Saturday, November 13, 2010

SỰ PHÁT TRIỂN FACEBOOK TẠI VIỆT NAM (Bay Vút)

Bay Vút    
12/11/2010 - 13:32

Việt Nam đang là nước có sự phát triển Internet nóng nhất thế giới với 28 triệu lượt người dùng Internet/ tháng. Số liệu thống kê gần đây cho thấy ngay cả vào thời điểm các website ở Việt Nam bị giảm lượng truy cập thì vẫn có một trang mạng phát triển trên cả ba khía cạnh: số người sử dụng, lượng truy cập và độ ‘phủ’: Facebook!

Người Việt thích Facebook?
Theo tư liệu riêng mà Bay Vút có được qua thống kê từ công cụ Google Ad Planner (GAP), trong vòng một năm qua số lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã tăng lên hơn một triệu người, từ 1,8 triệu người vào cuối năm 2009 lên đến 2,9 triệu người vào tháng 10-2010.

Sự vươn lên khá nhanh của Facebook gần đây đã khiến cho cục diện mạng xã hội tại Việt Nam có nhiều biến chuyển. Trong tháng 9-2010, Facebook có tới 710 triệu lượt xem ở Việt Nam, tăng 170 triệu lượt so với tháng 8-2010. Đây là mức tăng rất đáng kể trên bảng thống kê GAP (xếp thứ nhì tại Viet Nam).
Facebook được cho là tình cờ chiếm được ưu thế ở Việt Nam kể từ sau khi Blog 360 độ của Yahoo ngừng hoạt động vào tháng 7-2009. Nhiều thành viên Blog 360 độ, đặc biệt là giới sinh viên, học sinh, công nhân viên chức trẻ... đi tìm một không gian cộng đồng mới trên mạng và sau khi lang thang qua nhiều trang web, dần dần họ đã tụ về bến đỗ Facebook, hoặc ít nhất cũng có tài khoản đăng kí trên Facebook.
Nhiều bạn trẻ Việt bắt đầu ‘nghiện’ Facebook như Blog 360 độ trước đây. Họ dùng trang mạng xã hội này để giao lưu kết bạn, nhắn tin, chia sẻ quan điểm, tâm trạng, cảm xúc, thông tin, hình ảnh, nhạc, clip quay, tham gia các trò chơi giải trí như ‘Barn Buddy’, ‘Mafia Wars’, ‘Happy Farm’ và cả tranh thủ quảng cáo sản phẩm kinh doanh, từ bán quần áo tới giới thiệu các loại dịch vụ khác.

“Mạng xã hội Facebook cho phép ta truy theo nhất cử nhất động của bạn bè trên mạng” - nhà văn Trang Hạ viết trên trang Facebook của chị. Trong một bài viết mới tải lên Notes ngày 30-10, Hạ kể lại rằng một người ‘sếp’ của chị “gần hai năm trước là người đã nghiêm cấm nhân viên của mình lên Facebook trong giờ làm việc, cho dù lên bằng chiếc máy tính xách tay cá nhân chứ không sử dụng máy cơ quan” nay chính ông lại... lên mạng xã hội Facebook để kết nối với nhiều người!
Khi Facebook tuyển người

Dĩ nhiên Facebook không khoanh tay thụ động trước thực tế là sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ của người dùng Internet tại Việt Nam. Cuối tháng 10 vừa qua Facebook đã loan tin họ sẽ tuyển dụng vị trí Giám đốc quản lý chính sách và tăng trưởng ở nước này.

Ứng viên ngoài việc thông thạo hai ngôn ngữ Anh – Việt, còn phải có khả năng giải quyết “những tình huống phức tạp” và có kinh nghiệm làm việc, quan hệ với các quan chức, ban ngành chính phủ Việt Nam. Người được tuyển dụng sẽ làm việc tại Hà Nội theo hợp đồng 12 tháng.
Bản tin về việc Facebook tìm hướng phát triển tại Việt Nam (‘Facebook looks to grow Vietnam presence’) của Hãng thông tấn Pháp AFP hồi cuối tháng 10 nhận định rằng Facebook muốn phát triển hoạt động của mình tại Việt Nam bất chấp những lời đồn đoán về việc truy cập vào các trang web có thể bị hạn chế (ví dụ như với chính Facebook) ở nước này.

Trang Facebook được cho là đã bị ‘ai đó’ chặn truy cập tại Việt Nam từ cuối năm 2009. Người sử dụng Việt Nam gặp khó khăn khi đăng nhập vào Facebook theo kiểu thông thường thông qua trang chủ Facebook. Lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định với Hãng thông tấn Đức DPA rằng Bộ của ông không ngăn chặn trang này. Các công ty cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam thì cho đó là do lỗi kỹ thuật và họ sẽ ‘tìm kiếm nguyên nhân’.

Thực hư vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ nhưng theo thống kê hồi tháng 1-2010, số lượt truy cập Facebook từ Việt Nam đã giảm cực mạnh và chỉ còn 310 triệu lượt.

Thế nhưng phần đông các thành viên, đặc biệt là giới trẻ và học sinh, sinh viên nay vẫn có thể truy cập Facebook theo nhiều cách thức khác như dùng Open DNS (DNS Server trung gian), sử dụng DNS của Google, dùng phần mềm DNS Jumper, phần mềm đổi IP hay UltraSurf... Nhờ vậy, Facebook ‘hưng thịnh’ trở lại.

Tham vọng trong nước
Trong một diễn biến khác, từ tháng 5-2010, một trang mạng xã hội ở địa chỉ go.vn đã bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm với tham vọng trở thành trang mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam, dự đoán thu hút 40 triệu thành viên (gần 50% dân số) vào năm 2015.
Đơn vị chủ quản trang go.vn là Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện Việt Nam (VTC). Với khẩu hiệu ‘Ngôi nhà số của bạn’, trang mạng xã hội go.vn khuyến khích giới trẻ đăng ký làm thành viên để ‘khẳng định bản thân, chia sẻ thông tin và kết nối bạn bè’. Trang này cũng có nhiều tính năng như Facebook: người dùng có thể đăng tải nội dung thông tin, hình ảnh, âm nhạc...
Trong ‘Top 100 website Việt Nam’ tháng 9-2010 trên GAP, hiện có bốn trang mạng xã hội lọt vào Top 100 là Zing Me (me.zing.vn – hiện dẫn đầu với 5,1 triệu lượng người dùng), Facebook xếp thứ nhì, kế đến là Yume (yume.vn xấp xỉ 2,9 triệu) và Tầm tay (tamtay.vn : 1,2 triệu).
Hiện chưa thấy sự hiện diện của go.vn trong ‘Top 100 website Việt Nam’ của GAP, bởi thời gian ra đời của nó vẫn còn quá ngắn ngủi.
.
.
.

No comments: