Tuấn Thảo - RFI
Thứ sáu 26 Tháng Mười Một 2010
Tại Pháp, nhà đấu giá Drouot là một địa điểm nổi tiếng của Paris, đủ để cho cái tên riêng này được đưa vào thi ca. Hàng năm tại Drouot, có khoảng 800 ngàn hiện vật, đồ cổ hay tác phẩm nghệ thuật chuyền tay đổi chủ. Nhưng trong tuần này, có một cuộc bán đấu giá đã thu hút sự chú ý của người Việt.
Lần đầu tiên, một bức tranh của vua Hàm Nghi mang tên là Déclin du jour (tạm dịch Chiều tà hay Ngày tàn) được bán tại Paris. Hôm 24/11 vừa qua, phòng số 1 của nhà đấu giá Drouot đã mở cửa kể từ 11 giờ sáng để đón công chúng đến xem các hiện vật được trưng bày. Buổi đấu giá chỉ diễn ra hơn 3 tiếng đồng hồ sau đó nhưng số khách đến từ trước lại khá đông.
Những người Việt có mặt tại chỗ chủ yếu quan tâm đến bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi, đặt ở góc bên trái bàn đấu giá. Giới chuyên gia Pháp thì lại quan tâm đến các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Cocteau, Buffet, Modigliani, Magritte, Monet. Văn phòng Millon & Associés chính là công ty được giao bán hầu hết các tác phẩm trưng bày vào hôm đó. Ban Việt ngữ RFI đã gặp ông Alexandre Millon, giám đốc văn phòng cùng tên trong lúc ông đang chuẩn bị cho cuộc đấu giá.
Alexandre Millon : Trước hết chúng tôi đã khá ngạc nhiên trước sự hưởng ứng của một số người Việt sống ở Pháp. Trước khi được đem ra bán đấu giá tại Drouot, bức tranh của vua Hàm Nghi đã được trưng bày tại văn phòng của chúng tôi, và những người Việt đến xem đều bày tỏ sự kính cẩn, nể trọng. Tôi không nghĩ là họ có ý định mua đấu giá bức tranh này, mà lại muốn chứng kiến tận mắt tác phẩm của vua Hàm Nghi. Đối với họ, tấm tranh có một giá trị nào đó rất thiêng liêng vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật. Bức Chiều tà do một gia đình ở Pháp giao cho chúng tôi bán, ở đây tôi xin phép không tiết lộ danh tánh của họ. Gia đình này không biết gì nhiều về nguồn gốc của tác phẩm. Theo tôi, có lẽ đây là một món quà mà cựu hoàng Hàm Nghi đã tặng cho họ.
Có người hỏi rằng vì sao chúng tôi ra giá ban đầu thấp như vậy. Theo giới chuyên ngành hội họa, đó là một nhận xét chủ quan, tùy theo cảm tính của mỗi người. Để định giá một tác phẩm, chúng tôi phải dựa vào một số tiêu chuẩn cụ thể như thời kỳ vẽ tranh, tác phẩm thuộc thể loại gì, theo khuynh hướng, trào lưu hay trường phái hội họa nào. Bên cạnh đó, sự nghiệp của tác giả cũng đóng một vai trò quan trọng. Khối lượng tác phẩm được cho ra đời, việc tổ chức triển lãm thường xuyên và nhất là tại các địa điểm nổi tiếng góp phần nâng cao giá trị của tác phẩm trên thị trường. Đâu đó bức Chiều tà có một tầm quan trọng trước hết là nhờ thân thế của tác giả, và điều đó càng có nhiều ý nghĩa trong mắt của người Việt. Chúng tôi chỉ hy vọng là bức tranh sẽ được đấu giá cao hơn nhiều mức định giá ban đầu.
Bức Chiều tà trong mắt giới chuyên gia hội họa
Tại nhà đấu giá Drouot, chúng tôi cũng đã gặp cô Cécile Ritzenthaler, chuyên gia về hội họa thế kỷ XIX và XX, và cũng là người đã dẫn dắt cuộc đấu giá hôm 24/11. Cô là người đã xét nghiệm tính xác thực của bức tranh Chiều tà Déclin du jour. Cô cho biết nhận xét của mình về tác phẩm của vua Hàm Nghi.
Cécile Ritzenthaler : Chiều tà (Déclin du jour) không phải là tựa đề chính xác của tác phẩm. Trong nguyên tác, bức tranh này mang tên là La route de El Biar (Con đường của El Biar). Riêng về cái tựa Déclin du jour được ghi chú trên một tấm giấy nhỏ kẹp vào khung gỗ ở đằng sau bức tranh. Trên tấm giấy, có ghi thêm hàng chữ, quà tặng của hoàng tử An Nam, vẽ vào năm 1915 tại Alger. Điều đó giúp cho chúng tôi tìm hiểu thêm về xuất xứ của tác phẩm, bởi vì ở một góc tranh nhà vua ký tên bằng Hán tự, dịch sát nghĩa là Con của mùa xuân (Xuân Tử). (Lời tòa soạn : nhiều nguồn khác thì cho rằng nghệ danh của vua Hàm Nghi là Tử Xuân).
Theo đánh giá của tôi, bức Chiều tà có những nét họa mang nhiều ảnh hưởng của trường phái Nabi, một phong trào hội họa hình thành vào cuối thế kỷ 19, thiên về chủ nghĩa biểu tượng. Chữ Nabi bắt nguồn từ tiếng Do Thái, nebiim có nghĩa là tiên tri, linh cảm. Bức tranh vẽ phong cảnh này có một gam màu sẫm, hàng cây chân trời đều có những đường viền màu xanh đậm, ánh nắng ban chiều thì ửng màu hồng tím. Cách vẽ này dùng những màu lấy thẳng từ các ống sơn, chứ không có nhiều pha trộn. Một điểm tiêu biểu khác nữa là trong tranh phong cảnh theo khuynh hướng Nabi, chân trời thường được vẽ ở phần nửa trên thay vì ở phần nửa dưới của tấm tranh. Sinh thời, nhà vua đã học vẽ với thầy là Maurius Reynaud và học tạc tượng với nhà điêu khắc lừng danh của Pháp là Auguste Rodin.
Đào sâu hơn nữa, chúng tôi mới khám phá ra rằng sinh thời nhà vua Hàm Nghi đã triển lãm một lần các tác phẩm của mình vào năm 1926 tại Paris. Điều đó phần nào giúp cho chúng tôi định giá tác phẩm, bên cạnh việc so sánh bức Chiều tà với các tấm tranh của các tác giả cùng thời. Ngay từ ban đầu, tôi đã nhận được nhiều cú điện thoại của những người muốn mua tranh, có cả người Việt lẫn người Pháp. Điều đáng chú ý là đa số những người này muốn mua vì lý do tình cảm nhiều hơn là nhằm mục đích kinh doanh. Đa số đều còn khá xa lạ với hình thức bán đấu giá, nên họ gọi tôi để tham khảo ý kiến. Phản ứng của họ hoàn toàn khác với những thương gia chuyên sống nhờ nghề buôn bán tranh.
Cảm nhận của người Việt tại phòng đấu giá
Cuộc đấu giá bắt đầu vào khoảng 14 giờ 20. Từ cả tiếng đồng hồ trước đó, khách tham dự đã bắt đầu xếp hàng để vào cửa, sớm tìm cho mình chỗ ngồi thích hợp. Trên hơn 150 người có mặt tại buổi bán đấu giá hôm đó, có khoảng 10% là người Việt. Khoảng 70 ghế đã chật kín người ngồi. Những người còn lại phải đứng ở đằng sau hàng ghế nếu muốn tham dự.
NGHE : Chị Mathilde Tuyết Trần
Phần đấu giá bức tranh của vua Hàm Nghi (lô thứ 41 trên hơn 200 lô) diễn ra vào khoảng 15 giờ, giờ Paris, kéo dài trong vòng chưa đầy 5 phút, nhưng đủ để nhân lên hơn gấp 8 lần (8 800 euros) so với mức định giá ban đầu của văn phòng Millon & Associés. Chủ nhân của bức tranh là một người tham gia đấu giá qua điện thoại. Điều đó khiến cho một số người Việt hơi thất vọng. Trong đó có chị Mathilde Tuyết Trần, từng tham gia trực tiếp đấu giá.
NGHE : Ông Tạ Quốc Tuấn
Về phần mình, ông Tạ Quốc Tuấn, thư ký thứ nhất sứ quán Việt Nam tại Paris cũng đã được tỉnh Thừa Thiên Huế gửi gấm để tham gia vào cuộc bán đấu giá hôm 24/11. Ông cho biết cảm tưởng của mình ngay sau cuộc đấu giá.
NGHE : Cô Nguyễn Thế Thanh
Cô Nguyễn Thế Thanh, tổng giám đốc công ty Sài Gòn Media trong lúc đang đi công tác, cũng từ Đức bay sang Paris với hy vọng là sẽ mua được bức tranh Chiều tà, để rồi đưa tác phẩm này của cựu hoàng Hàm Nghi về cố đô Huế.
Sau khi phần đấu giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi ngã ngũ, hầu hết người Việt có mặt hôm đó đều ra về, trong khi buổi đấu giá vẫn tiếp diễn tại Drouot. Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm của một số người Việt sống ở Pháp hay từ Việt Nam sang Paris đối với sự kiện này. Trong đó có rất nhiều người lần đầu tiên đặt chân đến Drouot.
---------------------
Tuấn Thảo - RFI - Thứ sáu 26 Tháng Mười Một 2010
RFI - Thứ tư 24 Tháng Mười Một 2010
Đấu giá tranh của vua Hàm Nghi - BBC Vietnamese
Nguyễn Ngọc Giao - Viết từ Paris, Pháp
Bán đấu giá tranh của Vua Hàm Nghi - BBC phỏng vấn Nguyễn Ngọc Giao
Cập nhật: 11:38 GMT - thứ hai, 22 tháng 11, 2010
- Cập nhật : 25/11/2010 11:27
Cập nhật : 13/11/2010 12:18
- Cập nhật : 22/11/2010 19:26
- Cập nhật : 08/07/2008 10:35
------------------
Tranh của vua Hàm Nghi được đấu giá tại Pháp (dantri.com.vn)
Bán đấu giá tranh của Vua Hàm Nghi tại Pháp (baomoi.com)
Bán đấu giá bức tranh của vua Hàm Nghi (vovnews.vn)
Đấu giá tranh của vua Hàm Nghi (vanchuongviet.org)
.
.
.
No comments:
Post a Comment