Wednesday, November 3, 2010

PHÒNG CHỐNG ĐẠO VĂN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA (Vũ Thị Phương Anh)

Vũ Thị Phương Anh
Monday, November 1, 2010

Bài này tôi viết cho SGTT, đã đăng trên trang online hôm nay, nhưng tôi chưa đọc lại. Thôi thì cứ đăng nguyên văn bản tôi đã gửi đi lên đây để chia sẻ với mọi người. Các bạn đọc và trao đổi nhé, tôi cho rằng đây là một vấn đề rất quan trọng, các bạn ạ.
Bài đăng trên SGTT có thể đọc ở đây.


------

Lại một lần nữa trong năm 2010 này, đạo văn trở thành một chủ đề nóng trên báo chí. Điều đáng nói của vụ đạo văn lần này là nó liên quan đến một bài báo đã công bố trên một tạp chí khoa học quốc tế của một nhóm tác giả Việt Nam. Sau khi bị phát hiện, bài báo bị rút xuống và hành vi đạo văn của nhóm tác giả bị thông báo rộng rãi đến cộng đồng khoa học của thế giới. Riêng với tờ tạp chí đã phát hiện ra vụ đạo văn nói trên thì nhóm tác giả này vĩnh viễn không còn cơ hội để công bố các bài viết nữa.

Vụ việc đáng buồn này chắc chắn sẽ có tác động không tốt đến giới khoa học nước nhà, và hơn thế sẽ làm xấu đi hình ảnh của đất nước đối với thế giới bên ngoài. Làm thế nào để ngăn chặn những vụ tai tiếng tương tự trong tương lai? Câu trả lời dường như khá đơn giản: chỉ cần phạt thật nặng những trường hợp bị phát hiện như trong trường hợp đã xảy ra thì sẽ chẳng còn ai dám đạo văn nữa, có lẽ thế.

Thực ra, mọi việc phức tạp hơn rất nhiều, vì việc bị phát hiện và xử lý như mới đây chỉ là một trường hợp hy hữu, trong khi ở Việt Nam có nhiều vụ đạo văn trầm trọng hơn nhiều nhưng “kẻ phạm tội” không những không bị trả giá mà còn được tưởng thưởng – thăng chức, “phong hàm” giáo sư, phó giáo sư. Hơn nữa, đối với những trường hợp như vụ đạo văn mới đây, không loại trừ khả năng những người vi phạm đã “chết vì thiếu hiểu biết”, vì đã phạm phải tội “đạo văn không cố tình”. Dù tất nhiên ngay cả có chứng minh được là mình không cố tình thì điều này vẫn không thể giúp họ thoát tội.

Đạo văn không cố tình là một điều rất dễ xảy ra với những người mới bắt đầu làm khoa học từ những nước như Việt Nam, Trung Quốc, và cả Hàn Quốc, Nhật Bản, những nơi không có truyền thống khoa học minh bạch và liêm chính như các nước phát triển phương Tây. Vì vậy, trước yêu cầu hội nhập quốc tế, nếu các quốc gia này muốn ngăn ngừa tình trạng đạo văn cho có hiệu quả thì không nên chỉ xem xét trách nhiệm cá nhân, mà còn phải thay đổi cái “văn hóa đạo văn” vốn tồn tại đã lâu ở các nước châu Á nữa.

Nhưng “văn hóa đạo văn” là gì? Văn hóa, theo định nghĩa của từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (ấn bản lần thứ sáu, năm 2000) là “những phong tục, niềm tin, cách thức, hoặc lề thói sinh hoạt và tổ chức xã hội của một quốc gia hoặc một nhóm người” – nói nôm na là điều mà hầu như ai cũng làm và cho là đương nhiên. Vậy “văn hóa đạo văn” chỉ có nghĩa là đạo văn là một thói quen, một cách làm mà ai cũng thấy là bình thường, cả người vi phạm lẫn người bị vi phạm (dù tất nhiên người bị vi phạm sẽ không cảm thấy thoải mái gì cho lắm).

Với định nghĩa này, rõ ràng Việt Nam – cũng nhiều nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vv – là một nước có một nền văn hóa đạo văn thật rõ nét. Cứ thử tìm hiểu trên mạng Internet thì sẽ rõ, chỉ riêng những vụ đạo văn bị phanh phui cũng đủ cho thấy tính phổ biến và mức độ nghiêm trọng của đạo văn ở Việt Nam. Có thể nói, nếu áp dụng định nghĩa của phương Tây thì ở Việt Nam, nạn đạo văn ở Việt Nam đang hoành hành ở mọi cấp học và kẻ vi phạm không hề thiếu bất kỳ một thành phần nào, từ người học đến giáo viên, và đáng buồn hơn là cả những nhà quản lý nữa.

Vậy phải làm sao đây? Theo tôi, ngoài việc đưa ra những luật lệ, quy định về xử phạt các vụ đạo văn và thực hiện nghiêm các luật lệ, quy định này, cần xem trọng việc tạo ra một nền văn hóa học thuật mới thay thế cho “văn hóa đạo văn” hiện nay. Để làm được điều này, rõ ràng là nhà trường (hoặc viện nghiên cứu) có vai trò quyết định. Văn hóa là giá trị chung, là thói quen, và là quy tắc ứng xử của một nhóm người, một cộng đồng. Nhà trường với tư cách là một tổ chức là nơi có điều kiện thuận lợi nhất để áp đặt những giá trị và lề thói mới lên các cá nhân là người học và các giáo viên, các nhà khoa học hoạt động trong tổ chức của mình. Riêng trong trường hợp của Việt Nam thì cần chú trọng ở hai cấp quan trọng nhất là đại học và tiểu học.

Ở bậc đại học, những ai có điều kiện đi học ở nước ngoài sẽ thấy kỹ năng thông tin, kỹ năng sử dụng thư viện, và trích dẫn khoa học (referencing) được chú trọng đến như thế nào trong các trường đại học. Ngay từ khi mới vào trường thì các sinh viên đã có thời gian định hướng (orientation), trong đó những kỹ năng vừa nêu được hướng dẫn tổng quát cho sinh viên, tất nhiên là kèm với những tài liệu như sổ tay sinh viên với những thông tin cần có, kể cả các về yêu cầu trích dẫn và việc xử lý khi vi phạm đạo đức học thuật.

Sau đó, khi vào học thì giảng viên từng môn học cũng sẽ lập lại các yêu cầu về tài liệu cần đọc, cách trích dẫn tài liệu, và những quy tắc ứng xử cũng như đạo đức khoa học đối với sinh viên là như thế nào. Và cứ mỗi bài tiểu luận nộp cho giảng viên là một lần các kỹ năng và quy tắc ứng xử nói trên lại được củng cố, để tạo ra một thói quen, một cách làm, và một giá trị mà cộng đồng cùng chia sẻ.

Một dạng bài tập rất được ưa chuộng mà bản thân tôi cho là rất hữu ích là bài tập chú giải tài liệu tham khảo (annotated bibliography) của một môn học [1]. Ở bài tập này, sinh viên được yêu cầu tự chọn ra một số tài liệu chính có liên quan đến môn học, và viết một đoạn tóm tắt về nội dung chính của tài liệu này kèm theo lời bình luận của mình. Thông qua bài tập này, sinh viên học được cách tìm tài liệu, thực hành một số kỹ thuật về trích dẫn khoa học, cách trình bày lại ý tưởng của tác giả bằng lời của mình (không “đạo câu chữ” của tác giả), và cách nêu ý tưởng riêng, độc lập của mình đối với những gì đã đọc được từ những tác giả khác, kể cả các tên tuổi lớn trong ngành.

Ở bậc tiểu học, thay vì bị yêu cầu học thuộc lòng những gì đã viết trong sách và trả bài theo đúng nguyên văn những gì đã học, các em được yêu cầu sử dụng lời của mình để viết lại những gì đã đọc được. Các dạng bài tập giúp các em tự quan sát, ghi chép, giao tiếp với người khác, vận dụng tư duy độc lập, và cả kỹ năng sử dụng từ điển, sử dụng thư viện luôn được sử dụng. Nghe thì to tát, nhưng thật ra những bài tập ở bậc tiểu học có thể rất đơn giản, ví dụ như yêu cầu các em chép lại định nghĩa của từ “đạo văn” trong một vài cuốn từ điển có sẵn trong thư viện của trường, trong đó có cả yêu cầu ghi rõ nguồn trích dẫn tài liệu. Hoặc yêu cầu các em tự tóm tắt lại các bài đọc bằng lời của mình – những điều hoàn toàn có thể làm được trong hoàn cảnh của Việt Nam.

Chỉ bằng cách tạo ra một nền văn hóa học thuật mới, trong đó tư duy độc lập, sáng tạo được khuyến khích ngay từ khi các em học sinh mới bước vào trường tiểu học, trong đó sự minh bạch, liêm chính, và tính chuyên nghiệp trong khoa học được nhấn mạnh và thường xuyên củng cố ở bậc đại học, thì những trường hợp đáng tiếc như vừa xảy ra mới có thể được ngăn ngừa một cách hữu hiệu. Bằng không thì việc đạo văn tại Việt Nam sẽ chẳng dừng lại ở một vụ tai tiếng như thế này, mà chắc chắn sẽ có thêm nhiều bài báo phân tích về nguồn gốc văn hóa của nạn đạo văn ở Việt Nam như bài viết này, đã được công bố cách đây 5 năm trên một ấn phẩm quốc tế [2]. Một cách nổi tiếng bất đắc dĩ và có lẽ không ai mong đợi cho Việt Nam trong nỗ lực hội nhập quốc tế.
---------
Chú thích:
[1] Có thể đọc thêm về loại bài tập này ở đây:
http://library.ucsc.edu/help/howto/write-an-annotated-bibliography  [2] Bài viết này của các tác giả McCornack và Pham Thuy Chi đã đăng trên tạp chí Journal in Education for Business (Heldref Publications, 2005): http://dcmccornac.com/aresearch/Old/pedog/TeachinginVietnamMcCornac.pdf   

----------------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :
.
.
.

No comments: