Thursday, November 4, 2010

SAU 35 NĂM : BÊN THẮNG, BÊN BẠI và ĐẤT NƯỚC (Đài 2VNR)

Chương trình Chuyện Dân Tôi trên Đài Phát Thanh 2VNR
Tối thứ tư từ 7giờ 45 đến 8 giờ 45
20/10/2010

Trong chương trình phát thanh CDT hôm nay Nam Dao và Diệu Thắng xin được gửi đến qúy vị các tiết mục sau đây:
Mạn đàm với nhà văn Việt Dương về đề tài “Sau 35 năm: bên thắng, bên bại và đất nước”, phần 1.
Tường trình Đại Hội Thường  Niên 2010  Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại  Hoa Kỳ.
Chuyện Dân Tôi: Thà chết không hàng giặc- Bảo Định- Diệu Thắng thực hiện.
-------------------------------


Cuộc mạn đàm với nhà văn Việt Dương về đề tài: “Sau 35 năm: Bên thắng, bên bại và đất nước” do ND thực hiện và được phát thanh trên đài 2VNR.
Nam Dao:
  Từ sau 30-4-1975, cuộc di tản, chạy trốn Cộng Sản đã hình thành những cộng đồng Người Việt trên thế giới. Từ đó, mỗi năm đến ngày 30-4, cộng đồng người Việt hải ngoại làm lễ tưởng niệm ngày 30 tháng 4, gọi đó là ngày Quốc Hận. Còn trong nước thì chính quyền Cộng Sản làm lễ lớn, gọi là Ngày Chiến Thắng, Thống Nhất Tổ Quốc. Dĩ nhiên kẻ chiến thắng đòi giành chính nghiã về mình và coi phe kia là người bại trận. Nhưng đối với người Việt hải ngoại thì trận chiến này vẫn chưa phân thắng bại. Thật vậy từ sau 30/4/75 cho tới ngày hôm nay cộng đồng người Việt tỵ nạn vẫn bền bỉ đấu tranh đòi lại dân chủ nhân quyền cho VN cũng như thành công trong việc bảo vệ chính nghĩa cờ vàng ba sọc đỏ được chính thức phất phới bay ở nhiều nơi trên thế giới có CĐNV tỵ nạn CS định.
Năm nay đã là 35 năm, đã hai thế hệ và cả hai bên đều ghi dấu được nhiều điều về cái chính nghĩa của kẻ thắng, người bại đối với đất nước.
Nhân dịp này, chúng ta mạn đàm về câu chuyện 35 năm của cộng đồng người Việt hải ngoại và 35 năm của chế độ Cộng Sản xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Việt Dương:
Câu chuyện dài và ngay đề đã thấy câu chuyện có 3 phần là bên thắng, bên bại và đất nước. Vì thế xin chia đề tài này thành 3 phần, mỗi buổi nói về một phần để chúng ta có thể nói kỹ hơn về một phần.  Tôi xin đề nghị hôm nay chúng ta nói về bên bại trước.

Nam Dao: Sau 35 năm, bên bại tạo thành cộng đồng người Việt tự do hải ngoại và đã đạt được nhiều thành tích về kinh tế, chính trị, văn hóa. Nếu nói về tất cả các lãnh vực thì vấn đề quá rộng và phức tạp. Theo anh, chúng ta nên đề cập về lãnh vực nào của cộng đồng người Việt hải ngoại?

Việt Dương:
Tất nhiên chúng ta không thể nói tất cả mà chỉ nên bàn đến mấy điểm căn bản.  Theo thiển kiến thì cộng đồng người Việt hải ngoại  có 3 đặc điểm là sống năng động, duy trì văn hóa dân tộc và chống chế độ độc tài đảng trị.
Chị đã ở Pháp, ở Úc và cũng đã biết nhiều nơi khác, chị nhìn thấy gì về chất năng động trong đời sống của người Việt.

Nam Dao: Tôi thấy người Việt thích ứng nhanh ở bất cứ môi trường nào về sự hòa nhập, về cách sống, cách làm. Với đức tính cần mẫn, chịu khó cực  nên làm lại cuộc đời cũng tương đối dễ dàng , và chỉ vài năm sau 75, người Việt đã thành công trong những việc mình tự làm và đã tạo được sự quý mến, tín nhiệm trong các công ty mà họ đi làm thuê.
Ngoài ra cha mẹ đặc biệt quan tâm về việc học của con cái cho nên hy sinh hỗ trợ con cái hết mình. Riêng tại Adelaide và ở Mỹ Âu, bản thống cho thấy tỉ số người việt tốt nghiệp đại học cao hơn những sắc tộc khác.

Việt Dương:  Từ sự nhận định của chị, tôi nhớ lại là sau 75, người Cộng Sản gọi những người chạy trốn chế độ Cộng Sản là bọn ma cô, đĩ điếm lười lao động, và chúng tôi trong trại cải tạo thì được cán bộ dạy rằng: Các anh được đảng và nhà nước khoan hồng nhân đạo cho đi học tập cải tạo để trở thành người lương thiện biết lao động.
Thành ra khi ở xứ người thì người Việt lưu vong là người tốt, biết làm, biết sống, biết thăng tiến, còn với chế độ Cộng Sản thì lại là ma cô lười lao động. Và chúng tôi, thành phần sĩ quan cải tạo là bọn bất lương.
Nhắc lại thế thôi, chứ sau Đại Hội 6 (1986), với chương trình đổi mới, đảng Cộng Sản phải thay đổi chế độ kinh tế, phải mời tư bản ngoại quốc vào làm ăn thì đám ma cô, đĩ điếm và bọn bất lương lại trở thành những tên gọi rất đẹp là khúc ruột ngàn dặm, là kiều bào không tách rời quê hương, là kiều bào không bao giờ quên tổ quốc.
Thưa chị, về sự năng động của người Việt, tôi muốn nói thêm là sự hình thành cộng đồng nhanh chóng ở khắp nơi. Nơi nào có người Việt đông đảo là lập tức có sự quần tụ thành cộng đồng với một thành tích đáng kể là người Việt đã làm sống lại nhiều vùng cư dân xuống cấp, tiêu điều: Thí dụ như vùng Quận Cam, Little Saigon ở California, vùng Uptown ở Chicago… Và một điểm nổi bật hơn là cộng đồng người Việt có sự sống động về sinh hoạt chính trị, văn hóa và kinh tế hơn mấy cộng đồng của người Philippines, người Lào và người Campuchia…

Nam Dao:  Còn vấn đề văn hóa, anh thấy những gì là cụ thể?

Việt Dương: Về việc duy trì văn hóa dân tộc biểu hiện ở mấy điểm sau:
1. Về nhu cầu đọc và giải trí:
Chỉ sau ít năm ổn định đời sống, người Việt đã in lại nhiều sách đã xuất bản ở miền Nam trước 75 và xuất bản nhật báo, tạp chí cùng những sách mới được sáng tác.
- Nhạc cũ ở miền Nam được thu lại và nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bản nhạc mới nói lên tâm trạng lưu vong và nhớ nước của người lưu vong.
2. Về nhu cầu tâm linh:
Nơi nào có cộng đồng người Việt là có chùa với sư Việt, có nhà thờ với linh mục Việt, đạo Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài cũng thế.
3. Về sinh hoạt cộng đồng:
Người Việt duy trì được những lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Lễ tổ Hùng Vương, 30 tháng tư và Trung Thu…
Nói tóm, trong 3 thập niên, người Việt đã tạo dựng được những cộng đồng với bản sắc Việt Nam - Bản sac biểu hiện ở ngôn ngữ, ăn uống và lễ nghi..- Ở tương lai xa thêm vài thế hệ nữa, ta không thể hình dung nền văn hóa đó sẽ biến đổi thế nào với những tiến bộ kỹ thuật cùng sự tương tác giữa những nền văn hóa của con em ta ở xứ người, còn bây giờ thì văn hóa đó khởi sắc, sinh động không kém những nền văn hóa khác như Tàu, Nhật, Ấn Độ…
Ở đây tôi muốn nói lên một đặc điểm là chúng ta chạy loạn, thất điên bát đảo, nhưng đã tụ lại được với bản sắc ở xứ người. Đó là văn hóa, còn điểm thứ ba là chính trị, là lập trường chống chế độ độc tài đảng trị, chị là người tham dự trực tiếp vào những tổ chức đấu tranh, tôi nghĩ chị có thể thấy nhiều điều.

Nam Dao:  Vâng thưa anh, riêng ND thấy có 2 điểm chính
1. Tự do là di sản của người Việt lưu vong. Vì thế ở hải ngoại, tự do là nền tảng căn bản để người Việt xây dựng đời sống và trên nền tảng này, người Việt lưu vong chống lại chế độ Cộng Sản.
2. Trên 3 thập niên, việc đấu tranh chống chế độ Cộng Sản đã diễn ra trên các lãnh vực chính trị, văn hóa xã hội mà căn bản là tố cáo những tội ác của chế độ trước cộng đồng quốc tế, và yểm trợ những phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.

Việt Dương: Việc đấu tranh liên tục, nhưng theo chị thì kết quả cụ thể là những gì?

Nam Dao: Theo cái nhìn chung thì kết quả cụ thể có thể thấy ở những điểm sau:
Thứ nhất, trên 3 thập niên chế độ Cộng Sản có cả nước, có tiền, có cán bộ, lại có bang giao với hầu hết các quốc gia, nhưng họ không thể chiếm cộng đồng Việt Nam hải ngoại  như họ muốn.
Bất cứ một phái đoàn nào ở cấp cao như Tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước  hay quốc hội đi thăm những quốc gia tư bản như Mỹ, Pháp, Anh Úc, Canada và Đức…đều phải đối diện với những cuộc biểu tình của người Việt và phái đoàn phải đi vào cổng hậu.
Thứ nhì, ở những quốc gia tư bản, lá cờ máu của Cộng Sản chỉ có thể kéo lên ở những pháo đài của họ là tòa đại sứ. Việc hạ cờ máu của Việt Cộng ở Mỹ đã là những trận chiến liên tục. Và tính đến ngày 26/3/2010 đã có 115 điạ phương gồm 8 quận hạt, 94 thành phố thuộc 29 tiểu bang đã công nhận lá cờ Vàng 3 Sọc Đỏ, là lá cờ biểu tượng tự do và truyền thống của cộng đồng người Việt lưu vong. Ngoài ra qua cuộc vận động của Ủy Ban Hạ Cờ Đỏ ở Houston và dân biểu Hubert Võ, Thượng viện và Hạ viện tiểu bang Texas đã thông qua nghị quyết HCR285 ngày 30/5/2009, cấm các trường đại học và trung học ở Texas không được treo cờ đỏ của Cộng Sản Việt Nam. Hoặc là sự hiện diện ngạo nghễ của lá cờ vàng bà sọc đỏ tại các kỳ đài, đài tưởng niệm, viện bảo tàng ở các quốc gia Úc, Mỹ và Âu Châu.
Thứ ba, với truyền thông và vận động các tổ chức nhân quyền trên thế giới, những tổ chức chính trị và hội đoàn người Việt đã yểm trợ và bảo vệ những chiến sĩ dân chủ trong nước.
Thứ tư, Hải ngoại là miền đất truyền bá những bài viết, những tác phẩm bị cấm trong nước và từ đó có thể dội ngược trở lại trong nước. Chẳng hạn tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Gửi Lại Trước Khi Về Cõi của vũ Cao Quận, Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải… Hầu hết những bài viết của những nhà đấu tranh dân chủ trong nước đều gửi ra hải ngoại.
Cho đến nay thì như thế, nhưng có nhiều người nêu lên một mối lo là sau thế hệ chúng ta (thế hệ 50, 60 và 70), cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ suy yếu trước sự xâm lấn của Cộng Sản Việt Nam với những kế hoạch mới của họ như nghị quyết 36 (2004). Anh có nhận định gì về vấn đề này?

Việt Dương: Mối lo đó đã có từ lâu, vì người ta nhìn vào tình trạng lão suy của một số tổ chức chính trị: chỉ thấy người già mà không thấy người trẻ. Nhưng tôi lại có cái nhìn khác, niềm tin khác là lập trường chống chế độ độc tài đảng trị và đấu tranh cho tự do dân chủ, công lý sẽ được tiếp nối ở những người trẻ. Sự tiếp nối này có thể coi là điểm then chốt của cộng đồng người Việt  và tôi xin được dẫn giải niềm tin này như sau:
Thứ nhất, trên 3 thập niên, nhiều tổ chức chính trị ra đời. Có tổ chức chết yểu, có tổ chức tồn tại (cả vài đảng phái cũ). Những tổ chức trụ được đều có sự tiếp nối của người trẻ.
Thứ nhì, Những tổ chức đại diện cộng đồng ngày càng được củng cố, có nền tảng qua bầu cử. Xin kể Ban Đại Diện Cộng Đồng ở Nam, Bắc California, ở Houston, Dallas, ở Chicago và ở Boston. Điều đáng kể là có nhiều người trẻ tham dự những cuộc tranh cử. Từ những tổ chức cộng đồng này, người trẻ kế tục, xây dựng, phát huy những sinh hoạt chính trị, văn hóa và xã hội.
Thứ ba, Khoảng 10 năm trở lại đây, một số người trẻ đã đi vào dòng chính của chính trị Hoa Kỳ qua ứng cử và họ đã đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố, Quốc hội tiểu bang và Hạ Viện Liên Bang. Quý vị nghị viên, dân biểu này đã đi theo những tiếng nói đấu tranh chính nghĩa tự do dân chủ của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Thí dụ dân biểu Trần Thái Văn đã là tác giả của đạo luật cấm sự xuất hiện công khai của đảng Cộng Sản Việt Nam ở khu vực Little Saigon. Dân biểu hạ viện liên bang Cao Quang Ánh (đơn vị New Orleans, Louisiana) đã lên tiếng đòi hỏi chế độ Cộng Sản Việt Nam tôn trọng tự do dân chủ và nhân quyền trước diễn đàn Quốc Hội Mỹ. Dân biểu tiểu bang Hubert Võ đã vận động cho nghị quyết cấm treo cờ Cộng Sản Việt Nam tại các trường đại học và trung học ở Texas.
Rồi đây những người trẻ Việt Nam hoạt động chính trị sẽ đi vào chính trị Mỹ nhiều hơn và hành trang của họ là chính nghĩa tự do dân chủ của cộng đồng người Việt.
Thứ tư, Sự kiện người Việt ở Little Sai gòn phá vỡ âm mưu treo cờ Việt Cộng và ảnh Hồ Chí Minh ở cửa tiệm video của Trần Trường năm 2000 mà chủ lực là giới trẻ (giới trẻ chiếm 2/3 số người tham dự biểu tình suốt đêm ngày với rừng cờ Vàng ở Bolsa) đã nói lên ý thức về việc tiếp nối của thế hệ trẻ và cũng từ đó, cộng đồng người Việt đã tiến hành chiến dịch dựng cờ Vàng, và khởi từ 19/2/2003 cuộc vận động qua 29 tiểu bang và đến ngày 31/8/2008, cờ Vàng đã được 14 tiểu bang, 7 quận hạt và 88 thành phố chính thức công nhận là biểu tượng của tự do và truyền thống của người Việt hải ngoại.
Từ mấy điểm trên, tôi có niềm tin là những người trẻ có học vấn cao sẽ tiếp nối cha anh trong những hoạt động chính trị, văn hóa và những tổ chức chính trị, văn hóa sẽ được tiếp nối với sinh lực trẻ, và trên cái nền tự do, thế hệ trẻ sẽ nhận thức rõ đồng bào trong nước không có tự do dân chủ.

Nam Dao: ND biết rằng anh VD có rất nhiều điều để chia sẻ thêm với đồng hương, nhưng tiếc rằng thời giờ có giới hạn nên xin phép tạm ngừng ở nơi đây.Trước khi tạm chia tay xin anh VD có thể nào cho 1 câu kết luận ngắn gọn về chủ đề của cuộc mạn đàm ngày hôm nay.

Việt Dương: Từ những điểm phân tích và nhận định trên đây, chúng ta có thể nói cộng đồng người Việt hải ngoại là một nhân tố có gía trị tương tác với đồng bào quốc nội trong cuộc vận động chống lại chế độ độc tài đảng trị. Vì ngày trước dưới chế độ thực dân Pháp, ông cha chúng ta đã phải cô độc bôn ba qua Tàu, qua Nhật, qua Pháp để vận động chống lại chế độ thực dân Pháp. Còn ngày nay thì chế độ Cộng Sản Việt Nam mà trong nước đã gọi là chế độ Nội Xâm đã phải đối diện với những cộng đồng người Việt Tự Do trên khắp thế giới, và những tổ chức đấu tranh chống chế độ độc tài đảng trị đã có một hậu phương để sống, xây dựng và phát triển đấu tranh.

Nam Dao:  ND xin tạm dừng phần mạn đàm ở đây và xin mời qúy tính giả nghe tiếp phần 2, nói chuyện về “Bên Thắng”  là đảng Cộng Sản Việt Nam ở kỳ sau.
.
.
.
 

No comments: