng Sô Viết. Vì Lemkin đã biết rằng khủng bố đã theo sau nạn đói: Những nông dân sống sót khỏi nạn đói và các trại Gulag đã trở thành những nạn nhân kế tiếp của Stalin. Thời kỳ Đại Khủng Bố 1937-1938 bắt đầu với một chiến dịch bắn giết - chủ yếu nhằm vào nông dân - đã cướp đi 386.798 mạng sống trên toàn cõi Liên Xô, một lượng lớn trong số này ở Ukraine.

Chính sách tập thể hoá đã phủ một bóng dài. Khi Đức Quốc Xã chiếm đóng miền tây Liên Xô, người Đức đã giữ nguyên những nông xã, xem chúng thật sự là công cụ cho phép họ sử dụng lương thực tại Ukraine cho mục đích riêng của mình, và để bỏ đói những người họ muốn.

Sau khi Mao hoàn tất cuộc cách mạng của mình vào năm 1948, những người cộng sản Trung Quốc đã đi theo kiểu mẫu phát triển của Stalin. Có nghĩa là khoảng 30 triệu người Trung Quốc đã bị chết đói trong giai đoạn 1958-1961, một nạn đói rất giống như nạn đói ở Liên Xô. Chế độ tập thể hoá Maoist cũng được tiếp nối bằng những chiến dịch bắn giết khổng lồ.

Ngay cả ngày nay, tập thể hoá nông nghiệp vẫn là nền tảng của chế độ bạo quyền tại Bắc Hàn, nơi hàng trăm nghìn người đã bị chết đói trong những năm 1990s. Và ở Belarus, chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu, hệ thống nông nghiệp tập thể chưa bao giờ bị giải tán, và một cựu giám đốc nông trường tập thể, Aleksandr Lukashenko, hiện đang vận hành đất nước.

Lukashenko đang vận động cho nhiệm kỳ thứ tư chức vụ Tổng thống vào tháng Mười hai này. Đang kiểm soát đất đai, ông cũng kiểm soát cả lá phiếu. Tám mươi năm sau chiến dịch tập thể hoá, thế giới của Stalin vẫn hiện hữu với chúng ta.
.
.
.

No comments: