Tuesday, November 9, 2010

QUYỀN LỰC SẼ "BIẾN HÌNH" TRONG THẾ KỶ 21 (Jopseph Nye)

Đình Ngân dịch (theo Project Syndicate)
9-11-2010

G2, G7, G8, G20, Liên Hợp Quốc, EU… Rất nhiều thể chế và tổ chức nhưng quyền lực thực chất nằm trong tay ai?

Chính phủ toàn cầu sẽ khó có khả năng hình thành trong thế kỷ 21, nhưng một mức độ kiểm soát toàn cầu nào đó đã đang tồn tại.
Thế giới có hàng trăm điều ước, thể chế, và cơ chế quản lý hành vi liên nhà nước liên quan tới truyền thông, hàng không dân dụng, bảo vệ môi trường biển, thương mại, và thậm chí cả phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nhưng những thế chế như thế hiếm khi tự đứng vững được. Các tổ chức vẫn đòi hỏi sự lãnh đạo của các cường quốc. Và chúng ta vẫn chờ xem liệu các cường quốc của thế kỷ này có xứng đáng với vai trò ấy hay không.
Khi sức mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên, hành vi của họ sẽ thay đổi ra sao? Thật trớ trêu, với những ai dự đoán một thế giới gồm ba cực Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ vào giữa thế kỷ này, tất cả những nước này - các quốc gia đông dân nhất thế giới - lại là những nước lúc nào cũng chăm chăm cho chủ quyền của mình một cách mạnh mẽ nhất.
Một số người cho rằng, các thể chế toàn cầu hiện nay của chúng ta đã đủ mở và "dễ thở" hơn để Trung Quốc tìm thấy được lợi ích khi trở thành "một cổ đông có trách nhiệm" như những gì chủ tịch Ngân hàng thế giới Robert Zoellick từng nói.
Số khác lại tin Trung Quốc sẽ tham vọng áp đặt các mục tiêu cá nhân và tạo dựng một hệ thống thể chế quốc tế riêng khi quyền lực lớn mạnh.
Các nước Liên mình châu Âu đã sẵn sàng hơn với thử nghiệm hạn chế chủ quyền nhà nước, và có thể còn đang kêu gọi cải cách thể chế thêm nữa.
Nhưng ít có khả năng sau khi ngăn chặn được một thảm họa như chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới sẽ chứng kiến một "khoảnh khắc trang trọng" như từng trải qua với việc sáng lập hệ thống thể chế Liên hợp quốc (LHQ) sau năm 1945.
Ngày nay, là một thể chế toàn cầu, LHQ đang đóng vai trò quyết định trong việc thực thi pháp luật, ngoại giao khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, sứ mệnh nhân đạo, nhưng với nhiều chức năng khác, quy mô của tổ chức vẫn chứng tỏ là yếu tố gây bất lợi lớn.
Như đã thấy tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2009, cuộc họp gồm 192 thành viên thường khó điều khiển và phụ thuộc vào các chính trị khối (khu vực) và động thái chiến thuật của những "tay chơi" chính lớn.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ mới đây, "LHQ vẫn là thể chế toàn cầu quan trọng nhất... nhưng chúng ta đã liên tục được thấy những hạn chế của nó... LHQ chưa bao giờ được định hướng để giải quyết mọi thách thức".
Thực tế, thế lưỡng nan chính mà cộng đồng thế giới đang gặp phải là làm thế nào để mọi nước cùng tham gia mà vẫn có thể hành động. Đáp án có thể nằm ở những gì người châu Âu gọi là "sự biến hình". Sẽ có nhiều chủ nghĩa đa phương và "chủ nghĩa tiểu phương", những cơ chế sẽ thay đổi tùy theo vấn đề, với sự phân phối các nguồn lực khác nhau.
Ví dụ, về vấn đề tiền tệ, hội nghị Bretton Woods đã thành lập Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 1944, và kể từ đó đã mở rộng với 186 quốc gia thành viên. Nhưng ưu thế nổi trội toàn cầu của đồng đôla Mỹ vẫn là điểm nổi bật của hợp tác tiền tệ cho tới những năm 1970.
Sau khi đồng đôla suy yếu và tổng thống Richard M. Nixon quyết định chấm dứt cơ chế quy đổi ra vàng, năm 1975 Pháp đã triệu tập các nhà lãnh đạo năm quốc gia tại Chateau de Rambouillet (Lâu đài Rambouillet) ) để thảo luận các vấn đề tiền tệ. Nhóm này nhanh chóng tăng lên bảy thành viên, và sau đó tiếng tục mở rộng phạm vi và thành viên để trở thành nhóm G-8.
Sau đó, G-8 tiếp tục phình ra và mời thêm năm nước từ các nền kinh tế mới nổi. Tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bộ khung này nổi lên thành nhóm với tên gọi G-20, và đang có ý định thu nạp thêm thành viên nữa.
Cùng lúc đó, G-7 tiếp tục hội họp trên chương trình nghị sự tiền tệ hẹp hơn; những thể chế mới như Ban Ổn định tài chính, được thành lập, trong khi các cuộc hội đàm song phương giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò ngày một quan trọng.
Như một nhà ngoại giao thâm niên từng nói, "nếu bạn đang cố đàm phán một thỏa thuận tỷ giá hối đoái với 20 nước hay một gói cứu trợ cho Mexico, đây sẽ không phải chuyện dễ. Nếu bạn phải đàm phán với hơn 10 người, mọi chuyện sẽ trở nên rất khó thực hiện".
Và dĩ nhiên ông đã đúng. Dù thế nào, với ba quốc gia, cũng chỉ có ba quan hệ song phương; với 10, thì đã có tới 45 quan hệ song phương; và với 100 thì số quan hệ tay đôi này đã lên tới 5.000.
Đó là lý do tại sao, với những vấn đề như biến đổi khí hậu, LHQ sẽ còn tiếp tục giữ vai trò, nhưng các cuộc đàm phán quyết liệt hơn có thể sẽ chỉ diễn ra ở những nhóm nhỏ hơn như Diễn đàn Các nền kinh tế lớn, nơi chưa đầy chục quốc gia "đóng góp" tới 80% lượng khí thải nhà kính.
Nhiều trong số công việc điều hành toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các mạng lưới chính thức và phi chính thức. Các tổ chức hệ thống (như G-20) được sử dụng để xây dựng chương trình nghị sự, tạo đồng thuận, phối hợp chính sách, trao đổi kiến thức, và thiết lập các chuẩn mực.
Như Anne-Marie Slaughter, giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét, "quyền lực xuyên suốt dạng kết nối này không phải là quyền lực áp đặt ra kết quả. Các mạng lưới không bị điều hành và kiểm soát nhiều như bị điều khiển và giật dây... Nhiều "tay chơi" phối hợp thành một khối quyền lực lớn hơn sức mạnh của tổng các thành viên cộng lại".
Nói cách khác, mạng lưới này được trao quyền lực để đạt được những kết quả có lợi cùng với những người chơi khác thay vì đứng trên họ.
Để đối phó với những thách thức xuyên quốc gia chỉ có ở thời đại thông tin toàn cầu, cộng đồng quốc tế sẽ phải tiếp tục phát triển một loạt các mạng lưới và thể chế bổ sung để "tiếp ứng" cho khuôn khổ toàn cầu của LHQ.
Nhưng nếu các nước lớn bị chia rẽ, thì ngay cả các tổ chức mạng lưới như G-20 cũng khó có thể thiết lập được các chương trình nghị sự để cho LHQ và các thể chế tài chính Bretton Woods dựa vào đó mà hành động.
Ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có vẻ như G-20 đã giúp các chính phủ phối hợp hành động và tránh chủ nghĩa bảo hộ tràn lan. Thế giới đang chờ đợi trong lo âu được thấy nhóm này sẽ thể hiện ra sao tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Seoul tháng 11 này.
Joseph S. Nye là giáo sư Đại học Havard và tác giả cuốn sách sắp ra mắt Tương lai của Quyền lực.
.
.
.

No comments: